Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

Lịch sử thiết giáp hạm

Có thể nhân loại sẽ không bao giờ được nhìn thấy lại một thứ vũ khí khác với quyền uy thánh thần cùng vẻ đẹp lạnh lẽo chết chóc, đem đến cảm giác choáng ngợp, ngây ngất cho những ai đã từng có may mắn được diện kiến như thiết giáp hạm đã từng. Những tòa lâu đài bọc thép đồ sộ đạp sóng lướt băng trên đại dương cùng những họng pháo gầm thét như sấm dậy là người hùng của những câu chuyện lịch sử hào hùng, của những truyền thuyết được lưu truyền muôn đời và là đề tài tranh luận bất tận cho đến nhiều thế kỷ sau bởi hàng triệu tín đồ của lịch sử và khoa học kỹ thuật quân sự.

Mặc dù đã ra đời từ lâu trước đó, thiết giáp hạm chỉ bắt đầu có sự phát triển đột phá về thiết kế lẫn kích thước vào khoảng từ đầu thế kỷ thứ 20 nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật cùng với sự thúc đẩy của cuộc chạy đua vũ trang trước thềm Đệ Nhất Thế Chiến giữa các cường quốc trên thế giới.
Thiết giáp hạm Dreadnought (1906) 
Một trong những thiết giáp hạm nổi tiếng nhất lịch sử chính là thiết giáp hạm Dreadnought của Anh. Theo lý thuyết chiến tranh ngày trước, các trận hải chiến sẽ bắt đầu bằng các cuộc so pháo tương đối thiếu chính xác ở tầm xa, sau đó tiến đến kết liễu ở tầm gần. Ở tầm kết liễu, các loại pháo nhỏ hơn với tốc độ bắn cao sẽ nhanh chóng hạ gục đối phương hơn so với các loại pháo lớn chậm chạm. Do vậy, mọi thiết giáp hạm thời đó đều được trang bị 2 loại chủ pháo, một lớn hơn cho tầm xa và một nhỏ hơn cho tầm gần. Dreadnought đưa thiết kế của thiết giáp hạm bước sang một trang mới với việc trang bị toàn bộ bằng pháo hạm cùng cỡ thay vì nhiều loại pháo cỡ lớn nhỏ khác nhau. Việc sử dụng một loại pháo duy nhất đem lại ưu thế vô cùng lớn cho hệ thống điều khiển bắn, việc thay thế luân chuyển vị trí pháo thủ và hệ thống cung cấp đạn dược.

Thiết giáp hạm Dreadnought

Dreadnought có vai trò cột mốc quan trọng đến mức sau này người ta thường phân chia thiết giáp hạm ra làm 2 thời kỳ, trước Dreadnought và sau Dreadnought. Dreanought cũng mở đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt trên toàn Thế giới. Chỉ sau vài năm, các thiết giáp hạm đóng mới đều có những bước nhảy vọt về thiết kế, tốc độ, hỏa lực và giáp bảo vệ vượt xa cả Dreadnought và được gọi là thế hệ thiết giáp hạm Super-Dreadnought. Super-Dreadnought được sử dụng kéo dài từ thời Đệ Nhất Thế Chiến, Đệ Nhị Thế Chiến cho đến tận khi thiết giáp hạm trở thành một thứ vũ khí lỗi thời vô dụng và bị loại bỏ hoàn toàn.
Thiết giáp hạm South Carolina (1908)
Mặc dù không được nhiều người biết đến như Dreadnought, South Carolina (hay thiết giáp hạm cùng lớp Michigan) thậm chí đóng vai trò lịch sử còn quan trọng hơn cả Dreadnought khi đó là thiết giáp hạm tiên phong đưa ra thiết kế mà sau này sẽ trở thành chuẩn mực cuối cùng của mọi thiết giáp hạm: Toàn bộ chủ pháo nằm đồng trục và tháp pháo sau đặt cao qua đầu tháp pháo trước. Thiết kế này lập tức biến mọi thiết giáp hạm đang hiện hữu trên Thế giới trở nên lỗi thời, kể cả thiết giáp hạm Dreadnought lừng danh vừa ra đời hơn một năm trước. Và chỉ một thời gian ngắn sau đó, các thiết giáp hạm với thiết kế lỗi thời kiểu Dreadnought trở về trước dần biến mất hẳn khỏi hải quân của các cường quốc.  
Theo tư duy thông thường, giáp bảo vệ cho các loại khí tài chiến tranh hay ngay cả con người thường sẽ được bố trí theo phương thức: Diện tích che chắn càng lớn càng tốt, trong đó các khu vực quan trọng sống còn sẽ được bảo vệ bởi lớp giáp dày hơn trong các khu vực khác càng ít quan trọng thì sẽ được bảo vệ bởi lớp giáp càng mỏng. Cách bố trí giáp này tỏ ra có hiệu quả trong thời kỳ mà hải chiến chủ yếu xảy ra ở tầm gần với cỡ pháo nhỏ. Theo thời gian, kích thước pháo ngày càng tăng dần, cùng với đó là hệ thống điều khiển bắn ngày càng hoàn thiện khiến độ chính xác tầm xa của pháo trở nên vô cùng đáng sợ. Một hiểm họa dần hiện rõ: Do giáp sàn quá mỏng, không một thiết giáp hạm hiện hữu nào có khả năng chống nổi đạn pháo tầm xa nếu chúng rót trúng sàn tàu. Ngoài ra, với khả năng xuyên phá ngày càng mạnh của cỡ đạn lớn, chỉ một phát đạn trúng vào khu vực tháp pháo sẽ đủ để đánh chìm cả thiết giáp hạm do nổ kho đạn.

Do trọng lượng giáp bảo vệ có tỉ lệ tương ứng với tải trọng của tàu, tăng độ dày giáp sàn hay giáp tháp pháo sẽ khiến giáp ở những vị trí khác lại càng mỏng hơn. Đứng trước bài toán hóc búa đó, các kỹ sư thiết kế của Mỹ đề xuất một ý tưởng vô cùng táo bạo: Tăng cường tối đa giáp bảo vệ sàn tàu và những khu vực sống còn như tháp pháo, máy tàu, hệ thống điều khiển bắn... đồng thời bỏ trống hoàn toàn những khu vực kém quan trọng hơn. Cách bố trí giáp này đòi hỏi sự thay đổi hoàn toàn về thiết kế của thiết giáp hạm, cả bên ngoài lẫn bên trong: Các bộ phận quan trọng phải được kéo sát gần nhau thành một cụm và số lượng tháp pháo giảm xuống tối đa để giảm thiểu diện tích cần bảo vệ. Có thể hình dung đơn giản, kiểu giáp "Tối đa hoặc bỏ trống" này là một khối bọc thép nằm trong lòng thiết giáp hạm, nơi mà các bộ phận quan trọng sống còn của tàu cùng phần lớn thủy thủ đoàn sẽ nằm trong đó. Bên ngoài khối thép đó, giáp bảo vệ gần như không hiện hữu. Theo lý thuyết, khi bên trong pháo đài "thép trong thép" này còn sống sót, thiết giáp hạm vẫn còn sống sót và chiến đấu.

Nevada là thiết giáp hạm đầu tiên áp dụng cách bố trí giáp này cùng toàn bộ thế hệ thiết giáp hạm chuẩn của Mỹ sau đó. Cách bố trí giáp này về sau được hải quân Anh và Đồng Minh áp dụng khá triệt để để trong khi Đức và Nhật vẫn chọn kiểu bố trí giáp chia đều cũ. Tính hiệu quả của cách bố trí giáp "Tối đa hoặc bỏ trống" này chưa bao giờ được kiểm chứng rõ ràng trong thực tế do có quá ít các trận hải chiến giữa các thiết giáp hạm xảy ra sau đó. Hầu hết các thiết giáp hạm đều bị kết thúc số phận bởi bom và ngư lôi từ tàu chiến, tàu ngầm hay máy bay.  
Thế hệ thiết giáp hạm chuẩn (1916 - 1923)  
Một vấn đề đau đầu khác của các cấp chỉ huy là hạm đội các nước thường sở hữu cùng lúc nhiều thế hệ thiết giáp hạm cũ mới khác nhau, trong đó các thiết giáp hạm mới thường nhanh hơn, mạnh hơn. Khi bước vào trận hải chiến, các Đô đốc buộc phải phải chia lực lượng thiết giáp hạm của mình ra làm 2 đội hình riêng biệt, đội hình tốc độ cao và đội hình tốc độ thấp, nếu không các thiết giáp hạm sẽ lạc đội hình khi di chuyển hay va chạm nhau khi đổi hướng. Trong những trận đánh căng thẳng, chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ dễ dàng gây ra hỗn loạn trong đội hình chiến đấu. Để giành ưu thế về mặt chiến thuật, các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ quyết định mọi thiết giáp hạm của họ về sau sẽ có chung những thông số chiến thuật quan trọng như cùng tốc độ 21 dặm/giờ, bán kính quay đầu 650 m, cách bố trí tháp pháo 2 trước 2 sau... để cho tất cả thiết giáp hạm thuộc các lớp khác nhau đều có thể đứng chung một đội hình chiến đấu. Thế hệ thiết giáp hạm chuẩn này bao gồm 12 thiết giáp hạm thuộc 5 lớp khác nhau được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 1916 đến 1923:
- Lớp Nevada: BB-36 Nevada, BB-37 Oklahoma
- Lớp Pennsylvania: BB-38 Pennsylvania, BB-39 Arizona
- Lớp New Mexico: BB-40 New Mexico, BB-41 Mississippi, BB-42 Idaho
- Lớp Tennessee: BB-43 Tennessee, BB-44 California
- Lớp Colorado: BB-45 Colorado, BB-46 Maryland, BB-47 Washington (bỏ dở), BB-48 West Virginia
Theo quan điểm cá nhân thì thời kỳ thiết giáp hạm chuẩn chính là thời kỳ các thiết giáp hạm của Mỹ có thiết kế đẹp mắt nhất. Bên cạnh đó, trừ yếu tố tốc độ hạn chế do thiết kế ban đầu, các thiết giáp hạm thời kỳ này vẫn giữ tính năng chiến đấu hầu như không thua kém những thế hệ thiết giáp hạm hiện đại hơn ra đời hàng chục năm sau đó của phe Trục.  
Kỷ nguyên của thiết giáp hạm tốc độ cao (1913)  
Không có cột mốc chính thức nào để xác định thiết giáp hạm tốc độ cao. Tuy nhiên, có thể xem 3 thiết giáp hạm sau đây là những thiết giáp hạm tiên phong đã tạo bước nhảy vọt về tốc độ so với các thiết giáp hạm cùng thời, mở ra kỷ nguyên của thiết giáp hạm tốc độ cao, xóa nhòa ranh giới giữa thiết giáp hạm và tuần dương thiết giáp hạm.

Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có giới hạn kỹ thuật, yếu tố kinh tế và cả lý thuyết chiến tranh hiện hữu, tất cả thiết giáp hạm của các quốc gia đều có chung một tốc độ tối đa là 21 dặm/giờ trong một thời gian khá dài. Anh là quốc gia đầu tiên hạ thủy lớp thiết giáp hạm mới vượt qua giới hạn này vào năm 1913. Để đạt được tốc độ dự kiến 25 dặm/giờ, thiết giáp hạm lớp Queen Elizabeth sử dụng toàn bộ nhiên liệu đốt là dầu thay vì kết hợp dầu và than, một quyết định khá liều lĩnh vì dầu khá hiếm và nguồn cung không bảo đảm trong trường hợp có chiến tranh. Queen Elizabeth cũng là thiết giáp hạm đầu tiên trên Thế giới trang bị pháo 15 inch, biến nó thành thiết giáp hạm mạnh và nhanh nhất Thế giới vào lúc đó. Tuy nhiên, do bị quá tải thiết kế, Queen Elizabeth cuối cùng chỉ đạt được tốc độ 23 dặm/giờ khi hoàn thành, tuy nhiên, đó cũng đủ để nhiều người nhận định rằng Queen Elizabeth chính là thiết giáp hạm tốc độ cao đầu tiên, mở đầu cho cuộc chạy đua về tốc độ của thiết giáp hạm.

6 năm sau khi Queen Elizabeth lần đầu tiên phá bỏ cột mốc 21 dặm/giờ, một thiết giáp hạm khác đến từ một quốc gia được xem là còn khá yếu kém và lạc hậu cả về kinh tế lẫn công nghệ, thiết giáp hạm Nagato của Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã đẩy cột mốc này lên cao hơn nữa khi đạt tốc độ lên đến 26.5 dặm/giờ. Tuy nhiên, tốc độ thực này được Hải quân Nhật Bản giữ bí mật hoàn toàn và các quốc gia khác đều tin vào tốc độ chính thức 23 dặm/giờ trên giấy tờ của Nagato trong suốt một thời gian khá lâu.

Thiết giáp hạm Nagato
Theo một cách nào đó, có thể nói thiết giáp hạm Dunkerque của Pháp mới chính thức là thiết giáp hạm tốc độ thật sự đầu tiên. Trong suốt 2 thập kỷ, từ 1920 đến 1937, với tốc độ 29.5 dặm/giờ, Dunkerque nhanh hơn mọi thiết giáp hạm khác trên Thế giới đến 7 dặm/giờ. Đây là sự chênh lệch tốc độ khó tin giữa các thiết giáp hạm cùng thời kỳ. Dunkerque ra đời nhằm mục đích đối đầu, truy kích những đột kích hạm lớp Deutschland của Đức. Do thiết kế và đặc tính khác thường của mình (tốc độ cao, giáp tương đối mỏng, pháo nhỏ và chỉ có 2 tháp pháo chính đều đặt ở phía trước), Dunkerque thường được xếp vào nhiều loại tàu chiến khác nhau: thiết giáp hạm, thiết giáp hạm bỏ túi, thiết giáp hạm tốc độ cao, tuần dương thiết giáp hạm.

Về sau này, khi sự phát triển của thiết giáp hạm đã gần chạm đến những nấc thang cuối cùng, các thiết giáp hạm có tốc độ khoảng từ 28-29 dặm/giờ trở lên thường được xem chung là thiết giáp hạm tốc độ cao. Khi thiết giáp hạm chạm đến và vượt qua ngưỡng tốc độ 30 dặm/giờ, đó cũng là dấu chấm hết cho sự tồn tại của tuần dương thiết giáp hạm. Tuần dương thiết giáp hạm với trị giá tương đương, kích thước và tải trọng tương đương trong khi ưu thế về tốc độ không còn đáng kể lại có thể dễ dàng tan xác ở bất kỳ khoảnh khắc nào trong những trận hải chiến bỗng nhiên trở thành một lựa chọn quá kém thuyết phục. Không quốc gia nào cho ra đời thêm bất kỳ một tuần dương thiết giáp hạm mới nào nữa sau khi thiết giáp hạm tốc độ cao chính thức lên ngôi, ngoại trừ trường hợp khá đặc biệt của Alaska, loại tàu mà đến tận ngày nay vẫn còn tiếp tục gây tranh cãi về cách xếp loại chính xác cho nó.
Thiết giáp hạm hiệp ước (1922)  
Sau Đệ Nhất Thế Chiến, để tránh lặp lại cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt và tốn kém đã dẫn đến cuộc chiến tàn khốc sau đó, các cường quốc quyết định ngồi lại với nhau và ký kết một hiệp ước giới hạn tải trọng và cỡ pháo của các loại tàu chiến cùng số lượng chủ hạm mà mỗi quốc gia được sở hữu. 3 tháng thương thuyết hiệp ước là một cuộc đấu trí đầy căng thẳng và cam go, quốc gia nào cũng muốn bẻ hiệp ước theo hướng có lợi cho nước mình nhất.

Ban đầu, Mỹ đề xuất giới hạn tải trọng thiết giáp hạm ở mức 32.500 tấn, bằng với tải trọng của lớp thiết giáp hạm Colorado mà họ đang đóng, đồng thời giới hạn cỡ pháo là 16 inch, cũng là cỡ pháo của lớp Colorado.
Nhật Bản đồng ý với cỡ pháo lớn 16 inch vì họ cũng không muốn bỏ cặp pháo 16 inch trên hai thiết giáp hạm Nagato và Mutsu đang sắp hoàn thành.
Anh thì ngược lại, kịch liệt phản đối cỡ pháo 16 inch, cho rằng pháo 15 inch là đã quá thừa cho một thiết giáp hạm cỡ 32.500 tấn. Tất nhiên, nếu chọn giới hạn pháo 15 inch, nước Anh cũng sẽ rất có lợi vì toàn bộ lực lượng thiết giáp hạm của họ hiện đang xây dựng trên cỡ pháo này.
Cuối cùng, do Mỹ cương quyết đòi giữ cỡ pháo 16 inch, Anh phải đành nhượng bộ nhưng yêu cầu tăng giới hạn tải trọng lên 35.000 tấn để giáp bảo vệ có thể tương ứng với pháo 16 inch. Cuối cùng, sau nhiều giằng co căng thẳng, hiệp ước Washington đã được ký kết với các điểm chính:
- Mọi thiết giáp hạm chỉ được phép có tải trọng tối đa là 35.000 tấn và pháo 16 inch.
- Đóng băng việc đóng mới thiết giáp hạm. Các quốc gia không được đóng mới thêm thiết giáp hạm và chỉ được thay thế thiết giáp hạm hiện có khi nó đã đủ 20 năm tuổi.
- Các thiết giáp hạm hiện có cũng không được phép nâng cấp thêm ngoại trừ nâng cấp chống bom và chống ngư lôi.

Chính những hạn chế ngặt nghèo của hiệp ước đã dẫn đến thay đổi hoàn toàn tư duy thiết kế và công nghệ chế tạo thiết giáp hạm sau đó. Rất nhiều sáng kiến và phát minh đã ra đời trong thời kỳ này nhằm chiến thắng giới hạn tải trọng. Đây có lẽ chính là thời kỳ mà thiết giáp hạm có bước nhảy vọt lớn nhất về thiết kế và công nghệ.

Mọi thiết giáp hạm ra đời từ sau hiệp ước cho đến năm 1934 đều tuân thủ chặt chẽ hiệp ước này và thường được gọi chung là thiết giáp hạm hiệp ước. Những thiết giáp hạm hiệp ước điển hình gồm có Scharnhorst của Đức, Rodney của Anh và North Carolina của Mỹ.
Thiết giáp hạm phi hiệp ước  
Ức chế dai dẳng vì bị chèn ép bởi Anh và Mỹ trên hiệp ước Washington, đồng thời nhận thức rõ hiểm họa của việc để hạm đội bị khống chế từ số lượng đến chất lượng trong trường hợp xảy ra xung đột với Mỹ trong tương lai (chỉ là vấn đề thời gian), năm 1934, Nhật Bản rút khỏi hiệp ước và bắt đầu đóng các thiết giáp hạm "phá rào" khổng lồ với ý định dùng chất lượng chống lại số lượng của hạm đội Anh - Mỹ. Triết lý của Nhật Bản khá đơn giản, nếu không thể đối đầu với hạm đội Anh - Mỹ bằng số lượng thì mỗi thiết giáp hạm của họ phải đủ khả năng đương đầu cùng lúc với nhiều thiết giáp hạm kẻ thù để bù lại.

Trước hành động này của Nhật Bản, các nước còn lại lập tức đáp trả bằng cách kích hoạt điều khoản phụ của hiệp ước và hạ thủy các thiết giáp hạm mới với tải trọng lên đến 45.000 tấn. Cuộc tái chạy đua vũ trang trên biển chính thức bùng phát trở lại. Sau khi chiến tranh bùng nổ, tất nhiên mọi hiệp ước đều mất hết giá trị và các nước lập tức lao vào đóng các thiết giáp hạm mới lớn-nhanh-mạnh đến mức có thể với tốc độ điên cuồng. Các thiết giáp hạm này được gọi là thiết giáp hạm phi hiệp ước. Những thiết giáp hạm phi hiệp ước nổi tiếng nhất gồm có Bismarck của Đức, Missouri của Mỹ và Yamato, Musashi của Nhật Bản.  
Siêu thiết giáp hạm và sự kết thúc của một triều đại (1941 - 1945)  
Từ khi thế hệ thiết giáp hạm tốc độ cao ra đời, thiết giáp hạm trở nên đa năng hơn và bắt đầu đảm nhận thêm nhiều vai trò mà trước đó được thực thi bởi lực lượng tuần dương thiết giáp hạm, tuần dương hạm hay khu trục hạm như hộ tống tàu sân bay, trinh sát hạm đội, hỗ trợ phòng không, đột kích hải đoàn hay ngược lại, truy đuổi những kẻ đột kích...

Tuy nhiên, ý tưởng về một loại thiết giáp hạm tối thượng, một loại thiết giáp hạm thuần túy được thiết kế cho mục đích đọ pháo dành cho trận đại chiến quyết định giữa hai hạm đội vẫn luôn ám ảnh các bậc chỉ huy, các nhà lãnh đạo trên thế giới. Vì vậy, dù vô cùng tốn kém với tính năng giới hạn và cơ hội sử dụng khá mập mờ, các quốc gia đều ráo riết chuẩn bị cho ra đời những thiết giáp hạm kích thước khổng lồ với vỏ giáp cực kỳ chắc chắn và kích cỡ pháo tối thượng, sẵn sàng để đập tan hạm đội kẻ thù trong một trận hải chiến cổ điển giữa các thiết giáp hạm với nhau. Những thiết giáp hạm khổng lồ này thường được gọi là siêu thiết giáp hạm.

Yamato - thiết giáp hạm lớn nhất mà con người từng chế tạo
Với Mỹ, đó là siêu thiết giáp hạm 65.000 tấn Montana trang bị 12 pháo 16 inch. Đức theo đuổi dự án siêu thiết giáp hạm H với 5 phiên bản khác nhau, trong đó phiên bản siêu khổng lồ H.44 có tải trọng hoang tưởng lên đến 131.000 tấn, trang bị 8 pháo 20 inch. Ngay cả Liên Bang Xô Viết cũng không chịu đứng ngoài cuộc đua với siêu thiết giáp hạm 59.000 tấn Sovetsky Soyuz trang bị 9 pháo 16 inch. Cuối cùng là Nhật Bản với siêu thiết giáp hạm Yamato trang bị pháo 18 inch và Super Yamato trang bị pháo 20 inch. Trong tất cả những dự án siêu thiết giáp hạm của các nước, chỉ có Yamato là kịp hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Các dự án siêu thiết giáp hạm khác đều bị hủy bỏ sau khi chiến tranh nổ ra vì mọi người đều nhận ra rằng, cho đến tận khi chiến tranh kết thúc, rất có thể chúng vẫn chưa kịp hoàn thành.
Một điều trớ trêu là vào năm 1941, năm mà lớp siêu thiết giáp hạm đầu tiên và cũng là duy nhất trên Thế giới rẽ sóng bước ra đại dương để chứng tỏ quyền uy tối thượng của mình thì cũng là năm mà mọi giá trị của thiết giáp hạm bị sụp đổ hoàn toàn. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, có liên tiếp ít nhất 7 thiết giáp hạm bị đánh chìm bởi các phi cơ ném bom và phóng lôi, trong đó có cả những thiết giáp hạm được xem như là những con quái vật bất khả xâm phạm trên đại dương như Bismarck của Đức hay Prince of Wales của Anh. Càng trớ trêu hơn khi đa phần trong số thiết giáp hạm bị đánh chìm là do chính chiến đấu cơ Nhật Bản từ tàu sân bay hay đất liền thực hiện.
Nhật Bản là quốc gia đã hạ thủy thành công lớp siêu thiết giáp hạm duy nhất trong lịch sử, và cũng chính Nhật Bản là quốc gia đã chỉ ra cho Thế giới cái cách để có thể dễ dàng vô hiệu hóa nó. Siêu thiết giáp hạm với sự tốn kém khủng khiếp về nguyên vật liệu, thời gian, nhân lực và trí lực để hoàn thành lại tỏ ra quá yếu ớt đến thảm hại trước những chiếc phi cơ nhỏ bé mang theo những quả bom hay ngư lôi mà gần như vô giá trị nếu đem ra so sánh cùng. Siêu thiết giáp hạm Musashi bị đánh chìm vào năm 1944 bởi 17 bom và 20 ngư lôi trong khi Yamato cũng chôn mình dưới đáy biển sâu vào năm 1945 sau khi phải nhận 6 bom và 11 ngư lôi.
Sau năm 1945, thiết giáp hạm chấm dứt hoàn toàn vai trò lịch sử của mình. Các thiết giáp hạm đều bị xẻ ra làm sắt vụn. Một vài chiếc hiếm hoi vẫn được các quốc gia thắng cuộc giữ lại nhưng có lẽ chỉ vì họ vẫn còn một chút luyến tiếc gì đó với những cỗ máy chiến tranh một thời lừng lẫy. Ngày nay, thiết giáp hạm đã biến mất hoàn toàn và chỉ còn hiện hữu trong viện bảo tàng hay trong những cuốn sách tra cứu lịch sử.

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Nhật Bản: Mặt trời xứ Phù Tang

Quốc Kỳ Nhật Bản


Quốc Huy


Dấu triện chính phủ Nhật Bản

Chiến Kỳ Hải quân (Lực lượng Tự vệ biển Nhật Bản)


Chiến Kỳ Lục quân (Lực lượng tự vệ mặt đất Nhật Bản)


Vị trí của Nhật Bản


Bản đồ Nhật Bản


Quốc ca: 君が代 (Kimi Ga Yo – Quân Chi Đại)




Ngôn ngữ chính thức: tiếng Nhật
Thủ đô và thành phố lớn nhất: Tokyo (東京都 – Đông Kinh Đô)
Diện tích: 377.972,28 km² (hạng 62)
Mật độ dân số: 340,8 người/km(hạng 36)

Quốc khánh: Ngày 3 tháng 5 năm 1947
Nhật Bản (tiếng Nhật: 日本 Nippon hoặc Nihontên chính thức là 日本国 Nippon Koku hoặc Nihon Koku tức “Nhật Bản Quốc“) là một Quốc đảo ở vùng Đông Á. Nằm trên rìa tây bắc Thái Bình Dương, Quốc gia này nằm bên rìa phía đông của biển Nhật Bản, biển Hoa Đông, Trung Hoa đại lục, bán đảo Triều Tiên và vùng viễn đông Nga. Trải dài từ biển Okhotsk phía bắc xuống biển Hoa Đông và đảo Đài Loan phía nam. Chữ kanji trong Quốc hiệu Nhật Bản nghĩa là “gốc của mặt trời”, và người ta thường gọi Nhật Bản bằng biệt danh “Đất nước Mặt Trời mọc”.
Nhật Bản là một quần đảo núi lửa với khoảng 6.852 hòn đảo lớn nhỏ, chủ yếu nằm trong khu vực ôn đới với bốn mùa rõ rệt, nhưng có khí hậu khác biệt dọc theo chiều dài đất nước. Bốn hòn đảo lớn nhất từ bắc xuống nam là Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu, chiếm khoảng 97% diện tích đất liền của nước này nhưng phần nhiều chỉ là rừng và đồi núi với nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng khoáng sản rất hạn chế, không có “rừng vàng biển bạc”.
Vùng quần đảo Nhật Bản được chia thành 47 tỉnh thuộc 8 vùng địa lý từ bắc xuống nam là Hokkaido, Tohoku, Kanto, Chubu, Kansai, Chugoku, Shikoku và Kyushu. Dân số Nhật Bản đứng thứ 10 thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brasil, Pakistan, Nigeria, Bangladesh và Nga), tập trung chủ yếu tại các vùng đồng bằng nhỏ hẹp ven biển. Người gốc Nhật chiếm khoảng 98,5% tổng dân số cả nước. 13.617.445 cư dân sống tại trung tâm Tokyo – thủ đô và thành phố lớn nhất đất nước (37.800.000 dân nếu tính toàn lãnh thổ Kanto). Vùng thủ đô Tokyo và vài tỉnh xung quanh là vùng đại đô thị lớn nhất thế giới với gần 40 triệu dân và là nơi có nền kinh tế đô thị phát triển nhất hành tinh. Đảo Honshu-đảo lớn nhất của Nhật Bản là hòn đảo lớn thứ 7 và đông dân thứ hai Thế giới sau đảo Java của Indonesia, và Tokyo là thành phố lớn nhất nằm trên đảo.
Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc). Mặc dù Nhật Bản đã chính thức từ bỏ quyền tuyên chiến, nước này vẫn sở hữu một lực lượng quân đội hiện đại, có ngân sách quốc phòng cao thứ 8 Thế giới, được huy động với mục đích tự vệ và gìn giữ hòa bình. Nhật Bản là nước phát triển với mức sống và chỉ số phát triển con người rất cao, tuổi thọ trung bình cao nhất Thế giới, đứng hạng ba trong số những quốc gia có tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thấp nhất và có số người đoạt giải Nobel nhiều nhất châu Á. Là quốc gia dẫn đầu về chỉ số thương hiệu quốc gia và giữ vị trí cao nhất ở châu Á về chỉ số hòa bình toàn cầu. Nhật Bản là nước đầu tiên ở châu Á đăng cai Olympic cả mùa hè và mùa đông, là nước đăng cai Olympic nhiều nhất châu Á.
Quốc Kỳ Nhật Bản

Quốc kỳ Nhật Bản gồm hình chữ nhật màu trắng và một hình tròn lớn màu đỏ (tượng trưng cho mặt trời) tại trung tâm. Tương truyền, hai màu đỏ và trắng trên lá quốc kỳ được lấy theo hai màu cờ của hai gia tộc đối nghịch nhau trong chiến tranh Genpei (1080 - 1085): màu đỏ của nhà Taira và màu trắng của nhà Minamoto. Quốc kỳ Nhật được gọi chính thức là Nisshōki (日章旗: Nhật chương kỳ) trong tiếng Nhật, song được gọi quen thuộc hơn là Hinomaru (日の丸: Nhật chi hoàn). Lá cờ Hải quân với 16 tia nắng được gọi là Húc Nhật kỳ.
Hinomaru được chỉ định làm quốc kỳ theo Pháp luật về quốc kỳ và quốc ca được công bố ngày 13 tháng 8 năm 1899. Mặc dù trước đó không có pháp luật chỉ định về quốc kỳ, song hiệu kỳ mặt trời vẫn là quốc kỳ trên thực tế của Nhật Bản. Năm 1870, hiệu kỳ mặt trời được thông qua làm lá cờ sử dụng trên thương thuyền, và Húc Nhật kỳ là lá cờ sử dụng trong Hải quân. Việc sử dụng Húc Nhật kỳ bị hạn chế nghiêm ngặt trong những năm đầu sau thế chiến thứ hai, nhưng sau đó được nới lỏng và ngày nay đó là lá cờ được dùng bởi Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Húc Nhật kỳ bị cấm hiển thị ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong lịch sử ban đầu, Hinomaru được sử dụng trên các hiệu kỳ của những Daimyo (Đại Danh) và Samurai. “Tục Nhật Bản kỷ” ghi rằng Văn Vũ thiên hoàng đã sử dụng một hiệu kỳ tượng trưng cho mặt trời trong triều đình của ông năm 701. Đây là ghi chép sớm nhất về việc sử dụng hiệu kỳ tượng trưng cho mặt trời tại Nhật Bản. Trong thời Minh Trị duy tân, cờ vòng tròn mặt trời và Húc Nhật kỳ trở thành những phù hiệu chính của Đế quốc Nhật Bản.
Việc vẫn tiếp tục sử dụng Húc Nhật kỳ, lá cờ Hinomaru và bài quốc ca Kimigayo trở thành một vấn đề gây tranh luận sau thế chiến thứ hai. Đối với một vài quốc gia từng bị Nhật Bản chiếm đóng, quốc kỳ Hinomaru và đặc biệt là Húc Nhật kỳ là một biểu tượng của xâm lược và chủ nghĩa đế quốc.
Thiết Kế

Hình Tượng Mặt trời

Vào thế kỷ thứ 4, Nhật Bản lấy tên nước là Yamato, còn người Hán từ trước công nguyên đã gọi nước Nhật là Oa quốc (nghĩa là nước lùn), gọi người Nhật là Oa nhân (người lùn). Cũng có thuyết cho rằng từ Oa lấy từ tên Nữ Oa nương nương, vì người Nhật Bản cũng thờ phụng một nữ thần là Amaterasu.
Năm 670, Thiên Hoàng Thiên Trí gửi một đoàn sứ bộ đến chúc mừng triều đình nhà Đường dưới thời vua Đường Cao Tông nhân dịp bình định xong Cao Ly. Trong quốc thư viết theo lối nói của người Trung Hoa: Thiên Tử xứ mặt trời mọc gửi Thiên Tử xứ mặt trời lặn. Thể hiện việc xem nước mình ngang hàng với Trung Hoa. Trong triều thần nhà Đường cũng có người chê cười: người Oa man di lại tự ví mình với mặt trời.
Hình tượng mặt trời xuất phát từ việc quần đảo Nhật Bản là nơi đầu tiên đón nhận ánh nắng ở vùng Đông Á và người Nhật cũng tôn sùng nữ thần mặt trời Amaterasu. Từ thế kỷ thứ 7, các vị vua nhà Đường chấp nhận cách xưng hô mới là Nhật Bản. Từ Minh Trị duy tân đến sau thế chiến thứ hai, Nhật tên là Đại Nhật Bản Đế Quốc, thường gọi là Đế quốc Nhật Bản.
Trong tiếng Anh, Nhật Bản được gọi là Japan, từ này xuất hiện ở phương tây vào đầu giai đoạn mậu dịch Nanban (1543-1641), giai đoạn Nhật Bản mở cửa hạn chế với ngoại quốc trước khi đóng cửa hoàn toàn. Thời trung cổ, người châu Âu gọi Nhật là Cypangu theo cái tên được Marco Polo ghi lại khi ở nhà Nguyên. Nhật Bản trong tiếng Malaysia cổ ở bán đảo Malacca được gọi là Jepangvay mượn từ tiếng địa phương ven biển miền nam Trung Hoa là Zeppen. Từ này đã được các tàu Bồ Đào Nha (nước chiếm Malacca năm 1511 và là nước châu Âu đầu tiên đến Đông Á) mang sang châu Âu để thay cho tên gọi Cypangu, từ đó cho ra đời cái tên Japan.
Trước năm 1900
Theo truyền thuyết, khi đế chế Mông Cổ xuất phát từ Cao Ly xâm lược Nhật Bản trong thế kỷ 13, hòa thượng Nhật Liên (日蓮) đã trao một hiệu kỳ hình tròn đỏ trên nền trắng tượng trưng cho mặt trời cho Shogun (Tướng quân) để mang ra chiến trường, với mong muốn chờ tin thắng trận. Và hạm đội Mông Cổ đã bị một cơn bão đánh tan, người Nhật gọi cơn bão này là Kamikaze – Thần Phong.
Thần Phong ở Kanagawa, tranh của Katsushika Hokusai (1760-1849)
Một trong những hiệu kỳ cổ nhất Nhật Bản là tại chùa Unpo thuộc tỉnh Yamanashi. Theo truyền thuyết thì Thiên hoàng Go Reizei trao nó cho Minamoto Yoshimitsu và nó được xem là một bảo vật của gia tộc Takeda trong 1.000 năm qua.
Các hiệu kỳ được ghi nhận sớm nhất tại Nhật Bản có từ thời kỳ thống nhất vào cuối thế kỷ 16. Các hiệu kỳ thuộc về mỗi Daimyo và được sử dụng chủ yếu trên chiến trường. Hầu hết hiệu kỳ là các dải dài thường mang gia văn của các Daimyo. Các thành viên trong cùng một gia tộc có những hiệu kỳ khác nhau để mang ra chiến trường. Các tướng lĩnh cũng có những hiệu kỳ riêng của mình.
Hạm đội của Yuki Yoshitaka năm 1594
Chiến hạm Asahi Maru của Mạc phủ Tokugawa năm 1856
Chiến tranh Tây Nam năm 1877
Năm 1854, thời Mạc phủ Tokugawa các thuyền của Nhật Bản được lệnh kéo Hinomaru nhằm phân biệt chúng với thuyền nước ngoài. Trước đó, các thiết kế khác nhau của Hinomaru được sử dụng trên những thuyền giao dịch với người Mỹ và Nga. Hinomaru được quy định là hiệu kỳ thương nghiệp của Nhật Bản vào năm 1870 và là quốc kỳ theo pháp luật từ năm 1870 đến năm 1885, đây là lá cờ đầu tiên được Nhật Bản thông qua.
Khái niệm về phù hiệu quốc gia còn xa lạ với người Nhật, song chính phủ Minh Trị cần chúng để giao tiếp với thế giới bên ngoài. Điều này trở nên đặc biệt quan trọng sau khi Phó đề đốc Hải quân Hoa Kỳ Matthew C. Perry tiến vào vịnh Yokohama cùng 4 chiến hạm kỳ. Chính phủ Minh Trị còn quy định thêm những biểu tượng nhận dạng khác cho Nhật Bản, trong đó có cờ Húc Nhật kỳ, quốc ca Kimigayo và quốc huy hoa cúc vàng.
Con đường vươn lên trở thành Đế quốc
Cho đến giữa thế kỉ 19, Nhật Bản vẫn chỉ là một quốc đảo phong kiến lạc hậu với chính sách bế quan tỏa cảng cũng giống như các quốc gia phong kiến Á Đông khác. Nước Nhật lúc đó nằm dưới sự cai trị của Mạc Phủ Tokugawa, Thiên Hoàng chỉ giữ vai trò hình thức (giống như vua Lê - chúa Trịnh). Năm 1854, hạm đội Mỹ dưới sự chỉ huy của Phó Đề đốc Matthew Perry đến Nhật Bản ép Mạc Phủ phải từ bỏ chính sách bế quan tỏa cảng. Các cường quốc phương Tây như Anh, Pháp... noi gương đó cũng lần lượt ép Nhật Bản kí kết các hiệp ước bất bình đẳng tương tự.

Nhật Bản đứng trước khủng hoảng dân tộc và chế độ Mạc phủ phải đối mặt với sự thù địch trong nước. Năm 1867, Mutsuhito lên kế vị vua cha Thiên Hoàng Hiếu Minh khi mới 15 tuổi. Được sự hỗ trợ của các lãnh chúa và giai cấp tư sản, Minh Trị ép Mạc Phủ phải nhượng lại quyền bính cho hoàng gia. Tuy nhiên, Keiki lại tập hợp phe cánh dấy binh chống Thiên Hoàng. Quân các lãnh chúa phiên Satsuma hay Choshu đã đánh bại được Mạc phủ. Có điều, trong suốt thời gian chiến tranh, thực quyền không nằm trong tay Minh Trị. Sau chiến thắng, các công thần của cuộc chiến nắm giữ thực quyền, thực hiện cải cách theo xu hướng tư bản chủ nghĩa (chỉ một mình Minh Trị thì khó mà Duy Tân được). Tuy nhiên, cuộc chiến này đã đặt nền tảng cho quá trình đích thân chấp chính của Minh Trị sau nhiều biến động trong các năm 1877 - 1878.

Minh Trị đã thực hiện cuộc Duy Tân theo xu hướng tư bản chủ nghĩa, dời thủ đô từ Kyoto về Tokyo, ban hành bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản (1889), Nhật Bản qua đó trở thành nước theo thể chế quân chủ lập hiến. Minh Trị Duy Tân đã tạo điều kiện cho nước Nhật phát triển theo đường lối chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, rồi bành trướng ra nước ngoài nhằm tìm kiếm thị trường, nguyên nhiên liệu và nhân công. Một loạt nước đã trở thành nạn nhân của nước Nhật đế quốc. Nạn nhân đầu tiên là Trung Quốc.

-Chiến tranh Thanh - Nhật (1894-1895): Nhật Bản chiếm Đài Loan, Bành Hồ cho đến năm 1945.

-Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn (1900-1901): Nhật Bản là một trong liên quân 8 nước can thiệp, đánh bại Nghĩa Hòa Đoàn, ép nhà Thanh phải ký kết các hiệp ước bất bình đẳng với mình.

-Chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905): quân Nga thất bại toàn diện cả về Lục quân và đặc biệt là Hải quân, mất hoàn toàn 2 trong số 3 hạm đội (Hạm đội Baltic và Hạm đội Thái Bình Dương). Đây là lần đầu tiên một nước châu Á đánh thắng bằng quân sự một cường
quốc châu Âu sừng sỏ. Hệ quả là Nhật Bản chiếm Triều Tiên và đến 1910 thì chính thức sáp nhập vào lãnh thổ của mình.

-Thế chiến thứ nhất (1914-1918): theo các Hiệp Ước kí kết trước đó với Anh, Nhật Bản đã tấn công các thuộc địa của Đức, chiếm tỉnh Sơn Đông, Thanh Đảo và các quần đảo như Mariana, Caroline, Marshall của Đức.

-Năm 1931, Nhật đánh chiếm vùng Mãn Châu (đất gốc của Nhà Thanh), thành lập cái gọi là Mãn Châu Quốc, đưa Phổ Nghi - Hoàng đế cuối cùng của nhà Mãn Thanh lên làm vua bù nhìn nhằm hợp thức hóa việc xâm chiếm này. Đến năm 1937, Nhật Bản tiến hành xâm chiếm toàn diện Trung Quốc, gây nên cuộc chiến tranh Trung-Nhật (1937-1945), khiến hàng chục triệu người Trung Quốc thiệt mạng.

-Pháp: Năm 1940, Đức đánh bại Pháp ở châu Âu, nhân cơ hội đó, quân Nhật tràn vào Đông Dương thuộc Pháp. Chính quyền Pháp theo lệnh của chính phủ Vichy đã chấp nhận sự chiếm đóng và hỗ trợ quân Nhật. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật hắt cẳng Pháp tại Đông Dương, độc chiếm vùng đất này cho đến khi đầu hàng.

-Anh: Ngày 7 tháng 12 năm 1941, 36.000 quân Nhật tấn công bán đảo Mã Lai thuộc Anh, quân Anh điều 2 chiến hạm HMS Prince of Wales và HMS Repulse đến để tiêu diệt lực lượng đổ bộ Nhật Bản nhưng lại bị máy bay Nhật đánh chìm ngày 10 tháng 12. Quân Nhật dồn quân Anh có số lượng đông hơn hẳn về Singapore, ép 50.000 quân Anh tại đây đầu hàng ngày 15 tháng 2 năm 1942. Đây là vụ đầu hàng lớn nhất trong lịch sử quân đội Anh.

Đế quốc Nhật Bản
Banzai (Vạn tuế) - tiếng hô của binh lính đế quốc Nhật trước khi xung trận và khi
thực hiện kiểu tấn công cảm tử Kamikaze
Cờ hiệu Hải quân đế quốc Nhật Bản (1889-1945) và Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản
ngày nay
Cờ Lục quân đế quốc Nhật Bản (1870-1945)
Đế quốc Nhật ở thời kỳ rộng lớn nhất (1942)
Việc sử dụng quốc kỳ tăng lên khi Nhật Bản mưu cầu phát triển thành một đế quốc ngang hàng với phương tây, và Hinomaru hiện diện tại các buổi lễ sau những chiến thắng trong chiến tranh Thanh-Nhật và Nga-Nhật. Lá cờ này cũng được sử dụng trong những nỗ lực chiến tranh trên toàn quốc. Một phim tuyên truyền năm 1934 phác hoạ những quốc kỳ nước ngoài có thiết kế không hoàn chỉnh hoặc có nhiều khuyết điểm, còn quốc kỳ Nhật Bản thì hoàn toàn hoàn hảo.
Hinomaru lại được sử dụng trong các lễ kỷ niệm khi Nhật Bản giành được những thắng lợi ban đầu trong Chiến tranh Trung-Nhật. Các binh sĩ Nhật Bản đều cầm quốc kỳ khi diễu hành trên đường phố Trung Quốc. Sách giáo khoa trong thời kỳ này đều in Hinomaru cùng những câu khẩu hiệu khác nhau nhằm biểu thị sự trung thành với Thiên hoàng và quốc gia. Lòng yêu nước được giảng dạy như một đức tính hiển nhiên cho trẻ em Nhật Bản. Những hành động như trưng quốc kỳ ở nơi trang trọng hoặc kính bái Thiên hoàng hằng ngày được xem là tính cách của một “người Nhật hoàn hảo”.

Những thủy thủ sống sót trên tàu sân bay Zuikaku đứng chào khi lá cờ hiệu Hải quân được hạ xuống trước khi Zuikaku chìm ngày 25/10/1944
Quốc kỳ là công cụ tuyên truyền của Đế quốc Nhật Bản tại các khu vực ở Đông Nam Á bị chiếm đóng, dân bản địa phải sử dụng cờ Nhật Bản và học sinh phải hát quốc ca Nhật trong lễ thượng kỳ vào mỗi buổi sáng. Các hiệu kỳ địa phương chỉ được phép sử dụng tại một số khu vực như Mãn Châu, Philippines và Indonesia. Tại bán đảo Triều Tiên, những phù hiệu khác của Nhật Bản được sử dụng nhằm giáng người Triều Tiên xuống vị thế hạng hai trong chính quê hương mình. Đối với người Nhật Bản thời đó, về cơ bản, cờ Hinomaru mang ý nghĩa: "mặt trời xuất hiện soi sáng bóng tối trên toàn thế giới".

Hoa Kỳ chiếm đóng

Hinomaru là quốc kỳ Nhật Bản trên thực tế trong suốt thế chiến thứ hai và thời kỳ bị chiếm đóng. Trong thời gian Mỹ chiếm đóng Nhật Bản, cần phải có sự chấp thuận từ Tư lệnh tối cao quân Đồng Minh tại Nhật Bản là Douglas McArthur để được treo Hinomaru. Ban đầu có những hạn chế nghiêm ngặt, nhưng không đến mức độ cấm hoàn toàn.
Ngày 2 tháng 5 năm 1947, Tướng Douglas McArthur bãi bỏ việc cấm treo Hinomaru trong tòa Quốc hội Nhật Bản, Hoàng cung, dinh Thủ tướng và tòa án tối cao cùng với việc phê chuẩn Hiến pháp Nhật Bản mới. Những hạn chế này được nới lỏng hơn nữa vào năm 1948, khi người dân được treo quốc kỳ trong những ngày lễ. Đến tháng 1 năm 1949, những hạn chế bị bãi bỏ và bất cứ ai cũng có thể treo Hinomaru vào bất kỳ thời gian nào mà không cần sự cho phép.

Sau chiếm đóng đến nay

Sau thế chiến, quốc kỳ Nhật Bản bị cho là có liên hệ với quá khứ quân phiệt của quốc gia, nhất là tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Sự phản đối tương tự cũng dành cho quốc ca hiện nay của Nhật Bản là Kimigayo. Cảm nghĩ về cờ Hinomaru và quốc ca Kimigayo nhìn chung đã biến đổi từ “chủ nghĩa đế quốc” năm xưa sang một Nhật Bản yêu hòa bình và chống quân phiệt.
Năm 1989, Thiên hoàng Hirohito băng hà, sự kiện này lại làm nổi lên vấn đề tinh thần của lá quốc kỳ. Phe bảo thủ cho rằng lá cờ có thể được sử dụng trong tang lễ (kể cả Húc Nhật kỳ) mà không khơi lại nỗi đau thương cũ, họ muốn Hinomaru trở thành quốc kỳ chính thức không cần quan tâm đến quá khứ thời đế quốc. Trong tang lễ chính thức kéo dài sáu ngày, các lá cờ được treo rủ hoặc bọc trong dải màu đen trên toàn Nhật Bản.
Pháp luật Nhật Bản về quốc kỳ và quốc ca được thông qua vào năm 1999, lựa chọn Hinomaru làm quốc kỳ và Kimigayo làm quốc ca, giống y hệt thời đế quốc Nhật Bản. Đạo luật là một trong những pháp luật gây tranh luận nhiều nhất trong Quốc hội Nhật kể từ khi thông qua “Pháp luật hợp lực với các hoạt động duy trì hòa bình Liên Hiệp Quốc” năm 1992. Ở Trung Quốc và Hàn Quốc thậm chí còn gây tranh cãi nhiều hơn.



Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

Trận Midway

Tham chiến:
* Hải quân Đế quốc Nhật Bản

Lực lượng chính:
4 tàu sân bay: Akagi, Kaga, Soryu, Hiryu
2 thiết giáp hạm
248 máy bay
16 thủy phi cơ
Lực lượng hỗ trợ:
4 tàu sân bay hạng nhẹ
5 thiết giáp hạm
Chỉ huy:
Isoroku Yamamoto
Chuichi Nagumo
Nobutake Kondo
Tamon Yamaguchi
Matome Ugaki

Ryunosuke Kusaka

* Hải quân Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ

Lực lượng:
3 tàu sân bay (Enterprise, Hornet, Yorktown)
8 tuần dương hạm
15 khu trục hạm
16 tàu ngầm
233 máy bay + 127 máy bay từ đất liền
Chỉ huy:
Chester Limitz
Frank Fletcher
Raymond Spruance
-------
Sau trận hải chiến biển San Hô, báo chí Nhật Bản đua nhau cho đăng tải những bản tin giật gân, Tổng hành dinh Thiên Hoàng ăn mừng chiến thắng, hai tàu sân bay Hoa Kỳ bị hải quân của ta đánh chìm (người Nhật nghĩ rằng cả Lexington và Yorktown đều đã chìm), sức mạnh của hải quân địch bị quân ta đè bẹp ở Nam Thái Bình Dương v.v. Họ còn bình luận, chiến thắng vẻ vang này đã trả lời cho những nghi ngờ của những vị chỉ huy chống lại chiến dịch chiếm Midway, vì họ luôn cho rằng đây là một chiến dịch bất khả thi. Chỉ với một phi đoàn 5 mới lập thiếu kinh nghiệm của chúng ta cũng đủ sức tung hoành trên vùng biển San Hô rồi. Thử hỏi Hoa Kỳ có còn cơ hội nào để kình chống lại hai phi đoàn dạn dày kinh nghiệm là 1 và 2 của chúng ta chứ ?
Vài ngày sau thì hai tàu sân bay mang thương tích đầy mình là Zuikaku và Shokaku cũng về tới Nhật Bản. Sau khi kiểm chứng lại, người ta mới nhìn nhận những hư hại do phi công Hoa Kỳ gây ra quả thật trầm trọng. Riêng chiếc Zuikaku khi bị thương đã bỏ lại nhiều máy bay đang chiến đấu, lúc quay về thì đã mất tàu mẹ nên đa số hụt hẫng như đàn con tung ra tìm mẹ rồi sau đó thì mất tích giữa chốn trời nước. Chiếc Shokaku cũng chẳng may mắn gì hơn, mang thương tích đầy mình khiến cho nó phải nằm ụ ít nhất cũng mất cả tháng mới có thể hoạt động lại được. Nên nhớ rằng hai tàu sân bay này thuộc loại mẫu hạm lớn và được yêu thích nhất của Hải quân Nhật.
Đa số thủy thủ trên tàu Akagi đều có vẻ tin tưởng ở một chiến thắng rất gần, họ hân hoan mua sắm đủ thứ khệ nệ mang xuống tàu. Nào bia, nào rượu sake và thức ăn vô số để mai này lúc thắng trận mang ra mà ăn mừng với nhau. Trong số ấy có Trung úy Heijiro Abe, anh thì tỏ ra dửng dưng với sự náo nức của mọi người. Lúc tàu gần nhổ neo thì Abe lại khuyên chỉ huy trưởng Minoru Genda rằng nên hoãn lại chiến dịch. Abe, chàng Trung úy phi công đã từng ném bom thiết giáp hạm Oklahoma, vừa nhận được lá thư của một người bạn ở Trung Quốc với lời chúc may mắn ở trận Midway.
Abe bảo với Genda là mọi người dường như rất bi quan cho chiến dịch này. Genda cho biết dù sao thì cũng đã muộn vì những hải đội khác họ nhổ neo lên đường rồi.
* Kế hoạch của Nhật Bản
Rạn san hô vòng Midway (hay còn gọi là Đảo Midway hoặc Quần đảo Midway) nằm trong vùng bắc Thái Bình Dương (gần cực tây bắc quần đảo Hawaii) khoảng 1/3 đường từ Honolulu đến Tokyo. Trên vành san hô của Midway là vài đảo cát nhỏ, trong đó đảo Cát (Sand Island) và đảo Đông (Eastern Island) là nơi cư ngụ cho hàng trăm ngàn chim biển.
Đúng như tên gọi của nó, Midway (tiếng Anh nghĩa là "giữa đường") là con đường hàng hải xuyên Thái Bình Dương từ bờ biển phía Tây nước Mĩ sang bờ biển phía Đông châu Á. Ai làm chủ nó, có thể kiểm soát sự di chuyển tàu bè từ Tây sang Đông Thái Bình Dương và ngược lại.
Khi vạch kế hoạch đánh chiếm Midway, đô đốc Yamamoto đã thể hiện ý đồ chiến lược của ông hết sức rõ ràng. Ông muốn mở rộng quyền kiểm soát của Nhật Bản trên Thái Bình Dương và vạch ra một tuyến phòng thủ cách xa bờ biển Nhật ít nhất 3.500km, chạy dài theo hướng Bắc-nam từ quần đảo Aleutian ở phía Bắc, qua Midway đến các quần đảo phía Nam Thái Bình Dương. Như vậy, toàn bộ vùng Thái Bình Dương ở phía Tây phòng tuyến này sẽ thuộc về Nhật Bản. Ông còn muốn một lần nữa tiêu diệt hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ trong trận đánh này, trước hết là các tàu sân bay Mĩ đã thoát khỏi thảm họa Trân Châu Cảng nay trở thành mối đe dọa đối với Nhật.
Cũng như đối với "chiến dịch Z" trước đây, kế hoạch này của Yamamoto đã bị chỉ trích về tính phiêu lưu của nó. Lục quân cũng như nhiều đồng nghiệp của ông trong giới lãnh đạo hải quân nhận thấy rằng việc đánh chiếm một hòn đảo ở cách xa tất cả các căn cứ của Nhật và lại gần Hawaii của Mĩ là điều khó thành công Và nếu có chiếm được thì cũng khó giữ vì những trở ngại trong vấn đề yểm trợ và tiếp tế. Họ cũng cho rằng đánh chiếm Midway không lợi bằng tiến về phía Úc và các quần đảo phía Nam Thái Bình Dương. Nhưng sau khi phi đoàn Doolittle ném bom Tokyo, nhiều người đã phải thay đổi quan điểm. Tổng tham mưu trưởng Nagano ủng hộ ông và kế hoạch đánh chiếm Midway đã được phê chuẩn.
Những tư tưởng chỉ đạo của Yamamoto được trao cho đại tá Kameto Kuroshima, một sĩ quan tham mưu đầy sáng kiến táo bạo, viết thành kế hoạch cụ thể. Hơn 200 hạm tàu các loại được huy động cho chiến dịch khổng lồ này. Ngoài hạm đội Liên hợp là lực lượng chủ yếu sẽ xuất phát từ căn cứ của nó ở tỉnh Hashirajima thuộc biển Nội Hải, một số lực lượng khác được điều động từ những nơi cách xa nhau hàng nghìn dặm để cùng tiến đến Midway.
Lực lượng hành quân được bố trí theo trình tự như:
- Lực lượng đột kích Midway bằng tàu sân bay của hạm đội Liên hợp do phó đô đốc Chuichi Nagumo làm tư lệnh và phó đô đốc Ryunosuke Kusaka làm tham mưu trưởng, gồm có 4 tàu sân bay (soái hạm Akagi, Kaga, Soryu và Hiryu, 2 thiết giáp hạm, 4 tuần dương hạm, 11 khu trục hạm. Đây là lực lượng đi đầu để giáng đòn chủ yếu.
- Lực lượng đổ bộ để chiếm đóng Midway đi tiếp theo gồm 12 hải vận hạm chở theo 5.000 lính đổ bộ, có 4 tuần dương hạm nặng, 1 tuần dương hạm nhẹ đi hộ tống cùng 1 tàu chở dầu.
- Đi sau và cách xa hai lực lượng trên khoảng 500 hải lí là bộ phận còn lại của hạm đội Liên hợp gồm hàng chục tuần dương hạm, hàng chục khu trục hạm, hai tàu sân bay nhẹ và những thiết giáp hạm hùng mạnh nhất của Nhật Bản. Dẫn đầu bộ phận này là "Lực lượng xâm nhập Midway" của phó đô đốc Nobutake Kondo có nhiệm vụ phối hợp và yểm trợ cho lực lượng đổ bộ khi cần. Trên kì hạm mới của hạm đội là thiết giáp hạm lớn nhất thế giới có trọng tải 63.000 tấn mang tên Yamato (Đại Hòa-tên cũ của nước Nhật), đô đốc tư lệnh hạm đội Liên hợp Isoroku Yamamoto và bộ tham mưu của ông đi với 34 chiến hạm sau cùng.
Yamato - Thiết giáp hạm lớn nhất trong lịch sử nhân loại

Để phối hợp với cuộc tiến công Midway, đồng thời đánh lạc hướng sự chú ý của địch, một lực lượng hải quân với hạt nhân là hai tàu sân bay hạng nhẹ Ruyjo và Junyo dưới quyền chỉ huy của phó đô đốc Nosagaia Kakuta sẽ đổ bộ đánh chiếm quần đảo Aleutian cách Midway 3.000 km về phía Bắc.
Như vậy tổng số lực lượng Nhật Bản huy động trong chiến dịch này là 8 tàu sân bay, 11 thiết giáp hạm, 23 tuần dương hạm, 65 khu trục hạm, 21 tàu ngầm. Ngoài ra còn khoảng 90 tàu khác để phục vụ cho các chiến hạm nói trên. Tổng số máy bay tham dự lên đến gần 400 chiếc, trong đó riêng lực lượng đột kích của Nagumo có 261 chiếc bao gồm 84 chiến đấu cơ Zero, 84 máy bay ném bom bổ nhào và 93 máy bay phóng ngư lôi. Đây là đợt ra quân lớn nhất trong toàn bộ lịch sử hải quân Nhật Bản nhằm giành một thắng lợi quyết định cho cuộc chiến tranh.
Lúc 6:00 sáng ngày 27 tháng 05, một hạm đội xung kích của Nagumo gồm 1 tuần dương hạm nhẹ, 11 khu trục hạm, 2 thiết giáp hạm và 4 tàu sân bay sắp thành một hàng thẳng từ từ rời khỏi biển Nội Hải để tiến về phía eo biển Bungo, trong khi các thủy thủ khác trên những chiến hạm còn lại của hạm đội liên hợp vẫy tay chào tạm biệt cùng những câu chúc tụng vang dội.
Nhà chiến lược Yamamoto đã tính toán rất kỹ, ông dùng kế dương đông kích tây để gây hoang mang cho địch. Trước nhất là cho một hải đội nhẹ tiến về phía Dutch Harbor (Dutch Harbor nằm trên một dãy đảo cô đơn phía Bắc giáp với biển Bering và gần Bắc Cực). Ngày 3 tháng 6, tức là một ngày trước khi khởi sự tiến đánh Midway, máy bay từ 2 tàu sân bay nhỏ sẽ ném bom Dutch Harbor để Hải quân Hoa Kỳ lầm tưởng rằng Nhật đang tiến chiếm những hải đảo vùng cực Bắc Thái bình dương, dĩ nhiên là họ sẽ để ý đến chiến trường mặt Bắc. Trong lúc ấy ở vùng cận Nam Thái bình dương, nơi đảo Saipan (Saipan nằm chung trong một quần đảo Mariana, trong đó có đảo Guam). 1 đoàn công voa vận chuyển 5000 lục quân cùng một tuần dương hạm nhẹ, một tàu chở dầu và được hộ tống bởi 4 tuần dương hạm nặng cùng tiến tới đảo Midway.
Sáng sớm ngày 29 tháng 05, tất cả phần còn lại của hạm đội liên hợp đều rời khỏi biển Nội Hải. Hải đội dẫn đầu nằm dưới sự chỉ huy của phó Đô đốc Nobutake Kondo. Một hải đội hùng hậu theo phía sau là lực lượng chính yếu gồm 34 chiến hạm nằm dưới sự chỉ huy của soái hạm Yamato, tức vị chỉ huy trưởng hạm đội liên hợp Yamamoto. Họ đang trên đường lao vào một chiến dịch đầy tham vọng, một chiến dịch được thai nghén từ một khối óc háo thắng của vị Đô Đốc huyền thoại đầy mưu mô Yamamoto. Số nhiên liệu chính là dầu được đổ vào dùng cho chiến dịch này còn nhiều hơn tổng số dầu mà Hải quân hoạt động cho cả năm trong thời bình.
Phó Đô đốc Nobutake Kondo

Trước đây, Nhật Bản đã từng chiến thắng oanh liệt những trận lớn cũng nhờ vào lối đánh bất ngờ, chiến dịch được trù liệu và bảo mật tối đa khiến cho kẻ địch là Anh và Mỹ bất ngờ, rơi vào thế bị động không kịp trở tay nên chịu thảm bại, nhưng bây giờ với kể từ trận San hô thì khác, Đô đốc Nimitz đã biết ý đồ của họ từ trước.
Kế hoạch đã vạch rõ: Lực lượng đột kích của Nagumo có nhiệm vụ quét sạch quân Mĩ ở Midway đồng thời tiêu diệt hạm đội Mĩ ở đây nếu chúng kéo đến. Tiếp đó, lực lượng đổ bộ sẽ đổ quân chiếm đóng đảo, xây dựng căn cứ không quân tại đây. Máy bay Nhật ở Midway sẽ làm nhiệm vụ "săn mồi" để đánh chìm mọi tàu địch di chuyển từ đông sang tây Thái Bình Dương, đem lại quyền khống chế đại dương này cho Nhật Bản.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi ngay trong cuộc họp cuối cùng của Bộ chỉ huy chiến dịch sáng 26 tháng 5. Phó đô đốc Kusaka, tham mưu trưởng lực lượng đột kích hỏi: 
"Nếu phát hiện được hạm đội Mĩ, chúng tôi sẽ tấn công chúng hay vẫn tiến đánh Midway trước?"
Phó đô đốc Matome Ugaki, tham mưu trưởng hạm đội Liên hợp và cũng là tham mưu trưởng chiến dịch quay về phía đô đốc Nagumo trả lời:
"Các ngài ở tuyến đầu và các ngài có thể căn cứ vào tình hình cụ thể để lựa chọn giải pháp tốt nhất."
Phó đô đốc Nobutake Kondo đề nghị lùi ngày hành quân lại để chuẩn bị kế hoạch cũng như diễn tập cho kĩ hơn nhưng Ugaki cũng bác bỏ ý kiến này. Ryunosuke Kusaka cho rằng ngày 6 tháng 6 là đêm cuối cùng có trăng, cần thiết cho sự đổ bộ, nếu dời lại sẽ phải đợi cả tháng sau.
Một nhược điểm lớn khác do các sĩ quan của đội tàu sân bay nêu lên. Đó là sự yếu kém về nhận và phát tin của các tàu sân bay.
Cột anten các tàu sân bay không được quá cao để máy bay hạ cánh dễ dàng, nên khó bắt được điện của hạm đội địch đánh đi Họ muốn tận dụng cột anten cao nhất của chiếc Yamato để có thể phát hiện được địch dễ dàng hơn. Họ cũng băn khoăn về vấn đề "im lặng vô tuyến" trong hành quân, vì sợ rằng sẽ khó thông báo tình hình địch cho nhau nếu chiếc Yamato đi sau tới 500 hải lý.
Phó đô đốc Nagumo hỏi: "Nếu không yểm trợ cho các tàu sân bay thì đoàn thiết giáp hạm sẽ làm nhiệm vụ gì trong cuộc hành quân này?" - Không có tiếng trả lời. Nhiều người đề nghị cho thiết giáp hạm Yamato đi theo đội tàu sân bay và đô đốc Yamamoto nên trực tiếp chỉ huy lực lượng đột kích. Nhưng ý kiến này cũng không được chấp thuận. Người ta hiểu rằng đô đốc Yamamoto muốn giữ nguyên một lực lượng dự bị lớn cho chiến dịch.
Hội nghị kết thúc và kế hoạch chiến dịch Midway chính thức có hiệu lực. Thời điểm tấn công đã được xác định: rạng sáng ngày 4 tháng 6 giờ Midway, tức ngày 5 tháng 6 giờ Tokyo.  
6 giờ sáng ngày 27 tháng 5, lực lượng đột kích của Nagumo nhổ neo rời căn cứ Hashirajima trên biển Nội Hải lên đường.
Ngày 28 tháng 5, Lực lượng đánh chiếm quần đảo Aleutian khởi hành từ căn cứ của nó ở cực Bắc đảo Kyushu. Nó sẽ phải tấn công sớm một ngày để thu hút sự chú ý của địch về phía đó.
Cùng ngày hôm đó, xa tít về phía Nam, lực lượng đổ bộ để chiếm đóng Midway xuất phát từ đảo Saipan thuộc quần đảo Marianas cũng lên đường để bắt kịp đoàn tàu của Nagumo.
Sáng sớm ngày 29 tháng 5, bộ phận còn lại của hạm đội Liên hợp rời căn cứ trên biển Nội Hải và hành quân theo đúng con đường mà Phó Đô đốc Nagumo đã đi qua 48 giờ trước.
Ngày 30 tháng 5, đang trên đường hành quân, Đô đốc Yamamoto nhận được những tin tức đáng lo ngại.
Theo đúng kế hoạch, 2 chiếc thủy phi cơ (loại 4 động cơ) Nhật Bản, từ đảo Kwajalein thuộc quần đảo Marshalls bay đi Trân Châu Cảng để tìm các tàu sân bay Mĩ. Trước khi bay đến Oahu, chúng phải đáp xuống bên bờ đảo san hô French Frigate để được tàu ngầm Nhật I.123 đợi sẵn ở đây tiếp tế nhiên liệu. Nhưng khi đến nơi quy định, thay vì gặp tàu ngầm đó, các phi công Nhật Bản lại trông thấy một tàu Mỹ đang tiếp dầu cho 2 thủy phi cơ. Thế tức là Mỹ đã bất ngờ chiếm đảo này và kế hoạch trinh sát hạm đội Hoa Kỳ của 2 thủy phi cơ Nhật đành hủy bỏ.
Cùng thời gian trên, một đoàn gồm 7 tàu ngầm Nhật Bản được lệnh làm thành một hàng rào án ngữ giữa Midway và Oahu để ngăn chặn các tàu sân bay Mỹ tiến từ Trân Châu Cảng về Midway. Không hiểu vì lí do gì mà các tàu ngầm đó đã không đến đúng vị trí quy định, và dĩ nhiên chúng không phát hiện được các tàu chiến Mỹ.
* Kế hoạch của Hoa Kỳ
Sau thất bại của "Chiến dịch MO", hải quân Nhật vẫn không biết rằng mật mã của mình đã bị bên địch nắm bắt nên vẫn tiếp tục sử dụng nó. Nhờ đó, đơn vị tình báo dã chiến của trung tá Joseph John Rochefort thuộc hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã đọc được 90% số điện văn mà hạm đội Liên hợp Nhật đánh đi kể từ ngày họ tìm ra chìa khóa mật mã Nhật cho đến khi hải quân Nhật thay mật mã mới. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn còn chưa xác định rõ mục tiêu "AF", một ẩn ngữ mà Nhật dùng để chỉ cho mục tiêu nào. Rochefort có đủ lý do để tin tưởng rằng "AF" chính là đảo Midway, trong khi những nhà tình báo chuyên môn ở Washington thì đồng cho là Oahu.
Ngày 20 tháng 5, chuẩn đô đốc Nimitz, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã đến Midway để xem xét việc bố phòng. Midway được nhanh chóng tăng cường 16 máy bay ném bom của thủy quân lục chiến, 30 thủy phi cơ trinh sát, 18 pháo đài bay B-17 và 4 máy bay ném bom B-26.

Tổng cộng về không quân, Midway có hơn 120 máy bay các loại. Quân trú phòng tăng lên tới hơn 2.000 người được trang bị rất nhiều vũ khí phòng không.
Trên vùng biển quanh Midway, 20 tàu ngầm được bố trí thành 3 vòng tuần tra quanh đảo. Vòng trong cùng cách đảo 100 hải lí, vòng giữa cách 150 hải lí và vòng ngoài cùng cách đảo 200 hải lí.
Tất cả các lực lượng phòng thủ Midway đã ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu từ sáng ngày 3 tháng 6.

Biết trước ý định của Đô đốc Yamamoto, Nimitz chấp nhận giao chiến với hạm đội Nhật tại vùng biển Midway. Tại Trân Châu Cảng, ông điều động Lực lượng đặc nhiệm 16 do chuẩn đô đốc Raymond A. Spruance chỉ huy, gồm 2 tàu sân bay là chiếc USS Enterprise và chiếc USS Hornet, 5 tuần dương hạm nặng, 1 tuần dương hạm nhẹ và 11 khu trục hạm. ông cho gọi thêm Lực lượng đặc nhiệm 17 do chuẩn đô đốc Fletcher chỉ huy, gồm tàu sân bay Yorktown, 2 tuần dương hạm nặng và 6 khu trục hạm từ vùng biển San Hô trở về nhận nhiệm vụ mới.
Chiếc Yorktown vốn đã bị hư hại nặng trong trận hải chiến biển San Hô nhưng đã gắng sửa chữa nó để đưa vào phục vụ.

Trong vòng 72 giờ, chiếc Yorktown được biến từ tình trạng hỏng hoàn toàn thành một chiếc tàu sân bay (nếu có thể nói như vậy) hoạt động được. Đường băng trên boong của nó được chữa tạm, các bộ phận rầm trong bị bỏ đi và được thay thế, và nhiều phi đội mới (được chuyển từ chiếc tàu sân bay Saratoga sang) được đưa lên boong. Đô đốc Nimitz hoàn toàn không cần tới chiếc tàu sân bay thứ ba đang hoàn thành để đưa vào lực lượng của mình, những việc sửa chữa thậm chí còn tiếp tục khi chiếc Yorktown đã xuất kích. Chỉ ba ngày sau khi được đưa vào ụ tàu ở Trân Châu Cảng, chiếc tàu này đã lại có thể hoạt động, và đoàn thủy thủ của nó tấu lên bài "California, Here I come !".
Tàu sân bay Yorktown

Ngày 29 tháng 5 (theo giờ Hawaii, tức là một ngày sau khi lực lượng đột kích của Nagumo nhổ neo đi Midway), Lực lượng đặc nhiệm 16 rời Trân Châu Cảng di chiến đấu.
Ngày 31 tháng 5 (tức là một ngày sau khi đoàn chiến hạm của Yamamoto khởi hành), đến lượt Lục lượng đặc nhiệm 17 lên đường. Hai lực lượng đặc nhiệm đặt dưới sự chỉ huy chung của Fletcher.

9 giờ sáng ngày 3 tháng 6, chiếc thủy phi cơ Catalina của lực lượng phòng thủ Midway đã phát hiện từ xa đoàn hải vận hạm thuộc Lực lượng đổ bộ Nhật Bản đang trên đường tiến đến đảo. Nhận được tin này, cả Fletcher và Spruance đều hiểu rằng các tàu sân bay Nhật đã tiến đến rất gần, tuy chưa phát hiện được chúng. Buổi tối, các lực lượng Mỹ chỉ còn cách Midway 300 dặm về phía Đông-Bắc đảo. Họ quay mũi về phía Tây-Nam và nửa đêm hôm đó đã đến vị trí có thể chuẩn bị xuất phát tấn công hạm đội Nhật.
Gần như cùng một lúc với hạm đội Mỹ, Yamamoto và Nagumo đều nhận được tin báo rằng Lực lượng đổ bộ của Nhật đã bị máy bay Mỹ phát hiện, do tuần dương hạm nhẹ Jintsu, kì hạm của Lực lượng này, đánh đi. 5 giờ chiều, một đoàn 9 chiếc pháo đài bay B17 của Mĩ xuất phát từ đảo Midway bay đến oanh tạc Lực lượng đổ bộ Nhật, nhưng không gây thiệt hại đáng kể. Nhận tiếp tin này, Nagumo vẫn bình tĩnh vì lực lượng của ông chưa bị phát hiện, và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy hạm đội Mĩ xuất hiện ở gần đây. Ông tiếp tục cho đoàn chiến hạm của mình đi suốt đêm theo đúng kế hoạch và rạng ngày hôm sau đã đến địa điểm cách Midway 200 dặm về phía Bắc. Lúc này, nếu Nagumo biết được rằng đoàn chiến hạm Mĩ thục sự đang ở đâu, hẳn ông có thể bị ngất xỉu: nó chỉ cách Lực lượng đột kích Midway bằng tàu sân bay của ông khoảng chừng 100 dặm.
* Chiến sự tại quần đảo Aleutian
Vào lúc 2 giờ chiều ngày 3-6-1942 (giờ địa phương), Lực lượng đặc nhiệm của chuẩn đô đốc Kakuta đã đến vị trí để phóng thủy phi cơ tiến đánh Dutch Harbor, thủ phủ quần đảo Aleutian. Lúc ấy, sương mù còn dày đặc, nhiệt kế chỉ -7 độ.
11 máy bay ném bom và 6 máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu sân bay Junyo tiến về Dutch Harbor cách đó 180 hải lí. Mây thấp, trời xấu, họ chỉ bay ở độ cao 200m. Giữa đường, họ gặp thủy phi cơ Hoa Kỳ và nhanh chóng bắn hạ nó. Nhưng cuối cùng, không tìm ra mục tiêu, họ đành phải mang bom trở về.
Phi đoàn oanh tạc cơ xuất phát từ tàu sân bay Ryujo đến được mục tiêu, bắt đầu tấn công vào lúc 16 giờ 07 đánh phá đài phát thanh, kho nhiên liệu, một vài cơ sở quân sự. Hình ảnh họ chụp đem về, cho thấy Hoa Kỳ đã biến quân cảng này thành một trung tâm chiến lược lớn mà người Nhật không ngờ.
Vì vậy, qua ngày sau, buổi sáng, mặc dù thời tiết rất xấu, tầm nhìn hạn chế nhưng Kakuta cũng phóng ra một cuộc không kích thứ hai. Thành phần tham dự gồm 11 oanh tạc cơ bổ nhào, 6 oanh tạc cơ lớn, được yểm trợ bởi 9 chiến đấu cơ Zero. Họ hủy diệt những kho nhiên liệu, nhà kho, bến cảng và tàu vận chuyển. Lúc về, họ bị nhiều chiến đấu cơ P.40 Hoa Kỳ chặn đánh ở gần đảo Umnak nhưng 4 phi cơ Hoa Kỳ bị hạ. Nhật chỉ thiệt hại mất 1 chiến đấu cơ, 2 oanh tạc cơ.
Cuộc đổ bộ đang được chuẩn bị thì có lệnh của Yamamoto gọi về. Nhưng quân Nhật cũng nhanh chóng chiếm được các đảo Uttu và Kiska vào ngày 7 tháng 6. Lá cờ Mặt Trời còn phấp phới trên vùng giá lạnh này đến năm 1943.
* Hạm đội Nhật tiến công Midway
Không có sự hướng dẫn của hệ thống radar dẫn đường, đội xung kích Kido Butai của Chuichi Nagumo vẫn cứ lầm lũi tiến về phía trước trong màn sương mù dày đặc. Sang ngày thứ 2, tức 2/6 thì sương mù càng khủng khiếp hơn. Trên tàu sân bay Akagi, Nagumo và Kusaka nhìn nhau lo âu thấp thỏm. Sương giăng mù trời mặc dù giúp cho hạm đội tránh được phi cơ tuần thám của địch nhưng lại quá liều lĩnh. Di chuyển theo một đội hình quá gần nhau, không radar, không radio liên lạc như thế thì giống như nhiều người mù cùng chạy, sai lệch phương hướng hoặc xê dịch vận tốc một tí cũng đủ tự đâm cả vào nhau. Tướng Kusaka vẫn còn bực dọc vì hai cái mệnh lệnh quái ác mà thượng cấp của ông đã giao cho. Thứ nhất tấn công Midway ngày 04 tháng 06 để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ chính thức hai ngày sau đó. Thứ nhì là tìm và diệt hạm đội của Nimitz. Ông bực tức tự hỏi phải làm thế nào để hoàn thành cả hai sứ mệnh trong một lúc? Sứ mệnh thứ hai nó quá nặng nề  nó đòi hỏi phải di chuyển tự do trong một vùng biển mênh mông nhưng phải giữ bí mật tuyệt đối. Nhưng nếu như họ đã tấn công Midway rồi thì sứ mệnh thứ hai khó lòng mà thực hiện được chứ nói gì đến thành công vì cơ mưu đã bị bại lộ và địch dĩ nhiên cũng phải biết phòng bị. Mệnh lệnh này thật quái đản nó giống như một anh chàng thợ săn đuổi theo hai con mồi cùng một lúc. Cũng ngay ngày hôm ấy toàn bộ mã số liên lạc của hạm đội liên hợp đều thay đổi khiến cho đại đội tình báo quân đội chuyên giãi mã của Trung úy Rochetford như những người mù. Tuy vậy nhưng không hề gì vì Nimitz đã biết quá đủ những tin tức cần biết rồi. Sáng hôm sau quân đồn trú ở Midway nhận được một bản báo cáo là cuộc tấn công sắp xảy ra. Thiếu úy Jack Reid, trong một phiên tuần thám quanh bầu trời Midway, chợt trông thấy xa xa phía dưới, nơi vùng biển phía Bắc Midway, một đoàn chiến hạm hùng hậu đang tiến đến.
Quả thực, đoàn chiến hạm vừa rồi cũng vừa phát giác ra sự hiện diện của một máy bay thám thính địch nên vội báo động về Nagumo ngay. Trên chiếc Akagi, Nagumo nhận được báo động nhưng ông lại làm ngơ đi trong khi mũi xung kích vẫn không hay biết gì cả. Và trên chiếc siêu thiết giáp hạm Yamato, Đô đốc Yamamoto Isoroku cùng những sĩ quan tham mưu của ông cũng không bao giờ tưởng tượng được rằng địch đã phát giác ra mình trước khi cho máy bay không kích Midway.
Tối đêm ấy hạm đội Nhật Bản tập trung lại vùng biển phía Tây Bắc cách Midway 200 dặm để chờ bình minh lên là phóng phi cơ tấn công. Trong khi Fletcher và Spruance thì đang nằm phía Đông Bắc cách Midway 300 dặm. Vừa đúng 19:50, Fletcher-người chỉ huy cả hai lực lượng đặc nhiệm ra lệnh cho hạm đội của mình hướng về phía Tây Nam. Ông tin chắc rằng ngày mai sẽ là một ngày rất quan trọng cho lịch sử của Hải quân Hoa Kỳ. Tờ mờ sáng ông đã có mặt ở ngay phía Bắc Midway, ngay đúng vị trí lý tưởng để tấn công vào mũi tiến công của địch. Tức là tàu sân bay Mỹ chỉ còn cách Kido Butai 100 dặm theo đường chim bay.
Đô đốc Spruance cũng cho những sĩ quan thuộc cấp của mình biết là cuộc chạm trán này phía địch quân có thể là một lực lượng rất hùng hậu, theo ước đoán thì có tới năm hoặc sáu tàu sân bay cùng tham chiến. Ông nói bằng một giọng quyết liệt hùng hồn "Này các bạn, hãy cùng nhau cố gắng chiến đấu, vì màu áo của binh chủng hải quân, vì màu cờ của quốc gia. Sự cống hiến của các bạn sẽ là những chiến thắng vẻ vang tô thêm nét son cho quân sử và vinh quang cho tổ quốc".
Một bản tin truyền khẩu từ hạm này sang hạm khác là những hiệu lệnh trao đổi của địch liên lạc đều bị chặn lại và giãi mã, Hải quân Hoa Kỳ đang giăng một cái bẫy để Nhật lọt vào và tiêu diệt. Tin đồn vô căn cứ ấy cứ lan ra khiến cho những thủy thủ từ những anh nấu bếp đến những chàng phi công chiến đấu ai ai cũng cảm thấy nao nức hâm hở chỉ muốn xông trận giết giặc lập công ngay.
2:45 sáng ngày 4-6-1942 (giờ Midway), trên soái hạm Akagi, tiếng kèn hiệu lệnh phát ra từ những loa phóng thanh vang vang trong gió. Những thủy thủ đang ngon giấc nồng bỗng bật dậy, tất bật lo nai nịt sẵn sàng. Không khí háo hức trước khi xông trận của những chàng phi công xôn xao cả một chiến hạm. Họ đều có chung một niềm hân hoan khó tả, hãnh diện để được đi vào khói lửa góp chút tài hèn để phụng sự nước non. Tiếng hoan hô vang dậy ngày nào sau chiến thắng lẫy lừng Trân châu cảng như vẫn còn vang vọng trong tim mỗi chàng phi công, khiến cho họ dù chưa tung mây lao vào chiến địa, dù trận mạc chưa khai mào nhưng vẫn nghĩ chiến thắng ngoạn mục này như cầm chắc ở trong tay. Cánh không quân trên các tàu sân bay ăn xong bữa ăn nhẹ với rượu Sake, cháo và sữa đậu nành đã sẵn sàng chờ giờ xuất kích, mặc dù mãi đến 5 giờ sáng mới có ánh sáng Mặt Trời. Lúc 4:30, khi các tàu sân bay Nhật còn cách Midway 240 dặm về phía Tây Bắc, máy bay của đợt tấn công thứ nhất được lệnh cất cánh: 36 oanh tạc cơ M97, 36 oanh tạc cơ bổ nhào M99 và 36 chiến đấu cơ Zero. Tổng cộng 108 máy bay dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Joichi Tomonaga, anh hùng không quân trong chiến tranh Trung-Nhật, lao vào bầu trời đen kịt, tiến về Midway. Cùng xuất phát đợt đầu còn có 7 máy bay trinh sát bay về hướng Đông và Đông Nam để đi tìm hạm đội Hoa Kỳ.
Trong khi đó, 108 máy bay thuộc đợt thứ hai, gồm 36 oanh tạc cơ bổ nhào M99, 36 máy bay phóng ngư lôi M97 và 36 chiến đấu cơ Zero dưới quyền chỉ huy của trung tá Egusa, người đã từng đánh chìm tàu sân bay Hermes của Anh tại Ấn Độ Dương, chờ đợi giờ xuất kích. Mặc dù không tin là có các tàu sân bay Mỹ ở gần đây, cả Nagumo và Kusaka đều nhất trí là vẫn nên thận trọng. Họ dành sẵn 37 máy bay phóng ngư lôi trên boong chiếc Akagi và chiếc Kaga để đối phó với các tàu sân bay Mỹ nếu phát hiện được chúng.
Fuchida lúc này đã là đại tá, người chỉ huy phi đội không kích Trân Châu Cảng bây giờ cũng tưởng là sẽ được lãnh một nhiệm vụ tương tự ở Midway . Ông phải vào nằm trong một bệnh xá dưới hạm vì chứng đau ruột thừa đã hành hạ mình mấy hôm. Bên cạnh Fuchida, trên một cánh võng đong đưa, một người bạn chiến đấu sinh tử với Fuchida là Minora Genda. Ông cũng bị cảm nặng và đang nằm co rúm trong bộ đồ pyjama. Vừa nghe tiếng loa phóng thanh vang lên ầm ĩ kêu gọi thủy thủ đoàn tập trung chuẩn bị xông trận thì Genda lật đật bật dậy, vẫn trong bộ đồ ngủ, ông cố lê bước đến bên chiếc cầu chỉ huy và xin lỗi với Nagumo về sự chậm trễ của mình. Genda lại quả quyết với vị Đô đốc chỉ huy của mình là sức khỏe của ông không hề gì có thể đảm đương trọng trách, cá nhân ông sẽ chỉ huy phi đội tấn công đầu tiên. Nagumo tỏ ra trìu mến choàng tay qua vai của viên sĩ quan thuộc cấp quả cảm. Những người hiện có mặt trên cầu chỉ huy cũng cảm thấy xúc động vô cùng.
4 tàu sân bay bây giờ đang di chuyển cùng một lộ trình tại hướng Tây Bắc cách đảo Midway 240 dặm. Genda ra lệnh chuẩn bị cho cuộc không tập đầu tiên. Lúc 4:30 sáng, Kusaka vừa phát lệnh phóng phi cơ thì bỗng thình lình Fuchida xuất hiện. Dù đang mang trọng bệnh trong người nhưng giờ phút thiêng liêng này không được tận mắt chứng kiến cảnh hào hùng của những chiến sĩ thuộc cấp của mình, Fuchida không thể nào chịu đựng được nên phải cố leo lên cầu chỉ huy, trước để xem cảnh tượng huyên náo và sau là tò mò muốn xem cho biết ai sẽ người chỉ huy thay thế mình.
Đầu tiên là Trung úy trẻ Tomonaga trên chiếc Hiryu dẫn đầu phi đội Zero lăn bánh xếp thành hàng trên phi đạo. Cờ hiệu vừa rung lên thì tiếng động cơ của phi đội đồng loạt rầm rú vang trời, từng chiếc tiêm kích Zero rời phi đạo lao vào trong bóng đêm để lại phía dưới tàu sân bay Hiryu tiếng hoan hô cổ vũ của đồng đội vang vọng một góc trời.
Trong vòng 15 phút, 4 tàu sân bay trở lại với bầu không khí im lặng như lúc ban đầu. Họ vừa tung lên không trung 108 phi cơ đủ loại, từ phía dưới sàn tàu, những đôi mắt hân hoan cứ dán theo những ánh lửa lập lòe từ những chiếc đèn của thân phi cơ kéo thành một chuỗi dài dệt thành một đường đỏ thẩm trên nền trời đen đặc từ từ hướng về phía Midway.
Ngay sau đó , Genda ra lệnh cho 7 máy bay thám thính mở rộng vòng kiểm soát ở hướng Đông và Đông Nam để truy tìm tung tích của các tàu sân bay Mỹ. 5 chiếc theo lệnh đã ra đi nhưng còn hai chiếc không thể cất lên được vì hệ thống phóng phi cơ trên tuần dương hạm nặng Tone bị trục trặc. Tướng Kusaka định bảo với Genda nên tiếp tục phóng thêm nhiều phi cơ thám thính nữa nhưng không biết nghĩ sao ông lại im lặng.
Nhưng không may người Mỹ lại phát hiện ra các tàu sân bay Nhật trước. Lúc 5:25, ẩn hiện giữa mây và ánh bình minh nhợt nhạt, chiếc thủy phi cơ Catalina từ Midway bay đến đã lượn vòng bên trên Lực lượng đột kích của Nagumo. Qua vô tuyến điện, viên phi công đã thông báo cụ thể vị trí các tàu sân bay Nhật. Nhận được tin này, đô đốc Fletcher không vội cho tấn công ngay. Ông chờ những tin tức rõ ràng hơn, và thời điểm thuận lợi nhất.
Tại Midway, 25 phút sau khi nhận được tin trên, bộ chỉ huy Mỹ lại phát hiện qua màn ảnh radar một đoàn máy bay Nhật kéo đến. Họ lập tức ra lệnh báo động chiến đấu và cho 6 máy bay phóng ngư lôi kiểu Avenger của hải quân cùng 4 chiếc B26 kiểu Marauder của lục quân cũng mang theo ngư lôi đi tấn công các tàu sân bay, đồng thời 25 chiến đấu cơ của hải quân xuất kích đánh chặn các máy bay địch đang tiến tới Midway.
Hệ thống radar ở đảo Midway đã phát giác phi đội tấn công đầu tiên của Nhật vào lúc 5 giờ 50. Còi báo động hú vang lẫn trong tiếng phi công chạy toán loạn gọi nhau ơi ới. Rồi những phi cơ thuộc toán phòng thủ vội vã về phi đạo, rầm rộ chuyển mình cất cánh, lao vào không trung tiến về phía trước đón ngăn bước địch .
Tiếp đó nhiều phi đoàn khác cũng lần lượt cất cánh đi đánh hạm đội Nhật. Đoàn máy bay Nhật thuộc đợt tấn công đầu tiên đến Midway vào lúc 6:35 và đã có sẵn máy bay Mĩ đón tiếp nghĩa là yếu tố bất ngờ không còn nữa. 36 chiến đấu cơ Zero lao vào chiến đấu mãnh liệt với 25 chiến đấu cơ của hải quân Hoa Kỳ.Trận chiến tận trên giữa tầng mây này nếu chỉ nhìn sơ cũng có thể dễ dàng đoán ra được kẻ thắng người bại. Phi đội Nhật Bản với những chiến đấu cơ Zero nhanh nhẹn và hỏa lực ghê gớm cùng những phi công gan dạ cảm tử, hơn nữa họ là một phi đội thuần nhất và được hộ tống rất kỹ. Trong khi ấy phi đội của Mỹ thì cũ kỹ lỗi thời lại tạp nham chẳng có hộ tống gì hết, vừa lâm trận lại bị địch quân dùng số đông áp đảo xử dụng lối xa luân chiến khiến cho họ phải rơi vào thế bị động hoàn toàn. Không bao lâu thì đã có đến 15 máy bay bị bắn rơi, phi đội Nhật sau trận tàn sát ấy lại lao thẳng vào mục tiêu chính là Midway. Các máy bay ném bom Nhật băng qua lưới lửa phòng không Hoa Kỳ trút bom xuống các căn cứ không quân, phá kho, bãi, hệ thống tiếp tế, các bồn chứa dầu, nhà chứa máy bay... Sau 20 phút oanh tạc, các máy bay Nhật lần lượt quay trở về, để lại nhiều đám cháy vẫn còn bốc cao trên cả hai hòn đảo Midway là Sand và Eastern. Riêng phi đoàn trưởng Tomonaga còn nán lại một lúc để xác định kết quả.
Đoàn máy bay Nhật chỉ bị thiệt hại nhẹ, 4 oanh tạc cơ bị hỏa lực phòng không hạ và 2 chiến đấu cơ bị máy bay Mỹ bắn rơi, nhưng mục tiêu chính là tiêu diệt máy bay của Midway thì lại không đạt được. Tomonaga đã thấy rõ nhiều tốp máy bay ném bom Mĩ vẫn tiếp tục cất cánh bay về phía hạm đội Nhật. Vì vậy lúc 7 giờ, ông điện về cho Nagumo: "Cần có thêm đợt tấn công thứ hai". Vừa nhận được tin và chưa kịp xử trí, Nagumo bỗng thấy một khu trục hạm của ông dùng cờ đánh đi tín hiệu "có máy bay địch!".
Phi đội này gồm 4 chiếc Marauders và 6 chiếc Avenger cũ kỹ lỗi thời có trang bị thủy lôi đang nặng nề ì ạch tiến về phía hạm đội xung kích Kido Butai. Tức thì phía Nhật Bản, chiến đấu cơ Zero nhanh chóng lao lên tạo thành cái dù bảo vệ tàu sân bay và tiến về phía phi cơ địch ngăn cản. Thế là trận không chiến bắt đầu. Người ta dù chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra nhưng kết quả của nó cũng thật là dễ đoán.  Trận chiến vừa khai màn thì đã có 3 chiếc bị chiến đấu cơ Zero của Nhật bắn hạ. Phòng không từ những tuần dương hạm và khu trục hạm cũng vừa gửi lời chào vĩnh biệt đến 2 chiếc nữa. Còn lại 5 chiếc hốt hoảng nhưng họ lại không tháo chạy, 3 trong 5 chiếc còn lại vốn là những chàng phi công gan lì. Không biết bằng cố gắng nào đó mà họ đã vượt xa sức chịu đựng của con người, dù đạn phòng không đan kín bầu trời và chiến đấu cơ Zero của địch cứ bám riết như bóng với hình nhưng 3 chiếc máy bay Mỹ vẫn cứ len lỏi và tiến thẳng về phía Akagi. Khi vừa tầm thủy lôi, họ cho phóng ngay 3 trái thủy lôi quyết tiêu diệt tàu sân bay cho bằng được. Nhưng có lẽ số của Nagumo chưa tuyệt diệt trên vùng biển này nên chiếc soái hạm lúc ấy bỗng dưng đổi hướng, kết quả là 3 trái thủy lôi mà 3 phi công của Mỹ liều chết để phóng đã trở thành công cốc, nó đi trượt ra ngoài không gây thiệt hại gì cho Akagi cả. Trên các tàu sân bay Nhật, các phi cơ oanh tạc đợt thứ nhất đang trở về lần lượt đáp xuống để tiếp nhiên liệu. Họ được thủy thủ đoàn chào đón bằng những tiếng tung hô vang dậy, vì đã được chính mắt mục kích trận không chiến ngoạn mục vừa rồi, thấy phi công của mình tung hoành bắn rơi máy bay Mỹ dễ như bắn chim nên họ thảy đều phấn khích.
Cuộc tấn công này cùng với điện tín của Tomonaga khiến Nagumo nghĩ rằng lực lượng không quân Mỹ ở Midway là nguy cơ chính, chứ không phải các tàu sân bay địch mà đến lúc này vẫn chưa hề thấy xuất hiện. Quyết định đưa nốt 37 máy bay phóng ngư lôi dự trữ vào tăng cường cho lực lượng tấn công Midway đợt 2, ông ra lệnh thay ngư lôi bằng bom cho các máy bay này để đánh các sân bay trên đảo. Công việc này mất độ 1 giờ, nhưng người ta đã không kịp hoàn thành nó. Lúc 7 giờ 28 phút, một máy bay trinh sát Nhật điện về một tin làm Nagumo và bộ tham mưu của ông bàng hoàng: "Phát hiện 10 tàu địch cách Midway 240 dặm về phía Bắc". Câu hỏi ám ảnh mọi người trong suốt cuộc hành quân, giờ đây đã được thực tế đặt ra và buộc phải trả lời dứt khoát: Tiếp tục đánh Midway hay chuyển sang đánh hạm đội địch? Nếu trong đoàn chiến hạm Mĩ không có tàu sân bay, thì vẫn có thể tiến đánh Midway rồi quay lại đối phó với chúng. Nhưng nếu có 1 tàu sân bay trong đó, thì máy bay của nó sẽ có thể tấn công đoàn tàu Nhật ngay trong lúc chưa hoàn tất việc thay ngư lôi bằng bom cho máy bay, tức là trong lúc rất nguy hiểm. Để tránh tình trạng trên, và để sẵn sàng tấn công hạm đội địch, Nagumo ra lệnh chấm dứt việc thay ngư lôi bằng bom và lắp lại như cũ những ngư lôi nào đã được tháo ra khỏi máy bay. Tiếp đó, Kusaka yêu cầu máy bay trinh sát xác định rõ loại hình tàu địch. Vài khu trục cơ cất cánh vội vàng để bảo vệ bên trên đoàn máy bay đợt 2 trở về. Các máy bay này có trách nhiệm che chở cho một công việc hết sức nguy hiểm là sự tiếp nhận trên các tàu sân bay đang chứa đầy máy bay trong hầm ngay khi thay đổi bom và thủy lôi. Đã trải qua nhiều trận đánh và cũng được huấn luyện kỹ càng khiến cho các thủy thủ chu toàn công việc không gây một trở ngại nào.
Đây là lần đầu tiên kể từ trận không kích thành công ở Trân Châu Cảng, thần may mắn đã ngoảnh mặt với Người dân xứ Phù Tang, nếu bệ phóng thủy phi cơ của tuần dương hạm Tone không bị trục trặc và phi cơ đã phóng lên đúng như mệnh lệnh của Genda thì họ đã phát giác ra hạm đội địch trước khi Nagumo ra lệnh cho thay đổi loại bom oanh tạc và giờ này chắc cũng đang hiên ngang trên đường tiến về phía 3 tàu sân bay Enterprise, Hornet và Yorktown để tấn công rồi.
Chỉ vài phút sau, 16 máy bay Mĩ lại ập đến tấn công Lực lượng đột kích Nhật. Đây là phi đội máy bay ném bom bổ nhào của thiếu tá Lofton Henderson thuộc thủy quân lục chiến Mỹ cất cánh từ Midway lúc sáng sớm, ít phút sau khi có lệnh báo động. Các chiến đấu cơ Zero từ các tàu sân bay vội vã lao lên đánh chặn. Các phi công Mỹ tập trung đánh tàu sân bay Hiryu, nhưng do thiếu kinh nghiệm, họ thả bom không trúng đích. Sau khi mất 8/16 số máy bay, phi đoàn Henderson buộc phải quay về căn cứ.
Lúc 8:09, Nagumo và bộ tham mưu của ông cảm thấy nhẹ người khi nhận được tin do máy bay trinh sát điện về: trong số 10 tàu địch, có 5 chiếc là tuần dương hạm và 5 chiếc kia là khu trục hạm. Nhưng họ không có thời gian để mừng. Từ độ cao trên 6000m, 15 pháo đài bay B17 của Hoa Kỳ trút bom xuống các tàu sân bay Nhật. Họ rời Midway lúc trời chưa sáng mục đích để truy tìm và tiêu diệt những dương vận hạm chuyển quân, nhưng vô tình lại phát giác ra những tàu sân bay đang nằm phơi mình dưới ánh nắng bình minh, những mục tiêu hấp dẫn như thế này thì làm sao họ không lao ngay vào tấn công cho được. Những sĩ quan phi hành đoàn nhìn những quả bom to đùng của mình đuôi nối đuôi rơi thẳng xuống giữa vùng biển đầy chiến hạm địch rồi gọi radio báo cáo đại về chỉ huy rằng phi đội của mình đã đánh trúng 4 chiến hạm của địch. Thực tế thì chẳng có trái bom nào trúng đích cả.
Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn mà hạm đội xung kích của Nhật đã bị phi cơ Hoa Kỳ tấn công những ba lần, thủy lôi có, bom và bổ nhào có, bom thả từ trên cao độ có nhưng trượt cả. Kusaka ngẫm nghĩ và cười một mình "Hừm, quân đội Mỹ xung trận mà đánh đấm dở như vậy thì ở nhà nấu cơm cho vợ ăn có lẽ còn anh hùng hơn".
Sau ba lần đụng độ với không lực Mỹ ở Midway, Nagumo và bộ tham mưu của ông nhận thấy lực lượng này không đáng sợ. Nhưng đến 8:20 họ lại phải lo âu khi nhận được tin điện, vẫn của chiếc máy bay trinh sát nói trên: dường như có một tàu sân bay đi theo đoàn chiến hạm Mỹ. Vào lúc 8:30: "phát hiện thêm 2 tuần dương hạm địch". Đa số trong bộ tham mưu không tin rằng tàu sân bay Mỹ đã xuất hiện: nếu có, nó đã cho máy bay tấn công chúng ta từ lâu.
Nhung Kusaka tin là có: một đoàn chiến hạm lớn như vậy không thể không có tàu sân bay. Kusaka muốn tiến đánh hạm đội Mỹ ngay, nhưng còn băn khoăn về phi đoàn tiến đánh Midway đang trên đường quay trở về. Họ sẽ hết nhiên liệu và không tìm được tàu mẹ để hạ cánh nếu các tàu sân bay di chuyển. Ông hỏi ý kiến trung tá Genda, và viên sĩ quan trẻ tuổi nhưng đầy uy tín này đề nghị chờ các máy bay của Tomonaga trở về. Kusaka liền báo cáo dự định của ông với Nagumo: tấn công hạm đội địch sau khi phi đoàn Tomonaga đã trở về. Nagumo chấp thuận.
9:18, khi chiếc máy bay cuối cùng đáp xuống đường băng tàu sân bay, Lực lượng đột kích của Nagumo từ hướng Đông Nam quay mũi về hướng Bắc - Đông Bắc đi tìm diệt hạm đội Hoa Kỳ trong một trận quyết định mà họ hằng mong đợi.
Sau khi đã xác định rõ ràng vị trí của Lực lượng đột kích bằng tàu sân bay Nhật Bản, Fletcher yêu cầu Spruance tấn công ngay khi lực lượng đặc nhiệm 16 tới địa điểm thuận lợi. Tham mưu trưởng của Spruance là đại tá Miles Browning cũng đề nghị tấn công sớm để phối hợp với không quân ở Midway chia cắt lực lượng Nhật. Tán thành quan điểm đó, Spruance còn táo bạo quyết định đưa toàn bộ máy bay của ông vào tấn công cùng một lúc để diệt địch trong một đòn mãnh liệt bất ngờ.
7:02, khi Lực lượng đặc nhiệm 16 dùng lại cách mục tiêu khoảng 100 dặm, cả hai tàu sân bay Enterprise và Hornet đã phóng đi tất cả các máy bay của chúng, ngoại trừ các thủy phi cơ trinh sát. 67 máy bay ném bom bổ nhào, 20 chiến đấu cơ và 29 máy bay phóng ngư lôi lao về hướng Tây - Tây Nam. Phi đoàn xuất phát từ chiếc Hornet đã đến mục tiêu trước hết nhưng không phát hiện được đoàn chiến hạm Nhật. Các chiến đấu cơ và các máy bay ném bom bổ nhào do trung tá Stanhope Ring chỉ huy liền ngoặt về hướng Đông Nam để truy tìm địch trên đường tiến tới Midway. Riêng phi đội máy bay phóng ngư lôi gồm 15 chiếc do trung tá John Waldron chỉ huy không bay theo hướng đó. Căn cứ vào vết tích còn lại của luồng nước do các chiến hạm di chuyển tạo ra, vị trung tá có dòng máu lai da đỏ này ngoặt về phía Đông để tìm địch. Cũng phải mất rất nhiều thời gian Waldron mới phát hiện được đoàn chiến hạm khổng lồ với 4 tàu sân bay Nhật. Vừa lúc đó, gần ba chục chiến đấu cơ Zero lao lên đánh chặn. Mặc dù không có chiến đấu cơ yểm trợ, Waldron dẫn phi đội của mình lăn xả vào đánh các tàu sân bay Nhật. Nhưng máy bay của ông đã bị bắn rơi cùng với hầu hết phi đội của mình, trước khi có thể phóng được ngư lôi. Chỉ có một chiếc thoát khỏi vòng vây của chiến đấu cơ Nhật Bản.
Nhưng chỉ vài phút sau, một phi đội gồm 14 máy bay phóng ngư lôi Mỹ lại ập đến. Đây cũng là phi đội duy nhất trong đoàn máy bay xuất phát từ tàu Enterprise tìm được mục tiêu và lao vào tấn công mà không có chiến đấu cơ yểm trợ.Thêm 10 chiếc bị bắn rơi, 4 chiếc còn lại bị thương nhưng vẫn phóng được ngư lôi trước khi tháo chạy.
Lại thêm một đoàn máy bay Mỹ nữa lao tới hạm đội Nhật. Lần này là các máy bay thuộc tàu sân bay Yorktown của Lực lượng đặc nhiệm 17. Mãi đến 9:06, Fletcher mới cho các máy bay của ông cất cánh đợt đầu, gồm 12 máy bay phóng ngư lôi, 6 chiến đấu cơ và 17 máy bay ném bom bổ nhào. Không mất thời gian để tìm kiếm mục tiêu, phi đội máy bay phóng ngư lôi được 6 chiến đấu cơ yểm trợ bay thẳng tới đoàn chiến hạm Nhật. Các chiến đấu cơ Mỹ lập tức sa vào vòng vây của các máy bay Zero trong khi đó 12 máy bay phóng ngư lôi băng qua lửa đạn phòng không dày đặc của các chiến hạm Nhật để đánh các tàu sân bay. 14 quả ngư lôi đã được phóng đi, nhưng không kết quả vì trượt mục tiêu hoặc các tàu Nhật tránh né được.Một máy bay Mỹ vừa bị trúng đạn, viên phi công kém may mắn trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời lại tỏ bình tĩnh vô cùng, anh ta khéo léo điều khiển chiếc phi cơ lâm nạn của mình lao thẳng vào soái hạm Akagi theo chiến lược kamikaze của người Nhật. Lúc ấy Tướng Kusaka đang đứng trong tháp chỉ huy, ông đưa mắt nhìn lên theo tiếng gầm rú vang trời của chiếc phi cơ mất thăng bằng đang lao vút về phía mình. Và may mắn cho ông, chiếc máy bay chỉ lướt qua đầu ông không quá 10 thước rồi lao thẳng xuống biển. Các máy bay Mỹ liên tiếp bị bắn rơi xuống biển hoặc nổ tan trên không, chỉ còn 2 chiếc quay trở về.
Sau khi đập tan 3 đợt tấn công của máy bay xuất phát từ tàu sân bay Mỹ, Lực lượng đột kích của Nagumo đã tiêu diệt 35 trong tổng số 41 máy bay phóng ngư lôi và bắn rơi 6 chiến đấu cơ địch. Con số đó bằng 2/3 tổng số máy bay mà một tàu sân bay có thể mang theo. Do đó, Nagumo cho rằng địch chưa thể mở ngay một đợt tấn công mới. Lúc 10 giờ, ông hạ lệnh chuẩn bị chuyển sang tấn công. Trên cả 4 tàu sân bay, toàn bộ máy bay phóng ngư lôi được đưa lên boong trước, đúng xếp hàng cùng các chiến đấu cơ đang được tiếp thêm dầu. Các tàu sân bay quay mũi ngược chiều gió để chuẩn bị cho máy bay cất cánh.
Đúng lúc đó, một đoàn gồm 37 máy bay ném bom bổ nhào Mỹ do trung tá Clarence Maclusky chỉ huy ngày càng tiến đến gần. Phi đội này cất cánh từ tàu sân bay Enterprise lúc sáng, bay về phía Nam đến gần Midway vẫn không thấy hạm đội Nhật, lại quay về phía Bắc. Lần theo vệt nước do một chiến hạm chạy về phía Đông Bắc tạo ra, Maclusky đã phát hiện ra đoàn chiến hạm Nhật lúc 10 giờ 20 phút. Từ độ cao 6.000 mét tiếp cận mục tiêu, Maclusky không thấy máy bay Nhật bay lên chặn đánh. Chọn 2 tàu sân bay chạy song song ở phía trước để đánh ông chia lực lượng của mình ra làm hai và hạ lệnh tấn công. Các máy bay Mỹ bổ nhào xuống mục tiêu. Súng phòng không bắn lên, nhưng đã muộn, từ trên cao độ, Gallaher nghe tiếng Trung úy gọi tên mình và ra lệnh "Theo tôi", sau đó chiếc phi cơ của MacCluky chúi mũi lao thẳng xuống tàu sân bay Kaga, không chậm trễ, Gallaher cũng lao sát theo sau. Đến một khoảng cách gần, anh ta nhìn thấy hình vẽ lá đại kỳ mặt trời mọc trên sàn tàu. Viên trung úy trẻ này là người đã thoát chết trong trận Trân Châu Cảng, sau khi chứng kiến chiếc hạm Arizona bị đánh bật ngửa nằm ngay bãi biển mà lòng cay đắng. Anh ta bấm nút thả bom ở độ cao 550 m và đưa mắt theo dõi quả bom nặng nề lao thẳng xuống Một ánh lửa lóe lên ngay sàn tàu, rồi thêm một ánh lửa khác cũng cùng một mục tiêu. Quả bom ấy do Trung úy McClusky cũng vừa thả xuống. Kaga nổ tung từ buồng lái đến mũi tàu. Các máy bay trên boong cũng nối tiếp nhau nổ tan tành. Chỉ sau 2 phút chiếc Kaga ngập chìm trong lửa.
Trên đài chỉ huy của chiếc Akagi, Nagumo và Kusaka đứng thất thần nhìn lửa thiêu chiếc Kaga và toàn bộ máy bay của nó, quên mất rằng bom cũng đang rơi ngay trên đầu mình. Chỉ một phút đồng hồ sau khi Kaga phát nổ thì đã có thêm một trái bom nữa cũng đánh trúng vào mép soái hạm Akagi. Ngọn lửa trên chiếc Akagi bắt đầu cháy lan ra, khói tỏa cả một vùng biển rộng. Trên chiếc tàu sân bay thảm thương ấy, Tướng Kusaka đứng sững sờ, ông không ngờ những khu trục cơ cũng có thể gây thiệt hại cho chiến hạm của mình. Ngay giữa lúc còn bàng hoàng suy tính thì lại có tiếng xé gió thật to bên tai ông, bất thần ông ngước nhìn lên phía trên thì thấy 1 quả bom to đùng đang lao thẳng xuống. Quả bom chết tiệt ấy đánh trúng vào giữa hàng phi cơ chuẩn bị cất cánh. Một tiếng nổ kinh thiên động địa khiến cho toàn thân Akagi rung lên bần bật như vừa trải qua một cơn địa chấn.
Những máy bay chưa cất cánh bị bắt lửa cháy rực, tiếp theo là tiếng bom và thủy lôi cũng bắt lửa nổ liên tục. Rồi ngọn lửa ngùn ngụt ấy lại liếm dần vào hầm chứa dầu và đạn dược. Lại thêm nhiều tiếng nổ khác vang lên, toàn thân soái hạm Akagi run lên từng chập như căn nhà tranh trước gió. Nagumo không chịu rời tàu trong khi đài chỉ huy bắt đầu bốc cháy. Kusaka cố thuyết phục nhưng Nagumo từ chối và muốn ở lại chìm cùng Akagi xong bị Kusaka phá cửa sổ đẩy ông ra ngoài rồi dòng dây cho tư lệnh Lực lượng đột kích tụt xuống xuồng cứu nạn. Kusaka cũng xuống xuồng bằng sợi dây ấy và đưa Nagumo sang chiếc tuần dương hạm Nagara để tiếp tục chỉ huy. Chỉ còn riêng hạm trưởng Aoki thì xin được đi theo số mệnh của chiếc tàu sân bay huyền thoại nhưng không được phép.
Khói lửa bốc cao trên hai tàu sân bay bị phá hủy đã dẫn đường cho phi đội máy bay ném bom bổ nhào gồm 17 chiếc do trung tá Maxwell Leslie chỉ huy. Xuất phát từ tàu sân bay Yorktown và đang bay chệch mục tiêu về hướng Đông Nam, họ bỗng trông thấy khói ở chân trời phía Tây Bắc. Cả đoàn ngoặt ngay về phía đó. Leslie dẫn đầu rồi lần lượt đến các máy bay khác lao xuống trút bom vào 1 trong 2 tàu sân bay mà họ thoáng thấy qua lớp mây mờ.
Trung úy Bob, chỉ huy trưởng phi đội dẫn đầu xé mây nhắm tàu sân bay Soryu lao vút xuống. Chỉ thấy 4 chiếc máy bay như 4 cái bóng mờ chúi xuống thật nhanh rồi lao vút lên, bốn quả bom dội vào cùng một lúc khiến chiếc Soryu chỉ trong phút chốc đã biến thành một biển lửa. Nhưng hành động của 4 phi công  dù sao cũng không qua khỏi được định mệnh, 3 trong 4 chiếc phi cơ cảm tử trút bom xong vừa mới cất lên đã bị đạn phòng không địch bắn rơi ngay sau đó. Bị trúng cả một loạt bom, tàu sân bay Soryu bốc cháy, ngập nước và chìm dần. Lúc này đã là 10:45, trước tình trạng tồi tệ của Soryu, hạm trưởng Ryusaku Yanagimoto ra lệnh cho thủy thủ đoàn lập tức rời tàu, còn riêng ông thì trở lại cầu chỉ huy, tay cầm thanh Katana mắt hướng về phía lá cờ mặt trời  vẫn còn bay phấp phới trên cột cờ và miệng hát bài quốc ca-bài Kimi Ga Yo. Ông quyết định ở lại cùng chết theo Soryu.
Sau 20 phút oanh tạc của 54 máy bay ném bom Mỹ, Nagumo mất 3 trong số 4 tàu sân bay của ông. Đến lúc ấy, tàu sân bay Hiryu mới có thể cho máy bay cất cánh. Chỉ huy trưởng đội tàu Soryu - Hiryu là chuẩn đô đốc Tamon Yamaguchi hiểu rõ rằng nếu muốn sống sót, chiếc tàu sân bay còn lại của ông phải diệt bằng được tàu sân bay địch, trước khi bị nó tấn công. Vì vậy dù chưa biết rõ số lượng và vị trí tàu sân bay địch, ông vẫn hạ lệnh tấn công. Lúc 10:40 sáng, 6 chiến đấu cơ và 18 máy bay ném bom bổ nhào đã cất cánh từ đường băng chiếc Hiryu đi tìm tàu sân bay Mỹ. Rất may cho những máy bay Nhật, phi đội oanh tạc cơ của Trung úy Leslie sau khi đánh tơi bời 3 chiếc tàu sân bay của Nhật, một số bị bắn rơi, số sống sót còn lại thì ca khúc khải hoàn đắc thắng hồi dinh. Không ngờ trên đoạn đường quay về tàu sân bay Yorktown họ lại là kẻ hướng đạo dẫn theo một phi đội của kẻ thù tìm ra soái hạm của Fletcher. đoàn máy bay Nhật bắt gặp tàu sân bay Yorktown giữa đội hình Lực lượng đặc nhiệm 17 ở phía sau đoàn tàu của Spruance 15 dặm.
Nhờ radar của tàu sân bay phát hiện địch từ xa 40 km, Fletcher đã kịp thời cho các chiến đấu cơ bay lên chặn đánh phối hợp với một hỏa lực phòng không mãnh liệt. Nhưng với ý chí phục thù của các võ sĩ đạo, các phi công Nhật đã cho máy bay lăn xả vào mục tiêu mà ném bom cho bằng được chiếc Yorktown. 16 máy bay Nhật bị hạ, chỉ còn 5 oanh tạc cơ và 3 chiến đấu cơ quay trở về. Nhưng chiếc tàu sân bay USS Yorktown đã bị trúng 3 trái bom và bị 3 máy bay cảm tử đâm vào làm hỏng 2 nồi hơi và bốc cháy lúc 12:30 phút. Sau 1 giờ, đám cháy được dập tắt, nhưng 10 máy bay phóng ngư lôi cùng 6 chiến đấu cơ khác của chiếc Hiryu lại ập đến. Trong lúc chiến đấu cơ đôi bên giao tranh ác liệt, các máy bay phóng ngư lôi Nhật bất chấp hỏa lực phòng không đã phóng 2 quả trúng tàu sân bay. Bằng một cố gắng vượt hơn cả sức người thì dù có đến hơi thở cuối cùng người Nhật cũng phải đạt cho kỳ được cái ước mơ của họ, đó là phải đánh chìm cho được tàu sân bay địch để rửa hận cho Akagi, Kaga và Soryu. Bị thương nặng, chiếc Yorktown nghiêng hẳn một bên.
Lúc 3 giờ chiều, hạm trưởng Elliott Buckmaster hạ lệnh rời tàu. Chuẩn đô đốc Fletcher rời bộ chỉ huy của ông qua tuần dương hạm Astona. Vài giờ sau, chiếc tàu ngầm I-168 của Nhật do trung tá Yahachi Tanabe chỉ huy đã phát hiện được tàu sân bay bị thương Yorktown. Nó phóng thêm 2 quả ngư lôi vào tàu sân bay này và 1 quả vào khu trục hạm Hammann ở gần đó. Chiếc khu trục hạm chìm sau 4 phút, còn tàu sân bay thì tới lúc đó mới bắt đầu chìm dần.
Trong lúc Fletcher giao chiến với máy bay Nhật thì Spruance khẩn trương tiếp dầu và nạp vũ khí cho các máy bay vừa đi chiến đấu trở về. Mọi việc vừa hoàn tất, ông hạ lệnh tấn công chiếc Hiryu-tàu sân bay cuối cùng của đoàn chiến hạm Nhật.
11 oanh tạc cơ mang bom 45 kg và 13 chiếc mang bom 225 kg. Tất cả do trung tá Wilmer Gallaher chỉ huy, xuất kích lúc 15:30 từ tàu sân bay Enterprise.
Lúc 16:30, tàu sân bay Hornet cũng phóng thêm một phi đội oanh tạc cơ.
Lúc 17:03, phi đội đầu tiên đến nơi và bắt đầu tấn công. 4 trái bom đánh sập tháp chỉ huy, lửa bùng cháy lên kinh khiếp và lan ra nhanh chóng. Những chiếc phi cơ chuẩn bị cất cánh đậu san sát bên nhau trên sàn tàu đã là một mồi lửa tuyệt vời. Chỉ cần một chiếc phi cơ phía ngoài bén lửa bắt cháy thì bình xăng và những quả bom treo hai bên cánh phát nổ. Bom càng nổ thì lửa càng cháy to, thử tưởng tượng với vài chục chiếc phi cơ nổ tung như thế thì sức công phá của nó kinh khủng đến thế nào. Ở đây không cần phải nói đến tình trạng của chiếc Hiryu nữa.
Sau đó oanh tạc cơ của chiếc Hornet đến, thấy tàu sân bay đang cháy dữ dội, họ lựa các tàu khác để tấn công. Rồi oanh tạc cơ B17 của lục quân đóng ở Midway cũng đến tham chiến.
Suốt 9 tiếng đồng hồ sau đó, người Nhật cố gắng chế ngự hỏa hoạn nhưng cuối cùng hầm đạn cũng phát nổ. Chuẩn đô đốc Yamaguchi và hạm trưởng Tomeo Kalu ra lệnh cho mọi người rời tàu. Hai vị chỉ huy quyết định ở lại và hy sinh cùng Hiryu sáng sớm ngày 5-6-1942.
Chỉ huy hạm đội xung kích là Nagumo, ông cùng Tướng Kusaka hiện đang có mặt trên soái hạm mới là chiếc Nagara. Mũi xung kích tuy rằng như con cua gãy càng, tuy nhiên Kusaka vẫn nuôi ý tưởng tiếp tục truy kích, hy vọng sẽ diệt được một vài tàu sân bay địch mới thỏa được mối hận ngút trời này. Mặc dù thân đang mang trọng bệnh lại bị bỏng cả hai bàn tay, một chân bị thương vì ngã trong lúc di tản khỏi chiếc soái hạm Akagi, nhưng ông vẫn mặc kệ, cố bước khập khễnh lên cầu chỉ huy để nài nỉ Namugo chuẩn bị kế hoạch tấn công vào lúc đêm tối mà lực lượng chính yếu chỉ là khu trục hạm, tuần dương hạm và thiết giáp hạm. Theo kế hoạch này thì toàn lực lượng còn lại phải xuất đầu lộ diện, hạm đội hai bên mặt đối mặt tranh tài cao thấp đây. Kusaka giọng cương quyết nói "Bây giờ chính là lúc tôi phải ra tay đây. Những gì còn lại của hạm đội lừng danh Kido Butai sẽ phải cố gắng làm lại từ đầu".
Spruance cũng đoán được những dự định của Hải quân Nhật nên ông tỏ ra rất cẩn trọng để quyết đoán. Trong lòng ông thì lúc nào cũng rất bồn chồn chỉ muốn mạo hiểm cùng họ tranh hùng một trận  rồi ra sao thì ra. Nhưng lời dặn dò của Đô đốc là phải nên cân nhắc sự việc kỹ càng trước khi hành động . Vừa rồi Hải quân của chúng ta cũng liều lĩnh thật, nhưng sự liều lĩnh này đã mang lại một kết quả ngoài sức tưởng tượng. Có lẽ chỉ huy Nhật đặt kỳ vọng vào một thử thách cuối cùng này, hơn nữa thủy thủ của họ sở trường là đánh đêm trong khi phía Hoa Kỳ thì chưa từng được huấn luyện nên không có tí gì về chiến thuật xung trận lúc tối trời. Thôi thì lần này ta không nên mạo hiểm, tránh chạm trán với những con người liều lĩnh coi chết như chơi này cũng đáng ngại lắm. Nghĩ như thế nên ông ta ra lệnh cho hạm đội di chuyển về hướng Đông mất dạng.
Bây giờ đã gần 7 giờ tối. Đêm đã xuống từ lâu, bầu không gian trở nên tỉnh mịch lạ thường. Gió hiu hiu nhẹ không đủ sức làm gợn mặt đại dương im ắng. Sao giăng nhấp nháy đầy trời, không biết đêm nay những tinh tú trời cao này đang e ấp thẹn thùng hay sụt sùi thương cảm nhỏ giọt chứa chan cho những chàng thủy thủ xa nhà đang dấn thân vào lửa đạn. Đó là những chàng trai quên mình vì tổ quốc. Hoặc Nhật Bản, hoặc Hoa Kỳ. Không biết đêm nay sẽ có bao nhiêu vì sao rơi rụng, bao nhiêu linh hồn vô danh sẽ nằm lại vĩnh viễn giữa lòng đại dương mênh mông này.
Vùng biển phía Tây Bắc Midway đêm nay được thắp sáng bởi những ánh đuốc khổng lồ, đó là những tàu sân bay đang trôi dạt bồng bềnh mà ánh lửa vẫn còn đỏ rực, soi sáng cả một vùng không gian âm u đen đặc. Trên một chiếc khu trục hạm, những thủy thủ còn sống sót sau những trận chiến kinh hồn trọn cả ngày bây giờ đưa đôi mắt tuyệt vọng nhìn theo chiếc tàu sân bay Soryu đang từ từ nghiêng hẳn về một bên rồi chìm dần vào lòng đại dương. Lúc 7:13 hôm sau thì ánh đuốc khổng lồ ấy tắt hẳn, để lại vô số bọt nước sủi lên sùn sụt như để đánh dấu nơi yên nghỉ ngàn thu của một con tàu, nơi chôn vùi những chiến công oanh liệt của một thời dọc ngang trên sóng nước . Và cũng tại nơi ấy cũng là nấm mộ tập thể của 718 thủy thủ.
Cách đó bốn mươi dặm về hướng Nam, ngọn lửa khủng khiếp vẫn đang tàn phá tàu sân bay Kaga. Sau hai tiếng nổ kinh hồn, toàn thân Kaga bị bẻ gãy đôi và chìm sâu vào lòng biển cả, nó mang theo một thủy thủ đoàn 811 người bất hạnh.
Lại nói về lực lượng sức càng gãy gọng của Nagumo. Sau khi được Kusaka thuyết phục phải trả thù bằng mọi giá, họ âm thầm trong bóng đêm đen quyết tìm cho được hạm đội Hoa Kỳ để thanh toán. Nhưng sau mấy tiếng đồng hồ tìm kiếm vẫn không dò được bóng dáng hạm đội địch. Nagumo chán nản ra lệnh cho toàn bộ chiến hạm còn lại rút về phía Tây Bắc. Vị sĩ quan hạm trưởng Oishi từng vẽ ra chiến dịch tấn công Trân Châu Cảng bây giờ bị rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần hết sức trầm trọng. Ông chạy vào văn phòng của khu bệnh viện để tìm Tướng Kusaka. Gặp Kusaka, Oishi nói ngay "Chúng ta đang thi hành nhiệm vụ thì chúng ta phải chịu hết trách nhiệm của sự thất bại này. Tất cả chúng ta nên phải lấy cái chết để chịu tội với Thiên Hoàng và quốc gia" Ông còn cho biết là những sĩ quan tham mưu cũng có cùng một ý nghĩ và bây giờ muốn Kusaka đem việc này trình lại với Đô đốc Namugo.
Kusaka quắc mắt nhìn Oishi một chập rồi dõng dạc nói "Tốt! Hãy cho gọi tất cả sĩ quan tham mưu ngu ngốc ấy vào phòng họp lập tức".
Kusaka vẫn với bộ đồ trắng dành cho người bệnh chưa xuất viện, ông khập khễnh đi đến phòng họp, ở đó đã có sẳn những sĩ quan tham mưu. Kusaka vào đề ngay "Quý vị đã cùng chúng tôi sát cánh bên nhau , khi chiến thắng thì chúng ta cùng hân hoan chia sẻ , nhưng khi kết quả ngược lại thì quý vị quyết chí toan tự tử để chạy tội sao ? Hành động này không khác gì những người phụ nữ yếu mềm, chẳng biết dùng trí óc để xét đoán mà chỉ biết cam phận trước mắt mà thôi". Nói xong ông lên phòng chỉ huy tìm gặp Nagumo. Vừa gặp vị Đô đốc chỉ huy, Kusaka hỏi ngay "Đô đốc cũng định tự sát nữa hay sao ?". Nagumo chỉ buồn bã đưa mắt nhìn ông. Kusaka bèn bắt đầu bằng một bài thuyết khách dài thườn thượt, nào là nhiệm vụ chưa thành hãy để tâm trí vào việc hành quân bố trận cớ gì lại bi quan nghĩ quẩn. Thiên Hoàng đã đặt tất cả niềm tin và tổ quốc cũng đang cần những quân nhân như chúng ta, tại sao lại phải tự tử. Tự tử là hèn nhát là trốn chạy trách nhiệm mà Thiên Hoàng và tổ quốc đã phó thác cho chúng ta. Ông lại khuyên rằng Nagumo lại là chỉ huy trưởng của một hạm đội, điều đó nói lên ông phải sống còn mà cáng đáng bổn phận. Nói xong Kusaka vỗ vai người chỉ huy nhỏ con mà nói "Daijobu" tức là "Đừng có lo".
Với sự hủy diệt của tàu sân bay thứ 4 trong Lực lượng đột kích của phó đô đốc Nagumo, hải quân Nhật mất đi một phần lớn sinh lực. Tính chung toàn trận đánh, người Nhật mất 4 tàu sân bay, 1 tuần dương hạm nặng, 6 hạm tàu khác, cùng 332 máy bay và 3.500 sinh mạng. Người Mỹ chỉ mất 1 tàu sân bay, 1 khu trục hạm, 147 máy bay và 307 sinh mạng.
Vào những giờ đầu tiên của ngày 4 tháng 6, Bộ tư lệnh hạm đội Liên hợp tập trung trên đài chỉ huy của siêu thiết giáp hạm Yamato.
Mặt trời mọc vào lúc 4:32 nhưng mây mù dày đặc, mọi người tự hỏi, không biết tàu sân bay của đô đốc Nagumo có thể phóng máy bay được không ?
Lúc ấy, Bộ tư lệnh cách đảo Midway 800 dặm, cách đội tàu sân bay 600 dặm.
Lúc 5:55, bộ phận điện đài của chiếc Yamato bắt được điện của máy bay quan sát báo về cho hạm đội hành quân biết đã gặp 15 máy bay địch bay về hướng các tàu sân bay nhưng không khí chung ở Bộ tư lệnh là lạc quan.
Sau đó, nghe thêm những câu nói của phi đoàn trưởng Tomonaga, người chỉ huy các máy bay đợt một dội bom Midway, yêu cầu cho xuất kích đợt hai.
Mọi người trong Bộ tư lệnh chờ mãi mà không nghe gì về việc đợt máy bay thứ hai xuất kích. Trái lại, lúc 7:40 lại nghe máy bay trinh sát báo là gặp 10 tàu địch.
Chừng ấy mọi người mới ngẩn ra. Sĩ quan quân báo ngồi yên, nhìn xuống, trong lúc bao nhiêu cặp mắt nhìn vào ông ta như thầm trách móc: "Tình báo mà không biết cái gì hết. Nó ở gần bên hông mà cứ cho là nó ở tận mãi đâu đâu".
Nhưng dù sao, họ cho rằng tình hình vẫn chưa xấu lắm!
Đến 8:30 mới biết là đã thấy một tàu sân bay địch.
Lúc ấy, Cục trưởng hành quân mới nhớ ra rằng: "Ủa, sao chưa thấy Nagumo cho xuất kích đợt hai?". Nhưng họ còn bám vào hy vọng: đợt hai chưa xuất kích đánh Midway thì chắc chắn sẽ xuất kích đánh đoàn tàu địch. Nhưng họ không hề biết nỗi lẩn quẩn của Chuichi Nagumo, thay ngư lôi bằng bom, rồi thay bom bằng ngư lôi và cuối cùng quân địch kéo tới...
9 giờ, máy phóng thanh cho hay 10 máy bay cất cánh từ tàu sân bay địch, tiến về hạm đội Nagumo. Rồi im bặt. Mọi người chờ đợi. 10:50, trung tá Mado, trưởng phòng truyền tin vào phòng họp, chào tư lệnh Yamamoto. Không nói một câu nhưng mắt ứa lệ, ông trao cho Tư lệnh một bức điện vừa nhận được của Nagumo: "Các tàu sân bay Kaga, Soryu, Akagi bốc cháy vì bị máy bay của đảo và của tàu sân bay địch tấn công. Chúng tôi dự định phóng máy bay từ chiếc Hiryu để tấn công hạm đội địch. Chúng ta cần tạm thời rút về phía bắc để tập hợp lại lực lượng".
Yamamoto im lặng, mọi người im lặng. Mong mỏi chiến thắng xem dễ như trở bàn tay, giờ đây 75% sinh lực bị mất đi. 
Khi ấy Yamamoto mới quyết định: Tập trung mọi lực lượng về tiếp cứu cho Nagumo. Mặc cho trời xấu, sương mù dày đặc, đoàn chiến hạm của ông cứ tiến tới với tốc độ 22 hải lý/giờ. Ông lại ra lệnh cho đoàn tàu đánh quần đảo Aleutian lui về họp đoàn. Nhưng Yamamoto còn cách Nagumo quá xa, không sao ứng cứu kịp. Lúc 16 giờ 15, chuẩn đô đốc Tamon Yamaguchi điện về cho Yamamoto "Địch quân có 3 tàu sân bay, 5 tuần dương hạm, 15 khu trục hạm. Chúng tôi đã diệt xong 2 chiếc" (Thực ra họ đã đánh hai lần vào một tàu sân bay là chiếc Yorktown)
17:36: "máy bay trinh sát cho hay địch rút về phía Đông"
17 giờ 55: "Đô đốc Nagumo điện về cho biết tàu sân bay Hiryu bị máy bay địch đánh cháy. Thế là đã mất trọn tất cả 4 chiếc tàu sân bay của Lực lượng đột kích".
Trong cơn thất vọng lớn lao, mọi người đều đề nghị tập trung tất cả lực lượng còn lại tiến đến Midway, dùng hải pháo oanh tạc để hủy diệt đảo này. Nhưng đô đốc Ugaki, tham mưu trưởng nói: "Làm như thế là điên rồ và tự sát. Các thiết giáp hạm, đặc biệt là chiếc Yamato sẽ bị máy bay và tàu ngầm địch đánh chìm trước khi đến gần đảo. Trong đánh giặc cũng như đánh cờ, dễ thua vì mất bình tĩnh. Ta hãy kiên trì, rút kinh nghiệm và đợi dịp khác vậy".
Một sĩ quan tham mưu nóng nảy nói: "Làm sao có thể báo cáo lên Thiên hoàng về thất bại này được?".
Tức thì đô đốc Yamamoto cất tiếng: "Đó là việc của tôi. Tôi nhận lãnh trách nhiệm báo cáo việc này lên Thiên hoàng". Qua câu này, mọi người đều hiểu: ông ta bỏ kế hoạch hành quân Midway.
Đáng lý ra lục quân Nhật sẽ đổ bộ lên đảo Midway sáng ngày 6-6. Nhưng hôm nay ngày 5-6, hạm đội Nhật thảm bại hướng mũi quay về. Trận hải chiến lớn nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại đã kết thúc.
Mọi mục tiêu chiến lược của kế hoạch đánh chiếm Midway đã tiêu tan. Hải quân Hoàng gia đã mất đi một quả đấm thép. Người Mỹ bảo vệ được "con đê" của họ, giữ được quyền kiểm soát Thái Bình Dương và từ nay không lùi bước nữa.
"Hải quân đã phạm một sai lầm lớn!" - Tướng Moritake Tanabe, phó tổng tham mưu tưởng lục quân phán xét. Còn tham mưu trưởng của hạm đội Liên hợp, đô đốc Ugaki thì nói rằng: "Chiến tranh là một chuỗi sai lầm mà cả hai bên đều phạm phải. Chiến thắng về với kẻ nào ít phạm lỗi lầm nhất".