Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Nhật Bản: Mặt trời xứ Phù Tang

Quốc Kỳ Nhật Bản


Quốc Huy


Dấu triện chính phủ Nhật Bản

Chiến Kỳ Hải quân (Lực lượng Tự vệ biển Nhật Bản)


Chiến Kỳ Lục quân (Lực lượng tự vệ mặt đất Nhật Bản)


Vị trí của Nhật Bản


Bản đồ Nhật Bản


Quốc ca: 君が代 (Kimi Ga Yo – Quân Chi Đại)




Ngôn ngữ chính thức: tiếng Nhật
Thủ đô và thành phố lớn nhất: Tokyo (東京都 – Đông Kinh Đô)
Diện tích: 377.972,28 km² (hạng 62)
Mật độ dân số: 340,8 người/km(hạng 36)

Quốc khánh: Ngày 3 tháng 5 năm 1947
Nhật Bản (tiếng Nhật: 日本 Nippon hoặc Nihontên chính thức là 日本国 Nippon Koku hoặc Nihon Koku tức “Nhật Bản Quốc“) là một Quốc đảo ở vùng Đông Á. Nằm trên rìa tây bắc Thái Bình Dương, Quốc gia này nằm bên rìa phía đông của biển Nhật Bản, biển Hoa Đông, Trung Hoa đại lục, bán đảo Triều Tiên và vùng viễn đông Nga. Trải dài từ biển Okhotsk phía bắc xuống biển Hoa Đông và đảo Đài Loan phía nam. Chữ kanji trong Quốc hiệu Nhật Bản nghĩa là “gốc của mặt trời”, và người ta thường gọi Nhật Bản bằng biệt danh “Đất nước Mặt Trời mọc”.
Nhật Bản là một quần đảo núi lửa với khoảng 6.852 hòn đảo lớn nhỏ, chủ yếu nằm trong khu vực ôn đới với bốn mùa rõ rệt, nhưng có khí hậu khác biệt dọc theo chiều dài đất nước. Bốn hòn đảo lớn nhất từ bắc xuống nam là Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu, chiếm khoảng 97% diện tích đất liền của nước này nhưng phần nhiều chỉ là rừng và đồi núi với nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng khoáng sản rất hạn chế, không có “rừng vàng biển bạc”.
Vùng quần đảo Nhật Bản được chia thành 47 tỉnh thuộc 8 vùng địa lý từ bắc xuống nam là Hokkaido, Tohoku, Kanto, Chubu, Kansai, Chugoku, Shikoku và Kyushu. Dân số Nhật Bản đứng thứ 10 thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brasil, Pakistan, Nigeria, Bangladesh và Nga), tập trung chủ yếu tại các vùng đồng bằng nhỏ hẹp ven biển. Người gốc Nhật chiếm khoảng 98,5% tổng dân số cả nước. 13.617.445 cư dân sống tại trung tâm Tokyo – thủ đô và thành phố lớn nhất đất nước (37.800.000 dân nếu tính toàn lãnh thổ Kanto). Vùng thủ đô Tokyo và vài tỉnh xung quanh là vùng đại đô thị lớn nhất thế giới với gần 40 triệu dân và là nơi có nền kinh tế đô thị phát triển nhất hành tinh. Đảo Honshu-đảo lớn nhất của Nhật Bản là hòn đảo lớn thứ 7 và đông dân thứ hai Thế giới sau đảo Java của Indonesia, và Tokyo là thành phố lớn nhất nằm trên đảo.
Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc). Mặc dù Nhật Bản đã chính thức từ bỏ quyền tuyên chiến, nước này vẫn sở hữu một lực lượng quân đội hiện đại, có ngân sách quốc phòng cao thứ 8 Thế giới, được huy động với mục đích tự vệ và gìn giữ hòa bình. Nhật Bản là nước phát triển với mức sống và chỉ số phát triển con người rất cao, tuổi thọ trung bình cao nhất Thế giới, đứng hạng ba trong số những quốc gia có tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thấp nhất và có số người đoạt giải Nobel nhiều nhất châu Á. Là quốc gia dẫn đầu về chỉ số thương hiệu quốc gia và giữ vị trí cao nhất ở châu Á về chỉ số hòa bình toàn cầu. Nhật Bản là nước đầu tiên ở châu Á đăng cai Olympic cả mùa hè và mùa đông, là nước đăng cai Olympic nhiều nhất châu Á.
Quốc Kỳ Nhật Bản

Quốc kỳ Nhật Bản gồm hình chữ nhật màu trắng và một hình tròn lớn màu đỏ (tượng trưng cho mặt trời) tại trung tâm. Tương truyền, hai màu đỏ và trắng trên lá quốc kỳ được lấy theo hai màu cờ của hai gia tộc đối nghịch nhau trong chiến tranh Genpei (1080 - 1085): màu đỏ của nhà Taira và màu trắng của nhà Minamoto. Quốc kỳ Nhật được gọi chính thức là Nisshōki (日章旗: Nhật chương kỳ) trong tiếng Nhật, song được gọi quen thuộc hơn là Hinomaru (日の丸: Nhật chi hoàn). Lá cờ Hải quân với 16 tia nắng được gọi là Húc Nhật kỳ.
Hinomaru được chỉ định làm quốc kỳ theo Pháp luật về quốc kỳ và quốc ca được công bố ngày 13 tháng 8 năm 1899. Mặc dù trước đó không có pháp luật chỉ định về quốc kỳ, song hiệu kỳ mặt trời vẫn là quốc kỳ trên thực tế của Nhật Bản. Năm 1870, hiệu kỳ mặt trời được thông qua làm lá cờ sử dụng trên thương thuyền, và Húc Nhật kỳ là lá cờ sử dụng trong Hải quân. Việc sử dụng Húc Nhật kỳ bị hạn chế nghiêm ngặt trong những năm đầu sau thế chiến thứ hai, nhưng sau đó được nới lỏng và ngày nay đó là lá cờ được dùng bởi Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Húc Nhật kỳ bị cấm hiển thị ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong lịch sử ban đầu, Hinomaru được sử dụng trên các hiệu kỳ của những Daimyo (Đại Danh) và Samurai. “Tục Nhật Bản kỷ” ghi rằng Văn Vũ thiên hoàng đã sử dụng một hiệu kỳ tượng trưng cho mặt trời trong triều đình của ông năm 701. Đây là ghi chép sớm nhất về việc sử dụng hiệu kỳ tượng trưng cho mặt trời tại Nhật Bản. Trong thời Minh Trị duy tân, cờ vòng tròn mặt trời và Húc Nhật kỳ trở thành những phù hiệu chính của Đế quốc Nhật Bản.
Việc vẫn tiếp tục sử dụng Húc Nhật kỳ, lá cờ Hinomaru và bài quốc ca Kimigayo trở thành một vấn đề gây tranh luận sau thế chiến thứ hai. Đối với một vài quốc gia từng bị Nhật Bản chiếm đóng, quốc kỳ Hinomaru và đặc biệt là Húc Nhật kỳ là một biểu tượng của xâm lược và chủ nghĩa đế quốc.
Thiết Kế

Hình Tượng Mặt trời

Vào thế kỷ thứ 4, Nhật Bản lấy tên nước là Yamato, còn người Hán từ trước công nguyên đã gọi nước Nhật là Oa quốc (nghĩa là nước lùn), gọi người Nhật là Oa nhân (người lùn). Cũng có thuyết cho rằng từ Oa lấy từ tên Nữ Oa nương nương, vì người Nhật Bản cũng thờ phụng một nữ thần là Amaterasu.
Năm 670, Thiên Hoàng Thiên Trí gửi một đoàn sứ bộ đến chúc mừng triều đình nhà Đường dưới thời vua Đường Cao Tông nhân dịp bình định xong Cao Ly. Trong quốc thư viết theo lối nói của người Trung Hoa: Thiên Tử xứ mặt trời mọc gửi Thiên Tử xứ mặt trời lặn. Thể hiện việc xem nước mình ngang hàng với Trung Hoa. Trong triều thần nhà Đường cũng có người chê cười: người Oa man di lại tự ví mình với mặt trời.
Hình tượng mặt trời xuất phát từ việc quần đảo Nhật Bản là nơi đầu tiên đón nhận ánh nắng ở vùng Đông Á và người Nhật cũng tôn sùng nữ thần mặt trời Amaterasu. Từ thế kỷ thứ 7, các vị vua nhà Đường chấp nhận cách xưng hô mới là Nhật Bản. Từ Minh Trị duy tân đến sau thế chiến thứ hai, Nhật tên là Đại Nhật Bản Đế Quốc, thường gọi là Đế quốc Nhật Bản.
Trong tiếng Anh, Nhật Bản được gọi là Japan, từ này xuất hiện ở phương tây vào đầu giai đoạn mậu dịch Nanban (1543-1641), giai đoạn Nhật Bản mở cửa hạn chế với ngoại quốc trước khi đóng cửa hoàn toàn. Thời trung cổ, người châu Âu gọi Nhật là Cypangu theo cái tên được Marco Polo ghi lại khi ở nhà Nguyên. Nhật Bản trong tiếng Malaysia cổ ở bán đảo Malacca được gọi là Jepangvay mượn từ tiếng địa phương ven biển miền nam Trung Hoa là Zeppen. Từ này đã được các tàu Bồ Đào Nha (nước chiếm Malacca năm 1511 và là nước châu Âu đầu tiên đến Đông Á) mang sang châu Âu để thay cho tên gọi Cypangu, từ đó cho ra đời cái tên Japan.
Trước năm 1900
Theo truyền thuyết, khi đế chế Mông Cổ xuất phát từ Cao Ly xâm lược Nhật Bản trong thế kỷ 13, hòa thượng Nhật Liên (日蓮) đã trao một hiệu kỳ hình tròn đỏ trên nền trắng tượng trưng cho mặt trời cho Shogun (Tướng quân) để mang ra chiến trường, với mong muốn chờ tin thắng trận. Và hạm đội Mông Cổ đã bị một cơn bão đánh tan, người Nhật gọi cơn bão này là Kamikaze – Thần Phong.
Thần Phong ở Kanagawa, tranh của Katsushika Hokusai (1760-1849)
Một trong những hiệu kỳ cổ nhất Nhật Bản là tại chùa Unpo thuộc tỉnh Yamanashi. Theo truyền thuyết thì Thiên hoàng Go Reizei trao nó cho Minamoto Yoshimitsu và nó được xem là một bảo vật của gia tộc Takeda trong 1.000 năm qua.
Các hiệu kỳ được ghi nhận sớm nhất tại Nhật Bản có từ thời kỳ thống nhất vào cuối thế kỷ 16. Các hiệu kỳ thuộc về mỗi Daimyo và được sử dụng chủ yếu trên chiến trường. Hầu hết hiệu kỳ là các dải dài thường mang gia văn của các Daimyo. Các thành viên trong cùng một gia tộc có những hiệu kỳ khác nhau để mang ra chiến trường. Các tướng lĩnh cũng có những hiệu kỳ riêng của mình.
Hạm đội của Yuki Yoshitaka năm 1594
Chiến hạm Asahi Maru của Mạc phủ Tokugawa năm 1856
Chiến tranh Tây Nam năm 1877
Năm 1854, thời Mạc phủ Tokugawa các thuyền của Nhật Bản được lệnh kéo Hinomaru nhằm phân biệt chúng với thuyền nước ngoài. Trước đó, các thiết kế khác nhau của Hinomaru được sử dụng trên những thuyền giao dịch với người Mỹ và Nga. Hinomaru được quy định là hiệu kỳ thương nghiệp của Nhật Bản vào năm 1870 và là quốc kỳ theo pháp luật từ năm 1870 đến năm 1885, đây là lá cờ đầu tiên được Nhật Bản thông qua.
Khái niệm về phù hiệu quốc gia còn xa lạ với người Nhật, song chính phủ Minh Trị cần chúng để giao tiếp với thế giới bên ngoài. Điều này trở nên đặc biệt quan trọng sau khi Phó đề đốc Hải quân Hoa Kỳ Matthew C. Perry tiến vào vịnh Yokohama cùng 4 chiến hạm kỳ. Chính phủ Minh Trị còn quy định thêm những biểu tượng nhận dạng khác cho Nhật Bản, trong đó có cờ Húc Nhật kỳ, quốc ca Kimigayo và quốc huy hoa cúc vàng.
Con đường vươn lên trở thành Đế quốc
Cho đến giữa thế kỉ 19, Nhật Bản vẫn chỉ là một quốc đảo phong kiến lạc hậu với chính sách bế quan tỏa cảng cũng giống như các quốc gia phong kiến Á Đông khác. Nước Nhật lúc đó nằm dưới sự cai trị của Mạc Phủ Tokugawa, Thiên Hoàng chỉ giữ vai trò hình thức (giống như vua Lê - chúa Trịnh). Năm 1854, hạm đội Mỹ dưới sự chỉ huy của Phó Đề đốc Matthew Perry đến Nhật Bản ép Mạc Phủ phải từ bỏ chính sách bế quan tỏa cảng. Các cường quốc phương Tây như Anh, Pháp... noi gương đó cũng lần lượt ép Nhật Bản kí kết các hiệp ước bất bình đẳng tương tự.

Nhật Bản đứng trước khủng hoảng dân tộc và chế độ Mạc phủ phải đối mặt với sự thù địch trong nước. Năm 1867, Mutsuhito lên kế vị vua cha Thiên Hoàng Hiếu Minh khi mới 15 tuổi. Được sự hỗ trợ của các lãnh chúa và giai cấp tư sản, Minh Trị ép Mạc Phủ phải nhượng lại quyền bính cho hoàng gia. Tuy nhiên, Keiki lại tập hợp phe cánh dấy binh chống Thiên Hoàng. Quân các lãnh chúa phiên Satsuma hay Choshu đã đánh bại được Mạc phủ. Có điều, trong suốt thời gian chiến tranh, thực quyền không nằm trong tay Minh Trị. Sau chiến thắng, các công thần của cuộc chiến nắm giữ thực quyền, thực hiện cải cách theo xu hướng tư bản chủ nghĩa (chỉ một mình Minh Trị thì khó mà Duy Tân được). Tuy nhiên, cuộc chiến này đã đặt nền tảng cho quá trình đích thân chấp chính của Minh Trị sau nhiều biến động trong các năm 1877 - 1878.

Minh Trị đã thực hiện cuộc Duy Tân theo xu hướng tư bản chủ nghĩa, dời thủ đô từ Kyoto về Tokyo, ban hành bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản (1889), Nhật Bản qua đó trở thành nước theo thể chế quân chủ lập hiến. Minh Trị Duy Tân đã tạo điều kiện cho nước Nhật phát triển theo đường lối chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, rồi bành trướng ra nước ngoài nhằm tìm kiếm thị trường, nguyên nhiên liệu và nhân công. Một loạt nước đã trở thành nạn nhân của nước Nhật đế quốc. Nạn nhân đầu tiên là Trung Quốc.

-Chiến tranh Thanh - Nhật (1894-1895): Nhật Bản chiếm Đài Loan, Bành Hồ cho đến năm 1945.

-Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn (1900-1901): Nhật Bản là một trong liên quân 8 nước can thiệp, đánh bại Nghĩa Hòa Đoàn, ép nhà Thanh phải ký kết các hiệp ước bất bình đẳng với mình.

-Chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905): quân Nga thất bại toàn diện cả về Lục quân và đặc biệt là Hải quân, mất hoàn toàn 2 trong số 3 hạm đội (Hạm đội Baltic và Hạm đội Thái Bình Dương). Đây là lần đầu tiên một nước châu Á đánh thắng bằng quân sự một cường
quốc châu Âu sừng sỏ. Hệ quả là Nhật Bản chiếm Triều Tiên và đến 1910 thì chính thức sáp nhập vào lãnh thổ của mình.

-Thế chiến thứ nhất (1914-1918): theo các Hiệp Ước kí kết trước đó với Anh, Nhật Bản đã tấn công các thuộc địa của Đức, chiếm tỉnh Sơn Đông, Thanh Đảo và các quần đảo như Mariana, Caroline, Marshall của Đức.

-Năm 1931, Nhật đánh chiếm vùng Mãn Châu (đất gốc của Nhà Thanh), thành lập cái gọi là Mãn Châu Quốc, đưa Phổ Nghi - Hoàng đế cuối cùng của nhà Mãn Thanh lên làm vua bù nhìn nhằm hợp thức hóa việc xâm chiếm này. Đến năm 1937, Nhật Bản tiến hành xâm chiếm toàn diện Trung Quốc, gây nên cuộc chiến tranh Trung-Nhật (1937-1945), khiến hàng chục triệu người Trung Quốc thiệt mạng.

-Pháp: Năm 1940, Đức đánh bại Pháp ở châu Âu, nhân cơ hội đó, quân Nhật tràn vào Đông Dương thuộc Pháp. Chính quyền Pháp theo lệnh của chính phủ Vichy đã chấp nhận sự chiếm đóng và hỗ trợ quân Nhật. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật hắt cẳng Pháp tại Đông Dương, độc chiếm vùng đất này cho đến khi đầu hàng.

-Anh: Ngày 7 tháng 12 năm 1941, 36.000 quân Nhật tấn công bán đảo Mã Lai thuộc Anh, quân Anh điều 2 chiến hạm HMS Prince of Wales và HMS Repulse đến để tiêu diệt lực lượng đổ bộ Nhật Bản nhưng lại bị máy bay Nhật đánh chìm ngày 10 tháng 12. Quân Nhật dồn quân Anh có số lượng đông hơn hẳn về Singapore, ép 50.000 quân Anh tại đây đầu hàng ngày 15 tháng 2 năm 1942. Đây là vụ đầu hàng lớn nhất trong lịch sử quân đội Anh.

Đế quốc Nhật Bản
Banzai (Vạn tuế) - tiếng hô của binh lính đế quốc Nhật trước khi xung trận và khi
thực hiện kiểu tấn công cảm tử Kamikaze
Cờ hiệu Hải quân đế quốc Nhật Bản (1889-1945) và Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản
ngày nay
Cờ Lục quân đế quốc Nhật Bản (1870-1945)
Đế quốc Nhật ở thời kỳ rộng lớn nhất (1942)
Việc sử dụng quốc kỳ tăng lên khi Nhật Bản mưu cầu phát triển thành một đế quốc ngang hàng với phương tây, và Hinomaru hiện diện tại các buổi lễ sau những chiến thắng trong chiến tranh Thanh-Nhật và Nga-Nhật. Lá cờ này cũng được sử dụng trong những nỗ lực chiến tranh trên toàn quốc. Một phim tuyên truyền năm 1934 phác hoạ những quốc kỳ nước ngoài có thiết kế không hoàn chỉnh hoặc có nhiều khuyết điểm, còn quốc kỳ Nhật Bản thì hoàn toàn hoàn hảo.
Hinomaru lại được sử dụng trong các lễ kỷ niệm khi Nhật Bản giành được những thắng lợi ban đầu trong Chiến tranh Trung-Nhật. Các binh sĩ Nhật Bản đều cầm quốc kỳ khi diễu hành trên đường phố Trung Quốc. Sách giáo khoa trong thời kỳ này đều in Hinomaru cùng những câu khẩu hiệu khác nhau nhằm biểu thị sự trung thành với Thiên hoàng và quốc gia. Lòng yêu nước được giảng dạy như một đức tính hiển nhiên cho trẻ em Nhật Bản. Những hành động như trưng quốc kỳ ở nơi trang trọng hoặc kính bái Thiên hoàng hằng ngày được xem là tính cách của một “người Nhật hoàn hảo”.

Những thủy thủ sống sót trên tàu sân bay Zuikaku đứng chào khi lá cờ hiệu Hải quân được hạ xuống trước khi Zuikaku chìm ngày 25/10/1944
Quốc kỳ là công cụ tuyên truyền của Đế quốc Nhật Bản tại các khu vực ở Đông Nam Á bị chiếm đóng, dân bản địa phải sử dụng cờ Nhật Bản và học sinh phải hát quốc ca Nhật trong lễ thượng kỳ vào mỗi buổi sáng. Các hiệu kỳ địa phương chỉ được phép sử dụng tại một số khu vực như Mãn Châu, Philippines và Indonesia. Tại bán đảo Triều Tiên, những phù hiệu khác của Nhật Bản được sử dụng nhằm giáng người Triều Tiên xuống vị thế hạng hai trong chính quê hương mình. Đối với người Nhật Bản thời đó, về cơ bản, cờ Hinomaru mang ý nghĩa: "mặt trời xuất hiện soi sáng bóng tối trên toàn thế giới".

Hoa Kỳ chiếm đóng

Hinomaru là quốc kỳ Nhật Bản trên thực tế trong suốt thế chiến thứ hai và thời kỳ bị chiếm đóng. Trong thời gian Mỹ chiếm đóng Nhật Bản, cần phải có sự chấp thuận từ Tư lệnh tối cao quân Đồng Minh tại Nhật Bản là Douglas McArthur để được treo Hinomaru. Ban đầu có những hạn chế nghiêm ngặt, nhưng không đến mức độ cấm hoàn toàn.
Ngày 2 tháng 5 năm 1947, Tướng Douglas McArthur bãi bỏ việc cấm treo Hinomaru trong tòa Quốc hội Nhật Bản, Hoàng cung, dinh Thủ tướng và tòa án tối cao cùng với việc phê chuẩn Hiến pháp Nhật Bản mới. Những hạn chế này được nới lỏng hơn nữa vào năm 1948, khi người dân được treo quốc kỳ trong những ngày lễ. Đến tháng 1 năm 1949, những hạn chế bị bãi bỏ và bất cứ ai cũng có thể treo Hinomaru vào bất kỳ thời gian nào mà không cần sự cho phép.

Sau chiếm đóng đến nay

Sau thế chiến, quốc kỳ Nhật Bản bị cho là có liên hệ với quá khứ quân phiệt của quốc gia, nhất là tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Sự phản đối tương tự cũng dành cho quốc ca hiện nay của Nhật Bản là Kimigayo. Cảm nghĩ về cờ Hinomaru và quốc ca Kimigayo nhìn chung đã biến đổi từ “chủ nghĩa đế quốc” năm xưa sang một Nhật Bản yêu hòa bình và chống quân phiệt.
Năm 1989, Thiên hoàng Hirohito băng hà, sự kiện này lại làm nổi lên vấn đề tinh thần của lá quốc kỳ. Phe bảo thủ cho rằng lá cờ có thể được sử dụng trong tang lễ (kể cả Húc Nhật kỳ) mà không khơi lại nỗi đau thương cũ, họ muốn Hinomaru trở thành quốc kỳ chính thức không cần quan tâm đến quá khứ thời đế quốc. Trong tang lễ chính thức kéo dài sáu ngày, các lá cờ được treo rủ hoặc bọc trong dải màu đen trên toàn Nhật Bản.
Pháp luật Nhật Bản về quốc kỳ và quốc ca được thông qua vào năm 1999, lựa chọn Hinomaru làm quốc kỳ và Kimigayo làm quốc ca, giống y hệt thời đế quốc Nhật Bản. Đạo luật là một trong những pháp luật gây tranh luận nhiều nhất trong Quốc hội Nhật kể từ khi thông qua “Pháp luật hợp lực với các hoạt động duy trì hòa bình Liên Hiệp Quốc” năm 1992. Ở Trung Quốc và Hàn Quốc thậm chí còn gây tranh cãi nhiều hơn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét