Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Trận Trân Châu Cảng

Quần đảo Hawaii ở giữa Thái Bình Dương, là một chuỗi đảo dài nối tiếp nhau theo hướng từ Tây-Tây Bắc sang Đông-Đông Nam, có diện tích tổng cộng gần 17.000 km² với khoảng nửa triệu người (ở thập kỉ 40). Lớn nhất là đảo Hawaii  (trên 10.000 km²) nằm ở cực nam quần đảo với ngọn núi lửa Mauna Kea cao sừng sững nhưng quan trọng nhất lại là đảo Oahu với diện tích khoảng 1500 km², nằm cách Hawaii khoảng 140 dặm về phía Tây Bắc. Trên bờ biển phía Nam đảo Oahu có thành phố Honolulu (200.000 dân) là thủ phủ của cả quần đảo. Cũng trên bờ biển phía Nam đảo, cách Honolulu về phía Tây chừng 6 dặm là Trân Châu Cảng, căn cứ chính của hạm đội Thái Bình Dương kể từ năm 1940. Dựng trên một vịnh biển ăn sâu vào đất liền của đảo rồi chia thành nhiều vụng biển và luồng lạch kín đáo, lại có một cù lao ở giữa vịnh được gọi là "đảo Ford" như một cầu tàu thiên nhiên. Trân Châu Cảng có điều kiện tự nhiên lí tưởng để bảo vệ hạm đội chống lại mọi sự tấn công từ bên ngoài. Việc bố phòng ở cảng hết sức cẩn mật với một hệ thống lưới thép đặc biệt chống ngư lôi và tàu ngầm. Ngoài Trân Châu Cảng ra, hạm đội còn một căn cứ khác là cảng Lahaina trên đảo Maui, một đảo nằm ở khoảng giữa Oahu và Hawaii.
Nằm ở tọa độ 21°20′38″ Bắc, 157°58′30″ Tây trên đảo Oahu, hòn đảo lớn thứ ba của nhóm đảo phía Tây quần đảo Hawaii, Trân Châu Cảng có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng đối với toàn bộ vùng Bắc Thái Bình Dương. Với khoảng cách tương ứng với một tầm bay tối đa của các "pháo đài bay" B-17 từ Oahu đến bờ biển phía Tây nước Mỹ, Trân Châu Cảng có thể trở thành căn cứ triển khai các hoạt động của không quân oanh tạc ở Tây Thái Bình Dương. Vai trò vị trí của Trân Châu Cảng đối với hải quân còn quan trọng hơn. Do vị trí gần như ở giữa vùng Bắc Thái Bình Dương, Trân Châu Cảng vừa là căn cứ chỉ huy, căn cứ hậu cần, là cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa các chiến hạm của hạm đội Thái Bình Dương. Từ căn cứ này, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ có thể tung sức mạnh của họ khống chế toàn bộ vùng Bắc Thái Bình Dương bằng các lực lượng tàu nổi, tàu ngầm và không quân của Hạm đội. Nếu như đối với nước Mỹ, Trân Châu Cảng và Midway là hai bàn đạp quan trọng nối tiếp nhau để vươn sang lục địa Châu Á thì đối với Nhật Bản, Trân Châu Cảng là bàn đạp để tiến đến nước Mỹ và toàn bộ lục địa Bắc Mỹ. Tuy nhiên, vào những năm 1941-1942, lục quân và hải quân Nhật Bản không có tham vọng đánh chiếm hoàn toàn quần đảo này như họ đã làm với quần đảo Midway. Với trận tấn công Trân Trâu Cảng, Nhật Bản chỉ có ý định làm tê liệt Hạm đội Thái Bình Dương trong một khoảng thời gian vừa đủ để họ có thể rảnh tay đánh chiếm toàn bộ vùng bờ biển và các quần đảo Tây Thái Bình Dương, uy hiếp Ấn Độ  và Australia, đẩy lùi ảnh hưởng của các nước phương tây khỏi Châu Á, chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ trong một thế cân bằng chiến lược mới ở đại dương rộng nhất thế giới này, tiến tới hiện thực hóa học thuyết "Đại Đông Á".
Sự chuẩn bị của Nhật Bản
Kiến trúc sư của kế hoạch tấn công tiêu diệt hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng là thủy sư đô đốc Yamamoto Isoroku, 57 tuổi và đã 40 năm tận tâm phục vụ hải quân Hoàng gia Nhật Bản, tính đến 1941. Khó có thể nói chính xác rằng kế hoạch này nảy sinh trong đầu Yamamoto từ lúc nào, song có thể khẳng định nó có nguồn gốc từ chiến thuật của hải quân Nhật trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905). Dưới sự chỉ huy của đô đốc Heihachiro Togo năm 1904, hạm đội Nhật không tuyên chiến và lợi dụng đêm tối đã bất ngờ tấn công đánh tan hạm đội Nga tại cảng Lữ Thuận. Đặc biệt năm 1905, một cuộc tấn công bất ngờ nữa của hạm đội Nhật tại eo biển Tsushima (Đối Mã) lại nhấn chìm hạm đội thứ hai của vương triều nhà Romanov xuống biển sâu, còn viên thiếu úy trẻ Isoroku Yamamoto thì đã bị thương ở chân và mất 2 ngón tay ở bàn tay trái trong trận này.
Trong những năm 30 của thế kỷ 20, khi các tàu sân bay bắt đầu xuất hiện, Yamamoto là một trong những sĩ quan hải quân tiên tiến nhanh chóng nhận rõ uy lực to lớn của đòn đột kích bằng máy bay xuất phát từ các tàu sân bay ấy nên đã coi tàu sân bay là lực lượng tấn công chủ yếu của hải quân thay vì các thiết giáp hạm với những đại bác khổng lồ. Trong thời gian ấy, giới lãnh đạo hải quân Nhật luôn luôn chuẩn bị một cuộc chiến tranh chống Mỹ theo chiến thuật lôi kéo hạm đội Mỹ ra khỏi căn cứ của nó ở Hawaii tiến về phía Nhật Bản và phục kích tiêu diệt nó ở vùng biển nước mình. Trong khi đó, đô đốc Yamamoto lúc bấy giờ là thứ trưởng hải quân cùng thượng cấp của ông là bộ trưởng hải quân Yonai luôn luôn phản đối việc liên minh với phe trục để tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ. Lập trường đó của Yamamoto vấp phải sức chống đối mạnh mẽ trong giới quân phiệt Nhật. 
Năm 1937, có người hỏi ông: "Ngài không tin rằng hải quân Thiên hoàng có thể thắng Mỹ, Anh được sao?"
Ông thẳng thắn trả lời: "Tôi không tin như vậy!"
Từng là sinh viên đại học Harvard và là tùy viên hải quân Nhật tại Mỹ, ông hiểu rất rõ lực lượng vật chất của nước Mỹ so với Nhật Bản. Tháng 8 năm 1939, để cứu ông thoát khỏi âm mưu của những phần tử quá khích trong quân đội muốn thủ tiêu ông, đô đốc Mitsumasa Yonai đã phải chuyển Yamamoto ra biển làm Tư lệnh hạm đội Liên hợp. Khi hoàng thân Fumimaro Konoe lên làm Thủ tướng và hỏi ý kiến ông về một cuộc chiến tranh với Anh, Mỹ, ông nói ngay: "Nếu bảo đánh mà không cần biết đến mọi hậu quả của nó, tôi sẽ đánh và sẽ thắng trong sáu tháng hoặc một năm đầu, nhưng tôi không tin là sẽ thắng ở năm thứ hai, và nhất là năm thứ ba. Tôi hy vọng Ngài sẽ làm mọi việc để tránh một cuộc chiến tranh Nhật - Mỹ."
Ngày 7 tháng 1 năm 1941, Yamamoto đệ trình Bộ trưởng hải quân lúc bấy giờ là Koshiro Oikawa một bản báo cáo 9 trang với tựa đề "Dự kiến về việc chuẩn bị chiến tranh", trong đó lần đầu tiên ông chính thức lập luận về một trận đột kích vào Trân Châu Cảng. Không chờ sự phê chuẩn của chính phủ, ngày 1 tháng 2, ông gửi thư cho một người bạn thân là chuẩn đô đốc Takajiro Onishi, tham mưu trưởng hạm đội hàng không số 11 (người sau này sẽ trở thành cha đẻ của lực lượng không quân cảm tử "Kamikaze"), trình bày vắn tắt những ý tưởng chiến thuật của ông đã nêu trong bản báo cáo nói trên. Onishi nhiệt tình ủng hộ, đóng góp thêm một số ý kiến và giới thiệu cho Yamamoto một sĩ quan tham mưu xuất sắc để giúp ông nghiên cứu những vấn đề kỹ thuật cụ thể của kế hoạch. Đó là trung tá Minoru Genda, hiện đang phục vụ tại hạm đội hàng không số 1. Nhận nhiệm vụ mới, Genda đã nhiệt tình thực hiện đến mức hoàn thành công việc chỉ trong 10 ngày. Thậm chí Genda còn phát triển thêm tư tưởng của Yamamoto với đề nghị rằng sau khi đánh tan hạm đội Mỹ tại Hawaii sẽ cho lục quân nhảy dù chiếm đóng quần đảo. Yamamoto và Onishi chấp nhận hầu hết các tính toán của Genda nhưng bác bỏ việc chiếm đóng quần đảo.
Hai ông vạch rõ rằng mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt lực lượng địch chứ không phải là chiếm đất. Chiếm đóng quần đảo có nghĩa là mở thêm một chiến trường mới làm phân tán lực lượng vốn cần phải được tập trung vào chiến trường chính ở Đông Nam Á.  
"Kido Butai"
Đầu tháng 11, hầu hết lực lượng của hạm đội hàng không số 1 đã tập trung ở thành phố cảng Kagoshima và vùng phụ cận để tiến hành cuộc diễn tập cuối cùng nhằm hoàn chỉnh mọi chi tiết của cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Tiếp đó, theo mật lệnh của Yamamoto, hạm đội đã rời thành phố cảng phía Nam này, bí mật hành quân lên phía Bắc để cùng với một số đơn vị hải quân khác tổ chức thành Lực lượng đặc nhiệm.
Ngày 17 tháng 11, đúng một ngày sau khi Bộ trưởng quốc phòng Hideki Tojo thay thế Hoàng thân Fumimaro Konoe làm thủ tướng chính phủ mới ở Tokyo, hầu hết các chiến hạm thuộc Lực lượng đặc nhiệm đã đến địa điểm tập kết tại vịnh Hitokappu ở đảo Oturup, một hòn đảo ít ai để ý thuộc quần đảo Kurilles cách bờ biển cực bắc Nhật Bản không xa.
"Kido Butai" quả là một lực lượng hải quân đáng sợ với 6 tàu sân bay: Shokaku (Tường Hạc), Zuikaku (Thụy Hạc), Soryu (Thương Long), Hiryū (Phi Long), Kaga (Gia Hạ) và chiếc Akagi (Xích Thành) là soái hạm của phó đô đốc Nagumo), với 390 máy bay chiến đấu các loại, 2 thiết giáp hạm hạng nặng (Hiei và Kirishima), 3 tuần dương hạm nặng, 1 tuần dương hạm nhẹ, 9 khu trục hạm, 8 tàu chở dầu và 3 tàu ngầm làm tiền đội. Tổng cộng là 32 hạm tàu các loại.
Phối hợp với "Kido Butai" còn có cả một hạm đội tàu ngầm đáng kể với 25 chiếc, chia làm 4 đội ở 3 căn cứ khác nhau trên đất Nhật Bản. Kể từ đêm ngày 18 tháng 11, 4 đội tàu ngầm lần lượt xuất phát tiến về phía quần đảo Hawaii.
Lúc 2:05 chiều, thứ Hai, ngày 1 tháng 12 năm 1941, một cuộc hội nghị được triệu tập ngay tại phòng số 1 trong nội điện. Với vẻ mặt nghiêm trọng và giọng nói nhanh nhưng rõ ràng của Thủ Tướng Tojo, ông công bố rằng Nhật Bản không thể tuân phục lời yêu cầu của Mỹ là rút quân ra khỏi Trung Quốc và hủy bỏ Hiệp Ước Liên Minh với 2 nước Đức và Italia. 
"Quốc gia hiện tại đang bấp bênh như ngọn đèn dầu trước gió. Tình cảnh đã bắt buộc nên chúng ta phải chiến đấu. Vì sự tồn vong của một đế chế, vì vẹn toàn lãnh thổ đế quốc Đại Nhật Bản, chúng ta phải quyết tâm đánh bại ba kẻ thù lớn đến từ phương Tây là Anh, Mỹ và Hà Lan." 
Đô Đốc Nagano Osami đứng lên hùng hồn tuyên bố rằng mơ ước của Hải-Lục quân Nhật Bản là muốn: "mang sức trai hùng ra tận trung báo quốc và phụng sự Thiên Hoàng, dẫu có xả thân nơi chiến địa cũng chẳng từ nan."
Thiên Hoàng Chiêu Hòa vẫn ngồi im trên ngai, thỉnh thoảng lại gật đầu tỏ vẻ hoan hỉ. Chủ Tịch Hội Đồng Cơ Mật Hara bắt đầu vặn hỏi những câu hỏi có liên quan đến chiến tranh, và câu cuối cùng ông đưa ra làm cho mọi người bối rối không ít: "Trong tình trạng Tokyo bị không quân Mỹ đột kích bất ngờ thì phải làm sao? Chúng tôi phải làm gì khi Tokyo bị tràn ngập? Các ông đã có kế hoạch nào để giải quyết những tình huống xấu nhất như thế chưa?"
Tướng Teiichi Suzuki cho biết cũng có nhiều hầm trú ẩn đơn sơ dành sẵn cho những người muốn bám lấy thành phố. Hara cảm thấy bất mãn trong lòng trước sự phòng bị quá sơ sài gần như là con số "0", ông suy nghĩ mãi nhưng vẫn không tìm ra được một lợi điểm nào để chống lại chiến tranh. Cuối cùng ông thở dài và giọng trở nên nghẹn ngào, ông nói: "Người Mỹ vốn tính tự cao tự đại, cứng cổ cứng đầu và cách xử sự thiếu tôn kính người khác. Nếu chúng ta chiến thắng thì ắt chẳng phải bàn, bằng ngược lại thì hậu quả của nó thật khó mà lường được. Mong quý Ngài hãy suy nghĩ cho thật thấu đáo trước khi quyết định một việc hết sức quan trọng này."
Thủ tướng Tojo tỏ ra cảm thông, ông im lặng suy nghĩ. Đế chế Nhật Bản đang đứng bên ngưỡng cửa vinh quang hoặc sụp đổ: "Chúng ta đang mang cùng một nỗi lo của Thiên Hoàng. Nếu Ngài quyết định đi đến chiến tranh, chúng ta phải cố gắng hết sức mình để đền đáp công ơn. Chính phủ và quân đội phải đoàn kết thành một khối, đặt quyền lợi quốc gia lên hàng đầu và nỗ lực quyết tâm giành lấy chiến thắng."
 Sự chuẩn bị
Không lực của Hải quân của các tàu sân bay Nhật Bản tham gia vào các cuộc tấn công Trân Châu Cảng sử dụng ba loại máy bay chủ yếu, thường được biết đến với tên mã cho chúng trong Hải quân Mỹ:
* Tiêm kích Mitsubishi A6M Zero:
78 chiếc, thiết kế bởi kỹ sư lừng danh Jiro Horikoshi, một phi công điều khiển, tốc độ tối đa 545 km/giờ (295 knot/giờ), tầm hoạt động tối đa 1.870 km, được trang bị một súng máy 20 mm và hai bom 60 kg dưới cánh. Tổng số lần xuất kích trong trận đánh: 10 đợt từ các tàu sân bay Akagi, Kaga, Sōryū, Hiryū, Shōkaku và Zuikaku. Zero có tốc độ bay vượt trội so với các dòng máy bay khác trên thế giới.

Tiêm kích Mitsubishi A6M2 "zero"
* Máy bay phóng ngư lôi Nakajima B5N Kate:
143 chiếc, trong đó có 49 chiếc mang bom 800 kg và 94 chiếc mang ngư lôi MK-91. Được hai đến ba phi công điều khiển, tốc độ tối đa 360 km/giờ, tầm hoạt động tối đa 1.100 km, được trang bị một ngư lôi MK-91 457 mm hoặc một quả bom 800 kg dưới thân. Tổng số lần xuất kích trong trận đánh: 11 đợt.

 Máy bay phóng ngư lôi Nakajima B5N "kate"
* Máy bay ném bom bổ nhào Aichi D3A Val:
129 chiếc, do hai phi công điều khiển, tốc độ tối đa 450 km/giờ, tầm hoạt động tối đa 1.400 km, được trang bị một bom 250 kg dưới thân và hai bom 60 kg dưới cánh. Tổng số lần xuất kích trong trận đánh: 6 đợt.

Máy bay ném bom bổ nhào Aichi D3A1 "val"
Các tàu sân bay được hộ tống bởi một hạm đội tàu nổi mạnh gồm các thiết giáp hạm nhanh Hiei và Kirishima, tàu tuần dương hạng nặng Chikuma, 9 tàu khu trục. Soái hạm của hạm đội Liên hợp Nhật Bản là chiếc tuần dương hạm Nagara.
Thiết giáp hạm Kirishima
Phân hạm đội liên hợp số 1 của đế quốc Nhật Bản chịu trách nhiệm tấn công Trân Châu Cảng do phó đô đốc Nagumo Chūichi chỉ huy, có 2 tàu sân bay Akagi  và Kaga với sự phân công nhiệm vụ như sau:
Tàu sân bay Akagi do hạm trưởng Kiichi Hasegawa chỉ huy, chỉ huy không quân Masuda Shogo, được giao nhiệm vụ tấn công các thiết giáp hạm USS Maryland, USS Tennessee, USS West Virginia, USS Oklahoma và USS California, tàu chở dầu USS Neosho, căn cứ không quân Hickam, căn cứ thủy phi cơ Ford, khu vực Ewa. Trong biên chế có:
Tàu sân bay Akagi
Liên đội hỗn hợp phóng lôi - ném bom có 15 chiếc Nakajima B5N do thiếu tá Fuchida Mitsuo chỉ huy, gồm phi đội 1 của thiếu tá Fuchida, phi đội 2 của trung úy Goro Iwasaki và phi đội 3 của trung úy Izumi Furukawa. Liên đội phóng lôi có 15 chiếc Nakajima B5N do trung tá Murata Shigeharu chỉ huy, gồm các phi đội 1 và 2 do trung tá Shigeharu chỉ huy, phi đội 3 và 4 do trung úy Asao Negishi chỉ huy. Phi đoàn ném bom có 18 chiếc Aichi D3A do trung úy Takehiko Chihaya chỉ huy gồm các phi đội 21, 22, 23 do trung úy Takehiko Chihaya chỉ huy, các phi đội 25, 26, 27 do trung úy Zenji Abe chỉ huy. Liên đội tiêm kích đánh chặn có 18 chiếc A6M Zero do trung tá Shigeru Itaya chỉ huy, gồm phi đội 1 của trung tá Itaya, phi đội 2 của trung úy Saburo Shindo. Liên đội này còn có 9 chiếc A6M Zero dự trữ.
Tàu sân bay Kaga do hạm trưởng Okada Jisaku chỉ huy, không quân do thiếu tá Sata Naohito chỉ huy, được giao nhiệm vụ tấn công các thiết giáp hạm USS Arizona, USS Tennessee, USS West Virginia, USS Oklahoma, USS Nevada, căn cứ không quân Hickam và căn cứ thủy phi cơ Ford.
Phân hạm đội liên hợp số 2 của đế quốc Nhật Bản chịu trách nhiệm tấn công Trân Châu Cảng do phó đô đốc Tamon Yamaguchi chỉ huy, có 2 tàu sân bay và với sự phân công nhiệm vụ như sau:
Tàu sân bay Soryū do hạm trưởng Yanagimoto Ryusaku chỉ huy, không quân do thiếu tá Kusumoto Ikuto chỉ huy, được giao nhiệm vụ tấn công các chiến hạm USS Nevada, USS Tennessee, USS West Virginia, USS Utah, USS Helena, USS California và USS Raleigh, sân bay Wheeler và cơ sở sửa chữa máy bay tại Barbers Point.
Tàu sân bay Hiryū do hạm trưởng Kaku Tomeo chỉ huy, Amagai Takahisa chỉ huy không quân, được giao nhiệm vụ tấn công các chiến hạm USS Arizona, USS California, USS West Virginia, USS Oklahoma và USS Helena, các công trình ngầm và cơ sở sửa chữa máy bay tại Barbers.
Tàu sân bay Hiryu
Phân hạm đội liên hợp số 5 của đế quốc Nhật Bản chịu trách nhiệm tấn công Trân Châu Cảng do phó đô đốc Chūichi Hara chỉ huy có 2 tàu sân bay Shōkaku và Zuikaku với sự phân công nhiệm vụ như sau:
Tàu sân bay Shōkaku do hạm trưởng Jojima Takatsugu chỉ huy, Wada Tetsujiro chỉ huy không quân được giao nhiệm vụ tấn công căn cứ không quân Hickam, sân bay Kane'ohe và các trận địa cao xạ. 
 Tàu sân bay Zuikaku do hạm trưởng Yokokawa Ichibei chỉ huy, Shimoda Hisao chỉ huy không quân, được giao nhiệm vụ tấn công căn cứ không quân Hickam, sân bay Kane'ohe và các trận địa cao xạ.
Binh lực của Hải quân Mỹ
Hạm đội Thái Bình Dương thực sự là hạm đội mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ với khoảng 170 hạm tàu các loại.
Tư lệnh hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc Harold Rainsford Stark.
Chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Husband Edward Kimmel.
Hải đoàn 1 gồm các chiến hạm USS Nevada, USS Pennsylvania, USS Arizona.
Hải đoàn 2 gồm các chiến hạm USS Oklahoma, USS Tennessee, USS California.
Hải đoàn 4 gồm các chiến hạm USS Maryland, USS West Virginia.
Hải đoàn 6 gồm các tuần dương hạm USS New Orleans, USS San Francisco.
Hải đoàn 9 gồm các tuần dương hạm USS Phoenix, USS Honolulu, USS Helena, USS St.Louis.
Ngoài ra còn một lượng rất lớn các tàu khu trục, tàu ngầm, tàu rải mìn, tàu quét mìn, thủy phi cơ, tàu chở dầu, tàu cứu hộ, tàu chở hàng,...
Bảo vệ hạm đội và toàn bộ quần đảo, có một lực lượng lục quân gồm 43.000 binh lính và sĩ quan, trong đó 35.000 đóng tại đảo Oahu. Lực lượng này được trang bị các vũ khí rất hiện đại. Trên đảo Oahu có 5 sân bay, quan trọng nhất là sân bay Hickam ở ngay gần Trân Châu Cảng và sân bay Wheeler ở phía Bắc đảo. Vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, trên đảo có tất cả 233 máy bay quân sự của Lục quân, trong đó 150 chiến đấu cơ, 35 pháo đài bay hiện đại B-17, còn lại là các máy bay ném bom khác. Với lực lượng nói trên, tướng Walter Short, tư lệnh Lục quân tại đảo Hawaii (từ tháng 2 năm 1941) vẫn cho rằng ông thiếu phương tiện phòng thủ, đặc biệt là những vũ khí để giáng trả những cuộc tấn công bằng không quân của kẻ địch. Có 81 chiếc thủy phi cơ Catalina và bổ sung thêm 6 chiếc B-17 làm nhiệm vụ trinh sát cho toàn quần đảo, đô đốc Kimmel cũng cho rằng ông không đủ khả năng thường xuyên thám sát từ xa toàn bộ vùng biển xung quanh quần đảo. Bởi thế, ông chỉ chú trọng tuần tra vùng biển phía Nam, nơi gần quần đảo Marshall của Nhật.
Đô đốc Husband Kimmel
Đã nhiều lần, Short đề nghị bổ sung những phương tiện còn thiếu, nhưng các thượng cấp không tán thành vì họ không cùng quan điểm với ông. Trong một bản báo cáo đệ trình Tổng thống Franklin Roosevelt ngày 24 tháng 4 năm 1941, Bộ trưởng Quốc phòng Henry Stimson và Tổng tham mưu trưởng Lục quân George Marshall nhất trí khẳng định rằng:
"Nhờ sự phòng thủ vững chắc của mình, nhờ những lực lượng đồn trú, nhờ những đặc điểm của thiên nhiên, đảo Oahu có thể coi là pháo đài mạnh nhất thế giới."
— George Marshall
Đêm 17, rạng ngày 18 tháng 11 năm 1941, các tàu chiến Nhật lần lược ra khơi chạy về hướng đảo Kuriler, nơi được chọn làm địa điểm tập kết. Hạm đội đặc nhiệm của Nhật gồm 31 chiến hạm: 6 tàu sân bay, 2 thiết giáp hạm, 2 tuần dương hạm hạng nặng, 1 tuần dương hạm hạng nhẹ, 3 tàu ngầm, 9 khu trục hạm, 8 tàu chở dầu cùng 405 máy bay.
Sáng sớm ngày 25  tháng 11 năm 1941, hạm đội đặc nhiệm rời căn cứ hải quân Tancan ở quần đảo Kuriler, chạy chếch về hướng đông bắc rồi chuyển dần về hướng đông nam. Hành trình đã được lựa chọn đi qua những vùng mây thấp, sương mù và ít tàu buôn qua lại. Các tàu chiến trong hạm đội đặc nhiệm bị cấm tuyệt đối không được sử dụng máy vô tuyến điện. Việc thông tin liên lạc được tiến hành bằng tín hiệu đèn hoặc cờ. Ban đêm, đèn trên các tàu tắt hết.
Chỉ còn một tuần nữa là những cuộc tấn công sẽ bắt đầu nổ ra đồng loạt và cơ hội thành công của họ còn tùy thuộc vào yếu tố bất ngờ. Nhưng tối hôm ấy, 01 tháng 12, một bức điện tín gửi về Tokyo từ Trung Quốc báo cáo rằng mọi bí mật quân sự có nguy cơ bại lộ. Tin này do Tướng Tsutomu Sakai, tư lệnh sư đoàn 23 Lục quân đang đóng tại Quảng Châu chờ tiến chiếm Hồng Công. Một máy bay vận tải của họ trên đường tới Quảng Châu chẳng may bị rơi xuống khu vực do Trung Hoa Quốc Dân Đảng làm chủ. Một hành khách có mặt trên chuyến bay kém may mắn này là Thiếu Tá Tomozuki Sugisaka, trong tay ông đang nắm giữ toàn bộ tập hồ sơ mật bao gồm những mật lệnh cho chiến dịch.
Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội được lệnh báo động đặc biệt. Hải quân cũng triệu tập ngay một phiên họp khẩn cấp. Hàng chục câu hỏi được đặt ra để bàn bạc: liệu Thiếu Tá Sugisaka có đủ thời giờ để hủy tất cả hồ sơ mật ấy không ? Những mảnh giấy ấy tự nó có bốc cháy khi phi cơ lâm nạn phát hỏa ? Hoặc giả nó đang trên đường chuyển đến tay Tưởng Giới Thạch hay Franklin Roosevelt? Chúng ta nên tiến hành Chiến dịch "Z" hay hủy bỏ nó? Họ tự đặt ra câu hỏi rồi bàn tán cãi vã cho đến khuya nhưng tựu trung vẫn chưa có được một quyết định khả dĩ nào đáp ứng lại tình thế rối beng ấy.
Sáng hôm sau họ nhận được một nguồn tin chính xác gửi về từ một chuyến bay thám thính: xác chiếc phi cơ lâm nạn hiện nằm tại vị trí cách thành phố Quảng Châu 50 dặm hướng Tây Bắc, đúng vào điểm đóng quân của phe Quốc Dân Đảng. Theo lời tường thuật của viên phi công thám thính thì chiếc phi cơ ấy bị lính của Tưởng bao vây chung quanh đông như kiến.
Vẫn trong tình trạng hồi hộp, nhưng Nagano và Sugiyama phải lái xe đến Hoàng Cung để vào yết kiến Thiên Hoàng để được ngài thông báo chính thức ngày giờ đích xác của cuộc tấn công. Tại đây họ mới biết được đó chính là ngày 8 tháng 12 năm 1941 ở Tokyo tức là chủ nhật ngày 7 tháng 12 năm 1941 tại Hawaii, đúng vào ngày mà tất cả hạm đội Mỹ đều tựu về Trân Châu Cảng để nghỉ ngơi. Và cũng đúng ngay thời điểm trăng trung tuần vằng vặc rất tiện lợi cho việc tấn công.
Trở lại văn phòng làm việc, Sugiyama gửi ngay cho Tướng Terauchi, chỉ huy trưởng lực lượng Nam Á một bức điện tín ngắn gọn vỏn vẹn có hai chữ "HINOE YAMAGATA". Bức điện được giải mã như sau : "Chiến dịch được quyết định (HINOE) sẽ là ngày 08 tháng 12 (YAMAGATA)".
Ba tiếng đồng hồ sau, Tư lệnh Hạm đội liên hợp Yamamoto Isoroku đánh một bức điện tín bằng tín hiệu gửi thẳng đến bộ chỉ huy đội xung kích Trân Châu Cảng. Bức điện văn như sau: "Trèo núi Nikata 1208 bộ", có nghĩa là "kế hoạch tấn công sẽ là ngày 08 tháng 12".
trong lúc này, Kido Butai, hạm đội xung kích Trân Châu Cảng đang âm thầm tiến về hướng đông với vận tốc 14 hải lý một giờ. Ở khoảng cách không xa phía trước là 3 chiếc tàu ngầm cũng lặng lẽ di chuyển theo hình đội hình vòng cung, nhiệm vụ của những tàu ngầm này là thám sát, nếu phát giác ra bất cứ thương thuyền nào lọt vào vùng di chuyển của đội hạm xung kích thì nó sẽ khai hỏa tiêu diệt ngay. Ngay trong vùng biển này cũng có thể chạm trán với Hải đội tuần dương của hạm đội Thái Bình Dương nên họ phải cảnh giác cao độ nhằm kịp thời đối phó với mọi biến cố bất ngờ.
Gió lặng biển êm, sự di chuyển dễ dàng và càng thuận lợi cho việc tiếp tế nhiên liệu. Chuichi Nagumo lệnh cho tất cả thuyền trưởng trên các chiến hạm tham chiến tắt hết đèn đuốc, đồng thời thông báo cho tất cả thủy thủ đoàn biết rõ về kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng. Đêm ấy sóng lặng gió êm, khí lạnh căm căm của đại dương nhưng không làm nguội đi bầu nhiệt huyết của những chàng trai trẻ xứ Phù Tang đang hừng hực cháy sôi, họ tự hào đã có mặt trong đoàn quân xung kích, đoàn quân đang đi làm một sứ mệnh lịch sử, có lẽ là lớn nhất trong lịch sử đế quốc Mặt Trời.
Ngay đêm ấy tại Tokyo, trang đầu của Nhật Báo Janpan Times & Advertiser có chạy một tít lớn: "Nhật Bản sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để lập lại mối bang giao với chính phủ Hoa Kỳ."
Một giờ sau khi hạm đội Kido Butai ra khỏi vùng băng giá của vịnh Hitokappu, Thiếu tá Hải quân Mỹ Wilfred J.Homes, người phụ trách công tác theo dõi mọi di chuyển của chiến hạm Nhật Bản, báo cáo lên thượng cấp, tổng hành dinh ở Trân Châu Cảng rằng 6 tàu sân bay của địch vẫn còn quanh quẩn "trong vùng biển của họ". Nhưng sau đó, một báo cáo khác, Homes lại thú nhận rằng họ đã mất dấu của những mẫu hạm này. Và sau đó, ngày lại ngày qua họ chẳng còn dò tìm được tung tích của những mẫu hạm ấy nữa.
Thiếu Tá Edward T.Layton lập tức chuyển tin này lên Đô Đốc Kimmel. Đô Đốc hỏi như nửa đùa nửa thật: "Thiếu Tá cho rằng họ đang bao vây Diamond Head và Thiếu Tá cũng chẳng biết được nữa ư ?"
Tuy vậy, Kimmel vẫn không có biện pháp nào để đề phòng các tàu sân bay mất dấu tích này.
Vài dặm cách đấy, tại thủ phủ Honolulu, Tổng lãnh sự Koichi Kita vừa nhận được một điện văn gửi đến từ Tokyo. Bức điện văn như sau:
"Lưu tâm đến những vấn đề sau: hiện trong cảng đang có những tàu sân bay nào và bao nhiêu chiến hạm bỏ neo? Việc này rất hệ trọng. Quan sát trên không phận Trân Châu Cảng nếu có thả hàng rào bong bóng phòng không đồng thời dò xét những chiến hạm đang thả neo xem có phòng bị lưới chống ngư lôi hay không. Cố gắng gửi báo cáo về từng ngày..."
Bức điện văn này có lời lẽ quá lộ liễu không khác nào một lời cảnh báo tấn công Trân Châu Cảng, nếu ai vô tình đọc được nó dù là một thường dân cũng có thể hiểu ngay được. Nó bị phát giác ở Hawaii và gửi thẳng về Washington DC để giải mã, nhưng từ khi Hawaii được xem không có dính dáng gì đến việc thương thuyết giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ thì những bức điện tín loại này không được liệt vào hàng tối quan trọng nên bị người ta quên lãng nó đi. Chẳng riêng gì một bức điện bị bỏ quên, sở tình báo còn chặn bắt được một bản đồ Trân Châu cảng và đầy đủ chi tiết dẫn giải. Thiếu Tướng Sherman Miles, chỉ huy trưởng tình báo quân đội lại hiểu lầm nên cho rằng Hải quân đã dặn dò bảo phe lục quân không cần thiết phải quan tâm đến, vì kèm theo bản báo cáo ấy, ông trưởng phòng tình báo Hải quân là Thiếu Tá Kramer chỉ đánh dấu "một hoa thị" để nói lên sự "quan tâm" thay vì "hai hoa thị" ám chỉ cho "tối khẩn". Về phần Kramer thì ông chỉ coi đó đơn thuần là "một âm mưu đen tối nào đó trong lĩnh vực công tác ngoại giao của Nhật Bản được đơn giản hóa trong việc thông tin với nhau."
Bên kia nửa vòng trái đất, Tướng Tomoyuki Yamashita đang ngồi đọc những mật lệnh tấn công cho những sĩ quan tư lệnh sư đoàn và các vị chỉ huy những chi đội biệt lập. Họ ngồi chăm chú lắng nghe, khi được nhận thức rõ vận mệnh của "Xứ sở mặt trời mọc" đang bị đe dọa trầm trọng, nước mắt họ pha đầy trên mỗi khuôn mặt sạm đen vì sương gió sa trường.
Ba cuộc đổ bộ được lên kế hoạch vào lúc rạng đông ngày 08 tháng 12 tại bờ biển phía đông bán đảo Mã Lai. Hai toán trên đất Thái Lan: Pattani và Singora, một toán khác trên lãnh thổ Mã Lai: Kota Bharu. Như một giấc mơ đầy cảm hứng, Đại Tá Tsuji có ý định sử dụng lãnh thổ trung lập Thái Lan làm bàn đạp để tấn công Malaysia. Ông vẽ một chiến thuật táo bạo mô phỏng theo "chiến thuật con ngựa thành Troia" trong sử thi Iliad. Một nghìn binh sĩ Nhật ngụy trang theo quân phục Thái sẽ đột nhập chung quanh khu vực Singora và la cà trong các quán cà phê hoặc quán bar. Sau đó họ lại khéo léo cho tập trung từ 20 đến 30 chiếc xe buýt trưng dụng cho quân đội, kéo nhau lên xe và không quên mang thêm mấy ả má phấn môi hồng rồi trực chỉ biên giới Mã Lai. Cứ tay vẫy quốc kỳ Thái Lan và Vương quốc Liên hiệp Anh, miệng không ngừng chửi rủa lính Nhật tàn bạo dã man lại hoan hô lính Anh không dứt. Có như thế mới có thể qua mặt được bọn an ninh nơi biên giới, và tất nhiên họ sẽ mở cửa biên giới cho đoàn xe buýt với nghìn lính Nhật lọt vào đất Mã Lai một cách êm thấm đàng hoàng.
Cũng một buổi chiều cùng ngày, phía Tokyo cho triệu tập một phiên họp đặc biệt, cùng quyết định ngày giờ gửi tối hậu thư cho Ngoại Trưởng Mỹ Cordell Hull. Phó Đô Đốc Seiichi Itoh thì đồng ý ở thời điểm 12:30 chiều ngày 07 tháng 12 giờ Washington DC. Riêng Thủ Tướng Hideki Tojo và Ngoại Trưởng Togo thì nghĩ rằng nên chuyển giao tối hậu thư trước khi tấn công. Trao đổi một lúc, họ đồng ý với Phó Đô Đốc Itoh, tức là 12:30 chiều ngày 07 tháng 12.
Để đề phòng bị địch phát giác, mọi mật mã liên lạc của Hải quân Nhật đã được thay đổi toàn bộ. Cho đến bây giờ cơ quan tình báo Hải quân Mỹ vẫn chưa tìm ra tung tích của 6 chiếc tàu sân bay Nhật được, và quan trọng hơn phải cần thêm một thời gian dài nữa mới có thể đọc và giải được những mật mã mới thay đổi của họ. Bây giờ thì đoàn xung kích Kido Butai đã tiến xa hơn 1/3 đoạn đường, họ không để lại phía sau một dấu vết gì chứng tỏ có một hạm đội hùng hậu vừa đi qua. Rác rưởi và đồ phế thải thì được gói lại để vào một nơi, thùng dầu không thì chất thành đống trên sàn tàu. Đến giữa trưa hôm ấy thì đội xung kích gặp nhau trên giao điểm đã hẹn để được tiếp tế thêm nhiên liệu, dầu cặn để tiếp tục. Xong xuôi, đoàn tiếp tế quay về còn đội xung kích bắt đầu nhắm thẳng hướng Hawaii. Họ tăng tốc độ, thay vì 9 hải lý một giờ thì cho tiến nhanh thêm ở vận tốc 12 hải lý.
Đảo Oahu nằm im lìm dưới trời mưa rả rích, gió biển từng đợt thổi vào. Một chiếc máy bay nhỏ loại du lịch bay lượn hai vòng Oahu rồi từ từ hạ cánh xuống một sân bay dân sự gần đó. Takeo Yoshikawa thong thả bước ra khỏi phi cơ và đón taxi đến nhà hàng Shunchoro, nơi do một người Nhật vốn đồng hương với Yoshikawa làm chủ. Lợi thế của nhà hàng này là có thể nhìn bao quát toàn cảnh của quân cảng. Đây là chuyến "tham quan" cuối cùng ở Trân Châu Cảng để sau khi trở về đúc kết bản báo cáo gửi về Tokyo. Lúc sáng, Yoshikawa nhận được một điện tín khẩn từ tổng bộ Nhật Bản, yêu cầu phải gửi ngay một bản báo cáo đích xác con số hạm đội Hoa Kỳ hiện đang có mặt tại quân cảng, vì vậy ông thuê một máy bay du lịch, vờ như bay quanh đảo nhưng tình thật chỉ chú ý đến Trân Châu Cảng.
Đến chiều Yoshikawa đã hoàn tất bản báo cáo về Tokyo. Bức điện văn báo cáo của Yoshikawa như sau: "Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hiện có mặt tại quân cảng chiều ngày 05 tháng 12 gồm có: 8 thiết giáp hạm, 2 tuần dương hạm nặng, 6 tuần dương hạm nhẹ, 29 khu trục hạm, 5 tàu ngầm, 1 thuyền máy, 8 khu trục giải mìn, 1 tàu thả mìn, 4 khu trục hạm vớt mìn, 6 tàu vớt mìn và 24 tàu đủ loại khác."
Bức điện tín này bị nhóm tình báo Hải quân Mỹ chặn bắt được nhưng khi chuyển về cơ quan trung ương để giải mã thì may mắn cho đô đốc Yamamoto và Yoshikawa thay, một lần nữa nó được xếp vào hạng "thứ yếu" nên cho vào ngăn tủ!
Quân đội Nhật đã quen dùng theo giờ giấc Tokyo nên khi vượt Thái Bình Dương họ gặp phải ít nhiều trở ngại về giờ giấc. Khi xuất phát, đoàn chiến hạm đi theo thủy lộ Bắc Nam nên cùng một múi giờ, không có gì rắc rối. Bây giờ lại chuyển hướng Đông Tây để vượt Thái Bình Dương và dĩ nhiên phải đi qua những múi giờ khác nhau, giờ giấc lộn xộn nên họ không còn biết Tokyo giờ ngày hay đêm nữa nên giờ ăn chỉ căn cứ theo hướng của mặt trời mà định.
Hai sự báo động làm Nagumo lo sốt vó trong ngày hôm ấy. Trước nhất là bản báo cáo từ Tokyo rằng họ phát giác một chiếc tàu của Liên bang Soviet đang di chuyển gần đường đi của đội xung kích. 6 chiếc tiêm kích Zero trên sàn tàu sân bay Kaga nổ máy chuẩn bị và các phi công đã sẵn sàng chờ lệnh. Nhưng rồi chẳng có gì xảy ra và không có chiếc máy bay nào được lệnh cất cánh. Kế đến, lúc trời đã tối hẳn thì thêm một báo động, một thủy thủ nào đó đã phát giác phía trước có một ánh lửa bay vút lên. Tất cả thủy thủ được lệnh sẵn sàng ở các vị trí chiến đấu, súng phòng không vươn cao nòng chuẩn bị nhả đạn. Rốt cuộc cũng chẳng có gì xảy ra, ánh lửa bí mật gây xáo trộn cho đoàn quân xung kích kia vốn là chiếc đèn trời do tàu sân bay Kaga thả lên để định hướng gió.
Phó Đô đốc Chuichi Nagumo
Ngày 6 tháng 12 năm 1941, Ban giải mã trực thuộc Bộ Hải quân Mỹ đang hân hoan chuẩn bị nghỉ xả hơi cuối tuần như thường lệ. Tất cả nhân viên sẽ rời khỏi nhiệm sở vào buổi trưa thứ bảy. Dorothy Edgers, nữ nhân viên ban dịch thuật đang ngồi trước một chồng điện tín dày cộm, cô nhẫn nại ngồi đọc từng tờ điện văn một. Đó là những bức điện văn trao đổi của chính phủ Tokyo mà cơ quan tình báo Hải quân Hoa Kỳ "Magic" chặn được gửi đến đây để dịch sang tiếng Anh và phân loại. Những nhân viên trước đây vì lý do cẩu thả nên không chịu đọc kỹ, thành thử những bức điện tín có liên quan đến Trân Châu Cảng đều được xếp chung vào loại "không quan trọng". Dorothy vốn là một nhân viên mới nhận việc khoảng ba tuần nay mà thôi cho nên cô vẫn còn say mê công việc khá quyến rũ này .
Tình cờ cô dán mắt vào một bức điện văn đánh gửi ngày 02 tháng 12, từ Tokyo đến Lãnh sự Nagai Kita ở Honolulu, với nội dung dò hỏi mọi hoạt động của hạm đội Hoa Kỳ và sự phòng thủ tại Trân Châu cảng. Nội dung bức điện tín kích thích sự tò mò của Dorothy nên cô tiện tay bốc thêm một bức điện khác lên đọc. Bức điện gửi ngày 03 tháng 12, từ Lãnh sự Nagai Kita ở Honolulu gửi về Tokyo. Dorothy thích thú mê say đọc từ đầu chí cuối hết bản báo cáo khá dài của Yoshikawa, kể tỉ mỉ những chi tiết làm như thế nào để Otto Kuhn, một người Đức tham tiền được nhân viên tình báo Nhật lợi dụng cài lại để hoạt động ở Hawaii.
Hai bức điện tín cho thấy một điều gì đó không may sắp sảy đến với Trân Châu Cảng, Dorothy càng thêm nghi ngờ nên cô vội mang chúng trình lên ông chánh văn phòng H.L.Bryant. Nhưng Bryant lại khoát tay bảo rằng hai bức điện văn khá dài ấy làm sao Dorothy có thể nào phiên dịch xong nội nhật ngày hôm nay, thôi thì hãy để nó đó đến thứ Hai sẽ tính. Dorothy từ chối, cô xin được ở lại làm thêm giờ. Đến 3 giờ 30 chiều thì cô đã hoàn tất. Vừa lúc ấy vị Thiếu Tá Hải quân Alvin Kramer, trưởng ban dịch thuật đến đổi ca trực. Trông thấy Dorothy vẫn còn ngồi làm việc, thay vì khuyến khích sự nhiệt tâm tận tụy công việc của cô nhân viên mới thì Kramer lại quở trách và ra lệnh cho Dorothy hãy tạm gác phần công việc lại, thứ Hai tiếp tục.
Đảo Oahu chiều thứ Bảy. Cũng như Stark và Marshall, cấp chỉ huy Hải Lục quân ở Hawaii đều lạc quan tin tưởng ở việc bố phòng quá cẩn thận nên nghĩ Trân Châu Cảng là một quân cảng bất khả xâm phạm, tấn công nó chỉ là một hành động tự sát mà thôi.
Tướng Walter Short cùng vợ trên đường từ nhà tới câu lạc bộ sĩ quan. Đêm ấy là đêm thứ Bảy nên câu lạc bộ có tổ chức một buổi trình diễn đặc biệt gây quỹ từ thiện. Trên đường đi ông ghé qua văn phòng làm việc tại Fort Shafter để dự một buổi họp khẩn với các sĩ quan an ninh tình báo. Ông định bụng phiên họp chỉ kéo dài khoảng nửa tiếng là xong nên để cô vợ ngồi chờ trong xe. Buổi họp thảo luận về đoạn băng do nhân viên FBI vừa thâu lén được của một cư dân người Nhật trong cuộc điện đàm đầy nghi vấn. Người này vốn là một nha sĩ đang hành nghề tại Hawaii, vì đã nhiều lần gọi điện thoại đường dài nói chuyện với một nhà báo ở Tokyo nên bị nhân viên FBI tình nghi có thể hắn đang hoạt động tình báo cho Nhật, vì thế nhất cử nhất động của gã nha sĩ này đều bị theo dõi và dĩ nhiên đường dây điện thoại cũng bị nghe lén. Đáng để ý nhất là cuộc điện đàm vừa mới đây có nhiều nghi vấn khiến cho nhân viên an ninh tình báo tức tốc trình lên ngay cho thượng cấp thẩm định. Những câu hỏi lạ lùng có vẻ quá tò mò của người ở đầu dây bên kia tức là gã nhà báo nào đó tại Tokyo, hắn hỏi tất cả về Hawaii, như máy bay, đèn tín hiệu, thời tiết và ngay cả hoa lá trên đảo nữa. Chẳng hạn như cuộc điện đàm có đoạn anh nhà báo ở Tokyo nêu lên câu hỏi rằng: "Hoa dâm bụt và trạng nguyên ở đó đã nở cả chứ ?"  Với ngụ ý gì và phải chăng là ám hiệu cho nhau?
Suy đi nghĩ lại mãi mà chẳng ai tìm được một giải đáp khả dĩ khiến cho buổi họp kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Phu nhân của Tướng Short chờ lâu quá nên phát cáu gắt gỏng chửi thề luôn miệng khiến cho ông Tướng nhà ta lên ruột, khoát tay ra hiệu giải tán cuộc họp, ông nói: "Hiện tại mình cũng chẳng làm được gì thôi thì để ngày mai tính sau."  Nói xong ông ra xe hối thúc vợ lái cho nhanh để kịp lúc khai mạc buổi trình diễn.
Trong lúc ấy, Tướng George Marshall đang cùng vợ an hưởng một buổi tối cuối tuần êm ả tại ngôi biệt thự sang trọng của mình. Khuya hôm ấy ông lên giường với cõi lòng hân hoan, rằng ngày mai Chủ Nhật, ngày nghỉ nên khỏi phải ra nhiệm sở.
Đại tướng George Marshall
Trên trời đội tuần thám vẫn hoạt động nhưng thưa thớt hơn. Thủy thủ của tất cả 94 chiến hạm đang bỏ neo tại quân cảng, ngoại trừ những phiên gác đêm, còn lại đã chuẩn bị đi ngủ. Thêm một buổi tối uể oải giữa vùng nhiệt đới yên lặng đi qua.
Những nhân viên FBI dù đã trải qua hàng chục buổi họp, bàn cãi khô cả nước miếng, nghĩ đến nát óc và cố bám sát gã nha sĩ người Nhật đáng tình nghi kia nhưng cuối cùng rồi cũng chẳng tìm ra được một chút manh mối gì. Họ có ngờ đâu tại một văn phòng nhỏ xíu ở Tòa Lãnh sự Nhật, Takeo Yoshikawa mới đích thị là một điệp viên do Hải quân Hoàng gia Nhật Bản cử sang với cái tên giả là Morimura. Đêm ấy anh làm việc rất trễ để hoàn tất bản báo cáo cuối cùng. Vài giờ trước đây Yoshikawa đã gửi một bức điện tín về Tokyo, trong đó Yoshikawa đã quả quyết rằng các chiến hạm của Mỹ không có trang bị lưới chống ngư lôi và bầu trời Trân Châu Cảng cũng chẳng có thả bong bóng phòng không. Ngay bây giờ thì anh đang ngồi cập nhật những chiến hạm vừa bỏ neo trong quân cảng: 9 thiết giáp hạm, 3 tàu tuần dương, 3 tàu ngầm và 17 tàu khu trục cũng như 4 tàu tuần dương và 2 tàu khu trục đang bỏ neo phía ngoài cảng. Sau đó anh còn cho biết thêm đã có 1 tàu tuần dương hạng nặng và 1 tàu sân bay là Enterprise vừa rời quân cảng nhưng không có máy bay do thám hướng dẫn.
Kim đồng hồ đã chỉ quá nửa đêm, những giây phút đầu tiên của cái ngày 07 tháng 12 định mệnh. Vài vị sĩ quan cao cấp vẫn còn thao thức chưa ngủ được. Họ trằn trọc chỉ với một câu hỏi "Bao giờ thì Nhật Bản sẽ hành động - và ở nơi nào ? Singapore, Malaysia, hay Philippines ?"  Không có một ai - Franklin Roosevelt, Cordell Hull, Henry Stimson, Frank Knox, George Marshall hoặc Harold Stark - có thể đoán ra rằng Nhật Bản sẽ tấn công vào Trân Châu Cảng, trái tim của hạm đội Thái Bình Dương.
Giữa lúc Tokyo nhận được bức thư "kêu gọi hòa bình" của Tổng Thống Roosevelt thì tại Washington DC lúc ấy là 8 giờ sáng ngày 07 tháng 12. Krammer, trưởng ban dịch thuật thuộc phòng tình báo Hải quân Hoa Kỳ đang ngồi đọc phần thứ 14, một phần cuối cùng và quan trọng nhất của bản giác thư mà chính phủ Tokyo gửi đến Đại Sứ Nomura để chuyển đến Ngoại Trưởng Hull, nó vừa bị cơ quan tình báo Hải quân Hoa Kỳ phát giác. Và cũng như lần trước với 13 phần của văn bản, Krammer cho sao ra làm mấy bản rồi tự tay lái xe đi một vòng để trình lên thượng cấp, những người mà ông nghĩ rằng có đủ quyền hành để thẩm định. Xong ông trở lại văn phòng thì kim đồng hồ lúc ấy chỉ đúng 10:20 sáng. Một bức điện tín quan trọng khác đã nằm sẵn trên bàn. Ông cầm lên đọc thì đó là bức điện tín khẩn "tối mật" của Ngoại trưởng Togo ở Tokyo gửi đến Đại Sứ Nomura ở Wasington DC, đại ý là truyền lệnh cho Đại Sứ Nomura phải đệ trình toàn bộ 14 phần của văn bản thông báo ngoại giao đến cho Ngoại Trưởng Hull đúng 1 giờ chiều.
Bức điện tín "một giờ chiều" này càng làm cho Krammer thêm thắc mắc. Anh ta tự hỏi tại sao lại phải đúng 1 giờ chiều ? Sẵn có tấm bản đồ thế giới trải trên bàn viết ngay trước mặt, Krammer vội lấy bút chì khoanh tròn theo từng múi giờ trên mặt giấy, ông chợt phát giác ra một điều lý thú là 1 giờ chiều ở Washington DC sẽ là 7:30 sáng ở Hawaii. Đã từng công tác ở Trân Châu Cảng trong 2 năm nên Krammer đâu còn lạ gì với cảnh sinh hoạt của quân cảng vào mỗi sáng sớm Chủ Nhật - buổi sáng của sự lười biếng trong yên lặng - Không biết Krammer đã nghĩ gì mà trông dáng vẻ của anh ta hơi bối rối, chỉ thấy anh đứng lên miệng lảm nhảm nói thầm rồi co chân chạy vút đi. Một thoáng sau người ta đã thấy Krammer chạy ùa vào văn phòng của Đô Đốc Stark như một cơn gió lốc.
Đại sứ Nomura dù đã được chỉ thị của Tokyo là phải đệ trình toàn bộ văn bản cho Ngoại Trưởng Hull lúc 1 giờ chiều, nhưng hiện tại đã quá 10 giờ 30 sáng mà trong tay ông chỉ có 13 phần, phần còn lại đã đánh gửi sang 3 tiếng rưỡi đồng hồ rồi mà sao họ lại chưa mang đến cho ông. Nghĩ đến đó Nomura càng nôn nóng chờ đợi. Ông điện thoại đến văn phòng Hull để xin một cái hẹn đến gặp Hull nhưng thư ký cho biết Hull đã rời văn phòng đi ăn trưa rồi. Nomura vội khẩn khoản: "Sự việc tối quan trọng, nếu không gặp được ông ta thì xin cho tôi được diện kiến phụ tá của ông cũng được". Và một phút im lặng sau đó đầu dây bên kia cho biết ông có thể đến gặp Ngoại Trưởng Hull.
Trong lúc Nomura điện thoại lấy hẹn đến gặp Hull thì Krammer đang bước vào văn phòng của Đô Đốc Stark. Vị Đô Đốc Hải quân đang ngồi trước bàn đọc phần thứ 14 của văn bản mà Krammer mang đến cho ông không lâu trước đó. Kammer vào gặp ông và vào đề ngay. Anh ta vạch ra cho Stark thấy rõ sự việc quan trọng có thể xảy ra bằng lối ám chỉ 1 giờ chiều, đối chiếu theo múi giờ rồi suy luận thì quả quân cảng ở Hawaii có nhiều nguy cơ bị tấn công.
Đô Đốc Stark ra chiều suy nghĩ. Krammer không chần chừ được nên giục: "Xin Đô Đốc điện thoại báo ngay cho Đô Đốc Kimmel biết!" Stark cầm lấy điện thoại nhưng không quay cho Kimmel, ông nghĩ mình đã báo động cho họ hôm 27 tháng 11 rồi. Vả lại chuyện đột kích Trân Châu Cảng là một chuyện khó còn hơn lên trời. Nhật Bản không thể nào thực hiện được. Nghĩ thế nên Stark bảo trước phải cho Tổng Thống biết rồi sẽ liệu. Ông quay số Nhà Trắng nhưng điện thoại của Nhà Trắng đang bận.
Hôm nay dù ngày nghỉ nhưng Tướng Marshall vẫn thức dậy lúc 6 giờ 30 sáng như thường ngày. Vì không bận bịu gì nên hai ông bà dành trọn vẹn buổi bình minh cho ly cà phê và bữa điểm tâm. Đây là một ngày nghỉ nên hai người muốn dành hết thì giờ nhàn rỗi bên nhau, họ thật sự muốn có được chuỗi ngày yên lặng để hưởng trọn vẹn những ngày hạnh phúc còn lại. Sau hai lần trụy tim, sức khỏe của ông bị suy sụp trầm trọng. Ông thường bảo: "Tôi phải cố kiềm chế để không bao giờ nổi nóng , vì như vậy sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng". Và ông vẫn hay nhắc nhở bà vợ rằng: "Đầu óc của tôi phải luôn giữ thoải mái bà ạ."  Khi dùng điểm tâm xong hai ông bà mới nắm tay dắt nhau đi dạo.
Đến lúc ông trở lại thì kim đồng hồ đã chỉ 10 giờ 25. Sau khi nghe Trung sĩ Aquirre cho biết Đại Tá Bratton có gọi điện tìm, Marshall liền điện ngay đến văn phòng Bratton. Sau khi hỏi ra cơ sự rồi chờ Bratton mang tờ điện tín đến, khi trong tay Marshall cầm được tờ điện tín "một giờ chiều" thì kim đồng hồ đã nằm chênh chếch quá 11 giờ trưa rồi. Cũng như Bratton, bức điện tín này như một cú sốc mạnh khiến cho ông Tướng bàng hoàng, ông vội vã dùng điện đài gửi quân lệnh cho tất cả chỉ huy trưởng trực thuộc Thái Bình Dương một báo động đặc biệt vì đúng 1 giờ chiều hôm nay Nhật Bản sẽ đưa ra một tối hậu thư.
Đô đốc Yamamoto Isoroku
Hạm đội liên hợp Nhật Bản đang thả neo quanh một hòn đảo nhỏ có tên là Hashirajima, họ vừa nhận được lệnh báo động, sẵn sàng rời vùng biển Nhật Bản để đi tiếp ứng hạm đội xung kích nếu cần. Đô đốc Yamamoto cũng vừa ban ra một quân lệnh cuối cùng, một quân lệnh không khác gì vị Đô đốc Togo Heihachiro huyền thoại với trận eo biển Đối Mã oai hùng năm xưa.
Đến lúc này thì Hạm đội xung kích Kido Butai đã đến gần kề lãnh hải Hawaii. Một hạm đội gồm 6 tàu sân bay và hộ tống hạm đang từ từ tiến vào hải phận Hoa Kỳ. Đội hình thứ nhất gồm 11 chiến hạm tiến theo hình cánh cung và từ từ khép lại, điểm gặp nhau là đảo Oahu: 4 chiếc sẽ định vị ở hướng Đông Bắc Oahu, 7 chiếc khác thì dọc theo eo biển giữa hai đảo Oahu và Molokai. Đội hình thứ hai gồm 9 chiếc tiến tới từ phía đảo Marshall: 7 chiếc sẽ nằm ở hướng Nam đảo Oahu, 2 chiếc khác đi dọc theo đảo Maui để thăm dò xem hạm đội Hoa Kỳ còn hoạt động ở căn cứ Lahaina hay không.
Đội tàu ngầm (tiềm thủy đỉnh) gồm 5 chiếc trong đội xung kích đặc biệt, vì trong đêm tối nên nổi lên khỏi mặt nước và từ từ tiến vào Trân Châu Cảng theo hướng Tây Nam. Trong mỗi tàu ngầm đều có mang theo một tàu ngầm con loại A-target. Loại A-target này sẽ xâm nhập vào tận trong quân cảng trong đêm, nằm chờ cho đến khi trận không tập bắt đầu mới nổi lên phóng ngư lôi vào những chiến hạm lớn nhất của Hoa Kỳ.
Gần 11 giờ đêm 06 tháng 12 (giờ địa phương), tàu ngầm mẹ dừng lại cách mục tiêu chừng 8 dặm để thả tàu ngầm con. Vì tàu vẫn đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước nên những thủy thủ ra ngoài thì có thể nhìn thấy một vùng đèn sáng lòa chạy dọc theo bờ biển, thậm chí họ còn có thể đọc được dòng chữ bằng đèn neon "Waikiki Beach" nhấp nháy như gọi mời trên bãi biển, lại có tiếng nhạc Jazz xập xình từ trong đảo vọng ra theo hướng gió đêm êm dịu thổi về. Bốn chiếc tàu ngầm A-Taget đã hạ thủy, 1 chiếc bị trục trặc khó bề sửa chữa trong trường hợp này nên tạm thời không sử dụng đến. Tàu ngầm mẹ lặn xuống và đội tàu ngầm con nhằm hướng Trân Châu Cảng tiến tới. Bấy giờ thì những tàu sân bay có nhiệm vụ phóng phi cơ thì đang thả hết tốc lực 24 hải lý một giờ để đến điểm phóng phi cơ oanh kích, đó là một vùng biển nằm ở phía Bắc Trân Châu Cảng 200 dặm. Tất cả thủy thủ đều có mặt ở vị trí chiến đấu, súng đại bác và pháo phòng không sẵn sàng nhả đạn vào bất cứ mục tiêu nào đáng khả nghi.
Đội ngũ phi công đã tập trung vào một chỗ để chuẩn bị lúc 3:30 sáng. Họ đã viết những lá thư cuối cùng cho gia đình, tất cả vật dụng cá nhân cùng một ít móng tay và một lọn tóc đều cho cả vào tủ cá nhân khóa kín để chuyển về gia đình trong trường hợp họ đền nợ nước. Những phi công cảm tử này đều quấn thắt lưng bằng khăn, trên ấy có "nghìn mũi kim thêu" ( Theo thông tục thì sợi dây lưng này như một lá bùa hộ mệnh. Mẹ, vợ hoặc chị, em của người phi công ấy tay cầm một sợi thắt lưng ra đứng ở những nơi công cộng và nhờ người qua đường mỗi người một mũi kim thêu vào sợi thắt lưng ấy cho đến khi đủ con số một nghìn. Nó có nghĩa là đã có một nghìn lời cầu chúc cho sự chiến đấu giỏi và gặp nhiều may mắn). Buổi điểm tâm được dọn ra sớm và đồ ăn tươm tất hơn mọi ngày.
Ở biển Đông cách đó 6.600 dặm, một đoàn công voa gồm nhiều dương vận hạm từ từ tiến vào gần bán đảo Mã Lai bằng 3 hướng khác nhau. Mũi đổ quân chính, 4 tàu lớn tiến vào Singora về cánh trái, 3 tàu theo một thủy lộ khác hướng đến Pattani, 3 tàu còn lại di chuyển theo hướng Kota Bharu. Kim đồng hồ vừa điểm 12 giờ khuya ngày 07 tháng 12 thì tất cả đã đến được điểm đổ quân, họ dừng lại bỏ neo ngoài khơi, cách thành phố không xa lắm. Trời đêm nay dù trăng trung tuần treo lơ lửng nhưng nhiều mây che phủ khiến không gian chìm trong một màu thê lương ảm đạm, nó như đồng lõa với những mũi súng đen ngòm chực sẵn chờ giờ tấn công của cánh quân Nhật Bản, một cảnh tượng căng thẳng khiến cho bóng đêm đen càng huyền hoặc rùng rợn làm sao. Lúc 1:15 sáng, phi đội hộ tống xuất hiện và bắt đầu oanh tạc dọc theo bờ biển. Lệnh được đưa ra, chiến tranh thế giới đã chính thức đến với Đông Nam Á.
Tiếng súng nổ khai mào cho mặt trận Thái Bình Dương vào lúc 5:45 sáng giờ Hawaii, sớm hơn quả bom đầu tiên rơi xuống Trân Châu Cảng gần 2 tiếng 15 phút. Vì đâu mà có sự chênh lệch thời gian ở hai mặt trận khác nhau như thế? Theo kế hoạch của Đô Đốc Genda và Tham mưu trưởng Hải quân Miyo đã vẽ ra lúc ban đầu thì họ đồng ý chọn lấy thời điểm trước khi mặt trời mọc để tấn công Trân Châu Cảng. Nhưng đa số phi công đều cho rằng sẽ rất nguy hiểm cho việc cất cánh trong đêm tối, Đô Đốc Genda cho lời giải thích ấy là phải nên dời giờ tấn công thêm 2 tiếng nữa, nghĩa là khi bình minh vừa ló rạng. Miyo không biết được sự thay đổi này cho đến mấy ngày sau khi hạm đội xung kích đã rời cảng Hitokappu. Đến lúc ấy thì dù biết nhưng ông vẫn phải giữ im lặng vì đã quá trễ để thông báo cho tất cả chỉ huy trên các mặt trận. Miyo nhận hoàn toàn trách nhiệm về quyết định của mình và cũng chẳng thông báo cho phó đô đốc Itoh rằng súng sẽ nổ trên mặt trận bán đảo Mã Lai trước khi tiến công vào Trân Châu Cảng.
Rồi bên này Thái Bình Dương, chiến tranh bùng nổ giữa Đông và Tây, giữa da vàng và da trắng, 2 tiếng 15 phút trước khi quả bom đầu tiên rơi xuống Hawaii, một tiểu bang của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nghi vấn được đặt ra là liệu Anh Quốc đã thông báo kịp thời cho Hoa Kỳ cuộc tấn công này để họ tổ chức phòng thủ Trân Châu Cảng?
Hạm đội Kido Butai nằm ở vị trí hướng Bắc cách quân cảng không đầy 200 dặm. Một vừng sáng tỏa dần rộng tận cuối trời phía Đông, bình minh đang ló rạng. Những vì sao xa xăm vẫn còn nhấp nháy yếu ớt, vài áng mây mỏng giăng giăng. Biển vẫn còn cuồng nộ điên cuồng, những làn sóng khổng lồ thỉnh thoảng quét lên sàn tàu. Lúc này những máy bay thuộc đợt tấn công thứ nhất đã vào hàng chuẩn bị cất cánh, cứ mỗi lần sóng ào lên thì các phi công và chuyên viên bảo trì phải ôm cứng cánh máy bay để khỏi phải bị sóng cuốn đi.
Góc nhìn từ tàu sân bay Zuikaku: phía trước là Akagi và Kaga
Lá cờ cũ của đô đốc Heihachiro Togo, được ông sử dụng trong trận hải chiến Tsushima năm 1905, được trang trọng thượng lên trên đỉnh cột cờ tàu sân bay Akagi. Một ngọn đèn màu xanh nhạt chớp lên làm thành một vòng tròn nhỏ trong bóng đêm, đánh dấu chiếc máy bay đầu tiên sửa soạn cất cánh. Khi chiếc máy bay đầu tiên rú ga lướt nhẹ trên đường băng của tàu sân bay rồi bốc lên cao độ, rồi đến chiếc thứ hai, thứ ba liên tục nối đuôi nhau bốc lên không trung. Trong cái khí thế hừng hực trước giờ xung trận ấy, tất cả thủy thủ có mặt thảy đều nức lòng xúc động, họ cất tiếng reo hò vang dội, át cả những âm thanh cuồng nộ của biển động cùng tiếng gào thét của máy bay Zero.
Lễ xuất quân trên tàu sân bay Zuikaku
Chứng kiến cảnh tượng hào hùng đó, phó đô đốc Nagumo đứng trên cầu tàu của Akagi quan sát cuộc xuất quân cũng không còn cảm thấy e ngại như trước nữa. Mặc dù đêm tối và biển động, Akagi có lúc nghiêng tới 12 độ, trong vòng 15 phút, tất cả 183 chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và phi cơ phóng ngư lôi đã cất cánh hết từ sáu tàu sân bay. Các phi cơ nghiêng mình trước các tàu sân bay rồi bắt đầu nhắm hướng Trân Châu Cảng phóng tới. Lúc đó là 6:15 sáng Chủ nhật ngày 7 tháng 12 năm 1941.
Akagi
Vì biển động phong ba bão táp dữ dội trong lúc các máy bay Nhật Bản cất cánh rời tàu sân bay nên phó đô đốc Chuichi Nagumo tỏ ra rất lo lắng. Nhưng cuối cùng chỉ thiệt mất có mỗi một chiếc tiêm kích Zero, một kết quả vượt ra ngoài sự mong đợi khiến cho Nagumo càng thêm phấn khởi, ông nghĩ sự thành công khởi đầu này chứng tỏ kế hoạch huấn luyện của đô đốc Yamamoto có kết quả tốt và các phi công Nhật Bản đạt được kỹ thuật bay rất cao. Các tư lệnh Nhật Bản ước tính rằng đợt phi cơ tấn công đầu tiên của Nhật sẽ tới bờ biển Hawaii trong khoảng hơn một giờ bay.
Toán chiến đấu cơ do trung tá Matsui Fuchida chỉ huy lập tức bốc lên độ cao 4.000 mét, bên trên những lớp mây dày đặc. Trong lúc các máy bay tiếp tục chuyến bay sinh tử này thì mây đen tan dần và mặt trời xuất hiện, mặt trời tuyệt đẹp đang ló rạng ở chân trời phía Đông, nơi những đứa con của Nữ thần Thái Dương đang tiến đến.
Trân Châu Cảng lúc 6:30 sáng. Cửa dẫn vào quân cảng có lắp màng lưới chống ngư lôi, màng lưới này đóng lại lúc ban đêm và sáng sớm thì mở ra để hạm đội ra vào. Chiếc tàu vớt mìn Antares đang chờ đợi bên ngoài cửa vào quân cảng chợt vô tình trông thấy kính tiềm vọng của tàu ngầm vừa nhô lên khỏi mặt nước. Vì biết rằng tàu ngầm Mỹ không hoạt động ngầm trong khu vực Trân Châu Cảng nên thủy thủ trên tàu Antares báo ngay cho một tàu khu trục đang tuần tiễu gần đó. Đại Úy Hải quân William Outerbridge, một vị thuyền trưởng trẻ của khu trục hạm Ward vội cho tàu đến ngay vị trí và cuộc tấn công bắt đầu. Loạt đạn thứ nhất đi trượt, loạt đạn thứ 2 trúng ngay kính tiềm vọng và chiếc tàu ngầm lặn mất. Tất cả thủy thủ trên tàu khu trục vỗ tay hoan hô như sấm cho một chiến công không ngờ.
6:51 sáng, Outerbridge báo cáo về Bộ Chỉ Huy: "Chúng tôi đã phát giác và bắn chìm một tàu ngầm địch xuất hiện trong khu vực phòng thủ của chúng ta."
Bản báo cáo tuy đã gửi đi nhưng không bao giờ tới tay Tham mưu trưởng Hải quân Hawaii là Đô Đốc Kimmel. Lúc 7:12 sáng, Đại Úy John B.Earle mới trình bản báo cáo lên Đô Đốc Claude C.Bloch. Đọc xong, ông quay sang hỏi Đại Úy Earle: "Đại Úy có biết gì về sự việc này không?"
Earle tỏ vẻ nghi ngờ nên lưỡng lự đáp: "Tình trạng này chúng ta đã gặp phải nhiều lần nhưng lần nào cũng trông gà hóa quốc cả cho nên chúng ta không thể hành động bộp chộp thiếu suy nghĩ được". Bloch chợt nhớ lại hơn mấy tháng gần đây có cả thảy hơn 10 lần báo động về sự xuất hiện của tàu ngầm địch nhưng tất cả có lần nào thật đâu. Ông mới nói: "Bản báo cáo này cần phải xác minh lại".
Và mãi đến 7:30 sáng, Đô đốc Kimmel mới được báo tin. Ông đang mặc áo quần để đi lễ nhà thờ và đành chỉ ra lệnh cho chiếc Ward tiếp tục tìm kiếm và báo cáo kết quả cho ông. Ám hiệu của chiếc Ward đối với ông có vẻ biểu dương trí tưởng tượng phong phú nhất. Ông có vẻ bực bội hơn là xúc động. Sau một cái liếc mắt cuối cùng vào trang phục, ông bước ra bãi cỏ của ngôi biệt thự xa hoa và sửa soạn đến nhập đoàn với các sĩ quan cao cấp đang cùng vợ con chờ đợi để tháp tùng ông đến nhà thờ.
Cùng lúc ấy cũng có một báo động gửi về bộ chỉ huy Lục quân – và cũng bị "cho vào quên lãng" – Bản báo cáo được gửi về từ một trạm radar đóng ở Mũi Kahuku, một trạm được thiết trí tại một địa điểm rất thích hợp nằm trên một ngọn đồi cao 250 mét phía tây bắc đảo Oahu và hướng nhìn chiếu thẳng ra khơi. Chính hai binh sĩ Joseph và Elliot đang có mặt trong trạm này. Phiên trực dài 3 tiếng đồng hồ của họ trôi qua mà không có chuyện gì lạ, không một chiếc máy bay, một chiếc tàu nào xuất hiện làm rối mặt kính được chiếu sáng như ánh trăng.
Tướng Short có trong tay năm trạm radar được thiết lập rải rác trên các đỉnh núi cao thuộc đảo. Cho rằng bình minh là thời gian mà những cuộc tấn công có khả năng xảy ra nhất, ông đã ra lệnh vì các lý do tiết kiệm vật liệu, rằng sự canh chừng thật sự sẽ chỉ được thực hiện từ 4 giờ đến 7 giờ, tức là hai giờ trước bình minh và một giờ sau đó. Một buổi huấn luyện ngắn sẽ được tổ chức tiếp theo đó từ 7 giờ đến 8 giờ, nhưng vì ngày 7 tháng 12 là một ngày chủ nhật và vì hôm ấy không có máy bay cất cánh, cho nên năm trạm radar sẽ chấm dứt sự canh chừng vào lúc 7 giờ.
Đến 7 giờ, Joseph sửa soạn tắt máy, nhưng Elliot vốn ít được huấn luyện hơn bạn, xin tiếp tục cuộc canh chừng với hy vọng bắt gặp được các phi cơ vận tải thông thường sắp đến giờ bay đến, Joseph chấp thuận và đứng dậy để chân cẳng giãn gân, nhưng gần như ngay lúc đó người bạn gọi anh: "Này!, anh nhìn coi, có cái gì kia?"
Joseph nghiêng người qua vai Elliot và thấy một nhóm điểm sáng mà số lượng mỗi giây một nhiều, lúc ấy là 7:06 sáng. Anh không tin vào mắt mình nữa, đó là một hình ảnh mà anh chưa từng trông thấy bao giờ. Joseph lại thừ người suy nghĩ một lúc rồi cùng Elliot kiểm tra lại máy móc xem có bị trục trặc gì không. Nhưng tất cả đều hoạt động bình thường. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một đoàn máy bay đang bay hết tốc lực đến gần và cách 180 km về phía bắc-đông bắc.
Elliot mất hết bình tĩnh, lúc đầu còn lưỡng lự suy nghĩ nhưng sau đó lại quyết định quay ra báo cáo ngay về trung tâm Tin Tức ở Fort Shafter.
Mỗi trạm radar có đường liên lạc điện thoại với Trung tâm Tin tức của Fort Shafter. Hôm đó một sĩ quan không quân, trung uý Kermit Tyler, là sĩ quan trực. Ông có một bản đồ lớn treo tường để định vị trí và một tổng đài điện thoại nối liền với tất cả phi trường trên đảo và các bộ chỉ huy hành quân khác.
Khi nghe đầu dây nơi tiền trạm do Joseph báo cáo rằng "đốm sáng" ấy ngày càng di chuyển đến gần và bây giờ thì chỉ còn cách Oahu khoảng 90 dặm. Lúc mới nghe báo cáo Trung Úy Tyler rất đỗi ngạc nhiên nhưng anh ta nhớ lại có nghe thoáng qua một hiệu lệnh phát đi từ đài truyền tin KGMB tại Oahu nói rằng một đoàn pháo đài bay từ lục địa sẽ bay đến lúc 8 giờ. Chắc chắn đoàn phi cơ đã bay quá lên phía bắc và giờ đây chuyển về hướng nam về phía phi trường Hickam. Nghĩ như thế nên Tyler bảo rằng: "Đừng lo, đấy nếu không là phi đội B-17 đến từ đất liền bay ra thì cũng là máy bay của tàu sân bay nào đó đang tuần tiễu mà thôi." rồi cúp máy.
Lúc ấy tại Washington DC. Cái hẹn gặp Ngoại Trưởng Cordell Hull lúc 1:00 làm cho Đại Sứ Nomura Kichisaburo nôn nóng đến lộn ruột. Đã 12:30 rồi, chỉ còn 30 phút nữa thôi nhưng 14 phần của văn bản thông báo vẫn còn rối tung bên cạnh Okumura. Nomura dù nôn nóng đến đâu cũng không dám lên tiếng hối thúc, chỉ e nhiều áp lực quá sẽ tạo ra nhiều lỗi lầm nữa thì nguy to. Ông đi ra đi vào rồi đứng đưa mắt như khẩn cầu Okumura và phụ tá của ông cố gắng làm việc nhanh lên. Chỉ nhìn đôi tay của Okumura mò mẫm trên bàn phím và gõ từng chữ một, bất giác Nomura thở dài thườn thượt than thở một mình: "Coi ra thì phải trễ đến cả tiếng đồng hồ chứ không sớm hơn được đâu."
2 chiếc thủy phi cơ xuất phát từ chiến hạm Tone và Chikuma đang lơ lửng trên không phận Hawaii. Một chiếc thám thính căn cứ Lahaina và một chiếc khác cũng đang tiến gần đến bầu trời Trân Châu Cảng. Không có một người nào dưới đất để ý đến 2 chiếc thủy phi cơ do thám của Nhật đang đảo trên đầu họ, tệ hơn nữa là cũng chẳng có một nhân viên truyền tin liên lạc nào lắng nghe bản báo cáo của chiếc phi cơ trên bầu trời Lahaina gửi về tàu sân bay Akagi bằng sóng radio lúc 7:35 sáng:
"Hạm đội địch không có ở Lahaina!"
Vài phút sau một báo cáo tiếp theo:
"Hạm đội địch đều tập trung ở Trân Châu Cảng."
Đó mới là những báo cáo thú vị nhất khiến cho Ryūnosuke Kusaka sung sướng như điên. Nỗi mừng vui chưa tan biến trên nét mặt của vị Thiếu Tướng chỉ huy phi đoàn thứ nhất thì bản báo cáo thứ 3 gửi đến:
"Toàn vùng Oahu có ít mây che nhưng trên bầu trời Trân Châu Cảng thì trong vắt."
Vị Thiếu Tướng 48 tuổi đưa mắt nhìn về hướng quân cảng, miệng nở một nụ cười hân hoan nhưng đầy bí hiểm.
Ngay lúc ấy, Ngoại Trưởng Shigenori Togo đang trên đường đến Hoàng Cung. Bất giác ông ngước lên nhìn bầu trời, đêm khuya thanh vắng, ánh trăng trung tuần treo lơ lửng giữa muôn ngàn vì sao lấp lánh như đang hứa hẹn một ngày đẹp trời sắp bước sang. Togo mỉm cười một mình rồi rảo bước nhanh theo viên quan hướng đạo đi thẳng vào nội điện, nơi ấy Thiên Hoàng Hirohito đang thiết triều. Đây là một buổi chầu đặc biệt vào lúc nửa đêm, vì một chốc nữa thôi, bên kia Thái Bình Dương, Đại Sứ Nomura sẽ đến gặp Ngoại Trưởng Hull để trao bản giác thư, một "tối hậu thư" không hơn không kém.
Togo chân bước nhưng đầu óc vẫn để ở tận một nơi xa xôi nào đó: Chỉ còn vài phút nữa thôi một ngày trọng đại nhất sẽ đến và trang sử của thế giới và Đế quốc Nhật Bản sẽ mở ra một trang mới, một trang sử đầy tang thương chết chóc.
Đợt tấn công thứ nhất
Từ độ cao 3.500 m, đội hình máy bay Nhật Bản bay giữa một biển mây dày đặc tưởng chừng như vô tận khiến các phi công vẫn không tránh khỏi hoang mang. Sau gần một giờ bay, Fuchida ra lệnh cho hiệu thính viên dò bắt sóng của đài phát thanh Honolulu để ông theo đó mà xác định hướng bay của phi đoàn. Cũng nhờ thông tin bắt được qua sóng, Fuchida biết được tình hình thời tiết vùng trời Hawaii nhiều mây nhưng riêng tại đảo Oahu mây thưa thớt, khu vực Trân Châu Cảng quang đãng đúng với mong muốn của Fuchida.
Bầu trời đảo Oahu thật tuyệt đẹp, bầu trời trong vắt không một gợn mây, biển êm ả và lặng sóng chứ không cuồng nộ như nơi các phi công Nhật Bản cất cánh. Chiếc tiêm kích Zero đầu tiên bay vào không phận phía Bắc Oahu, tại mũi Kahuku vào lúc 7:48 sáng. Trung Úy Yoshio Shiga, chỉ huy trưởng phi đoàn gồm 43 chiếc tiêm kích A6M Zero bay phía trên cùng để bảo vệ cho 3 đội hình chữ "V" của 3 phi đoàn đang bay phía dưới trong trường hợp bị máy bay Mỹ tấn công đánh chặn.
Ngay phía dưới của đoàn chiến đấu cơ Zero là 49 oanh tạc cơ do trung tá Mitsuo Fuchida chỉ huy. Bên cánh phải là một đoàn 40 phi cơ phóng ngư lôi do trung tá Murata chỉ huy. Phía cánh trái là một đoàn 51 khu trục cơ cất cánh từ tàu sân bay Shokaku dưới quyền chỉ huy của trung tá Takahashi. Mỗi phi cơ của toán Takahashi mang theo một trái bom xuyên thép nặng 1760 Pound tương đương 800 kg.
Hôm nay, Tư lệnh hành quân, trung tá Mitsuo Fuchida mặc áo đỏ, quấn ngang đầu một tấm băng mang lá cờ Nhật Bản để biểu thị tinh thần quyết tử của truyền thống võ sĩ đạo. Fuchida vừa chỉ huy phi đội oanh tạc cơ mà cũng là vị chỉ huy cho cả phi đoàn xuất kích đợt đầu tiên này. Ông từ từ bay lên dẫn đầu đội hình phi đoàn tiến vào mục tiêu. Trong đầu Fuchida đang toan tính cho một quyết định cấp tốc, ông đã vạch ra hai kế hoạch tấn công và đã cùng các phi đoàn trưởng thống nhất kể cả hiệu lệnh. Bây giờ chỉ cần quan sát mọi diễn biến bên dưới rồi tùy cơ mà ban phát hiệu lệnh.
1 giờ 40 phút sau khi cất cánh khỏi các tàu sân bay, các phi công của Fuchida trông thấy qua khe những đám mây, một đường dài uốn khúc bên dưới. Ðó là bờ biển Oahu với những làn sóng chồm lên bãi cát. Lúc đó là 7:40 sáng. Vài phút sau nữa Trân Châu Cảng và thành phố Honolulu hiện ra trước mắt họ, giống như những khối hình màu xám nổi bật trong làn sương hồng buổi sáng.
Nhìn xuyên qua lớp sương mù mỏng, các phi công Nhật Bản có thể trông thấy các chiến hạm của hạm đội Thái Bình Dương. Các chiến hạm này đậu cạnh nhau từng đôi giống như các binh sĩ đang diễn hành. Khi các phi công vươn cổ ra để đếm các chiến hạm Mỹ, họ không trông thấy một làn khói nào bốc lên từ quân cảng hoặc từ một chiến hạm nào. Tất cả quân cảng và chiến hạm dường như đang trong một giấc ngủ lười biếng của một buổi sáng chủ nhật, sau một đêm thứ bảy vui chơi trong các hộp đêm của quần đảo du lịch Hawaii.
Qua ống nhòm, toàn cảnh Trân Châu Cảng đã hiện ra dưới mắt Fuchida với đầy đủ 8 thiết giáp hạm xếp hàng thẳng tắp. Chiếc Oklahoma đứng cạnh Maryland, sau đó là chiếc West Virginia bên chiếc Tennesse, tiếp đến chiếc Arizona đứng cạnh chiếc tàu công xưởng mang tên Vestal, chiếc Nevada đứng cuối hàng, còn chiếc California dẫn đầu đứng chếch hàng một chút. Cách một quãng về phía trước chính là soái hạm của hạm đội-chiếc Pennsylvania có hai khu trục hạm hộ tống. Ngoài ra còn nhiều tuần dương hạm và khu trục hạm khác nhưng không có tàu sân bay nào cả. Cả một hạm đội lớn chưa từng thấy đã gây cho các phi công Nhật Bản một ấn tượng rất mạnh.
Fuchida và các phi công xứ Phù Tang vô cùng kinh ngạc trước sự chểnh mảng của quân trú phòng Mỹ:
"Bên dưới tôi, tất cả hạm đội Thái Bình Dương nằm trong một đội hình lý tưởng để tấn công mà tôi không hề dám mơ ước trong những giấc mơ lạc quan nhất của tôi. Tôi đã được chứng kiến hạm đội Ðức tập trung tại hải cảng Kiel. Tôi đã được thấy hạm đội của Pháp tại quân cảng Brest. Tôi cũng thường thấy các chiến hạm của chúng tôi tập hợp lại để Thiên Hoàng duyệt binh, nhưng tôi chưa bao giờ được trông thấy các chiến hạm, dù trong thời bình, bỏ neo gần nhau đến như thế, chỉ cách nhau khoảng vài trăm thước. Một chiến hạm trong thời chiến phải luôn luôn đề cao cảnh giác một cuộc tấn công bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng hình ảnh bên dưới kia thật là khó hiểu. Phải chăng người Mỹ chưa bao giờ nghe thấy trận tấn công bất ngờ hạm đội Nga tại Lữ Thuận?"
Phía bên dưới quân cảng, những tổ phòng không đều bỏ trống. 3/4 súng trên các chiến hạm xung quanh cảng đều không có người canh gác. Duy nhất chỉ còn bốn khẩu đội phòng không 31 AA của Lục quân thì còn giữ nguyên vị trí, nhưng khổ nỗi đạn dược đã mang cả vào kho cất đi sau mỗi lần tập dượt từ khi có lệnh bảo trì là:
"Đạn dược mà cứ để nằm ì phơi mưa gió như thế thì nếu không hư cũng... bị bụi bặm bẩn thỉu khó coi lắm!" 
Đúng 7:49 sáng, Fuchida dùng radio liên lạc về Akagi báo cáo đợt tấn công thứ nhất bắt đầu. Từ trên nhìn xuống, toàn bộ quân cảng vẫn im lìm không có một dấu hiệu gì cho thấy quân đội Hoa Kỳ đang sẵn sàng phòng thủ chiến đấu. Fuchida mừng rỡ, liếc nhìn đồng hồ ông thấy đã 7:53 sáng, vội liên lạc ngay về cho đô đốc Namugo:
"Tora! Tora! Tora!" (トラ・トラ・トラ )
ĐIều này có nghĩa là "mãnh hổ", ý nói sẽ dùng chiến thuật tấn công theo kế hoạch thứ nhất. Theo chiến thuật thứ nhất này thì khi nhận thấy quân đội Mỹ không phòng bị gì cả, phi đoàn của ông sẽ chia nhau tung hoành trên bầu trời Oahu, trong nửa tiếng đồng hồ đầu tiên cố gắng gây thiệt hại cho địch càng nhiều càng tốt.
Fuchida bắn ra một pháo hiệu ra lệnh cho phi đoàn theo kế hoạch thứ nhất. Người phi đội trưởng gần đó không nghiêng cánh phi cơ để tỏ ra nhận được hiệu lệnh nên Fuchida vội bắn thêm một pháo hiệu nữa. Shiga đang bay phía sau ông một khoảng khá xa, nhìn thấy hai pháo hiệu bắn ra thì nghĩ lầm rằng sẽ tấn công theo kế hoạch thứ nhì, ông vội chuyển hướng thẳng đến phi trường Hickam Field. Theo kế hoạch thứ hai thì chỉ dự trù khi nào địch quân đã phát giác và phòng thủ, phi đoàn của Fuchida sẽ tấn công theo một đội hình vừa phá hoại vừa chiến đấu. Vì thế nên Shiga khi nhận được pháo hiệu vội dẫn phi đội mình bay thẳng về phi trường Hickam để nghênh địch.
Trung Tá Kakuichi Takahashi, phi đội trưởng máy bay ném bom bổ nhào Aichi D3A cũng nhận lầm hiệu lệnh nên ra hiệu đổi hướng. Trong khi ấy thì phi đội máy bay phóng ngư lôi vẫn tiến về hướng mục tiêu đã định. Thiếu Tá chỉ huy là Shigeharu Murata là người duy nhất không nhầm lẫn hiệu lệnh, ông dùng tần số radio ra lệnh cho toàn phi đội của mình hành động y theo kế hoạch. Đội hình phi đội phóng ngư lôi nhanh chóng chuyển hướng nhắm thẳng mục tiêu chính của mình là quân cảng, nơi có những chiến hạm đang bỏ neo san sát đang nằm chờ những trái ngư lôi của họ đánh xuống.
7:55 sáng, ngay trước khi trái bom đầu tiên rơi xuống Trân Châu Cảng, Fuchida đánh đi mật mã thứ hai:
"Tora... Tora... Tora..."
Mật mã này có nghĩa là cuộc tấn công đã được đảm bảo hoàn toàn bất ngờ. Ngay lập tức 171 máy bay tấn công sân bay Bellows Field của Không lực Hoa Kỳ gần Kaneohe ở rìa phía Đông của hòn đảo Oahu và Ford Island. Chỉ có khoảng một chục chiếc P-36 Hawk và P-40 Warhawk có thể đối đầu với lực lượng Nhật Bản.
Lúc này các chiến đấu cơ của Itaya bốc mình bay lên thật nhanh và thật cao để có thể bao quát toàn thể chiến trường, sẵn sàng phóng xuống đánh chặn bất cứ một phi cơ Mỹ nào bay lên. Toán phi cơ thả bom của Fuchida vẫn giữ cùng một cao độ bên dưới đám mây để quan sát mục tiêu một cách rõ ràng hơn.
Trung Úy Mori và Shiga vì nhận nhầm hiệu lệnh nên chia nhau dẫn phi đội chiến đấu từ trên cao độ 4000 m lao thẳng xuống như những con diều vồ mồi, len lách xuyên qua dốc núi tiến về hướng phi trường Hickam để nghênh địch.
Shiga bay theo hình chữ chi tiến về hướng quân cảng. Ông đưa mắt quan sát phía dưới, cảnh trí gợi cho Shiga liên tưởng đến một công viên của Nhật Bản, hạm đội Hoa Kỳ sơn màu trắng xanh nhàn nhạt phản chiếu với màu xanh biên biếc của nước biển, một hình ảnh trông có vẻ nên thơ thanh bình làm sao. Một giây sau ông đã lướt qua khỏi quân cảng để tiến tới mục tiêu chính là sân bay Hickam Field.
Sân bay đây rồi! nhưng sao tất cả căn cứ không quân đều im lặng? không một phi cơ Mỹ nào bay lên nghênh chiến và cũng không có một khẩu súng phòng không nào lên tiếng. Doanh trại, nhà chứa máy bay và sân bay thẳng tắp, có khoảng 200 phi cơ đang đậu thành hàng ngũ chỉnh tề, tất cả đã hiện rõ trước mắt. Mori sau một giây sững sờ rồi đảo một vòng, ông nghĩ không nên chần chừ thêm nữa nên hạ thấp phi cơ, khẩu súng máy nhả đạn quét thẳng vào những chiếc phi cơ đang nằm sắp hàng dưới phi đạo. Tiếng súng dàn chào đầu tiên của Trung Úy Mori là tiếng súng mở màn cho cuộc không kích Trân Châu Cảng.
Như thường lệ, vào lúc 7 giờ 55 phút chủ nhật 7 tháng 12 (giờ Hawaii), thủy thủ trên tất cả các hạm tàu ở Trân Châu Cảng mặc lễ phục trắng tập hợp chỉnh tề trên boong tàu để làm lễ chào cờ. Trừ những người đang ca trực, các sĩ quan được miễn thủ tục này vẫn đang ăn sáng hoặc còn ngủ. Trên tháp nước của cảng, một lá cờ xanh được kéo lên, báo hiệu chuẩn bị chào cờ. Trên boong các thiết giáp hạm, các dàn quân nhạc đã sẵn sàng cử quốc ca.
Vừa dứt tiếng kèn báo hiệu bắt đầu lễ chào cờ, toàn hải cảng bỗng tràn ngập tiếng động cơ. Từ các hướng khác nhau, nhiều tốp máy bay lạ kéo đến. Một tốp bổ nhào xuống đảo Ford, một tốp khác bay sà trên mặt biển hướng về các chiến hạm. Trên chiếc California, viên thủy thủ trưởng thích thú giải thích cho các chú tân binh non choẹt đang hếch mũi lên trời:
"Đây là các quý khách của tàu sân bay Liên bang Soviet đến thăm chúng ta. Hãy xem: trên máy bay rõ ràng có hình tròn đỏ!"
Ở trung tâm điều hành máy bay trinh sát, viên sĩ quan trực đang nát óc xác minh vị trí chiếc tàu ngầm lạ đã bị khu trục hạm Ward tấn công, bỗng nghe tiếng gầm rú kinh khủng của máy bay sát mái nhà. Nhảy vội ra khỏi phòng, ông ta bị một luồng không khí nóng bỏng ập vào mặt. Vừa mở mắt ra, ông thấy các máy bay trắng mang hình tròn đỏ trên cánh đang lao xuống ném bom sân bay của máy bay trinh sát. Cũng như nhiều người khác có mặt lúc bấy giờ, ông cho rằng đó là các máy bay của hạm đội đang diễn tập theo kế hoạch của Bộ tư lệnh, hình tròn đỏ trên máy bay là để tập nhận diện kẻ địch dự kiến trong tương lai.
7:55, nghe tiếng động cơ vang lại, 2 người lính nhìn lên trời và thấy một đoàn máy bay xếp theo hình chữ V từ phía Tây thẳng tiến về sân bay Hickam Field. Có một vật vừa rơi ra khỏi chiếc máy bay đi đầu, Gaines nói:
"Họ đánh rơi bánh xe?"
Nhưng Conway bỗng la lên:
"Đồ ngu! Nhật bỏ bom!"
Trái bom đầu tiên rơi ngay cạnh dãy máy bay Mỹ đang đậu. Trái thứ hai làm nổ tung ngôi nhà ba tầng cạnh sân bay: "Hickam hotel". Thế rồi bom nổ liên hồi vào dãy máy bay. Đó là các máy bay thuộc phi đoàn của trung tá Kakuichi Takahashi bổ nhào tấn công sân bay Hickam.
Đợt tấn công thứ hai
7:15 sáng, các máy bay của đợt tấn công thứ hai dưới sự chỉ huy của bắt đầu cất cánh bao gồm 171 máy bay: 54 chiếc B5N, 81 chiếc D3A và 36 chiếc A6M Zero. Bốn máy bay đã không thể cất cánh do gặp trục trặc kỹ thuật. Thành phần và mục tiêu của đợt tấn công này là:
Nhóm thứ nhất: 54 chiếc B5N trang bị bom đa dụng 250 kg (550 lb) và 55 kg (120 lb), 27 chiếc B5N – mục tiêu: kho và máy bay tại các sân bay Kaneohe, đảo Ford và Barbers Point, 27 chiếc B5N – mục tiêu: kho và máy bay tại sân bay Hickam.
Nhóm thứ hai (mục tiêu: các tàu sân bay và tuần dương hạm), 81 chiếc D3A trang bị bom đa dụng 250 kg (550 lb), được tổ chức thành bốn đội.
Nhóm thứ ba (mục tiêu: máy bay tại các sân bay Ford Island, Hickham Field, Wheeler Field, Barber's Point, Kaneohe), 36 chiếc A6M để phòng thủ và bắn phá.
Đợt tấn công thứ hai được chia làm ba nhóm. Một nhóm được giao nhiệm vụ tấn công Kāneʻohe, số còn lại tập trung vào Trân Châu Cảng. Các nhóm tấn công tách rời đã bay đến địa điểm tấn công hầu như đồng thời từ nhiều hướng khác nhau.
Ngay lúc ấy phi đội khu trục cơ đã bắt đầu trút bom xuống Ford Island. Cứ mỗi cú trút xuống và phóng vọt lên là phía sau nó một cột khói khổng lồ ngùn ngụt bốc lên kèm theo tiếng nổ long trời. Shiga quay sang nhìn những cột khói từ từ lan rộng gần khắp cả quân cảng nhưng vẫn chưa thấy phi đội phóng ngư lôi xuất hiện. Ông cảm thấy lo lắng tự hỏi:
"Không biết cái đám phóng ngư lôi nó đâu mất mà giờ này vẫn chưa xuất hiện".
Vừa lúc đó từ hướng Tây, ông thấy một đội phi cơ chầm chậm tiến tới. Shiga lại nghĩ:
"Làm cái gì mà bay như rùa bò thế kia chứ".
Đội phóng ngư lôi tiến đến chỗ các chiến hạm lớn đang bỏ neo tại phía Đông Nam Ford Island. Đó là một dãy 7 chiến hạm đang thả neo san sát bên nhau, 5 chiếc bên trong và 2 chiếc bên ngoài cảng. Thật là một mục tiêu lý trưởng cho "bầy chuồn chuồn đến thả trứng rồi bay đi". Sau một phút im lặng chờ đợi, một tiếng nổ long trời lở đất, chiến hạm Oklahoma lắc mạnh lên từng hồi. Nhưng chỉ một giây sau đó phải hứng thêm hai trái ngư lôi nữa khiến cho nó run mạnh. USS Oklahoma nghiêng 30 độ. Phó hạm trưởng Ken Worthy ra lệnh đóng kín các của sập, ngăn không cho nước tràn vào các khoang khác. Tàu không bị chìm ngay, nhưng nước vẫn vào. Vài phút sau nó lại nhận thêm một chùm bom nữa. 
8 phút sau khi bị quả ngư lôi đầu tiên đánh trúng, thiết giáp hạm Oklahoma đã bị lật nhào. Nước nhanh chóng tràn qua những chiếc cửa sập không thể đóng lại được nữa. Hơn 400 sĩ quan và thủy thủ mắc kẹt bên trong đành chết chìm cùng tàu. Các cột buồm nằm dưới nước, trên mặt biển chỉ còn nhô lên mạn bên phải và một phần của sống tàu.  USS Oklahoma trở thành chiến hạm đầu tiên bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Trân Châu Cảng
Đúng 7:55 sáng, vừa lúc đô đốc Kimmel bước lên xe ô tô để đến sân đánh golf với người bạn như đã hẹn thì những quả bom đầu tiên rơi xuống các tàu chiến Mỹ đang bỏ neo tại Trân Châu Cảng. Đô đốc Kimmel sửng sốt, ngạc nhiên kêu lên:
"Chuyện quái gì thế? Có bọn phá hoại à?"
Trong lúc đó, đại tá Mollison, tham mưu trưởng lực lượng không quân Mỹ tại quần đảo Hawaii gọi điện báo cho đại tá Phillip, một sĩ quan không quân Mỹ khác, cho biết Trân Châu cảng bị Nhật Bản tấn công. Đại tá Phillip hét to vào ống nói:
"Anh điên rồi hả James Mollison. Đến bây giờ mà anh vẫn chưa tỉnh rượu hay sao?"
Từ trên không nhìn xuống, nhiều phi công xứ Phù Tang lầm tưởng chiếc USS Utah, vốn là một thiết giáp hạm đã 33 năm đi biển là một tàu sân bay, vì nó đậu riêng một chỗ ở bờ bên kia đảo Ford và có mặt boong trống trải. Do đó khoảng nửa tá máy bay Nhật đã lao vào tấn công liên tục chiếc tàu bia không có vũ khí tự vệ này. loạt ngư lôi tiếp theo đánh trúng chiếc Utah.
Một phi đội phóng ngư lôi khác dưới sự chỉ huy của Trung Úy Matsumura, họ đến từ tàu sân bay Hiryu. Trân Châu Cảng hiện ra trong tầm mắt của họ là những cột khói đen bốc cao ngùn ngụt.
"Họ đã thành công rồi! Bây giờ phải tìm cho ra những tàu sân bay địch!". 
 Matsumura dùng ống liên hợp ra lệnh cho phi đội của mình. Vừa ra lệnh xong Matsumura hạ thấp xuống 40 m bay là là trên cánh đồng mía. Nhìn thấy phi đội phóng ngư lôi đang chao liệng trên vùng trời Ford Island giữa những cụm khói đen mù mịt, bất giác Trung Úy Matsumura càu nhàu:
"Cứ lo đánh bậy đánh bạ khói che khuất mất mục tiêu chính rồi còn gì."
USS Shaw nổ tung trong đợt tấn công
6-7 chiếc Zero đang bu quanh lấy 1 chiến Utah. Trước khi cất cánh, Matsumura đã cảnh cáo cho toàn phi đội biết là đừng uổng phí thời gian và bom đạn đánh đắm chiến hạm này làm gì, vì nó chỉ là một mẫu hạm già nua lỗi thời mang tên Utah, một cái bia hứng bom đạn chỉ dành cho phi công tập dượt.
Một máy bay hư hỏng nằm lại tại sân bay Hickam
Matsumara càu nhàu xong lại bay vòng trở lại phi trường Hickam, chỉ e ở độ cao 150 m như thế này phi cơ của mình có thể hút phải những chiến hạm trên cảng cho nên anh ta luồn lách xuyên ngang phi đội phóng ngư lôi đến từ Kaga và Akagi. Một vài phi cơ Nhật bị trúng đạn địch bốc cháy nhưng những phi công gan lì ấy vẫn ráo riết tìm cách đâm bổ vào mục tiêu của địch. Hình ảnh oai hùng ấy càng nung nấu niềm hăng say trong lòng anh Trung Úy phi công trẻ:
"Mình chắc chắc cũng sẽ hành động như thế nếu không may lọt vào hoàn cảnh ấy mà thôi."
Anh tự nhủ trong khi đang bay là là ngang một bồn chứa nước, qua khỏi bồn nước anh hạ thấp phi cơ xuống chỉ còn 30 m và hướng thẳng về phía một chiếc thiết giáp hạm đang neo bên ngoài cảng – Đó là USS West Virginia! Thông thường thì phi công tự tay bấm nút thả ngư lôi, nhưng hôm nay, để không phạm một lỗi lầm nào thì chuyên viên thả bom sẽ thay phi công làm công việc ấy. Matsumura nói qua ống liên hợp:
"Chuẩn bị"
Xong anh ta ra lệnh:
"Bắn!"
Trái ngư lôi buông mình phóng xuống trong khi Matsumura kéo cần lái điều khiển phi cơ bay bốc lên. Anh hỏi lớn:
"Ngư lôi phóng thẳng vào mục tiêu chứ ?"
Anh hỏi câu này để chắc chắn rằng trái ngư lôi vừa phóng ra không đâm sâu và dính chặt dưới đáy biển như anh hằng lo nghĩ. Matsumura cho phi cơ bốc lên cao rồi quẹo về phía phải để có thể ngoái nhìn xuống kiểm chứng lại kết quả. Phía dưới, trên mặt nước biển đã loang loáng màu dầu, đám thủy thủ Hoa Kỳ từng nhóm, từng nhóm bám víu vào nhau bì bõm cố bơi vào bờ. Anh cho phi cơ nghiêng đi một tí thì nhìn thấy một cột nước trắng xóa bắn tung lên từ chiến hạm West Virginia.
Thiết giáp hạm West Virginia bị đánh trúng
Người Mỹ luôn cho rằng, độ sâu của vịnh biển chỉ 10 m không thể phóng ngư lôi được, cho nên họ chỉ đề phòng máy bay ném bom và tàu ngầm mà không thả lưới ngăn ngư lôi quanh các chiến hạm. Giờ đây, họ đã phải bất ngờ chứng kiến phát minh mới của người Nhật về cách dùng ngư lôi ở vùng biển nông: cho máy bay bay sát mặt biển với tốc độ chậm để phóng ra những quả ngư lôi chỉ lướt trên mặt nước với tốc độ cũng rất chậm, chỉ khoảng 30-40 hải lý/giờ.
Trung Úy Mori cứ đảo vòng quanh bầu trời Oahu để tìm một mục tiêu xứng đáng cho mình. Anh cho phi cơ bay là là sát mặt đất nhưng chỉ phát giác ra có mỗi một tuần dương hạm đang thẻ neo phía bên kia bờ Ford Island. Chán nản quá nên Mori mới nghiêng đầu quay trở lại hướng về phía chiếc thiết giáp hạm California, chiếc cuối cùng của dãy thiết giáp hạm đang thả neo trong quân cảng. Chợt ngay lúc ấy một con đê ngăn sóng biển hiện ra lù lù trước mắt ngăn cách anh với mục tiêu. Phi cơ của Mori chợt cất mũi lên rồi quanh vòng phía trên chiến hạm Utah. Từ trên nhìn xuống , một cảnh hoang tàn đổ nát hết sức thương tâm, USS Utal, một chiến hạm oai vũ hiên ngang từng tung hoành ngang dọc khắp các đại dương mà bây giờ hình thù lại trở nên dị dạng, trông giống như ai đã bẻ nó gập lại làm đôi. Xung quanh nó, thủy thủ còn sống sót níu kéo nhau kêu la ơi ới. Tiếng rên xiết kêu la hòa theo tiếng bom rền đạn réo, khói lửa mù trời, thật là một cảnh náo loạn chưa từng thấy nơi vùng hải đảo từng nổi danh là thiên đường nơi hạ giới này.
Thiết giáp hạm California bốc cháy
Mori hạ phi cơ xuống thấp chỉ còn 5 m và tiến thẳng đến chiếc thiết giáp hạm California từ một góc độ khác. Trái ngư lôi vừa được phóng ra khỏi bệ thì Mori tức thì điều khiển phi cơ bốc lên cao độ an toàn trong khi người xạ thủ cố gắng quay lại chụp hình lúc trái ngư lôi phát nổ. Mori cố cho phi cơ bay vòng theo phía trái nhưng khốn nỗi một cột khói đen khổng lồ bốc lên từ Ford Island khiến cho anh không nhìn thấy gì cả, nếu lao thẳng tới thì gặp phải phi đội từ 2 tàu sân bay Akagi và Kaga. Không còn chọn lựa nào khác, với nhiều năm kinh nghiệm của một sĩ quan phi công, Mori tỏ ra bình tĩnh điều khiển chiếc phi cơ phóng nhanh thẳng về phía trước ngược chiều với phi đội ngư lôi đang vùn vụt lao đến. Anh khéo léo luồn lách né tránh trong đường tơ kẽ tóc mới thoát ra được khoảng an toàn nhưng phi cơ của anh cũng bị chòng chành như mất sức điều khiển trong vùng không khí hỗn loạn ấy. Lúc đó đạn phòng không từ dưới đất bắn lên rất rát, phi cơ của anh là mục tiêu hứng từng loạt đạn. Viên xạ thủ bị một viên xuyên qua cánh tay và ghế ngồi của anh cũng bị rách nát, tuy nhiên họ vẫn còn may mắn vì không có một viên đạn nào bay trúng bình xăng.
Đoàn oanh tạc cơ xuất hiện khi toàn bộ quân cảng đã ngập tràn trong khói lửa. Họ quần thảo phía trên những chiến hạm khói lửa ngùn ngụt. Trong đợt oanh tạc này chiếc thiết giáp hạm Oklahoma lãnh trọn trái bom nặng 800 kg, bom rơi trúng ngay hầm đạn nên phát nổ dữ dội. Phi đội trưởng Heijiro Abe, người vừa đánh trúng mục tiêu chỉ kịp nhìn thấy một tia lửa phọt lên từ sàn tàu rồi muôn ngàn tiếng nổ chát chúa liên tiếp theo sau.
Cho đến khi tiếng nổ kinh hồn của trái bom đầu tiên rơi xuống phi trường Wheeler Field đánh thức Trung Úy Robert Overstreet, thuộc Tổ 696 Ban quân nhu Không quân, lúc này ông còn đang nằm ngủ trong một doanh trại dành cho sĩ quan độc thân. Nghe tiếng nổ long trời, ông ngồi dậy định thần một chút rồi tự nhủ có lẽ là do một cơn động đất ở gần đâu đây cũng nên. Cho đến khi nghe bên ngoài có tiếng la thất thanh: "Máy bay Nhật Bản đánh bom!". Rồi có ai đó lại nói: "Không, không phải đâu. Đấy chính là Hải quân họ đang tập trận đó thôi!". Vừa lúc đó thì cửa phòng cửa Overstreet chợt mở toang và một người bạn thò đầu vào, khuôn mặt của hắn trắng bệch vì sợ hãi miệng thì lấp bắp: "Tôi nghĩ là mình bị tụi Nhật nó tấn công!" Overstreet tung chăn bật dậy chạy ra cửa sổ để nhìn, trên bầu trời trong xanh của buổi bình minh xuất hiện vô số máy bay. Một phi cơ bay thật thấp đến độ anh có thể nhìn thấy cả phi công và xạ thủ. Nhìn vào thân phi cơ có vẽ hình mặt trời với những sợi lửa màu đỏ thì Overstreet không còn giữ được nét bình tĩnh nữa, anh mặc vội quần áo và lao nhanh ra ngoài doanh trại nhập vào nhóm phi công đang chạy ra phi đạo lên phi cơ nghênh địch.
Lính Mỹ hoàn toàn không được chuẩn bị một chút nào cho trận đánh. Các kho đạn còn đang bị khóa lại, máy bay đậu sát cánh lại với nhau ngoài bãi đậu để ngăn ngừa bọn phá hoại, các khẩu pháo không có người (không có khẩu pháo nào của hải quân và chỉ có một phần tư số súng máy hoạt động, và chỉ có ba trong tổng số 31 khẩu đội Lục quân đi vào hoạt động). Thiếu úy Joe Taussig đã đưa chiếc thiết giáp hạm khởi hành từ tình trạng lạnh máy trong quá trình cuộc tấn công. Một trong các tàu khu trục, chiếc USS Aylwin , di chuyển chỉ với bốn sĩ quan trên tàu, tất cả đều là Thiếu úy và không ai trong số họ có thâm niên phục vụ nhiều hơn một năm, nó hoạt động ngoài biển được bốn ngày trước khi sĩ quan chỉ huy của nó tìm cách lên được tàu. Thuyền trưởng Mervyn Bennion, người chỉ huy chiếc thiết giáp hạm USS West Virginia (Soái hạm của đô đốc Kimmel), đã lãnh đạo người của ông cho đến khi bị trúng phải mảnh bom từ một quả bom phát nổ trên chiếc thiết giáp hạm thả neo bên cạnh.  
Trung Úy Harry Brown dẫn đầu nhóm phi công, một tiếng nổ chát chúa, anh khựng lại và đưa mắt căm hờn nhìn những chiếc phi cơ đang đậu gần đó bốc cháy khỏi tỏa ra mù mịt. Brown lại hô lớn như ra lệnh:
"Chúng ta hãy đi qua bên Haleiwa!"
Haleiwa là một phi trường phụ, một bãi cỏ hướng về bờ biển phía Bắc,ở đó chỉ có vài chiếc chiến đấu cơ P-40 và P-36. Dứt lời Brown cùng đồng bọn nhảy lên chiếc xe Ford mui trần rồ ga vọt thẳng. Trung Úy George Welch và Kenneth Taylor trên một chiếc xe khác cũng bám sát theo sau.
Bom vẫn nổ rền trời, Overstreet cố chen lấn len qua đám hỗn độn để chạy tới khu vực đại bản doanh phi đoàn. Thiếu Tướng Howard C.Davidson, sĩ quan chỉ huy pháo đài chiến đấu và Đại Tá William Flood, chỉ huy trưởng căn cứ vẫn còn đứng ngay bên cửa trong bộ đồ ngủ. Họ ngước nhìn lên bầu trời với vẻ mặt kinh hoàng.
Cách 2 dặm về hướng Bắc, sân bay Ford Island. Khi trái bom đầu tiên rơi xuống, tiếng nổ long trời của nó không hề làm bận tâm cho những nhân viên đang có mặt ở đây, họ thờ ơ coi đó như một tai nạn như những tai nạn bom đạn hằng xảy ra. Cho đến khi nhà cửa, doanh trại rung chuyển và những loạt bom vang dội chấn động khắp nơi thì họ mới nhận ra và biết đây sự thật không phải là tai nạn. Chỉ vài phút sau toàn bộ căn cứ Hải quân ở Ford Island và Kaneohe, căn cứ Lục quân ở Wheeler, Bellows Field và Hickam cũng như căn cứ Thủy quân lục chiến ở Ewa đều bị tê liệt. Ngoài 30 chiến đấu cơ của phi đội trực thuộc Lục quân có thể cất cánh nghênh địch, còn lại không có một phi cơ nào của Hải quân cả.
Ba phút sau khi quả bom đầu tiên phát nổ, các nơi điện thoại báo cáo thẳng về tổng hành dinh của Đô Đốc Kimmel. Phó Đô Đốc Patrick Bellinger lên tiếng kêu gọi từ phi trường Ford Island:
"Trân Châu Cảng bị không tập bất ngờ!"
Đến lúc 8 giờ, tin tức về cuộc tấn công Trân Châu Cảng mới được Kimmel báo về Washington DC và các hạm tàu trên biển.
Ngoài kia bình minh đang lên, ánh dương trải rộng như một tấm thảm màu hồng in trên mặt biển lung linh. Trước một quang cảnh thiên nhiên diễm lệ như thế nhưng cư dân trên hải đảo không có ai nán lại để thưởng thức, họ cuống cuồng vì tiếng gào thét của phi cơ và âm thanh khủng khiếp của từng loạt bom như những cơn địa chấn liên miên bất tận. Những con chim hải âu vốn sống cả đời trong cảnh thanh bình êm ả, bất giác sáng nay cũng phải giật mình đập cánh bay xa cố trốn chạy những con chim sắt từ đâu bay tới mang theo những tiếng nổ kinh thiên động địa và khói lửa ngất trời.
Trên nhiều chiến hạm, người ta buộc phải phá cửa các hầm chứa vũ khí đạn dược vì không có thời gian để tìm chìa khóa. Những đám khói đen, trắng của đạn phòng không nổ tung trên nền trời xanh mỗi lúc một thêm dày đặc, gây khó khăn cho các phi công Nhật Bản. Hỏa lực phòng không tuy rất mạnh nhưng lại thiếu tổ chức, nên kết quả bị hạn chế. Trong lúc hoảng loạn cực độ, lính Mỹ đã lắp cả đạn huấn luyện vào pháo phòng không để vạch lên trời những đường đạn vô ích.
Cách chỗ neo những chiến hạm không xa lắm, trên một chiếc tàu chở dầu mang tên Ramapo. Khi chợt trông thấy vô số máy bay xuất hiện trên bầu trời, theo sau đó là tiếng bom nổ, Yeoman và Graff là hai thủy thủ trên tàu không biết nên xử trí thế nào nên cứ đứng trơ ra phỗng đá mà nhìn. Bỗng họ chợt té ngồi xuống sàn tàu bởi sức gió của một chiếc phi cơ vừa nhào xuống bay ngang quá gần chỗ họ đứng rồi đâm sầm vào chiếc Thiết giáp hạm California, chiếc đầu tiên trong 7 chiếc thiết giáp hạm đang thả neo cùng một dãy gần đó. một loạt bom và ngư lôi nữa đánh trúng chiếc USS California khiến nó bốc cháy dữ dội và chìm tại chỗ chỉ còn nhô mấy cột buồm lên khỏi mặt nước.
Rồi họ chợt trông thấy hai chiếc phi cơ phóng ngư lôi xuất hiện ngay trên đầu họ đang lao thẳng về phía Ford Island, nơi có hai chiếc thiết giáp hạm Marryland và Oklahoma đang thả neo. Ngư lôi không tài nào đánh trúng được Maryland vì nó neo ở phía trong, nhưng phía ngoài nó là chiếc Oklahoma thì chỉ trong một phút đã hứng chịu tất cả 4 trái ngư lôi. Chỉ sau một loạt tiếng nổ, chiếc thiết giáp hạm khổng lồ nghiêng hẳn về một bên. Chỉ huy trưởng Kenworthy, một sĩ quan kỳ cựu trên tàu ra lệnh tất cả phải tức tốc thoát hiểm bằng cách nhảy xuống biển. Chỉ trong chốc lát nó nghiêng đổ về một bên lộ cả chân vịt lên khỏi mặt nước. Phía dưới ấy có khoảng hơn 400 thủy thủ còn kẹt lại và bị chôn sống dưới tay thủy thần.
Thiết giáp hạm Oklahoma bị lật nghiêng
Trong dãy 7 chiến hạm đang neo bên trong quân cảng, cũng như Maryland và Tennessee, West Virginia cũng neo ở ngay giữa hàng nên ngư lôi không thể nào đánh vào được. Trên tháp chỉ huy của chiếc thiết giáp hạm West Virginia, xác của vị thuyền trưởng Mervyn Bennion bị bẻ quặt làm đôi, cặp mắt trợn trừng tức tưởi. Có lẽ ông ra đi không đành lòng vì chưa kịp nhận ra một mảnh bom oan nghiệt từ đâu bay đến xé toạc cả phần bụng dưới kết liễu đời mình.
Cùng thả neo song song với chiếc West Virginia là hai chiếc tuần dương hạm Arizona và Vestal (Vestal đang trong tình trạng tu bổ). Khi máy bay phóng ngư lôi vừa đánh trượt chiếc Arizona thì chỉ ba phút sau đội oanh tạc cơ đã đến, có tới 5 quả bom hạng nặng đánh trúng vào Arizona cùng một lúc. Một trái rơi xuyên qua boong tàu chui vào tận hầm chứa dầu rồi mới phát nổ. Sau một tiếng nổ dữ dội, lửa khói tràn lan. Khoảng 2000 kg thuốc nổ đang chứa trong một hầm cách ly gần đó bị lửa cháy tới nên phát nổ dữ dội, từ xa trông vào Arizona thật không khác gì một Hỏa Diệm Sơn đang hoạt động. Chỉ trong khoảnh khắc sau đó, chiếc tuần dương hạm khổng lồ bỗng dưng như nảy ngược lên một cái rồi gãy ra làm đôi. 36.000 tấn sắt thép nặng nề như một quả núi đỏ lửa chìm sâu vào lòng quân cảng, để lại một vùng mênh mông đầy bọt nước lẫn khói đen sôi trào sùn sục. Một cảnh tượng khủng khiếp chỉ xảy ra không đầy 10 phút, chẳng ai dám nghĩ dù chỉ 1 trong số 1.500 thủy thủ hiện có mặt trên chiến hạm xấu số ấy có thể thoát nạn được. Bên cạnh Arizona, chiếc Nevada cũng không được may mắn hơn khi bị trúng phải một trái ngư lôi nằm chúi mũi và một quả bom hạng nặng đánh trúng tháp chỉ huy.
Tuần dương hạm Arizona nổ tung
Quang cảnh hỗn độn chưa từng thấy, dọc theo chỗ những chiến hạm bỏ neo, giữa tiếng nổ vang trời và lửa khói mù mịt, người ta kêu nhau ơi ới. Thủy thủ trên tàu tranh nhau thoát nạn bằng cách nhảy xuống biển, cố bơi vì chỉ một khoảng cách ngắn là vào được Ford Island. Nhưng với cách thoát thân duy nhất ấy cũng khó mà vượt qua được bởi lẽ lềnh bềnh trên mặt nước là lớp dầu loang dày đặc, có nhiều nơi lớp dầu ấy dày đến cả gang tay. Đó mới là mối họa cho những thủy thủ còn sống sót sau trận bom vừa rồi, lửa gặp dầu bắt cháy khủng khiếp và lan nhanh như gió đốt cháy đa số những người đang cố bơi vào bờ.
Duy nhất chỉ có mỗi một chiếc hạm trong tất cả chiến hạm đang bỏ neo tại quân cảng chạy thoát ra được, đó là chiếc khu trục hạm Helm. Nó đang cố gắng xả hết tốc lực 27 hải lý một giờ hướng ra cửa quân cảng mong thoát ra vùng an toàn. Chính ở cửa miệng quân cảng vốn có gắn một hệ thống lưới chống ngư lôi, tấm lưới này đã mở sẵn từ sáng sớm cho hạm đội Condor rời cảng nhưng không biết vì lý do nào đó mà họ không đóng lại (sau này cũng chẳng có ai cho biết rõ nguyên nhân). Cũng nhờ thế mà chiếc tàu ngầm bỏ túi của Nhật mới có thể lẻn vào bên trong quân cảng. Đó là chiếc tàu ngầm bị Hải quân Mỹ phát giác và bắn vào kính tiềm vọng lúc rạng sáng. Sau khi bị tấn công, nó lặn xuống nằm im nhưng một hồi lâu không thấy động tĩnh gì, nghĩ rằng âm mưu của mình chưa bại lộ nên khi tấm lưới trước cửa cảng vừa mở ra thì nó đã lẻn vào nằm im, chờ thời cơ nhào lên tấn công.
Khi nhìn đồng hồ, thấy đã quá thời điểm tấn công của phi cơ nên Sakamaki, chỉ huy trưởng tàm ngầm quyết định điều khiển cho nó trồi lên khỏi mặt nước. Trước mắt anh là một biển lửa đỏ rực cùng những cột khói đen cao tận trời. Sakamaki mừng rỡ nói với viên sĩ quan phụ tá:
"Quân ta đã tấn công. Nhìn kìa, thật tuyệt vời làm sao, hạm đội địch đua nhau bốc cháy ! Tụi mình cũng phải cố gắng làm sao cho xứng đáng như bọn họ chứ. Phải không ?" 
Lúc 8:15, Sakamaki mừng rỡ khi trông thấy khu trục hạm Helm chạy ra hướng cửa cảng. Suy nghĩ một chốc rồi quyết định không đếm xỉa gì tới Helm nữa, hai trái ngư lôi của mình để dành vào những mục tiêu quan trọng hơn, xứng đáng hơn. Nghĩ vậy nên Sakamaki cho tàu lặn sâu xuống nước nằm chờ, nhưng khi vừa lặn xuống chưa được bao lâu thì đáy tàu ngầm đụng phải lớp đá ngầm. Anh điều khiển cho nó lui lại và thử lần nữa. Lần này chiếc tàu ngầm bị va vào lớp san hô quá dày nên phần cuối của nó bị đẩy ngược lên khiến cho kính tiềm vọng nhô cao lên khỏi mặt nước. Bỗng một tiếng nổ dữ dội vang lên ngay trên đỉnh đầu khiến cho toàn thân tàu ngầm bị chấn động mạnh, đầu của Sakamaki đụng phải một vật cứng, bất tỉnh ngay tại chỗ. Mấy phút sau Sakamaki mới bừng mắt tỉnh dậy thì thấy chung quanh buồng lái tí hon của mình đã chìm trong một màn khói trắng cay sè, khiến cho đôi mắt anh trĩu xuống, miệng khô môi đắng và đầu óc choáng váng khó chịu vô cùng. Tuy vậy nhưng Sakamaki vẫn cố tập trung hết tinh thần vào sự điều khiển chiếc tàu ngầm, chỉ mong cho nó thoát ra khỏi vùng san hô quái ác này.
Trong khi ấy thì khu trục Hạm Helm tiếp tục dùng đủ hỏa lực bắn xối xả vào tàu ngầm cho đến khi nó trượt ra được khỏi vùng san hô và lặn mất.
Một chiếc tiêm kích Zero nằm lại Trân Châu Cảng
Bên trong quân cảng, một tàu ngầm bỏ túi khác cũng vừa nhô lên khỏi mặt nước, ngay phía Tây Ford Island. Lúc này đồng hồ đã điểm 8:30 sáng, khi quân đội Hoa Kỳ đã hoàn hồn và chấn chỉnh lực lượng để phản công. Khi chiếc tàu ngầm vừa nhô lên thì bị Hải quân Hoa kỳ phát giác ngay và lập tức bao nhiêu hỏa lực gần đó đều đổ dồn về nó. Hai trái ngư lôi từ chiếc tàu ngầm bắn vào hai mục tiêu khác nhau nhưng không gây thiệt hại nào đáng kể. Chiếc khu trục hạm Monaghan chạy lao tới tông thẳng vào tàu ngầm, một thoáng sau không ai nhìn thấy tâm dạng của nó ở đâu cả. Có lẽ nó đã phóng ra hết hai trái ngư lôi, nhiệm vụ đã hoàn thành mặc dù chẳng đánh đắm được một chiến hạm nào nhưng kẻ thù đang lao tới tấn công nếu không lặn trốn ngay thì còn chần chừ gì nữa.
Phi đội chiến đấu Zero của Shiga đang đảo vòng trên cao độ 2.400 m trên bầu trời Hickam chờ phi cơ địch xuất hiện thì nhào xuống tấn công. Nhưng đợi mãi mà chẳng thấy một phi cơ chiến đấu nào cất cánh nghênh địch cả. Ngước nhìn về phía Đông, Shiga trông thấy một chiếc máy bay thân màu vàng đang bay vào từ bờ biển. Shiga không để ý gì đến nó nữa, nhưng không bao lâu sau đó Shiga phát giác ra 6 chiếc máy bay khổng lồ 4 động cơ đang tiến tới hình như muốn đáp xuống phi trường Hickam. 
Đây là nhóm đầu tiên trong 12 chiếc pháo đài bay B-17 đến từ bang California. Nhìn thấy phi đoàn chiến đấu cơ Zero đang vần vũ trên cao độ của bầu trời Hickam, Thiếu tá phi đội trưởng phi đội pháo đài bay Truman Landon lại nghĩ Không Lực đang cất cánh biểu diễn chào đón phi đội của mình nên chuyển hướng lại gần, đến một khoảng cách mà ông có thể nhìn thấy rõ lá cờ mặt trời và họng súng máy đen ngòm đang bắn xối xả vào máy bay mình thì bật dậy phát lệnh cho cả phi đội:
"Chúng ta lầm rồi, họ là máy bay của không quân Nhật Bản".
Phi đội của Landon vội nhanh chóng tản ra, một chiếc hướng về phía Bắc để đến Bellows Field, 3 chiếc còn lại đáp vội vàng xuống phi trường Hickam. Tất cả 4 chiếc trong phi đội đều hạ cánh an toàn nhưng 1 chiếc bị bắn gãy đôi bởi chính những cánh quân đồng đội đang chống trả dưới đất.
Tốp 6 chiếc pháo đài bay thứ hai do đại úy Richard Cannichael chỉ huy cũng dự định đáp xuống Hickam nhưng tình hình nguy hiểm ở đây đã làm chúng phải phân tán đi nhiều hướng. Hai chiếc đến Wheeler nhưng bị bắn mạnh lại phải vòng về Haleiwa và hạ cánh một cách khó khăn trên đường băng quá ngắn của sân bay này. Một chiếc bay lên tận mỏm cực bắc của đảo để đáp xuống một bãi đất hoang gần biển. Ba chiếc còn lại liều mạng hạ cánh tại Hickam giữa làn đạn phòng không bắn xối xả. Trên thân các pháo đài bay, ngoài phù hiệu không quân còn có hàng chữ "U.S ARMY" viết rất lớn. Nhưng trong cơn hoảng loạn, các xạ thủ phòng không Mỹ hoặc đã không nhận thấy hoặc cho rằng quân Nhật đã sơn lên thân máy bay chữ ấy để đánh lừa họ. Nhờ có vỏ thép dày và cấu tạo đặc biệt, các pháo đài bay B-17 không bị đạn súng máy và đạn phòng không hủy diệt. Tất cả đã hạ cánh an toàn với một số tổn thương.
 Bấy giờ Shiga mới phát lệnh cho phi đội của mình tiếp tục bắn phá phi trường Hickam, họ lao xuống thi nhau nã đạn vào những chiếc phi cơ đang đậu thành hàng nơi phi đạo. Bắn phá một chập họ mới bay là là ra hướng biển cốt để tránh đạn phòng không của địch nếu có và từ đó lại lao vào bắn phá tiếp. Shiga ngạc nhiên không ít khi phát giác ra cho đến lúc này, nghĩa là nửa tiếng đồng hồ sau khi cuộc tấn công bắt đầu, đã không có một khẩu súng phòng không nào từ dưới đất bắn lên cả và toàn thể phi đội của mình nãy giờ vẫn bình an làm mưa làm gió như chỗ không người. Sau khi bắn phá đến ba lượt, bom đạn đã cày nát phi trường Hickam, Shiga mới quyết định chuyển hướng sang phi trường Ford Island, nhưng bầu trời ở đây đang bị những cụm khói đen che khuất, Shiga vội hướng dẫn phi đội của mình sang phía doanh trại thủy quân lục chiến gần Barbers Point, phía Tây Nam. Bất cứ nơi nào phi đội Zero chiếu cố đi qua thì chỉ một khoảnh khắc sau sẽ trở thành bình địa. Họ chỉ chịu rời khỏi khi nào phía dưới chẳng còn mục tiêu nào đủ hấp dẫn để thanh toán nữa.
Phi đội phóng ngư lôi bấy giờ đã không còn gầm rú trên bầu trời Trân Châu Cảng, các mục tiêu chính đã bị triệt hạ nên phải chia nhau bay về các ngả khác nhau để tìm mục tiêu mới, nếu thấy có gì hấp dẫn thì nhào xuống đánh tiếp. Trung Úy Mori sau khi đánh chìm chiếc California, khi vừa lấy lại cao độ thì anh ta đã nằm trên bầu trời thành phố Honolulu, thủ phủ của cả Hawaii. Anh biết đây là khu dân cư thuộc khu vực cấm oanh kích nên đánh vòng lại khu vực quân cảng. Vừa lúc ấy thì tiếng nói của xạ thủ vang lên trong ống liên hợp:
"Mori-san, một chiếc phi cơ lạ xuất hiện phía sau chúng ta." 
Mori quay lại nhìn thì thấy một chiếc máy bay nhỏ bé với hai tầng cánh màu vàng thì anh ta ra lệnh cho viên xạ thủ:
"Cứ bắn dọa, đuổi cho nó bay đi nơi khác đi!"
Về phần Trung Úy Matsumura, sau khi đánh trúng tuần dương hạm West Virginia, anh cho máy bay vòng lại hướng Nam, vừa lúc trông thấy khu trục hạm Helm của Hải quân Hoa Kỳ đang tấn công vào chiếc tàu ngầm của người đồng đội Sakamaki. Định bụng sẽ nhào xuống thanh toán chiếc khu trục hạm địch nhưng kịp nhớ ra số ngư lôi trên phi cơ mình đã phóng hết nên đành phải ngậm ngùi bay quanh mà nhìn.
Chiếc máy bay của Trung Tá phi đoàn trưởng Fuchida vẫn đảo quanh trên bầu trời Trân Châu Cảng. Từ trên cao nhìn xuống trận địa, trong đầu ông đang tính nhẩm một bài toán về sự thiệt hại mà phi đoàn của mình đã gieo cho địch quân trong khoảng thời gian chỉ hơn ba mươi phút. Toàn bộ chiến hạm đang thả neo trong quân cảng đã bị hủy diệt, ngoài những chiếc đã chìm, phần còn lại trên mặt nước cũng bốc cháy khủng khiếp.
Đúng 8:55, 45 phút kể từ khi xuất kích từ các tàu sân bay, phi đoàn xung kích đợt hai đang ồ ạt tiến tới Trân Châu Cảng: 80 máy bay đánh bom bổ nhào, 54 máy bay oanh tạc và 36 tiêm kích Zero. Phi đoàn 170 phi cơ dưới sự chỉ huy của Thiếu Tá Shigekazu Shimazaki vừa trông thấy pháo lệnh tấn công tức thì chia ra hai đội, cùng nghiêng cách lướt qua khỏi ngọn núi phía Đông Honolulu tiến thẳng vào Trân Châu Cảng, nơi những chiến hạm đang thả trôi và bốc cháy ngùn ngụt và một đội khác hướng đến xưởng đóng tàu số 1, nơi chiếc thiết giáp hạm cuối cùng là soái hạm USS Pennsyvania đang thả neo.
Một mục tiêu quan trọng là chiến hạm Nevada, nó đang di chuyển chậm chạp ngang qua Arizona, một tuần dương hạm đang tan nát. Tuy khi bị trúng một trái ngư lôi của đợt không tập vừa rồi nhưng chiếc Nevada vẫn còn  di chuyển được, nó cố gắng vượt ra khỏi biển lửa. Khi di chuyển ngang qua chiếc Oklahoma, những thủy thủ còn sống sót trên chiến hạm ấy vội chạy ra lan can vẫy tay kêu cứu. Cảnh tượng thê thảm ấy không tài nào lọt qua khỏi những đôi mắt cú vọ của những phi công Nhật đang bay vòng trên đầu và chăm chú nhìn họ, tức thì không đầy 3 phút, 6 trái bom đồng loạt đánh trúng vào một mục tiêu. Chiếc Nevada bị bốc cháy và trôi dạt sang bờ biển đối diện, cách xưởng sửa chữa và chiếc Pennsylvania không xa mấy. Nevada chìm dần, bít kín lối ra vào Trân Châu Cảng.
Thiết giáp hạm Nevada bốc cháy
Lúc ấy tình hình ở phi trường Wheeler cũng rối rắm không ít. Mọi người vẫn còn bàng hoàng chưa choàng tỉnh sau trận mưa bom thứ nhất thì đợt oanh kích thứ hai lại bắt đầu. Trung Úy Overstreet đang cãi vã với lão Thượng Sĩ ban quân nhu về việc yêu cầu ông cung cấp một số súng đạn cần thiết để chiến đấu. Ông Thượng sĩ đòi hỏi phải có giấy phép xuất kho và hóa đơn ký nhận v.v. Overstreet nổi đóa vừa xông vào kho súng vừa hét lớn:
"Ông đi chết đi, chiến tranh là gì ông có biết chưa?"
Sân bay Ford Island cũng cùng chung số phận, sau trận oanh kích đầu tiên tất cả máy bay đã bị bom đạn phá hoại hư hỏng hoàn toàn. 6 viên phi công chẳng biết làm gì hơn đành núp dưới tàn cây dùng súng trường nhắm vào phi cơ Nhật mà bắn.
Tuy máy bay và các căn cứ không quân của Mỹ đã bị tàn phá thê thảm đến nỗi không một máy bay nào cất cánh nghênh địch được. Tuy nhiên lực lượng phòng không của họ càng lúc càng trở nên mạnh mẽ nhất là từ lúc 9 giờ sáng trở về sau, khi mà họ đã qua cơn bàng hoàng và đã lấy lại tư thế chiến đấu. Khi Trung Tá Shimazaki và phi đội 170 máy bay của ông tiến vào Trân Châu Cảng mở đợt tấn công thứ hai thì gặp sức kháng cự của quân trú phòng Mỹ. Phi đội này tuy không có mang ngư lôi nhưng những quả bom nặng ký ấy được những phi công thượng thặng dày dạn kinh nghiệm chiến đấu và đã được trải qua một lớp huấn luyện đặc biệt để có thể tiêu diệt các tàu sân bay của Mỹ chỉ trong một trận tấn công thì sự đánh phá của họ không có thể đo lường được.
Không tìm thấy tàu sân bay nào hiện diện trong quân cảng thì họ quay ra đi tìm những chiến hạm còn đang ngất ngư sau đợt không kích đầu tiên mà dội bom tiếp. Trung Tá Egusa hướng dẫn các phi công của mình bay về phía núi như để lấy đà rồi quay vọt trở lại, một đội hình dày đặc với hỏa lực khủng khiếp. Những chiến hạm bị thiệt hại nhẹ vẫn còn có thể đối địch, những họng súng phòng không của họ hoạt động dữ dội gây khó khăn nguy hiểm không ít cho đợt tấn công lần này. Nhưng những ụ súng phòng không ấy lại là mục tiêu cho máy bay Zero oanh tạc không ngừng. Súng từ phía dưới bắn lên, bom từ trên dội xuống những tiếng nổ liên tục nối tiếp nhau, khói lửa mù trời, tiếng kêu la dậy đất.
Trong lúc phi đội của Egusa quần thảo với phòng không để phá hủy những chiến hạm còn sống sót thì phần còn lại các oanh tạc cơ của Shimazaki tập trung tại hai phi trường Hickam và Ford Island cùng căn cứ không quân Kaneohe. Không một phi cơ nào của đợt này bị phòng không bắn hạ mặc dù không ít trong số bị trúng đạn. Và đội chiến đấu Zero cũng không có một phi cơ địch nào lên nghênh chiến vì sau đợt tấn công thứ nhất của phi đội Fuchida, tất cả phi cơ của Hoa Kỳ coi như đã bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Phi công Zero Fujita bay lên cao 5.400 m cùng với Iida, sĩ quan chỉ huy toán phi cơ Zero, để quan sát và tìm phi cơ Mỹ. Hai người bay lượn quanh đảo hai lần nhưng không thấy một máy bay địch nào nghênh chiến nhưng hỏa lực phòng không của Mỹ quả thực ác liệt, và hai người có cảm tưởng đang bay trong giữa một bầu trời bắn pháo hoa vậy. Iida là một trung úy 27 tuổi và là một phi công cừ khôi đã chiến đấu hai năm tại Trung Quốc. Trong trận Trân Châu Cảng, Iida hướng dẫn các phi công Nhật thiếu kinh nghiệm trong đợt tấn công đợt hai. Bất kể đạn súng máy bắn lên, Iida lao xuống các nhà chứa máy bay và bắn phá đốt cháy các máy bay.
Khi đợt tấn công chấm dứt, Iida bay lượn quanh sân bay Kaneohe để kiểm soát xem các tất cả máy bay có trở về thành đội hình không thì một viên đạn từ bên dưới bắn trúng máy bay của Iida. Dầu chảy ra và khói bốc lên từ máy bay. Iida bay sát vào máy bay của Fujita và lấy tay bụm miệng ra dấu cho biết bị ngạt khói. Rồi Iida nghiêng cánh và lấy tay chỉ xuống dưới đất. Sau đó Iida bổ nhào máy bay xuống đất. Fujita trông thấy tình trạng tuyệt vọng của Iida mà cảm thương không làm gì được.
Thiết giáp hạm Pennsylvania, soái hạm của hạm đội, với hai khu trục hạm đứng sát hai bên cùng đậu ở ụ tàu. Nước trong ụ tàu đã được hút ra, các chiến hạm được hạ xuống và nhũng tấm chắn cao của ụ tàu khô đã che chở cho các chiến hạm bên trong thoát khỏi đòn giáng của ngư lôi Nhật. Nhưng những tấm chắn đó lại cản trở tầm nhìn của các xạ thủ phòng không trên tàu, khiến họ không thể thấy máy bay địch từ xa và luôn bị tấn công bất ngờ. Nhận ra điều đó, một công nhân lái chiếc cần cẩu chạy trên đường ray dọc theo tấm chắn ụ tàu tên là George Walters đã quyết định đóng góp phần mình vào việc bảo vệ các chiến hạm. Ngồi trên buồng lái cần cẩu ở độ cao 15m, Walters theo dõi các máy bay địch tiến đến ụ tàu và cho cần cẩu di động về hướng có máy bay. Các xạ thủ nhận ra ý nghĩa của hành động này đã hướng mũi súng theo chiếc cần cẩu để kịp thời bắn chặn máy bay địch, hạn chế độ chính xác của các trận mưa bom. Nhờ vậy, mặc dù cả hai khu trục hạm cùng chiếc cần cẩu có người công nhân anh hùng ấy bị bom phá hủy tan tành, thiết giáp hạm Pennsylvania chỉ bị thương không nặng lắm. Theo nhận định của Fuchida, các máy bay của đợt 2 đã lao vào tấn công những chiến hạm có hỏa lực phòng không mạnh nhất bởi vì những chiến hạm này đã bị tổn thất ít hơn trong đợt tấn công thứ nhất.
Thiết giáp hạm West Virginia  trúng phải 7 ngư lôi, quả thứ 7 xé rách bánh lái của nó. Trong giây lát, chiếc West Virginia bốc cháy và chìm xuống biển khi vẫn giữ thăng bằng. Thiết giáp hạm Maryland trúng phải hai quả đạn 40 cm cải biến nhưng chỉ bị hư hại nghiêm trọng.
Thiết giáp hạm Nevada và tàu khu trục Shaw bốc cháy
Mặc dù quân Nhật tập trung vào các tàu chiến lớn quan trọng nhất, họ cũng không bỏ qua các mục tiêu khác. Tàu tuần dương hạng nhẹ Helena bị trúng ngư lôi, và sự rung chuyển của vụ nổ đã làm lật úp chiếc tàu thả mìn Oglala nằm kế cận. Hai tàu khu trục đang nằm trong ụ tàu bị phá hủy khi bom xuyên trúng bồn chứa nhiên liệu của chúng. Nhiên liệu bị rò rỉ đã bắt lửa và nỗ lực dập lửa bằng cách làm ngập ụ tàu bằng nước biển đã khiến dầu đang bốc cháy dâng cao thiêu rụi  luôn con tàu. Tàu tuần dương hạng nhẹ Raleigh bị thủng một lỗ bởi ngư lôi. Tàu tuần dương hạng nhẹ Honolulu bị hư hại nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Tàu khu trục Cassin bị lật úp, còn tàu khu trục Downes bị hư hỏng nặng. Chiếc tàu sửa chữa Vestal neo đậu bên cạnh chiếc Arizona bị hư hỏng nặng và mắc cạn. Tàu khu trục Shaw bị hư hỏng đáng kể khi hai quả bom xuyên trúng hầm đạn phía trước.
Cuộc tập kích kết thúc
Đô Đốc Yamamoto cùng toàn bộ ban tham mưu hiện có mặt trên chiến hạm Nagato thả neo tại Hashirajima. Họ tuy không hẹn nhưng cùng thức dậy rất sớm, lúc 2:00 sáng ngày 8 tháng 12, tức một tiếng đồng hồ trước khi cuộc đột kích Trân Châu Cảng mở màn. Họ chẳng buồn nói chuyện với nhau, vẻ mặt ai nấy đều nghiêm trọng hướng đôi mắt về cây kim đồng hồ treo trên vách. Lòng nặng nề cứ nhích chầm chậm theo vòng quay của cây kim chỉ phút. Steward Omi mang trà và bánh ngọt ra cho mọi người dùng để giảm bớt sự căng thẳng tưởng chừng sắp vỡ tung ra. Bỗng dưng một giọng nói đầy vẻ xúc động vang lên trong ống dẫn âm:
"Cuộc không tập bất ngờ của chúng ta đã thành công ngoài mong đợi!" 
Đó là lời báo cáo của viên sĩ quan truyền tin trên phòng truyền tin vì ông vừa nhận được tín hiệu Tora tức "Mãnh hổ" của Trung Tá chỉ huy phi đoàn Fuchida gửi về từ Trân Châu Cảng.
Bản tin chiến thắng ấy đáp ứng được sự hồi hộp mong đợi của mọi người. Sau một giây im lặng căn phòng bỗng trở nên ồn ào náo nhiệt. Mọi người cùng đứng chồm lên ôm nhau mừng rỡ, họ như trút bỏ được một khối nặng nghìn cân, ai nấy hân hoan nói cười. Đô Đốc Yamamoto cúi đầu cố giấu sự vui mừng và tự hào đang dâng trào. Omi mang rượu Sake, mực khô ra ăn mừng chiến thắng. Ly cụng ly, chén cụng chén, ai nấy hả hê nên rượu càng vào càng thêm cao hứng. Yamamoto truyền lệnh cho đoàn xung kích nội nhật ngày nay phải rút lui khỏi Hawaii để hạm đội của ông có thể yểm trợ cho họ trong trường hợp bị Hải quân Hoa Kỳ đuổi theo tấn công.
Gần 10 giờ sáng, từ các chiến hạm của "Kido Butai", người ta đã thấy các chấm đen hiện ra ở chân trời. Chúng nhanh chóng lớn lên và chẳng bao lâu tiếng gầm rú đã tràn ngập không gian: lần lượt các máy bay phóng ngư lôi, các máy bay ném bom và sau cùng là các chiến đấu cơ của đợt tấn công thứ nhất đã quay trở về các tàu sân bay. Một giờ sau, đến lượt các máy bay của đợt hai hạ cánh. Các máy bay vừa mới trở về lập tức được sửa chữa, nạp nhiên liệu, lắp vũ khí để chờ lệnh xuất kích. Trung tá Genda lên gặp đô đốc Nagumo đề nghị cho hạm đội lưu lại Hawaii thêm một số ngày nữa để tìm kiếm và tiêu diệt tàu sân bay Enterprise.
Khoảng gần giữa trưa, chiếc máy bay cuối cùng mang số hiệu AI-301 đáp vội vã xuống boong soái hạm Akagi, đó là máy bay của Fuchida. Đô đốc tư lệnh nói:
"Tôi nghĩ rằng anh có nhiều điều tốt đẹp để báo cáo với chúng tôi."
Fuchida báo cáo tường tận diễn biến và kết quả trận đánh, xong anh đề nghị tư lệnh cho xuất kích lần thứ ba để phá hủy các bồn chứa xăng dầu, các ụ tàu và công xưởng ở Trân Châu Cảng, sau đó quay về phía Nam tìm diệt các tàu sân bay Enterprise và Lexington. Nhưng đô đốc Nagumo đã tuyên bố một cách dứt khoát:
"Bây giờ chúng ta có thể kết thúc vì những kết quả dự đoán đã đạt được."
Mọi sự nài xin của Phó Đô đốc Tamon Yamaguchi, Matsui Fuchida cũng như của các sĩ quan khác đều vô hiệu. Phó đô đốc Kusaka nhắc lại lí lẽ của ông:
"Chiến dịch cần phải được tiến hành chớp nhoáng như một con quỷ bay qua và phải kết thúc như một cơn gió." 
Nagumo quyết định ngưng cuộc tấn công. Ðúng 1:30 chiều, cờ hiệu trên soái hạm Akagi ra lệnh cho các mẫu hạm quay về hướng Tây. Tất cả các mẫu hạm mở hết tốc lực rời xa khỏi chiến trường.
Khoảng 8 giờ sáng, Watanabe ghi nhận tổn thất của Hoa Kỳ trên một tờ giấy và trao cho tư lệnh đọc:
Thiết giáp hạm: 3 chiếc chìm, 4 chiếc bị hư hỏng.
Tuần dương hạm: 2 chiếc bị hư hỏng.
Khu trục hạm: 2 hoặc 3 chiếc bị hư hỏng.
Máy bay bị phá: hàng trăm chiếc.
Sau khi nghiên cứu một lát, Yamamoto ra lệnh:
"Quá tốt nếu là sự thật. Kiểm chứng lại. Chiều nay khi nào chắc chắn rồi mới trình Thiên hoàng."
Lúc đó, Yamamoto vẫn chưa biết rằng số liệu thực sự về tổn thất của Hoa Kỳ còn lớn hơn bán cáo ấy.
Thiết giáp hạm: 5 chiếc chìm (Oklahoma, Nevada, California, Arizona, West Virginia), 3 chiếc hư hỏng.
Tuần dương hạm: 3 chiếc hư hỏng.
Khu trục hạm: 3 chiếc bị trọng thương.
Tàu cứu hộ: 4 chiếc chìm hoặc bị thương.
Tổng cộng 18 hạm tàu bị loại khỏi vòng chiến, trong đó có toàn bộ số thiết giáp hạm đậu tại cảng. Số máy bay bị phá hủy là 188 chiếc và 128 chiếc bị thương.
Tổn thất ấy quả là một thảm họa đối với nước Mỹ. Để đạt được thành quả ấy, Nhật Bản chỉ phải chịu một sự hi sinh khiêm tốn: mất 29 máy bay và 5 tàu ngầm bỏ túi, 1 tàu ngầm lớn với 45 phi công và lính không quân cùng 9 người lái tàu ngầm bị diệt. 1 viên thiếu úy lái tàu ngầm bị bắt. Riêng số người chết theo chiếc tàu ngầm lớn chưa rõ là bao nhiêu.  
90 phút kể từ khi bắt đầu, cuộc tấn công kết thúc 2.386 người Mỹ bị thiệt mạng (55 người là thường dân, đa số bị giết khi các quả đạn pháo phòng không của Mỹ không được kích nổ rơi xuống các khu vực dân cư) và thêm 1.139 người khác bị thương.
Trong số 402 máy bay Mỹ có mặt tại Hawaii, 188 chiếc bị phá hủy và 128 chiếc bị hư hỏng, 155 trong số đó đậu trên mặt đất. Hầu như không có chiếc nào thực sự sẵn sàng để cất cánh nhằm bảo vệ căn cứ. Trong số 33 chiếc thủy phi cơ PBY ở Hawaii, 24 chiếc bị phá hủy và 6 chiếc khác bị hư hỏng nặng đến mức không thể sửa chữa, ba chiếc khác đang phiên đi tuần tra khi cuộc tấn công xảy ra đã quay trở về an toàn. Pháo phòng không cũng đã bắn nhầm một số máy bay Mỹ, kể cả 5 chiếc xuất phát từ tàu sân bay Enterprise  trên đường quay về. Cuộc tấn công của Nhật vào các trại lính cũng đã gây thêm một số thương vong.
Dân cư thành phố Honolulu nhìn chung họ còn lạc quan hơn cả quân đội đồn trú tại đây, tất cả đều không tin chiến tranh có thể vươn dài ra tận miền hải đảo xa xôi này được. Họ rất bình tĩnh và dường như còn không đếm xỉa đến những tiếng ngư lôi, tiếng bom dội đất, vì họ cho rằng đó chẳng qua là những hạm đội của Hải quân tập trận và bắn vào những bia đá như bức tường thành ở Fort De Russy gần bãi biển Waikiki. Edgar Rice Burroughs, tác giả của tập truyện Tarzan vẫn ung dung ngồi thưởng thức buổi điểm tâm cùng đứa con tại khách sạn Niumalu. Sau đó họ lại thong thả ra sân chơi đánh quần vợt với nhau, trông họ rất nhàn nhã vô tư chưa hề biết chiến tranh chết chóc đã xảy ra chỉ cách họ vài kilomet.
Trong một khu chung cư sang trọng tại bãi biển Waikiki, Trumbull, chủ nhân của một tờ nhật báo tại Honolulu đang ngủ bỗng bị đánh thức bởi tiếng điện thoại reo vang. Cô vợ của ông ta, Jean vội chụp lấy điện thoại. Đầu dây bên kia, một người bạn điện thoại đến cho biết từ trên đỉnh ngọn đồi trông xuống, dường như Trân Châu Cảng bị đánh bom "thật sự" và hỏi Trumbull, người đang điều hành một tờ nhật báo có biết gì về nội tình của diễn biến này không.
Trumbull còn đang ngái ngủ, nghe vợ lay dậy hỏi thì bực mình đáp cộc lốc:
"Có cái gì mà ầm lên vậy? Mấy lão ấy chỉ tập dượt thôi chứ có sao đâu mà thắc mắc!" 
Vừa cúp điện thoại xong thì Ray Coll, một biên tập viên của Trumbull gọi đến bảo tới tòa soạn gấp vì có tin Trân Châu Cảng vừa bị không tập. Lòng đầy hoài nghi nên Trumbull vội liên lạc ngay với một phóng viên giỏi nhất trong làng bảo để hỏi rõ. Chẳng những ông ta không hỏi được gì mà ngược lại còn bị đầu dây bên kia vặn lại là Trumbull đang tỉnh hay say!

Khoảng 9:45 sáng thì những cụm khói đen đặc trên bầu trời quân cảng tan biến dần để nhường lại cho những sợi nắng mai đan thành tấm thảm hồng phủ lên một bãi chiến trường còn khét mùi bom đạn. Ba chiếc Arizona, Oklahoma và California bị đánh chìm tại chỗ. West Virginia thì ngọn lửa vẫn còn hừng hực cháy đỏ và đang chìm dần. Nevada hứng trọn 5 quả bom trong vòng 3 phút toàn thân của nó bị đổ nghiêng một nửa nằm kẹt trên bãi cạn. Ba chiếc khác: Maryland, Tennessee và Pennsylvania đều bị hư hại nặng.
Trên đảo Honolulu, lúc điệp viên Takeo Yoshikawa ngồi ăn điểm tâm thì nghe tiếng bom nổ vang dội. Trong nhà đồ vật rung chuyển, vài bức tranh treo tường đổ rơi loảng xoảng. Anh liền bỏ dở bữa ăn chạy ra sân sau nhìn lên bầu trời thì trông thấy vô số máy bay mang cờ hiệu Nhật Bản. Yoshikawa mừng rỡ nhủ thầm "Họ thành công rồi!" Yoshikawa vỗ tay tán thưởng một mình rồi theo cửa sau, chạy thật nhanh đến văn phòng của lãnh sự Kita.
Vừa đến nơi, chân chưa bước vào cửa nhưng Takeo Yoshikawa đã cất tiếng gọi lớn:
"Kita-san! Họ tấn công rồi, họ tấn công rồi!" 
Kita bước ra cười nói:
"Tôi cũng vừa nghe mật hiệu "Gió Đông và có mưa" phát ra trên làn sóng ngắn, có nghĩa là cắt đứt tình hữu nghị Mỹ-Nhật." 
Yoshikawa hỏi lại:
"Không lầm chứ thưa ngài?" 
Kita chỉ gật gật cái đầu chứ không đáp. Họ lại im lặng ngước nhìn về phía quân cảng, từng cụm khói đen cuồn cuộn bốc lên lẫn vào nắng mai vàng ánh, khiến cho toàn cảnh bỗng chốc chìm vào một màu thê lương ghê rợn. Cả hai người mừng rơi nước mắt siết chặt tay nhau thật lâu, cuối cùng rồi Kita cũng nghẹn ngào thốt lên trong cảm động:
"Ít ra thì họ cũng phải làm được như vậy chứ."
Giờ thì trên đảo Oahu, người dân Honolulu không ai còn đủ lạc quan để nghĩ rằng chốn bồng lai tiên cảnh này chẳng hề có chiến tranh xảy đến. 55 thường dân vô tội thiệt mạng chủ yếu bởi hỏa lực của quân đội nước mình rơi xuống trong cơn hoảng loạn. Một trái bom của Nhật Bản đi lạc đánh trúng vào thành phố nhưng chẳng làm ai bị thương. 49 quả pháo của quân đội Mỹ phát nổ nguyên nhân bởi thuốc nổ không được bảo quản đúng cách.
Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Frank Knox hiện có mặt trong văn phòng của Bộ Hải quân Hoa Kỳ trên con đường Constitution Avenue. Lúc này đã gần giờ nghỉ trưa nên ông thấy đói bụng định gọi một thứ gì đó để dùng buổi trưa, bỗng cánh cửa phòng xịch mở, Đô Đốc Stark chạy ùa vào với bức điện báo của Kimmel, chỉ huy trưởng Hải quân ở Hawaii. Knox nhìn thấy bức điện báo sững sờ giây lát rồi cất tiếng kêu trời mà rằng:
"Có lẽ nào lại như vậy ! Tôi cứ đinh ninh rằng họ sẽ tấn công Philippines đấy chứ !" 
Stark nhắc lại cho ông nghe một lần nữa là Trân Châu Cảng vừa bị Nhật oanh kích, việc ấy dù không tin nhưng nó đã xảy ra rồi, Knox cầm lấy điện thoại báo cáo thẳng với Nhà Trắng. Lúc ấy là 1:47 chiều giờ Washington DC, Tổng Thống Franklin Roosevelt đang dùng bữa trưa với cố vấn Harry Hopkins tại bàn làm việc trong phòng bầu dục.
 Hopkins vội lên tiếng trấn an tổng thống:
"Coi chừng nhầm lẫn. Tôi chắc chắn Nhật Bản không bao giờ tấn công Trân Châu Cảng." 
Nhưng Roosevelt thì nghĩ có lẽ bản báo cáo này là sự thật nên ông khoát tay và nói:
"Đó cũng chỉ là một việc mà Nhật có thể làm trong khi mình không tài nào ngờ đến." 
Rồi ông lại đề cập đến những điểm mà mình đã nổ lực cố gắng đạt cho bằng được để tạo một nền hòa bình chung cho hai quốc gia. Cuối cùng thì ông lại thở dài mà nói với giọng trầm buồn:
"Nếu bản báo cáo này là sự thật thì mọi chuyện đã vượt ra khỏi tầm tay của tôi rồi."
Roosevelt điện thoại đến cho Ngoại trưởng Hull lúc 2:05 chiều. Với giọng điềm tĩnh, ông sơ lược bản tin xấu vừa nhận được cho Hull nghe. Hull bảo với ông rằng hiện Đại sứ Nomura cùng với Kurusu cũng vừa đến và đang ngồi chờ ngoài phòng khách của bộ ngoại giao. Roosevelt bảo Hull nên đón tiếp họ và đừng đề cập gì đến Trân Châu Cảng. Ông còn dặn thêm rằng cứ tự nhiên lấy nghi thức ngoại giao mà tiếp đón họ như bình thường và coi như chẳng có gì xảy ra cả. Xong ông quay ra điện thoại cho Bộ trưởng Quốc phòng Henry Stimson, lúc ấy ông ta đang về nhà dùng bữa trưa, để hỏi nếu ông bộ trưởng quốc phòng đã hay biết chuyện gì đang xảy ra.
Stimson điềm tĩnh nói:
"Thưa Tổng Thống, tôi có nghe loáng thoáng rằng có một bức điện tín báo cáo về việc Nhật Bản đang chuyển quân đến vịnh Thái Lan".
Roosevelt nhấn mạnh:
"Không, ý của tôi không phải việc ấy đâu."
Và giọng của ông lại gằn mạnh từng tiếng như để ông bộ trưởng quốc phòng nghe cho thật rõ:
"Họ đang tấn công Hawaii. Không, tôi phải nói rõ hơn là hiện giờ họ đang tấn công Trân Châu Cảng!"
Stimson ngẩn người giây lâu rồi buột miệng nói một mình:
"Thật đúng là một bản tin sét đánh."
Sau một hồi lâu ngồi ngoài phòng đợi, cuối cùng rồi Nomura và Kurusu cũng được gọi vào văn phòng để gặp Hull, lúc ấy là 2:20 chiều.
Ngoại trưởng Hull tỏ vẻ lạnh lùng khi gặp họ, ông từ chối bắt tay và cũng chẳng mời hai người ngồi.
Nomura đưa ra bao thư, bên trong là 14 phần của bản giác thư, rồi nhìn Hull, ông trịnh trọng nói:
"Tôi được lệnh là trao tận tay Ngài bản giác thư này lúc 1 giờ chiều."
Hull nghiêm mặt trầm giọng hỏi:
"Tại sao lại là 1 giờ chiều?"
Nomura thành thật đáp:
"Tôi cũng không rõ lý do là vì sao thưa Ngài." 
Miệng thì trả lời như thế nhưng ông không dấu được vẻ bối rối hiện rõ trên khuôn mặt vì ông lầm tưởng có lẽ vì mình và Kurusu đến trễ nên Ngoại trưởng Hull lộ nét không vui.
Hull nói:
"Tôi phải nói rằng tất cả những cuộc đàm thoại giữa ông và tôi trong vòng 9 tháng trở lại đây, tôi dứt khoát không hề có một câu hoặc một chữ không thành thật. Điều này đã được xác nhận là tuyệt đối. Với năm mươi năm thời gian phục vụ công chúng, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một bản văn thư ngoại giao chứa đầy những sự dối trá, lừa lọc và bỉ ổi, một bản văn thư mà tôi không bao giờ tưởng tượng là trong bất cứ chính phủ nào trên hành tinh này có thể soạn ra được."
Nomura vừa mở miệng định nói lên điều gì đó nhưng Hull lại khoát tay chỉ ra cửa, trịch thượng mời hai người đi về. Nomura cảm thấy quá bối rối, ông miệng nói lời chào tạm biệt nhưng chân bước lại gần Hull chìa tay ra để bắt tay từ giã. Lần này thì Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng đưa tay ra bắt lại, nhưng khi hai người vừa bước ra khuất bóng sau cánh cửa thì ông đứng trợn mắt nhìn theo mà miệng chửi thầm:
"Đồ vô lại!"
 Tại tòa đại sứ Nhật Bản gần đó, Okumura cũng vừa tiết lộ bản tin:
"Máy bay của chúng ta đã đánh bom Trân Châu Cảng." 
Tùy viên quân sự Isoda nước mắt lưng tròng, bước tới bên cạnh Nomura buồn bã nói:
"Sự việc đáng tiếc này sẽ mang lại hậu quả "rất gay go" cho dù Ngài có cố gắng cách mấy cũng thế mà thôi." 
Nói đoạn anh ta quay ra nhìn vào khoảng trống không mà rằng:
"Nhưng, Trời hỡi! Đây có phải chăng là Thiên mệnh!" 
Bất giác Nomura nghe lòng cảm động cực độ, không ngờ giữa lúc chuyện rối bòng bong, một lời nói chân tình thốt lên từ một quân nhân cũng giúp cho mình tìm được một chút khuây khỏa.
Những người hâm mộ môn bóng bầu dục lắng nghe bài tường thuật tại chỗ của trận đấu Giants vs Dodgers qua làn sóng radio là những người Mỹ đầu tiên trong công chúng biết được bản tin chấn động này. Lúc 2:26 chiều, đài WOR cho gián đoạn bài tường thuật trận đấu để phát thanh một bản tin đặc biệt. Tất cả mọi người từ bần dân hạng thứ cho đến kẻ giàu sang tột đỉnh thảy đều tỏ ra căm hận hành động của Nhật Bản, họ dùng mọi ngôn ngữ bình dân thô tục để chửi mắng không tiếc lời. Thậm chí người ta cũng chẳng cần điều tra xem tay nào đã đốn bỏ cả hàng cây anh đào xum xuê cành lá trồng dọc theo bờ sông ở New York, bởi nó là món quà của chính phủ Nhật Bản đã tặng cho nước Mỹ từ nhiều năm trước đây, khi mối quan hệ giữa hai nước còn nồng ấm, và bây giờ lại trở thành cái đích cho họ trút bỏ cơn phẫn uất, cho dù chẳng gỡ gạc lại được tí nào đó sĩ diện của đàn anh da trắng thường tự hào là ta đây cái gì cũng nhất nhưng vừa bị bọn đàn em da vàng Á Đông "chơi cho một vố quá đau".
Viên quan Quản thủ Quốc ấn Koichi Kido, người luôn đứng về phía phản đối chiến tranh đang lái xe trên đường từ nhà đến Hoàng Cung. Ông vẫn còn bàng hoàng với bản tin Trân Châu Cảng, ánh nắng hồng của buổi ban mai chiếu xiên vào kính xe khiến cho ông cảm thấy đôi mắt chói lòa. Khi xe dừng lại đợi đèn bên ngã tư đường, Kido mở to mắt nhìn ánh thái dương mà lòng thầm cầu nguyện. Ông tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến đấng thiêng liêng, đã phò trì cho bước liều mạng đầu tiên của Nhật Bản đã đạt được thắng lợi. Là một người Nhật ái quốc, Kido cũng kỳ vọng cho một chiến thắng vinh quang sau này.
Cách Cung điện không xa là đài phát thanh thủ đô Tokyo. Thông tín viên Morio Tateno kiểm tra lại những bản tin chính trong ngày trước khi mở máy để đọc lúc 7 giờ sáng. Anh cố gắng lắm mới đè nén được những xúc cảm đang dâng trào, anh trầm giọng đọc lời tuyên bố của quân đội Thiên Hoàng khai chiến với quân đội Anh và Mỹ trong vùng biển Thái Bình Dương kể từ rạng sáng ngày 08 tháng 12 năm 1941.
Bản tin được phát ra từ hàng trăm loa phóng thanh cực mạnh giăng mắc khắp trong thành phố, tiếng nói trầm hùng của Morio Tateno gây chú ý cho công chúng, họ ngưng ngay mọi hoạt động để lắng nghe. Đó đây vang lên những tràng pháo tay như sấm động, những du khách nước ngoài không hiểu tiếng Nhật cũng ngẩn ngơ nhìn quanh quất một hồi rồi nhìn nhau chẳng hiểu. Chẳng biết lễ hội gì mà họ vỗ tay nghe vui thế?
Tin chiến tranh lan ra, đa số trong 100 triệu con dân xứ Phù Tang thảy đều nhiệt tình ủng hộ, họp nhau xuống đường tung hô vang dội công ơn Thiên Hoàng. Nhưng ngược lại có nhiều vị lão niên, họ điềm tĩnh hơn nên âm thầm tụ họp với nhau bàn bạc một lúc rồi kéo thẳng đến trước cổng Hoàng cung, cùng quỳ xuống nguyện cầu cho một ngày chiến thắng vinh quang. Trên khuôn mặt trang nghiêm kính cẩn của những bậc lão niên này người ta chẳng hề nhìn thấy họ lộ một chút gì để gọi là hân hoan mừng rỡ. Trong gian hàng mua sắm, những người chủ sạp báo cho phô trương những bản tin "đặc biệt". Lời rao tiếng chào, người mua kẻ bán không khí tưng bừng như ngày hội.
Thiên Hoàng Chiêu Hòa
Phòng làm việc của viên quan Quản thủ Quốc ấn tuy rất thoáng và rộng vô cùng nhưng hôm nay lại chật chội không khí khó thở vô cùng. Toàn bộ chỉ huy đầu não của Tokyo đều tề tựu hết tại đây để thảo luận và quyết định một số chi tiết quan trọng. Một vấn đề được mang ra bàn cãi lâu nhất là tại sao Hà Lan lại không nằm trong 3 quốc gia phương Tây mà quân đội Thiên Hoàng đã tuyên chiến, và lý do gì chỉ có Anh và Mỹ mà thôi. Bàn qua cãi lại nhưng đến trưa việc vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Thế rồi Ngoại trưởng Togo đưa ra quyết định chẳng thay đổi gì cả. Ai nghĩ sao mặc họ.
Đến trưa thì Thiên Hoàng Chiêu Hòa đóng ấn ký hợp thức hóa quyết định khai chiến. Sau đó Thiên Hoàng còn dùng bút ghi xuống một dòng để biểu lộ sự hối tiếc của đấng Thiên Hoàng khi tình thế bắt buộc phải quyết định xuất quân đối đầu với Anh và Mỹ. Và phía dưới, ông mở ngoặc viết thêm một dòng:
"Tất cả vì vinh dự tổ quốc, vì Đế chế Đại Nhật Bản, hãy mạnh dạn đứng lên xây dựng một tiền đồ vinh quang."
Koichi Kido liếc nhìn thấy sắc diện của Thiên Hoàng không lộ vẻ gì phiền muộn lo âu. Nhưng sau buổi họp ai nấy đều ra về, còn một mình trong phòng với Kido, Thiên Hoàng chợt thở dài thườn thượt mà tâm sự rằng trái tim của ông tan nát khi đặt bút ký sắc lệnh khai chiến với nước Anh. Làm sao người ta có thể dung thứ khi quyết định trở mặt, quay lại đối đầu với những người bạn chí thiết như các thành viên trong Hoàng Gia Anh. Kido im lặng vì ông không biết phải nên trả lời ra sao.
Cùng một lúc ấy trên đài radio quốc gia cho phát thanh bài diễn văn khai chiến của Thủ tướng Hideki Tojo. Lời văn không hoa mỹ, giọng của ông không hùng hồn nhưng rất trang nghiêm quyết liệt. Ông nói:
"Người phương Tây cố tạo mọi ảnh hưởng với ý đồ chinh phục cả thế giới, tham vọng bá quyền của người da trắng đã và đang lan rộng đến cả phương Đông của chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là phải phá tan ý đồ đen tối của họ trước khi không còn chỗ đứng dù là ngay trên quê hương đất nước của chính mình. Phải tiêu diệt kẻ thù và tái lập trật tự trên toàn cõi Đông Á, một thử thách lớn mà quốc gia của chúng ta đang đối diện, một cuộc chiến trường kỳ mà quân đội chúng ta đang lao vào... số phận của Nhật Bản và Đại Đông Á đang bị đe dọa và hơn 100 triệu con dân xứ Phù Tang này cũng đâu thể ngồi nhìn. Bổn phận của chúng ta cho dù có phải hy sinh đến tính mạng cũng không thể nào chùn bước, quyết lấy hết sức mình ra phục vụ cho Thiên Hoàng, cho sơn hà xã tắc."
Thủ tướng Hideki Tojo
Chính phủ Nhật Bản e ngại tiếng súng mở màn ở bán đảo Mã Lai nổ ra sớm hơn dự định sẽ ảnh hưởng không tốt đến cuộc không tập thình lình ở Trân Châu Cảng. Nhưng việc đáng ngạc nhiên là London không báo động gì cả. Càng ngạc nhiên hơn là Thủ Tướng Anh Churchill cũng chẳng biết chuyện gì xảy ra ở Trân Châu Cảng, cho đến tận 2 tiếng rưỡi đồng hồ sau khi quân cảng bị tấn công ông mới nghe được qua bản tin ở đài phát thanh. Trong lúc ông cùng hai người bạn Hoa Kỳ nghỉ cuối tuần ở một trang trại vùng ngoại ô London. 9:00 tối hôm ấy họ ngồi quây quần bên cái radio nghe đài BBC. Sau bản tin thời sự nóng bỏng tường thuật chiến tranh bùng nổ khắp vùng Đông Nam Á rồi mới đọc đến một bản tin "phụ" khác là Nhật mở trận không tập vào Trân Châu Cảng.
Hai người bạn Hoa Kỳ của Churchill ngồi chết điếng trên ghế. Một trong hai người ấy là John Winant, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Vương Quốc Anh. Nghe bản tin như sét đánh ngang tai chỉ biết ngồi mà nhìn Churchill sững sờ. Ông thấy Churchill gục đầu im lặng, miệng liên tục rít xì gà từng hơi dài như bất tận rồi ưu tư nhìn theo những sợi khói mong manh quyện vào không gian, lúc lâu sau, ông đứng lên quay đi về phía phòng làm việc tạm. Tin chắc là vị Thủ tướng năng động sẽ điện thoại về Tổng hành dinh của ông đề nghị tuyên chuyến với Nhật Bản nên Winant gọi với theo:
"Ông không thể tuyên chiến bằng radio!" 
Churchill vội hỏi lại:
"Tôi phải nên làm gì đây?" 
Winant đề nghị:
"Để tôi gọi cho Tổng Thổng để hỏi Ngài xem thực hư thế nào đã."
Nói đoạn ông đi ngay vào phòng làm việc, gọi thẳng về Washington. Khi Roosevelt trả lời, Winant vội nói:
"Tôi có một người bạn, ông ấy muốn thưa chuyện cùng Ngài. Khi nói chuyện với người ấy Ngài sẽ biết là ai ngay".
Churchill cầm lấy điện thoại.
"Thưa Tổng Thống. Chuyện gì đã xảy ra?"
Roosevelt biết ngay đó là Thủ tướng Churchill liền nói ngay:
" Đó là sự thật. Họ tấn công Trân Châu Cảng. Tôi với Thủ tướng đang ngồi cùng thuyền đây."
Sáng thứ hai 8-12, phụ tá bộ trưởng ngoại giao Adolf Berle đến Đại sứ quán Nhật Bản để thông báo cho các giới chức Nhật Bản ở đây biết rằng họ được dời về ở một khách sạn tại thủ đô và nên tự coi là đã bị giam giữ. Đại sứ Nhật Bản, cựu đô đốc Nomura hỏi xin lại thanh kiếm Katana của ông ta đã bị tước đoạt khi FBI khám xét trụ sở đại sứ quán. Ông Berle không đồng ý, vì sợ ông sẽ tự vẫn theo lối Harakiri, như vậy thì tính mạng đại sứ Grew ở Tokyo sẽ khó mà bảo toàn.
Buổi trưa, các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, các thẩm phán Tòa án tối cao và các thành viên chính phủ tề tựu đông đủ ở phòng họp Quốc hội Hoa Kỳ tại điện Capitol. Bà Tổng thống Roosevelt cũng có mặt cùng với bà Wilson, góa phụ của cố Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đã từng tuyên cáo chiến tranh chống Đức hồi Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Lúc 12 giờ 30, Tổng thống Mỹ đến. Ông bị bệnh bại liệt nên phải nhờ người con trai trưởng là đại úy hải quân James Roosevelt đỡ lên bục. Ông mở đầu bài diễn văn như sau:
"Hôm qua, ngày 7 tháng 12 năm 1941, một ngày của sự nhục nhã, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã bị các lực lượng hải quân và không quân của đế quốc Nhật Bản tấn công bất ngờ và không tuyên chiến..." 
Cuối cùng, Tổng thống Mỹ tuyên bố:
"Tôi yêu cầu lưỡng viện của Quốc hội tuyên chiến với Nhật Bản kể từ Chủ nhật ngày 7 tháng 12 năm 1941..."
Cả phòng họp vỗ tay vang dội, Tổng thống Franklin Roosevelt rời diễn đàn. Cả hai viện của quốc hội thông qua quyết định tuyên chiến với đa số tuyệt đối (chỉ có một phiếu chống).
Thế là nước Mỹ bước vào cuộc chiến tranh tổng lực với Nhật Bản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét