Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

Lịch sử thiết giáp hạm

Có thể nhân loại sẽ không bao giờ được nhìn thấy lại một thứ vũ khí khác với quyền uy thánh thần cùng vẻ đẹp lạnh lẽo chết chóc, đem đến cảm giác choáng ngợp, ngây ngất cho những ai đã từng có may mắn được diện kiến như thiết giáp hạm đã từng. Những tòa lâu đài bọc thép đồ sộ đạp sóng lướt băng trên đại dương cùng những họng pháo gầm thét như sấm dậy là người hùng của những câu chuyện lịch sử hào hùng, của những truyền thuyết được lưu truyền muôn đời và là đề tài tranh luận bất tận cho đến nhiều thế kỷ sau bởi hàng triệu tín đồ của lịch sử và khoa học kỹ thuật quân sự.

Mặc dù đã ra đời từ lâu trước đó, thiết giáp hạm chỉ bắt đầu có sự phát triển đột phá về thiết kế lẫn kích thước vào khoảng từ đầu thế kỷ thứ 20 nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật cùng với sự thúc đẩy của cuộc chạy đua vũ trang trước thềm Đệ Nhất Thế Chiến giữa các cường quốc trên thế giới.
Thiết giáp hạm Dreadnought (1906) 
Một trong những thiết giáp hạm nổi tiếng nhất lịch sử chính là thiết giáp hạm Dreadnought của Anh. Theo lý thuyết chiến tranh ngày trước, các trận hải chiến sẽ bắt đầu bằng các cuộc so pháo tương đối thiếu chính xác ở tầm xa, sau đó tiến đến kết liễu ở tầm gần. Ở tầm kết liễu, các loại pháo nhỏ hơn với tốc độ bắn cao sẽ nhanh chóng hạ gục đối phương hơn so với các loại pháo lớn chậm chạm. Do vậy, mọi thiết giáp hạm thời đó đều được trang bị 2 loại chủ pháo, một lớn hơn cho tầm xa và một nhỏ hơn cho tầm gần. Dreadnought đưa thiết kế của thiết giáp hạm bước sang một trang mới với việc trang bị toàn bộ bằng pháo hạm cùng cỡ thay vì nhiều loại pháo cỡ lớn nhỏ khác nhau. Việc sử dụng một loại pháo duy nhất đem lại ưu thế vô cùng lớn cho hệ thống điều khiển bắn, việc thay thế luân chuyển vị trí pháo thủ và hệ thống cung cấp đạn dược.

Thiết giáp hạm Dreadnought

Dreadnought có vai trò cột mốc quan trọng đến mức sau này người ta thường phân chia thiết giáp hạm ra làm 2 thời kỳ, trước Dreadnought và sau Dreadnought. Dreanought cũng mở đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt trên toàn Thế giới. Chỉ sau vài năm, các thiết giáp hạm đóng mới đều có những bước nhảy vọt về thiết kế, tốc độ, hỏa lực và giáp bảo vệ vượt xa cả Dreadnought và được gọi là thế hệ thiết giáp hạm Super-Dreadnought. Super-Dreadnought được sử dụng kéo dài từ thời Đệ Nhất Thế Chiến, Đệ Nhị Thế Chiến cho đến tận khi thiết giáp hạm trở thành một thứ vũ khí lỗi thời vô dụng và bị loại bỏ hoàn toàn.
Thiết giáp hạm South Carolina (1908)
Mặc dù không được nhiều người biết đến như Dreadnought, South Carolina (hay thiết giáp hạm cùng lớp Michigan) thậm chí đóng vai trò lịch sử còn quan trọng hơn cả Dreadnought khi đó là thiết giáp hạm tiên phong đưa ra thiết kế mà sau này sẽ trở thành chuẩn mực cuối cùng của mọi thiết giáp hạm: Toàn bộ chủ pháo nằm đồng trục và tháp pháo sau đặt cao qua đầu tháp pháo trước. Thiết kế này lập tức biến mọi thiết giáp hạm đang hiện hữu trên Thế giới trở nên lỗi thời, kể cả thiết giáp hạm Dreadnought lừng danh vừa ra đời hơn một năm trước. Và chỉ một thời gian ngắn sau đó, các thiết giáp hạm với thiết kế lỗi thời kiểu Dreadnought trở về trước dần biến mất hẳn khỏi hải quân của các cường quốc.  
Theo tư duy thông thường, giáp bảo vệ cho các loại khí tài chiến tranh hay ngay cả con người thường sẽ được bố trí theo phương thức: Diện tích che chắn càng lớn càng tốt, trong đó các khu vực quan trọng sống còn sẽ được bảo vệ bởi lớp giáp dày hơn trong các khu vực khác càng ít quan trọng thì sẽ được bảo vệ bởi lớp giáp càng mỏng. Cách bố trí giáp này tỏ ra có hiệu quả trong thời kỳ mà hải chiến chủ yếu xảy ra ở tầm gần với cỡ pháo nhỏ. Theo thời gian, kích thước pháo ngày càng tăng dần, cùng với đó là hệ thống điều khiển bắn ngày càng hoàn thiện khiến độ chính xác tầm xa của pháo trở nên vô cùng đáng sợ. Một hiểm họa dần hiện rõ: Do giáp sàn quá mỏng, không một thiết giáp hạm hiện hữu nào có khả năng chống nổi đạn pháo tầm xa nếu chúng rót trúng sàn tàu. Ngoài ra, với khả năng xuyên phá ngày càng mạnh của cỡ đạn lớn, chỉ một phát đạn trúng vào khu vực tháp pháo sẽ đủ để đánh chìm cả thiết giáp hạm do nổ kho đạn.

Do trọng lượng giáp bảo vệ có tỉ lệ tương ứng với tải trọng của tàu, tăng độ dày giáp sàn hay giáp tháp pháo sẽ khiến giáp ở những vị trí khác lại càng mỏng hơn. Đứng trước bài toán hóc búa đó, các kỹ sư thiết kế của Mỹ đề xuất một ý tưởng vô cùng táo bạo: Tăng cường tối đa giáp bảo vệ sàn tàu và những khu vực sống còn như tháp pháo, máy tàu, hệ thống điều khiển bắn... đồng thời bỏ trống hoàn toàn những khu vực kém quan trọng hơn. Cách bố trí giáp này đòi hỏi sự thay đổi hoàn toàn về thiết kế của thiết giáp hạm, cả bên ngoài lẫn bên trong: Các bộ phận quan trọng phải được kéo sát gần nhau thành một cụm và số lượng tháp pháo giảm xuống tối đa để giảm thiểu diện tích cần bảo vệ. Có thể hình dung đơn giản, kiểu giáp "Tối đa hoặc bỏ trống" này là một khối bọc thép nằm trong lòng thiết giáp hạm, nơi mà các bộ phận quan trọng sống còn của tàu cùng phần lớn thủy thủ đoàn sẽ nằm trong đó. Bên ngoài khối thép đó, giáp bảo vệ gần như không hiện hữu. Theo lý thuyết, khi bên trong pháo đài "thép trong thép" này còn sống sót, thiết giáp hạm vẫn còn sống sót và chiến đấu.

Nevada là thiết giáp hạm đầu tiên áp dụng cách bố trí giáp này cùng toàn bộ thế hệ thiết giáp hạm chuẩn của Mỹ sau đó. Cách bố trí giáp này về sau được hải quân Anh và Đồng Minh áp dụng khá triệt để để trong khi Đức và Nhật vẫn chọn kiểu bố trí giáp chia đều cũ. Tính hiệu quả của cách bố trí giáp "Tối đa hoặc bỏ trống" này chưa bao giờ được kiểm chứng rõ ràng trong thực tế do có quá ít các trận hải chiến giữa các thiết giáp hạm xảy ra sau đó. Hầu hết các thiết giáp hạm đều bị kết thúc số phận bởi bom và ngư lôi từ tàu chiến, tàu ngầm hay máy bay.  
Thế hệ thiết giáp hạm chuẩn (1916 - 1923)  
Một vấn đề đau đầu khác của các cấp chỉ huy là hạm đội các nước thường sở hữu cùng lúc nhiều thế hệ thiết giáp hạm cũ mới khác nhau, trong đó các thiết giáp hạm mới thường nhanh hơn, mạnh hơn. Khi bước vào trận hải chiến, các Đô đốc buộc phải phải chia lực lượng thiết giáp hạm của mình ra làm 2 đội hình riêng biệt, đội hình tốc độ cao và đội hình tốc độ thấp, nếu không các thiết giáp hạm sẽ lạc đội hình khi di chuyển hay va chạm nhau khi đổi hướng. Trong những trận đánh căng thẳng, chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ dễ dàng gây ra hỗn loạn trong đội hình chiến đấu. Để giành ưu thế về mặt chiến thuật, các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ quyết định mọi thiết giáp hạm của họ về sau sẽ có chung những thông số chiến thuật quan trọng như cùng tốc độ 21 dặm/giờ, bán kính quay đầu 650 m, cách bố trí tháp pháo 2 trước 2 sau... để cho tất cả thiết giáp hạm thuộc các lớp khác nhau đều có thể đứng chung một đội hình chiến đấu. Thế hệ thiết giáp hạm chuẩn này bao gồm 12 thiết giáp hạm thuộc 5 lớp khác nhau được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 1916 đến 1923:
- Lớp Nevada: BB-36 Nevada, BB-37 Oklahoma
- Lớp Pennsylvania: BB-38 Pennsylvania, BB-39 Arizona
- Lớp New Mexico: BB-40 New Mexico, BB-41 Mississippi, BB-42 Idaho
- Lớp Tennessee: BB-43 Tennessee, BB-44 California
- Lớp Colorado: BB-45 Colorado, BB-46 Maryland, BB-47 Washington (bỏ dở), BB-48 West Virginia
Theo quan điểm cá nhân thì thời kỳ thiết giáp hạm chuẩn chính là thời kỳ các thiết giáp hạm của Mỹ có thiết kế đẹp mắt nhất. Bên cạnh đó, trừ yếu tố tốc độ hạn chế do thiết kế ban đầu, các thiết giáp hạm thời kỳ này vẫn giữ tính năng chiến đấu hầu như không thua kém những thế hệ thiết giáp hạm hiện đại hơn ra đời hàng chục năm sau đó của phe Trục.  
Kỷ nguyên của thiết giáp hạm tốc độ cao (1913)  
Không có cột mốc chính thức nào để xác định thiết giáp hạm tốc độ cao. Tuy nhiên, có thể xem 3 thiết giáp hạm sau đây là những thiết giáp hạm tiên phong đã tạo bước nhảy vọt về tốc độ so với các thiết giáp hạm cùng thời, mở ra kỷ nguyên của thiết giáp hạm tốc độ cao, xóa nhòa ranh giới giữa thiết giáp hạm và tuần dương thiết giáp hạm.

Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có giới hạn kỹ thuật, yếu tố kinh tế và cả lý thuyết chiến tranh hiện hữu, tất cả thiết giáp hạm của các quốc gia đều có chung một tốc độ tối đa là 21 dặm/giờ trong một thời gian khá dài. Anh là quốc gia đầu tiên hạ thủy lớp thiết giáp hạm mới vượt qua giới hạn này vào năm 1913. Để đạt được tốc độ dự kiến 25 dặm/giờ, thiết giáp hạm lớp Queen Elizabeth sử dụng toàn bộ nhiên liệu đốt là dầu thay vì kết hợp dầu và than, một quyết định khá liều lĩnh vì dầu khá hiếm và nguồn cung không bảo đảm trong trường hợp có chiến tranh. Queen Elizabeth cũng là thiết giáp hạm đầu tiên trên Thế giới trang bị pháo 15 inch, biến nó thành thiết giáp hạm mạnh và nhanh nhất Thế giới vào lúc đó. Tuy nhiên, do bị quá tải thiết kế, Queen Elizabeth cuối cùng chỉ đạt được tốc độ 23 dặm/giờ khi hoàn thành, tuy nhiên, đó cũng đủ để nhiều người nhận định rằng Queen Elizabeth chính là thiết giáp hạm tốc độ cao đầu tiên, mở đầu cho cuộc chạy đua về tốc độ của thiết giáp hạm.

6 năm sau khi Queen Elizabeth lần đầu tiên phá bỏ cột mốc 21 dặm/giờ, một thiết giáp hạm khác đến từ một quốc gia được xem là còn khá yếu kém và lạc hậu cả về kinh tế lẫn công nghệ, thiết giáp hạm Nagato của Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã đẩy cột mốc này lên cao hơn nữa khi đạt tốc độ lên đến 26.5 dặm/giờ. Tuy nhiên, tốc độ thực này được Hải quân Nhật Bản giữ bí mật hoàn toàn và các quốc gia khác đều tin vào tốc độ chính thức 23 dặm/giờ trên giấy tờ của Nagato trong suốt một thời gian khá lâu.

Thiết giáp hạm Nagato
Theo một cách nào đó, có thể nói thiết giáp hạm Dunkerque của Pháp mới chính thức là thiết giáp hạm tốc độ thật sự đầu tiên. Trong suốt 2 thập kỷ, từ 1920 đến 1937, với tốc độ 29.5 dặm/giờ, Dunkerque nhanh hơn mọi thiết giáp hạm khác trên Thế giới đến 7 dặm/giờ. Đây là sự chênh lệch tốc độ khó tin giữa các thiết giáp hạm cùng thời kỳ. Dunkerque ra đời nhằm mục đích đối đầu, truy kích những đột kích hạm lớp Deutschland của Đức. Do thiết kế và đặc tính khác thường của mình (tốc độ cao, giáp tương đối mỏng, pháo nhỏ và chỉ có 2 tháp pháo chính đều đặt ở phía trước), Dunkerque thường được xếp vào nhiều loại tàu chiến khác nhau: thiết giáp hạm, thiết giáp hạm bỏ túi, thiết giáp hạm tốc độ cao, tuần dương thiết giáp hạm.

Về sau này, khi sự phát triển của thiết giáp hạm đã gần chạm đến những nấc thang cuối cùng, các thiết giáp hạm có tốc độ khoảng từ 28-29 dặm/giờ trở lên thường được xem chung là thiết giáp hạm tốc độ cao. Khi thiết giáp hạm chạm đến và vượt qua ngưỡng tốc độ 30 dặm/giờ, đó cũng là dấu chấm hết cho sự tồn tại của tuần dương thiết giáp hạm. Tuần dương thiết giáp hạm với trị giá tương đương, kích thước và tải trọng tương đương trong khi ưu thế về tốc độ không còn đáng kể lại có thể dễ dàng tan xác ở bất kỳ khoảnh khắc nào trong những trận hải chiến bỗng nhiên trở thành một lựa chọn quá kém thuyết phục. Không quốc gia nào cho ra đời thêm bất kỳ một tuần dương thiết giáp hạm mới nào nữa sau khi thiết giáp hạm tốc độ cao chính thức lên ngôi, ngoại trừ trường hợp khá đặc biệt của Alaska, loại tàu mà đến tận ngày nay vẫn còn tiếp tục gây tranh cãi về cách xếp loại chính xác cho nó.
Thiết giáp hạm hiệp ước (1922)  
Sau Đệ Nhất Thế Chiến, để tránh lặp lại cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt và tốn kém đã dẫn đến cuộc chiến tàn khốc sau đó, các cường quốc quyết định ngồi lại với nhau và ký kết một hiệp ước giới hạn tải trọng và cỡ pháo của các loại tàu chiến cùng số lượng chủ hạm mà mỗi quốc gia được sở hữu. 3 tháng thương thuyết hiệp ước là một cuộc đấu trí đầy căng thẳng và cam go, quốc gia nào cũng muốn bẻ hiệp ước theo hướng có lợi cho nước mình nhất.

Ban đầu, Mỹ đề xuất giới hạn tải trọng thiết giáp hạm ở mức 32.500 tấn, bằng với tải trọng của lớp thiết giáp hạm Colorado mà họ đang đóng, đồng thời giới hạn cỡ pháo là 16 inch, cũng là cỡ pháo của lớp Colorado.
Nhật Bản đồng ý với cỡ pháo lớn 16 inch vì họ cũng không muốn bỏ cặp pháo 16 inch trên hai thiết giáp hạm Nagato và Mutsu đang sắp hoàn thành.
Anh thì ngược lại, kịch liệt phản đối cỡ pháo 16 inch, cho rằng pháo 15 inch là đã quá thừa cho một thiết giáp hạm cỡ 32.500 tấn. Tất nhiên, nếu chọn giới hạn pháo 15 inch, nước Anh cũng sẽ rất có lợi vì toàn bộ lực lượng thiết giáp hạm của họ hiện đang xây dựng trên cỡ pháo này.
Cuối cùng, do Mỹ cương quyết đòi giữ cỡ pháo 16 inch, Anh phải đành nhượng bộ nhưng yêu cầu tăng giới hạn tải trọng lên 35.000 tấn để giáp bảo vệ có thể tương ứng với pháo 16 inch. Cuối cùng, sau nhiều giằng co căng thẳng, hiệp ước Washington đã được ký kết với các điểm chính:
- Mọi thiết giáp hạm chỉ được phép có tải trọng tối đa là 35.000 tấn và pháo 16 inch.
- Đóng băng việc đóng mới thiết giáp hạm. Các quốc gia không được đóng mới thêm thiết giáp hạm và chỉ được thay thế thiết giáp hạm hiện có khi nó đã đủ 20 năm tuổi.
- Các thiết giáp hạm hiện có cũng không được phép nâng cấp thêm ngoại trừ nâng cấp chống bom và chống ngư lôi.

Chính những hạn chế ngặt nghèo của hiệp ước đã dẫn đến thay đổi hoàn toàn tư duy thiết kế và công nghệ chế tạo thiết giáp hạm sau đó. Rất nhiều sáng kiến và phát minh đã ra đời trong thời kỳ này nhằm chiến thắng giới hạn tải trọng. Đây có lẽ chính là thời kỳ mà thiết giáp hạm có bước nhảy vọt lớn nhất về thiết kế và công nghệ.

Mọi thiết giáp hạm ra đời từ sau hiệp ước cho đến năm 1934 đều tuân thủ chặt chẽ hiệp ước này và thường được gọi chung là thiết giáp hạm hiệp ước. Những thiết giáp hạm hiệp ước điển hình gồm có Scharnhorst của Đức, Rodney của Anh và North Carolina của Mỹ.
Thiết giáp hạm phi hiệp ước  
Ức chế dai dẳng vì bị chèn ép bởi Anh và Mỹ trên hiệp ước Washington, đồng thời nhận thức rõ hiểm họa của việc để hạm đội bị khống chế từ số lượng đến chất lượng trong trường hợp xảy ra xung đột với Mỹ trong tương lai (chỉ là vấn đề thời gian), năm 1934, Nhật Bản rút khỏi hiệp ước và bắt đầu đóng các thiết giáp hạm "phá rào" khổng lồ với ý định dùng chất lượng chống lại số lượng của hạm đội Anh - Mỹ. Triết lý của Nhật Bản khá đơn giản, nếu không thể đối đầu với hạm đội Anh - Mỹ bằng số lượng thì mỗi thiết giáp hạm của họ phải đủ khả năng đương đầu cùng lúc với nhiều thiết giáp hạm kẻ thù để bù lại.

Trước hành động này của Nhật Bản, các nước còn lại lập tức đáp trả bằng cách kích hoạt điều khoản phụ của hiệp ước và hạ thủy các thiết giáp hạm mới với tải trọng lên đến 45.000 tấn. Cuộc tái chạy đua vũ trang trên biển chính thức bùng phát trở lại. Sau khi chiến tranh bùng nổ, tất nhiên mọi hiệp ước đều mất hết giá trị và các nước lập tức lao vào đóng các thiết giáp hạm mới lớn-nhanh-mạnh đến mức có thể với tốc độ điên cuồng. Các thiết giáp hạm này được gọi là thiết giáp hạm phi hiệp ước. Những thiết giáp hạm phi hiệp ước nổi tiếng nhất gồm có Bismarck của Đức, Missouri của Mỹ và Yamato, Musashi của Nhật Bản.  
Siêu thiết giáp hạm và sự kết thúc của một triều đại (1941 - 1945)  
Từ khi thế hệ thiết giáp hạm tốc độ cao ra đời, thiết giáp hạm trở nên đa năng hơn và bắt đầu đảm nhận thêm nhiều vai trò mà trước đó được thực thi bởi lực lượng tuần dương thiết giáp hạm, tuần dương hạm hay khu trục hạm như hộ tống tàu sân bay, trinh sát hạm đội, hỗ trợ phòng không, đột kích hải đoàn hay ngược lại, truy đuổi những kẻ đột kích...

Tuy nhiên, ý tưởng về một loại thiết giáp hạm tối thượng, một loại thiết giáp hạm thuần túy được thiết kế cho mục đích đọ pháo dành cho trận đại chiến quyết định giữa hai hạm đội vẫn luôn ám ảnh các bậc chỉ huy, các nhà lãnh đạo trên thế giới. Vì vậy, dù vô cùng tốn kém với tính năng giới hạn và cơ hội sử dụng khá mập mờ, các quốc gia đều ráo riết chuẩn bị cho ra đời những thiết giáp hạm kích thước khổng lồ với vỏ giáp cực kỳ chắc chắn và kích cỡ pháo tối thượng, sẵn sàng để đập tan hạm đội kẻ thù trong một trận hải chiến cổ điển giữa các thiết giáp hạm với nhau. Những thiết giáp hạm khổng lồ này thường được gọi là siêu thiết giáp hạm.

Yamato - thiết giáp hạm lớn nhất mà con người từng chế tạo
Với Mỹ, đó là siêu thiết giáp hạm 65.000 tấn Montana trang bị 12 pháo 16 inch. Đức theo đuổi dự án siêu thiết giáp hạm H với 5 phiên bản khác nhau, trong đó phiên bản siêu khổng lồ H.44 có tải trọng hoang tưởng lên đến 131.000 tấn, trang bị 8 pháo 20 inch. Ngay cả Liên Bang Xô Viết cũng không chịu đứng ngoài cuộc đua với siêu thiết giáp hạm 59.000 tấn Sovetsky Soyuz trang bị 9 pháo 16 inch. Cuối cùng là Nhật Bản với siêu thiết giáp hạm Yamato trang bị pháo 18 inch và Super Yamato trang bị pháo 20 inch. Trong tất cả những dự án siêu thiết giáp hạm của các nước, chỉ có Yamato là kịp hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Các dự án siêu thiết giáp hạm khác đều bị hủy bỏ sau khi chiến tranh nổ ra vì mọi người đều nhận ra rằng, cho đến tận khi chiến tranh kết thúc, rất có thể chúng vẫn chưa kịp hoàn thành.
Một điều trớ trêu là vào năm 1941, năm mà lớp siêu thiết giáp hạm đầu tiên và cũng là duy nhất trên Thế giới rẽ sóng bước ra đại dương để chứng tỏ quyền uy tối thượng của mình thì cũng là năm mà mọi giá trị của thiết giáp hạm bị sụp đổ hoàn toàn. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, có liên tiếp ít nhất 7 thiết giáp hạm bị đánh chìm bởi các phi cơ ném bom và phóng lôi, trong đó có cả những thiết giáp hạm được xem như là những con quái vật bất khả xâm phạm trên đại dương như Bismarck của Đức hay Prince of Wales của Anh. Càng trớ trêu hơn khi đa phần trong số thiết giáp hạm bị đánh chìm là do chính chiến đấu cơ Nhật Bản từ tàu sân bay hay đất liền thực hiện.
Nhật Bản là quốc gia đã hạ thủy thành công lớp siêu thiết giáp hạm duy nhất trong lịch sử, và cũng chính Nhật Bản là quốc gia đã chỉ ra cho Thế giới cái cách để có thể dễ dàng vô hiệu hóa nó. Siêu thiết giáp hạm với sự tốn kém khủng khiếp về nguyên vật liệu, thời gian, nhân lực và trí lực để hoàn thành lại tỏ ra quá yếu ớt đến thảm hại trước những chiếc phi cơ nhỏ bé mang theo những quả bom hay ngư lôi mà gần như vô giá trị nếu đem ra so sánh cùng. Siêu thiết giáp hạm Musashi bị đánh chìm vào năm 1944 bởi 17 bom và 20 ngư lôi trong khi Yamato cũng chôn mình dưới đáy biển sâu vào năm 1945 sau khi phải nhận 6 bom và 11 ngư lôi.
Sau năm 1945, thiết giáp hạm chấm dứt hoàn toàn vai trò lịch sử của mình. Các thiết giáp hạm đều bị xẻ ra làm sắt vụn. Một vài chiếc hiếm hoi vẫn được các quốc gia thắng cuộc giữ lại nhưng có lẽ chỉ vì họ vẫn còn một chút luyến tiếc gì đó với những cỗ máy chiến tranh một thời lừng lẫy. Ngày nay, thiết giáp hạm đã biến mất hoàn toàn và chỉ còn hiện hữu trong viện bảo tàng hay trong những cuốn sách tra cứu lịch sử.