Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Tháng 4 cuối cùng của Adolf Hitler

Một buổi tối đẹp trời trong tháng 4, Goebbels đọc cho Hitler nghe một trong những quyển sách mà Hitler thích nhất: "Lịch sử Friedrich Đại đế" của nhà văn Thomas Carlyle người Scotland. Chương ông đang đọc trình bày những ngày đen tối nhất trong cuộc chiến tranh 7 năm tàn khốc, khi nhà vua lâm vào đường cùng và bảo các quan đại thần rằng đến ngày 15 tháng 2 nếu tình hình không sáng sủa thì ông sẽ từ bỏ và uống thuốc độc. Giai đoạn lịch sử này khá tương đồng với hiện tại, và hẳn Goebbels đọc lên với cả giọng điệu kịch tính thường thấy:
"Hỡi Đức Vua quả cảm! Hãy chờ đợi trong ít lâu, rồi những ngày thống khổ sẽ qua đi. Mặt trời may mắn của Người đã ở trên tầng mây và chẳng bao lâu sẽ soi rọi đến Người". Ngày 15 tháng 2, Nữ hoàng Nga qua đời, phép lạ của vương triều Brandenburg đã đến.
Goebbels cho biết đôi mắt của Hitler đẫm lệ.
Joseph Goebbels
Với sự khích lệ như thế, họ xin hai lá số chiêm tinh được lưu trữ trong văn phòng "nghiên cứu" đa dạng của Thống chế Heinrich Himmler. Một lá số là của Adolf Hitler lập nên ngày 30 tháng 1 năm 1933, ngày ông lên cầm quyền. Lá kia là của nền Cộng hòa Weimar, do một chiêm tinh gia ẩn danh lập ngày 9 tháng 11 năm 1918, ngày sáng lập nền Cộng hòa.
Một sự kiện kỳ diệu đã tỏ rõ, cả hai lá số tiên đoán chiến tranh bùng nổ năm 1939, những chiến thắng cho đến năm 1941, rồi một loạt những thất bại với đòn nặng nhất trong những tháng đầu năm 1945, đặc biệt trong hai tuần đầu tháng 4. Trong hai tuần cuối tháng 4, ta có thành công tạm thời. Rồi sẽ đến thời kỳ đình trệ cho đến tháng 8 và hòa bình trong tháng này. Trong ba năm kế, nước Đức thời Đệ tam Đế chế sẽ gặp nguy khó nhưng bắt đầu từ năm 1948 sẽ trỗi dậy.
Tinh thần được củng cố bởi Carlyle và sự tiên đoán kỳ diệu của những vì sao. Ngày 6 tháng 4, Goebbels ban bố lời hiệu triệu binh sĩ đang rút lui:
"Lãnh tụ đã tuyên bố rằng ngay cả trong năm nay, vận may sẽ đến... Tố chất thực sự của thiên tài là tinh thần tỉnh táo và nhận thức chắc chắn về sự thay đổi đang đến. Lãnh tụ biết thời khắc chính xác thay đổi sẽ đến. Định mệnh đã phái ông đến với chúng ta trong giai đoạn khốn khổ bên ngoài và bên trong này, chúng ta sẽ chứng giám cho phép lạ..."
Chỉ một tuần sau, vào đêm 12 tháng 4, Goebbels tin rằng "thời khắc chính xác" đã đến. Đấy là ngày có thêm tin xấu. Quân Mỹ đã xuất hiện trên xa lộ Dessau-Berlin, các sĩ quan Đức đã vội vã ra lệnh phá hủy hai nhà máy làm thuốc súng còn lại nằm gần đường tiến quân. Từ lúc này trở đi, binh sĩ Đức không được tiếp tế thêm đạn dược nữa. Đến đêm 12 tháng 4, trung tâm Berlin bốc cháy do máy bay Anh không kích. Những gì còn lại của Phủ Thủ tướng và Khách sạn Adlon đều bùng cháy. Một thư ký đưa tin khẩn đến Goebbels: Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã chết!
Gương mặt Goebbels rạng rỡ hẳn lên. Ông kêu: "Mang ra rượu champagne ngon nhất và gọi điện cho Lãnh tụ!"
Hitler đang ở trong một boong-ke sâu chờ cho cuộc không kích kết thúc. Ông nhấc điện thoại.
Goebbels nói: "Lãnh tụ, tôi xin chức mừng ngài! Roosevelt đã chết! Lá số chiêm tinh tiên đoán trong hai tuần cuối tháng 4 sẽ có điểm ngoặt cho chúng ta. Hôm nay là Thứ Sáu ngày 13 tháng 4. Đây là điểm ngoặt!"
Không có tài liệu ghi chép phản ứng của Hitler, nhưng có thể tưởng tượng ông cảm thấy phấn khởi qua Carlyle và chiêm tinh học. Riêng Goebbels và Krosigk thì sướng thỏa.
Thứ Sáu ngày 20 tháng 4 năm 1945
10 giờ 30 phút
Hôm nay, Quốc trưởng Adolf Hitler tròn 56 tuổi, vì thế tại văn phòng của quốc trưởng quy tụ các quan chức hàng đầu của Đế chế thứ III: phó quốc trưởng Hermann Goring, bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Joseph Goebbels, Bộ trưởng Nội vụ Heinrich Himmler, thư ký của Hitler và là bộ trưởng Không bộ Martin Bormann, bộ trưởng Quốc phòng và Công nghiệp quân sự Albert Speer, bộ trưởng Ngoại giao Joachim von Ribbentrop cùng một số tướng lĩnh cao cấp và sĩ quan tùy tùng khác.
Hitler khi chiếm đóng Paris năm 1940
Phát biểu một cách ngắn gọn, Hitler đi vòng quanh, nghe những lời chúc tụng, bàn tay run rẩy bắt tay mọi người. Buổi chiều cùng ngày, người ta khuyên Hitler rời Berlin để lãnh đạo tuyến phòng thủ phía nam nhưng Goebbels khuyên ông ở lại và Hitler đã đồng ý.
21 giờ 45 phút

Hitler chui vào boong-ke của mình. Ông ta hạ lệnh "phân tán" bộ chỉ huy và chia tay với bác sĩ riêng của mình là Morell - người được lệnh phải di chuyển xuống phía nam. Hitler nói: "Giờ không liều ma túy nào có thể giúp được tôi nữa".

Trong sự tĩnh mịch, quốc trưởng mở một bữa tiệc nhỏ. Có Eva Braun, Bormann và vài cộng sự gần gũi. Cả bọn uống bia, nhảy...

Thứ 7 ngày 21 tháng 4 năm 1945
8 giờ 00 phút
Hitler dậy muộn hơn thường lệ 2 tiếng. Ông đang chú ý đến tiếng pháo của Hồng quân.

"Có việc gì thế? Tiếng súng ở đâu vậy? Chẳng lẽ người Nga đã tiến gần như thế!" - Hitler gào thét trong hoảng loạn.

Hitler gọi điện nhưng không ai trả lời và bằng giọng nói yếu ớt, ông nói đúng một từ: "Phản bội".

Sau đó Quốc trưởng gọi sĩ quan tùy tùng Jilius Schaub, lấy từ trong tủ sách ra tài liệu cá nhân của mình rồi đốt hết. Một viên sĩ quan chờ báo cáo, nhưng Hitler không cho vào và nói: "Tôi sẽ không bao giờ rời Berlin! Tôi sẽ chết trên bậc thềm của văn phòng Đảng Công nhân Quốc xã". Nói rồi ông đóng sầm cửa boong-ke lại.

Chủ nhật ngày 22 tháng 4 năm 1945
Hitler cho gọi Goebbels đến, mời ông này, bà vợ cùng sáu đứa con vào ngụ trong boong-ke của Lãnh tụ vì ngôi nhà của họ đã bị bom phá hư hại nặng. Ông biết rằng ít nhất người thuộc hạ cuồng tín và trung thành này, cùng với gia đình sẽ ở bên ông cho đến cùng.  
Thứ Hai ngày 23 tháng 4 năm 1945
15 giờ 20 phút
Bộ trưởng Quốc phòng và công nghiệp quân sự Speer đến để chào từ biệt Quốc trưởng. Speer nhận thấy không khí không bình thường: Trong phòng đầy khói thuốc lá, trên bàn là chai rượu. Khi Hitler đi từ phòng này sang phòng kia, không ai còn đứng trong tư thế nghiêm và chào mỗi khi ông đi ngang qua. Thậm chí những người này còn không ngừng nói chuyện với nhau. Khi nghe Speer nói, trong khóe mắt Hitler là những giọt nước mắt. Quốc trưởng nói: "Cuộc sống không thể không có sự mềm yếu".

Thứ Tư ngày 25 tháng 4 năm 1945
Quân Mỹ đã bắt tay với Hồng quân Liên Xô bên bờ Sông Elbe, cách Berlin khoảng 40 kilomet, lãnh thổ Đức bị cắt ra làm hai mảnh bắc và nam. Adolf Hitler bị cô lập ở Berlin. Nhưng ông và vài thủ hạ cuồng tín nhất, trên tất cả là Joseph Goebbels vẫn còn vin vào niềm hy vọng sẽ được cứu nguy vào phút chót bằng một phép lạ.
Thứ Năm ngày 26 tháng 4 năm 1945
6 giờ 00 phút
Giống như thường lệ, người hầu phòng vào phòng để đánh thức Hitler, nhưng ông đã thức dậy và nằm vô hồn trên chiếc đi-văng. Hitler đặt món ăn sáng là ca cao nóng và bánh rán. Vào những ngày cuối cùng, Quốc trưởng rất thích ăn bánh rán. Có lẽ chỉ đến giờ ông mới hiểu rằng mình đã thua cuộc. Hitler cầu nguyện cái chết như là sự giải thoát khỏi thực tế mà ông không thể chịu đựng được.

Ăn sáng xong, Hitler đi ra ngoài hành lang của boong-ke. Quốc trưởng kéo lê đôi chân rất khó khăn. Đôi mắt hằn lên những tia máu. Hitler nói với các sĩ quan tùy tùng về những con chó, về việc dạy dỗ chúng và sự tồi tệ của thế giới bao quanh. Sau đó ông đi vào phòng trực ban, nơi có những con chó. Hitler chơi rất lâu với con chó becgie giống Đức tên Blondy và 5 con chó nhỏ của nó.

Thứ Bảy ngày 28 tháng 4 năm 1945
14 giờ 40 phút
Người ta báo cáo với Hitler là chỉ huy lực lượng SS Heinrich Himmler đang toan tính đàm phán với phương Tây để thành lập liên minh chống Hitler. Ông ta phát khùng và nguyền rủa Himmler.
Thống chế SS Heinrich Himmler

Người anh em cọc chèo với Hitler là Fegelein (lấy chị ruột của Eva Braun) từ ngoài gọi điện thoại vào cho người tình của Hitler và nói: "Eva, em cần phải rời xa Quốc trưởng. Đây là vấn đề giữa sự sống và cái chết". Hitler ra lệnh truy tìm Fegelein, bắn ngay mà không cần điều tra, xét xử. "Ôi Adolf tội nghiệp" - Eva than thở - "Tất cả mọi người rời xa anh, tất cả phản bội anh".
23 giờ 40 phút
Hitler ra lệnh đưa một chức sắc có thẩm quyền vào boong-ke để Quốc trưởng làm thủ tục kết hôn với Eva Braun. Đến gần nửa đêm thì người chức sắc này được đưa đến bằng xe tăng. Chứng kiến cuộc hôn nhân này có Goebbels và Bormann.

Trên giấy hôn thú có dòng chữ: "Họ là những người có nguồn gốc thượng đẳng, không có những căn bệnh di truyền". Eva định ký tên thời con gái của mình, nhưng sau đó đã ký "Eva Hitler, tên thời con gái là Braun".
Chủ nhật ngày 29 tháng 4 năm 1945
5 giờ 30 phút
Goebbels không muốn sống ở nước Đức sau khi vị Lãnh tụ mà ông tôn thờ đã ra đi. Ông đã gắn kết định mệnh của mình với Hitler, người duy nhất đã đưa ông lên đài danh vọng. Ông đã là nhà tiên tri và chuyên gia tuyên truyền cho phong trào Quốc xã. Chính ông, sau Hitler, là người đã sản sinh những huyền thoại. Để lưu truyền những huyền thoại này, không những Lãnh tụ mà cả người trợ lý thân cận nhất – người duy nhất trong số những chiến hữu cũ đã không phản bội ông – phải hy sinh qua cái chết. Ông cũng phải nêu một gương sáng vốn sẽ được nhớ mãi qua các thế hệ và một ngày nào đấy sẽ giúp khơi lại ngọn lửa của chủ nghĩa Quốc xã.
Có lẽ đấy là những ý nghĩ của Goebbels khi trở về căn phòng nhỏ của ông trong boong-ke để viết lại lời vĩnh biệt cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Ông đặt tiêu đề là "Phụ lục cho Tuyên cáo Chính trị của Lãnh tụ".
"Lãnh tụ đã ra lệnh cho tôi rời Berlin và tham gia với tư cách một thành viên hàng đầu trong chính phủ do ông chỉ định.
Lần đầu tiên trong đời, tôi phải từ chối tuân hành lệnh của Lãnh tụ. Vợ tôi và các con tôi đều từ chối cùng với tôi. Ngoài sự kiện là những cảm nghĩ về nhân tính và lòng trung thành của riêng tôi không cho phép tôi bỏ rơi Lãnh tụ trong giờ khắc khó khăn này, nếu không làm thế cho đến cuối đời, tôi sẽ hiện thân là kẻ phản bội đáng hổ thẹn và là tên vô lại thấp hèn, sẽ mất cả lòng tự trọng cũng như sự trọng vọng của đồng bào tôi...
Trong cơn ác mộng của những hành động bội phản vây quanh Lãnh tụ trong những ngày khủng hoảng nhất của cuộc chiến, phải có người nào đấy ở kề bên ông cho đến phút cuối mà không đòi hỏi gì...
Tôi tin qua cách này, tôi đang phục vụ tốt nhất cho tương lai của dân tộc Đức. Trong hoàn cảnh khó khăn sắp đến, nêu gương tốt là điều quan trọng hơn con người...
Vì lý do ấy, cùng với vợ tôi, và thay mặt cho các con tôi vốn còn quá nhỏ không thể tự phát biểu và nếu đủ lớn khôn hẳn sẽ hoàn toàn đồng ý với quyết định này, tôi xin bày tỏ ý muốn không gì lay chuyển được là sẽ không rời khỏi thủ đô của Đế chế ngay cả nếu thủ đô thất thủ mà ở lại bên Lãnh tụ, để kết liễu cuộc sống mà đối với cá nhân tôi không còn giá trị gì nữa nếu tôi không thể dùng cuộc sống này để phục vụ Lãnh tụ và ở bên ông."
12 giờ 01 phút
Trong căn hầm dành cho Quốc trưởng Đức cách mặt đất gần 10 m, Eva Braun - người tình của Adolf Hitler đang chuẩn bị cho đám cưới. Ngay bây giờ, cô đang ở trong phòng ngủ để người hầu làm tóc cho cô.
Eva Braun đã chọn những thứ cô muốn mặc: một bộ đầm lụa màu đen, đôi giày Ferragamo đen, bộ vòng tay bằng vàng được gắn những viên đá quý màu hồng, chiếc vòng cổ topaz và đồng hồ kim cương. Tối nay, 14 năm sau sự khởi đầu của cuộc tình bí mật, cuối cùng Eva Braun sẽ thành hôn với người đàn ông mà cô yêu.
Eva Braun và Hitler

Đương nhiên, Eva chẳng bao giờ tưởng tượng đám cưới của cô sẽ diễn ra trong hầm ngầm dành cho Quốc trưởng ở trung tâm thành phố Berlin. Nhưng những chiếc xe tăng của Hồng quân Liên Xô đang tiến về trung tâm thành phố nên mặt đất đã không còn là nơi an toàn.
Sau khi trang điểm xong, Eva có thể nghe thấy những tiếng nổ. Hồng quân Liên Xô đang pháo kích dữ dội.
Ở ngay phía trên đầu cô, những người đào huyệt vẫn làm việc, bất chấp việc bầu trời sáng rực bởi đợt pháo kích để chôn thi thể của Hermann Fegelein, một viên tướng của lực lượng SS và cũng là anh rể của Eva. Lính Đức hành quyết Fegelein theo lệnh của Hitler vì tội đào tẩu.
Tại phòng tổng đài thuộc hầm Quốc trưởng, Rochus Misch - nhân viên tổng đài đang nghe Hans Hofbeck, một sĩ quan của lực lượng mật vụ đang mô tả lại quá trình hành quyết Fegelein. Hofbeck dùng hành động để tường thuật vụ xử tử. Anh ta thực hiện động tác nâng súng máy lên ngang vai rồi hét: "Ratatata".
12 giờ 10 phút
Lúc này, Adolf Hitler đứng trong phòng hội nghị của hầm ngầm. Ông ta dựa vào bàn bản đồ (một bản đồ phủ kín mặt bàn) để đọc "di chúc chính trị" cho Traudl Junge, một trong hai thư ký vẫn còn ở lại. Junge ghi lại những lời của trùm phát xít bằng tốc ký.
Ban đầu Junge cảm thấy phấn khích, bởi rất có thể cô sẽ là người đầu tiên nghe lý do Đức bại trận. Nhưng khi Hitler đọc bằng chất giọng đơn điệu, cảm giác thất vọng của cô tăng dần. Ông ta không hề giải thích, biện hộ hay cảm thấy tội lỗi, mà vẫn thốt ra những lời lẽ căm hận dành cho người Do Thái - luận điệu mà Junge từng nghe rất nhiều lần.
Sau đó, Hitler đọc hàng loạt cái tên mà ông ta muốn bổ nhiệm vào những vị trí mới trong chính quyền Quốc xã. Ngay cả Junge, một nữ thư ký, cũng biết đây là hành động vô ích. Sau đó, trùm phát xít ngừng một lát rồi bắt đầu đọc di chúc.
Khi ông ta đọc tới đoạn kết hôn với Eva Braun, Junge cảm thấy sốc. Đến tận thời điểm ấy, Hitler vẫn khẳng định ông ta chưa bao giờ kết hôn, bởi vì phụ nữ sẽ gây nên "tác động hủy diệt" đối với những người đàn ông vĩ đại.
Ông ta nói: "Tôi và vợ chọn cái chết để không phải hứng chịu cảm giác nhục nhã do thất bại và đầu hàng. Chúng tôi muốn mọi người đốt thi thể ngay sau khi chúng tôi chết". Sau khi ngừng một lát, Hitler rời khỏi bàn và ra lệnh cho Junge: "Đánh máy di chúc thành 3 bản, rồi đưa tôi xem".
Ngay lúc đó, Junge nhìn thấy sự tức giận hằn trên mặt ông ta vì các máy bay Đức không chặn Hồng quân tới Berlin. Quốc trưởng quát tháo liên tục trong suốt nửa giờ. Sau đó, Hitler quyết định thay người đứng đầu Không quân. Ông ta chửi rủa tướng lĩnh Không quân, cho rằng họ là những kẻ thất bại, dối trá, tham nhũng và phản bội.
Sau một hồi quát tháo, Hitler ngã nhào xuống ghế bành vì mệt rồi quyết định cách chức Tổng tư lệnh Không quân, đồng thời tuyên bố nước Đức bại trận. Đó là lần đầu tiên trùm phát xít thừa nhận thất bại.
Hitler quay sang nói với sĩ quan cận vệ Heinz Linge: "Tôi muốn anh trở về nhà". Linge đáp: "Thưa Quốc trưởng, tôi đã phục vụ ngài trong thời kỳ thuận lợi nên giờ tôi muốn ở bên ngài trong giai đoạn khó khăn".
Với khuôn mặt tròn và đôi mắt xanh dương nhạt, Linge từng làm nghề thợ nề trước khi trở thành sĩ quan cận vệ của Hitler. Người đàn ông 32 tuổi thường nói với mọi người: "Tôi không thể tìm được ông chủ nào tốt hơn Quốc trưởng".
Sau khi im lặng một lát, Hitler nói rằng ông ta giao cho Linge một nhiệm vụ: "Anh phải lấy hai chăn trong phòng ngủ của tôi và tẩm đủ xăng để thiêu hai cái xác. Tôi sẽ tự sát bằng súng ở đây cùng với Eva Braun".
Hitler nói những lời dặn dò cuối cùng với Linge là: "Sau khi cuốn xác chúng tôi vào chăn len, anh đưa chúng tôi lên vườn và đốt ở đó. Anh không được để xác của tôi rơi vào tay người Nga, vì rất có thể họ sẽ trưng bày xác trong bảo tàng ở Moskva rồi bọc sáp".
Linge run rẩy và nói lắp bắp: "Vâng, thưa Quốc trưởng" rồi rời khỏi thư phòng.
12 giờ 45 phút
Linge gọi điện thoại cho Erich Kempka, tài xế riêng của Hitler. Kempka, khi đó đang ngồi trong bãi đỗ xe ngầm, tỏ ra ngạc nhiên khi Linge nói rằng anh ta phải kiếm 200 lít xăng. "Chỉ 200 lít thôi à? Phải chăng anh đang đùa? Anh định làm gì với 200 lít xăng?".
Linge đáp: "Tin tôi nhé, Erich, không phải chuyện đùa đâu. Hãy thực hiện mọi biện pháp anh cần để kiếm đủ xăng".
Kempka nhanh chóng yêu cầu một trợ lý tìm xăng rồi bơm vào những ô tô trong các garage ngầm.
13 giờ 00 phút
Adolf Hitler và Eva Braun rời khởi phòng riêng. Người phụ nữ choàng tay để ôm lưng Quốc trưởng. Hitler vẫn mặc quần màu đen và áo khoác quân đội màu xám. Còn Eva mặc bộ váy áo màu đen với những đồ trang sức có hình tròn như đồng xu quanh cổ. Cô vẫn đang rất vui vẻ và không hề hay biết là ngày cưới của mình cũng chính là ngày cô phải kết thúc sự sống.
13 giờ 30 phút
Sau lễ cưới, Hitler và Eva Braun trở lại phòng riêng để uống champagne, trà và bánh sandwich với thuộc cấp. Mọi người cảm thấy bất ngờ khi Hitler, một người ghét rượu, nhận một ly rượu vang Hungary pha đường để uống. Còn Eva thưởng thức champagne.
Linge - sĩ quan cận vệ của Quốc trưởng, cảm thấy sửng sốt trước sự điềm tĩnh của Eva. Anh ta gọi cô là "bà Hitler" và thấy đôi mắt của cô sáng ngời. Eva đặt bàn tay của cô lên cánh tay của Linge và cười.
Ngược lại, tâm trí của Hitler vẫn dành cho công việc. Ông ta đưa cả Bormann và Goebbels ra khỏi Đảng Quốc xã và bổ sung thêm tên vào danh sách bổ nhiệm mới mà Junge đang đánh máy. Junge tỏ ra cáu vì Hitler liên tục thay đổi tên trong danh sách.
Trong khi ăn trưa, Hitler tiếp thiếu tướng Mohnke, người chịu trách nhiệm bảo vệ khu phố của chính phủ. Ông ta hỏi Mohnke: "Các anh còn cầm cự được bao lâu nữa?". "Thưa ngài, cùng lắm là một ngày nữa, không hơn thế được" - viên thiếu tướng trả lời.
Hitler cho gọi người hầu cận và ra lệnh đánh thuốc độc con Blondy để nó không rơi vào tay Hồng quân. Thuốc độc đã có sẵn trong tủ sắt. Sau sự phản bội của Himmler, Hitler không tin vào những liều thuốc độc được bào chế trong phòng thí nghiệm của SS. Tuy nhiên Blondy chết ngay tại chỗ, còn 5 con chó nhỏ của nó thì bị bắn chết ngoài phố. Hitler bước ra khỏi boong-ke lần cuối cùng để từ biệt con chó yêu của mình, khi quay trở vào, ông nhận được tin Benito Mussolini cũng đã chết. Trong vòng vài phút, Hitler bỗng trở nên năng động. Quốc trưởng yêu cầu chuyển cho mình tin tức về tình hình các khu chiến sự và khả năng của các khu này trong việc cứu vãn Berlin. Tuy nhiên giờ này nối tiếp giờ kia, các thông tin này đã không được chuyển đến. Bộ máy điều hành hoàn toàn sụp đổ.
14 giờ 00 phút
Hitler ăn trưa với Eva Braun, người vừa chính thức trở thành vợ của ông ta vài giờ trước, và hai thư ký - Gerda Christian và Traudl Junge. Nhóm thư ký này luôn thay phiên nhau để ăn cùng Quốc trưởng, kể cả khi ông ta uống trà vào buổi sáng. Theo chỉ thị từ thượng cấp, họ không được đề cập tới những chủ đề khó khi nói chuyện với Hitler trong bữa ăn.
Nhưng hôm ấy Hitler đưa ra một chủ đề khó: "Tôi sẽ không bao giờ rơi vào tay kẻ thù, dù trong tình trạng còn sống hay đã chết. Mệnh lệnh của tôi là: Mọi người đốt xác tôi để kẻ thù không thể tìm ra".
Lúc này, Eva tỏ ra rất hoảng sợ. Nhưng cô nói: "Tôi muốn là một cái xác đẹp. Có lẽ tôi sẽ uống thuốc độc. Tôi không biết thuốc độc gây đau đớn ở mức nào. Chịu đựng cơn đau quá lâu là điều tôi sợ nhất. Tôi sẵn sàng chết một cách dũng cảm, nhưng không muốn trải qua cảm giác đau đớn".
Ngay lập tức, Junge và Christian nhìn nhau rồi cùng nói với Hitler: "Ngài có thuốc độc dành cho chúng tôi không, thưa Quốc trưởng?". Hitler đáp: "Chắc chắn mỗi cô sẽ có một lọ thuốc độc. Tôi rất tiếc vì tôi không thể cho các cô món quà từ biệt tốt hơn".
22 giờ 00 phút
Hitler ngồi tại bàn trong phòng hội nghị dưới hầm Quốc trưởng. Ông ta đọc nội dung của một bản tin về cái chết của Benito Mussolini - nhà độc tài Italy. Bản tin cho biết, du kích Italy bắn Mussolini vào ngày 28/4/1945 rồi treo ngược thi thể ông ta trên quảng trường để người dân phỉ báng.
Heinz Linge đứng ngay sau trùm phát xít. Một trong những nhiệm vụ của anh ta là đảm bảo rằng Quốc trưởng luôn có ngay bút chì, kính mắt, bản đồ, kính lúp, la bàn mỗi khi ông ta cần. Nhưng lần này, Hitler chẳng cần kính mắt hay kính lúp, vì cỡ chữ trên giấy khá lớn. Nhưng ông ta cần bút chì để gạch dưới 3 từ "treo ngược xác".
Đến tận thời khắc ấy, Hitler vẫn hy vọng Berlin sẽ không thất thủ. Ông ta ra lệnh cho đài phát thanh truyền một mệnh lệnh tới toàn bộ lực lượng vũ trang của Đức, yêu cầu họ báo cáo thời gian và địa điểm mà họ sẽ thực hiện các đợt phản công.
Hành động của Hitler cho thấy ông ta không còn nắm rõ tình hình thực tế trên chiến trường. Mọi sĩ quan chỉ huy của Đức Quốc xã đều không tin vào khả năng cứu Berlin.
Ngày 30 tháng 4 năm 1945
7 giờ 00 phút
Pháo binh Xô Viết trong 2 giờ đồng hồ đã liên tục bắn hỏa lực khủng khiếp vào khu phố chính phủ. Thiếu tướng SS Mohnke báo cáo: "Chúng tôi chỉ có thể chống cự trong vài giờ nữa".

Eva Hitler đến chỗ Hitler và mời ông ra cửa boong-ke để lần cuối cùng nhìn thấy mặt trời. Tuy nhiên, giao tranh trên phố rất ác liệt và ông ta không thể ló đầu lên khỏi boong-ke. Khi quay trở lại, gặp viên sĩ quan tùy tùng Guensche, Hitler ra lệnh anh này mang vào boong-ke thật nhiều xăng để thiêu xác.

13 giờ 30 phút
Khoảng 25 lính gác, vệ sĩ và người giúp việc trong dinh Quốc trưởng tới hầm của Hitler theo lệnh của ông. Trùm phát xít nói rằng ông ta sẽ tự kết liễu mạng sống để không rơi vào tay người Nga. Hitler lặp lại: "Tôi không muốn người ta trưng bày thi thể tôi giống như hiện vật trong bảo tàng". Sau đó ông ta bắt tay từng người, cám ơn họ vì đã phục vụ nước Đức rồi tuyên bố họ không còn phải chấp hành lời thề trung thành với Quốc trưởng nữa.
Hitler ăn trưa cùng với các thư ký và chuyên gia dinh dưỡng của mình. Viên phi công riêng của Hitler là Baur xuất hiện và thông báo, máy bay đã sẵn sàng với lượng xăng đủ bay 11.000 km, có thể chở Hitler đến một trong các nước Arab, Nam Mỹ hay Nhật Bản. Nhưng Hitler từ chối và tặng Baur tấm chân dung Friedrich Đại đế.
Giáo sư Ernst Schenck, bác sĩ thuộc lực lượng SS, chưa bao giờ đứng gần Hitler đến thế. Nhìn vào mắt Quốc trưởng, y thấy chúng đỏ ngầu và vô hồn. Lúc ấy, Schenck cảm thấy Hitler chỉ là một người đàn ông không còn sinh khí, lưng khom, tứ chi run rẩy do bệnh Parkinson. Những vết thức ăn hằn trên áo khoác của ông ta. Tóm lại, Schenck không còn cảm thấy Quốc trưởng là vị lãnh tụ oai hùng mà y từng ngưỡng mộ.
Sĩ quan cấp dưới báo với Hitler rằng, các nhóm quân Đức lọt vào vòng vây của Hồng quân hoặc không thể tới Thủ đô Berlin. Giận dữ, ông ta yêu cầu sĩ quan liên lạc gửi một mệnh lệnh tới Đô đốc Donitz, người chỉ huy lực lượng Hải quân: "Phải trừng phạt ngay lập tức những kẻ phản bội bằng hình thức tàn bạo nhất".
Bác sĩ Schenck nghe thấy tiếng quát vội vàng mở của phòng thì thấy Hitler đứng gần một chiếc bàn. Ông ta đang nói chuyện với bác sĩ Haase.
Trùm phát xít nói với Haase rằng, ông ta muốn chết vào cùng thời khắc với Eva. Hai người nhất trí Hitler sẽ cầm hai khẩu súng lục để nếu một khẩu kẹt, ông ta sẽ dùng khẩu kia. Ngoài ra, Quốc trưởng còn mang theo hai viên cyanide. Eva cũng dùng hai viên cyanide để tự sát.
Theo chỉ dẫn của Haase, Hitler sẽ ngậm một viên cyanide trong miệng rồi nâng khẩu súng lúc tới ngang tầm lông mày, với nòng súng áp vào thái dương. Ông ta sẽ bóp cò và cắn thuốc cùng lúc.
Sau đó, Haase nói chuyện với Eva. Người phụ nữ nói cô sẽ mất quyết tâm tự sát nếu Hitler chết trước. Haase dặn rằng, Eva sẽ cắn thuốc khi tiếng súng vang lên. Vị bác sĩ khuyên cô mang theo một khẩu súng lục, nhưng cô không muốn dùng súng.
Trong hầm, Hitler đang nghỉ trên giường. Bác sĩ Schenck trở lại dinh Quốc trưởng, nơi mọi người vẫn ăn, uống và nói chuyện.
14 giờ 00 phút
Hitler đang ngồi trong ghế cạnh giường. Vài phút trước đó ông ta gọi tướng Mohnke tới phòng để hỏi: "Chúng ta còn có thể cầm cự bao lâu nữa?". Mohnke đáp: "2 đến 4 giờ nữa, thưa Quốc trưởng".
Tiểu đoàn Hồng quân đầu tiên đã tấn công tòa nhà quốc hội. Sau khi tiến vào bên trong khoảng gần 60 m, họ gục ngã hàng loạt bởi hỏa lực mạnh của lính Đức. Nhưng Moskva lại nhận tin chiến thắng vào lúc ấy. Lực lượng Hồng quân tại Berlin báo cáo với Stalin rằng, họ đã chiếm được tòa nhà Quốc hội Đức.
14 giờ 15 phút
Trong phòng tổng đài, Hitler truyền thông điệp tới người chỉ huy tuyến phòng thủ Berlin qua radio, yêu cầu ông ta báo cáo tình hình. Câu trả lời tới rất nhanh: Binh sĩ Hồng quân đang tới rất gần.
14 giờ 30 phút
Hitler cùng Eva Braun nói lời vĩnh biệt với những người phụ tá thân cận nhất: Goebbels, hai tướng Krebs và Burgdorf, các thư ký và người nấu bếp Manzialy. Bà vợ Goebbels không xuất hiện.
Giống như Eva Braun, người phụ nữ cương nghị và xinh đẹp với mái tóc bạch kim này cảm thấy thoải mái được chết cùng chồng. Nhưng bà cảm thấy khổ sở với việc giết sáu đứa con – những ngày này chúng đang vui vẻ nô đùa trong boong-ke mà không hề biết gì cả. 2 hoặc 3 đêm trước, bà đã nói với nữ phi công Reitsch: "Cô Hanna thân yêu, khi phút cuối đã đến, cô phải giúp tôi nếu tôi trở nên yếu lòng vì mấy đứa trẻ... Chúng nó thuộc về Đế chế thứ Ba và thuộc về Lãnh tụ, và nếu cả hai đều không còn nữa thì không còn có chỗ cho chúng nó. Tôi sợ nhất là tôi quá yếu đuối vào thời khắc cuối".
Hitler và gia đình nhà Goebbels

Bây giờ, ở trong gian phòng riêng nhỏ hẹp, bà đang cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi cùng cực nhất. Các con của nhà Goebbels là: Hela 12 tuổi, Hilda 11 tuổi, Helmut 9 tuổi, Holde 7 tuổi, Hedda 5 tuổi và Heide 3 tuổi. Chúng đều có tên bắt đầu bằng chữ H nhằm thể hiện lòng trung thành đến cuồng tín đối với Quốc trưởng Hitler.
15 giờ 00 phút
Hitler và Eva đi vào văn phòng. 10 phút sau, nữ thư ký Truadel Yunge nghe thấy một tiếng súng nổ. Hitler chết ngồi trên ghế, mắt mở trừng trừng. Bên thái dương phải có lỗ thủng to bằng đồng xu, ngay cạnh đó là khẩu súng ngắn Walther. Thoạt đầu Hitler uống thuốc độc và sau đó bắn vào đầu mình. Cạnh đó là xác Eva (chết trong tư thế ngồi co chân lại) trong bộ váy xanh với đôi môi được trang điểm. Cô ta cũng uống thuốc độc.
Hai thi thể được mang ra ngoài khu vườn, trong khi đại bác ngưng bắn, được để xuống một hố đạn rồi đốt bằng xăng. Nhóm người do Goebbels và Bormann dẫn đầu, rút vào đứng trong hầm tránh bom nơi cửa thoát hiểm. Khi ngọn lửa bùng lên, họ đứng nghiêm, đưa cánh tay phải lên chào theo kiểu Quốc xã. Nghi thức diễn ra ngắn gọn vì đạn pháo của Hồng quân lại bắt đầu rơi xuống khu vườn. Nhóm người còn sống đi vào bên trong bong-ke, để lại ngọn lửa làm nốt công việc xóa đi mọi dấu vết của Adolf Hitler và vợ của ông.  
15 giờ 15 phút
Goebbels gửi bức điện của riêng mình cho Dönitz – là thông tin vô tuyến cuối cùng phát đi từ boong-ke.
"Thủy sư Đô đốc Dönitz
TỐI MẬT
Lãnh tụ qua đời hôm nay lúc 14 giờ 30 phút. Di chúc đề ngày 29 tháng 4 cử ông làm Tổng thống Đế chế... [Kế tiếp là tên những người chủ chốt được bổ nhiệm vào nội các.]
Theo lệnh của Lãnh tụ, Di chúc đã được gửi đến ông từ Berlin... Bormann có ý định đi đến chỗ ông hôm nay và thông báo cho ông rõ tình hình. Thời gian và cách thức loan tin cho báo chí và binh sĩ là tùy nơi ông. Xin cho biết đã nhận được.
Goebbels"
Goebbels nghĩ không cần thiết báo cho người Lãnh tụ mới về ý định của riêng ông. Đầu buổi tối ngày 1 tháng 5, ông thực hiện ý định. 6 đứa trẻ được chích thuốc độc. Goebbels gọi tùy viên của ông, Đại úy SS Guenther Schwaegermann, và chỉ thị anh này đi tìm một ít xăng.
Goebbels nói: "Schwaegermann, đây là sự bất trung tồi tệ nhất. Các tướng lĩnh đã phản bội Lãnh tụ. Tất cả đã mất. Tôi sẽ chết, cùng với vợ tôi và gia đình."
Ngay với tùy viên của mình, Goebbels vẫn không cho biết là ông vừa cho người sát hại các con của mình. "Anh sẽ đốt xác của chúng tôi. Anh có thể làm được chứ?"
Schwaegermann trả lời mình làm được rồi phái hai trợ lý đi tìm xăng. Ít phút sau, khoảng 20 giờ 30 phút, khi bên ngoài bắt đầu sẩm tối, Goebbels và bà vợ đi qua boong-ke, chào giã biệt người nào họ gặp trong hành lang, đi lên các bậc cầu thang để ra khu vườn. Nơi đây, theo yêu cầu của họ, người hộ lý SS bắn hai phát súng vào phía sau đầu. Họ đổ 4 can xăng lên hai thi thể rồi châm lửa, nhưng việc hỏa thiêu không trọn vẹn. Những người còn sống sót trong boong-ke nóng lòng muốn chạy thoát ra ngoài và không để mất thời giờ mà lo hỏa thiêu những người đã chết.
Ngày hôm sau, quân Nga tìm thấy thi thể cháy thành than của hai vợ chồng và lập tức nhận dạng được họ cùng với thi thể vợ chồng Hitler.

Thảm sát Nam Kinh

Tháng 7 năm 1937, cuộc đụng độ giữa binh lính Nhật Bản và Trung Quốc đã leo thang thành một cuộc chiến tranh tổng lực. Nhật Bản và Trung Quốc ở trong thế giằng co. Người Nhật tiến vào Thượng Hải và nhanh chóng tới Nam Kinh (thủ phủ tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc).
Ngày 5 tháng 8 năm 1937, Thiên Hoàng Chiêu Hòa đích thân phê chuẩn lời đề nghị từ phía quân đội của ông ngừng tôn trọng luật pháp quốc tế đối với các tù binh chiến tranh Trung Quốc trong tay. Nghị định này cũng hướng dẫn các sĩ quan tham mưu ngừng sử dụng thuật ngữ "tù binh chiến tranh".
Tới giữa tháng 11, người Nhật đã dễ dàng chiếm được Thượng Hải với sự trợ chiến của hải quân và không quân. Tổng tư lệnh Bộ tham mưu tại Tokyo đã quyết định không mở rộng thêm nữa cuộc chiến vì số lượng tổn thất to lớn cũng như tinh thần đang suy sụp trong binh lính Thiên Hoàng.
Tưởng Giới Thạch, người có trách nhiệm cao nhất về quân sự trong chính phủ Quốc dân khi ấy đã triệu tập một cuộc hội nghị ở Nam Kinh, thảo luận về vấn đề phòng thủ thủ đô Nam Kinh. Các tướng lĩnh cao cấp được triệu tập tới gồm Lý Tông Nhân, Bạch Sùng Hỷ, Đường Sinh Trí, Hà Ứng Khâm, Từ Vĩnh Xương, v.v... Trưởng đoàn cố vấn quân sự người Đức cũng có mặt.
Nhìn vào tình thế lúc bấy giờ, giữ Nam Kinh đã không còn ý nghĩa về mặt quân sự: sau khi Thượng Hải và vịnh Hàng Châu lần lượt thất thủ, Nam Kinh đã mất chỗ dựa, quân Nhật ngày đêm tranh thủ chia quân làm hai đường bao vây Nam Kinh. Về mặt chiến thuật mà xét, Nam Kinh là tử địa, quân địch có thể ba mặt bao vây, phía bắc giáp với sông Dương Tử, không thể có đường rút. 
Sau thảm bại ở Tùng Hộ, tinh thần quân đội Trung Quốc xuống thấp, lại không được tăng viện, khó có thể giữ được Nam Kinh. Quân Nhật lại đang khí thế hừng hực, tinh thần hăng hái, việc chiếm lấy thủ đô Trung Quốc sẽ có tác dụng khích lệ tinh thần rất lớn khiến quân sĩ thà chết để "kiến công lập nghiệp". Cho nên giữ Nam Kinh không chỉ khiến quân đội Trung Quốc gặp cuộc tấn công chịu hy sinh xương máu mà Nam Kinh, kinh đô của 6 triều đại: Đông Ngô (222–280), Đông Tấn (317-420), Lưu Tống (420–479), Nam Tề (479–502), Lương (502–557), Trần (557–589), nền văn hóa tụ hội từ hơn 2 nghìn năm nay sẽ gặp nhiều tổn thất, dân chúng cũng sẽ không tránh khỏi tai ương.
Dựa vào hoàn cảnh đó, phương án lớn nhất của chính phủ là chủ trương tuyên bố "để ngỏ Nam Kinh", rút quân đội ra khỏi Nam Kinh, chọn chiến trường giao tranh là ở vùng ngoại ô. Nhưng tuyên bố "không phòng thủ", bỏ thủ đô Nam Kinh là trách nhiệm chính trị mà chính phủ Quốc dân không dễ đương đầu, đặc biệt với Tưởng Giới Thạch, người mà sau thất bại ở Tùng Hộ uy tín đang giảm sút nghiêm trọng. Giờ đây, nếu bỏ Nam Kinh, Tưởng Giới Thạch nghĩ ngay đến nguy cơ chính trị nghiêm trọng đang chờ đợi ông ta. Vì thế, Tưởng triệu tập hội nghị để mong tìm được một giải pháp tốt nhất.
Trừ một số người thờ ơ với việc này, Lý Tông Nhân, Bạch Sùng Hỷ, Phùng Ngọc Tường kiên quyết chủ trương bỏ Nam Kinh, lấy vùng ngoại ô làm nơi quyết chiến với người Nhật.
Trong việc này, bản thân Tưởng Giới Thạch vốn có mâu thuẫn: đánh, tất sẽ chịu thất bại, còn rút sẽ không thể tránh khỏi sự chỉ trích của công luận. Trong cuộc biểu tình phản đối, các "chính trị gia" ở Thượng Hải đã đưa ra nguyên tắc: 
"Nam Kinh là thủ đô và nơi có lăng tẩm của quốc phụ Tôn Trung Sơn, không thể không chiến đấu để bảo vệ mà rút lui. Cá nhân tôi chủ trương phải tử thủ".
Tưởng Giới Thạch rất đau đầu. Các tướng lĩnh tất nhiên thái độ không rõ ràng, người nọ nhìn người kia, không bảo đánh cũng không bảo rút. Không khí hội nghị trầm hẳn xuống. Không có cách nào, Tưởng Giới Thạch quay sang hỏi Tổng tham mưu trưởng Hà Ứng Khâm và Bộ trưởng Từ Vĩnh Xương, cả hai đều là thân tín của Tưởng. Cả hai "dị khẩu nhưng đồng thanh":
"Chúng tôi không có ý kiến gì, tất cả đều tuân theo ý chỉ của Ủy viên trưởng."
Quả bóng lại tới chân của Tưởng Giới Thạch. Ông ta lại quay người sang hỏi ý kiến cố vấn quân sự người Đức. Ông cố vấn chỉ đơn giản suy nghĩ về mặt quân sự nên ra sức chủ trương rút khỏi Nam Kinh, không nên để hy sinh vô ích.
Tưởng Giới Thạch suy nghĩ, nhất là ý kiến của cố vấn Đức, nhưng dù đánh hay bỏ đều là trách nhiệm của bản thân mình. Vì thế, Tưởng lại hỏi ý kiến các tướng lĩnh. Nhưng mọi người ai cũng đều lưỡng lự không quyết định. Khi hỏi tới Đường Sinh Trí, vị tướng nổi tiếng trong chiến tranh Bắc phạt này đứng dậy, nói lớn:
"Thủ đô là nơi đặt lăng tẩm của Quốc phụ. Nếu có hy sinh ở đây một hai vị đại tướng, chúng ta không những bảo vệ được sự linh thiêng mà còn tỏ rõ trách nhiệm với vị lãnh đạo cao nhất của chúng ta. Tôi vốn chủ trương tử thủ Nam Kinh, không thể đầu hàng kẻ địch!"
Thấy thái độ của Đường Sinh Trí khẳng khái kiên cường như vậy, Tưởng Giới Thạch cảm thấy nếu mình bỏ Nam Kinh sẽ chịu búa rìu của dư luận nên như con thuyền thuận theo dòng nước nói:
"Vậy xin lão tướng cho kế hoạch và đảm nhận chức vụ Tổng tư lệnh việc bảo vệ Nam Kinh."
Đường Sinh Trí chấp thuận ngay, thề sẽ hy sinh xương máu, cùng tồn vong với thành Nam Kinh. Tử thủ Nam Kinh không còn là vấn đề trọng đại đem ra thảo luận mà đã được quyết định.
Khi quân đội Nhật Bản đã áp sát Nam Kinh, thường dân Trung Quốc ở đây đã lũ lượt bỏ chạy khỏi thành phố và quân đội Trung Quốc đưa ra thi hành chiến dịch tiêu thổ kháng chiến với mục tiêu hủy hoại bất kỳ thứ gì có thể bị sử dụng bởi quân đội Nhật Bản. Các mục tiêu bên trong và bên ngoài phạm vi thành phố như các trại lính, nhà cửa, Bộ thông tin, rừng rú và thậm chí là toàn bộ các ngôi làng bị đốt cháy tận móng, ước tính giá trị của chúng lên tới 20 đến 30 triệu dollar Mỹ (thời giá năm 1937).
Ngày 2 tháng 12, Thiên Hoàng Chiêu Hòa chỉ định chú của mình là hoàng tử Yasuhiko Asaka làm tư lệnh cuộc xâm lược. Rất khó biết, với tư cách thành viên gia đình hoàng gia, Asaka liệu có quyền uy tối cao đối với Đại tướng Matsui Iwane, người chính thức là tổng tư lệnh chiến dịch hay không, nhưng rõ ràng vì ở trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp nhất, ông có quyền đối với các vị chỉ huy cấp sư đoàn, các trung tướng Nakajima Kesago và Yanagawa Heisuke.
Ngày 3 tháng 12, quân Nhật áp sát Nam Kinh, hai bên bắt đầu chuẩn bị chiến đấu. Ngày 9, quân Nhật bắt đầu cho tấn công ngoại vi thành Nam Kinh. Vào lúc ấy, "người anh hùng" đã thề "tồn vong cùng Nam Kinh", "Đào hố tử thủ mảnh đất của Quốc phụ" Đường Sinh Trí đã nhường việc hy sinh bảo vệ Nam Kinh cho người khác, còn mình thì tới nhà ga Phố Khẩu chuẩn bị lên xe chạy về phía bắc.
Nhiều người phương Tây đang sống trong thành phố Nam Kinh ở thời điểm đó, họ là các thương nhân hay nhà truyền giáo cho nhiều tôn giáo khác nhau. Khi quân đội Nhật Bản bắt đầu các phi vụ không kích bằng máy bay vào Nam Kinh, đa số người phương Tây và toàn bộ các phóng viên đều quay về nước, chỉ trừ 22 người, gồm cả doanh nhân John Rabe của tập đoàn Siemens (Đức) vì tư cách là một nhân vật Fascio (Phát Xít) và đồng minh song phương Nhật-Đức trong hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản, ông đã ở lại và thành lập ra một ủy ban, gọi là ỦY BAN QUỐC TẾ VỀ AN TOÀN KHU NAM KINH. Rabe được bầu làm lãnh đạo ủy ban này. Ủy ban đã lập ra AN TOÀN KHU NAM KINH ở khu vực phía tây thành phố. Chính phủ Nhật Bản đã chấp nhận không tấn công vào những vùng không có quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng chiếm giữ của thành phố và các thành viên Ủy ban Quốc tế về An toàn khu Nam Kinh đã tìm cách thuyết phục chính phủ Tưởng Giới Thạch rút lui toàn bộ binh sĩ của họ ra khỏi khu vực.
Người Nhật quả thực đã tôn trọng An toàn khu tới một mức độ nào đó, không một quả đạn pháo nào rơi vào khu vực này chỉ trừ vài viên đạn lạc. Trong thời gian hỗn loạn sau cuộc tấn công vào thành phố, một số người đã bị giết hại trong An toàn khu nhưng những hành động bạo lực xảy ra trong khu vực này thấp hơn rất nhiều so với các nơi khác về mọi phương diện.
Ngày 7/12/1937, quân đội Nhật Bản ra một sắc lệnh cho tất cả binh lính, cho rằng hành động chiếm giữ một thủ đô nước ngoài là sự kiện chưa từng có trong lịch sử Nhật Bản, vì thế tất cả những binh sĩ "phạm bất kỳ hành vi sai trái nào", "làm mất danh dự quân đội Thiên Hoàng", "cướp bóc", hay "để hỏa hoạn cháy lan, thậm chí vì lý do bất cẩn" sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Quân đội Nhật Bản tiếp tục tiến về phía trước, chọc thủng những tuyến phòng thủ cuối cùng của quân kháng chiến Trung Quốc và tới sát ranh giới thành phố Nam Kinh ngày 9/12/1937. Vào buổi trưa, quân đội dùng máy bay thả truyền đơn vào thành phố, hối thúc Nam Kinh đầu hàng trong 24 giờ:
"Quân đội Nhật Bản, với sức mạnh 1 triệu quân, đã chinh phục Thường Thục (Tô Châu). Chúng tôi đã bao vây thủ đô Nam Kinh... Quân đội Nhật Bản sẽ không khoan dung với những kẻ phản kháng, trừng phạt chúng nghiêm khắc nhất nhưng sẽ không gây hại tới những thường dân Trung Hoa vô tội cũng như những binh sĩ trong quân đội Quốc dân Đảng và những người không kháng cự. Mong ước cao nhất của chúng tôi là bảo vệ nền văn hóa Đông Á. Nếu quân đội Trung Quốc tiếp tục kháng cự, chiến tranh tại Nam Kinh là không thể tránh khỏi. Nền văn hóa đã kéo dài hơn một nghìn năm sẽ chỉ còn là đống tro tàn và chính phủ Dân Quốc đã tồn tại từ hơn một thập kỷ nay sẽ bị đập tan. Bản sắc lệnh này được gửi dưới danh nghĩa Tổng tư lệnh Quân đội Nhật Bản. Hãy mở cửa thành phố Nam Kinh theo cách hòa bình và tuân theo những huấn lệnh dưới đây."
Quân đội Nhật Bản dừng lại bên ngoài thành phố chờ đợi câu trả lời. Tới 1 giờ chiều ngày hôm sau, khi không thấy phái đoàn Trung Quốc nào tới đầu hàng, tướng Matsui Iwane ra lệnh dùng vũ lực chiếm Nam Kinh. 
Ngày 12/12, sau hai ngày tấn công của quân đội Nhật Bản, với pháo binh dồn dập và những cuộc ném bom yểm trợ từ trên không. Diễn biến tiếp theo là sự hoảng loạn. 15 vạn quân giữ thành Nam Kinh sau ba bốn ngày bắt đầu rút lui. Đường Sinh Trí lúc này đã chạy được tới Từ Châu (Giang Tô), Nam Kinh giờ vô chủ trở nên đại loạn. Hàng loạt binh lính Quốc dân Đảng vứt bỏ binh phục đóng giả thường dân để trốn tránh cuộc chiến không cân sức đang tới ngày càng gần, nhiều người khác bị sĩ quan của họ bắn vào lưng khi tìm cách trốn chạy khỏi thành phố. Những người đã ở bên ngoài thành phố bỏ chạy về phía bắc tới sông Dương Tử, chỉ để thấy rằng không có một chiếc thuyền nào đợi ở đó để cứu họ. Một số người tuyệt vọng nhảy xuống làn nước mùa đông hòng bơi về bờ bắc và chết đuối dưới làn nước lạnh giá.
Ngày 13/12/1937, quân Nhật tiến vào chiếm đóng thành phố mà không gặp khó khăn nào. Trung Quốc quá rộng lớn làm chùn chân người lính, cảm thấy bị sỉ nhục vì không chiếm được Trung Quốc trong vòng 3 tháng như đã hứa với Thiên Hoàng, quân đội Nhật tiến hành chiến dịch giết người, hãm hiếp và cướp phá để trả thù cho tới tháng 3/1938.
Lấy cớ "truy tìm các binh lính Trung Quốc còn ở lại trong thành phố", quân Nhật xông vào mọi nhà cướp phá, lục soát, thấy thanh niên trai tráng là bắn giết. Với binh lính bị bắt làm tù binh, họ cho giết hoặc chôn sống tập thể. Giữa đêm ngày 18 tháng 12 năm 1937, quân Nhật đem toàn bộ 57.418 tù nhân giam trong nhà tù Mạc Phủ Sơn buộc dây thép xuyên qua bàn tay họ với nhau rồi dùng súng máy bắn chết tất cả, một số người còn sống sót trong đám máu và thi thể những người chết bị dùng kiếm giết chết hoặc sử dụng trong các bài tập lưỡi lê, sau đó, toàn bộ xác chết được đem thiêu thành tro bên bờ nam sông Dương Tử.
Ở trong và ngoài thành phố, các thi thể phụ nữ nằm la liệt khắp nơi. Trong một ngôi nhà gần cổng Zin Zong, một phụ nữ ở độ tuổi 60 nằm đó, thi thể sưng húp lên, trên phố Yang Pi, một em gái đã chết, bụng bị mổ và ruột bị moi ra ngoài, hai mắt mở trừng trừng, miệng vẫn còn dính máu. Trên phố Gu Yi Dian, một em gái trạc 12 tuổi nằm đó, quần áo bị xé rách, mắt nhắm, miệng mở.
Trong thời gian sáu tuần tiếp theo kể từ khi Nam Kinh sụp đổ, quân đội Nhật Bản đã thực hiện các hành vi hãm hiếp, giết hại, trộm cướp, và đốt phá. Những lời chứng đáng tin cậy nhất là từ phía những người nước ngoài đã chọn lựa ở lại để bảo vệ những thường dân Trung Quốc khỏi những hành động kinh hoàng đó, gồm những cuốn nhật ký của John Rabe và Minnie Vautrin. Những nguồn tin khác gồm những lời tường thuật từ phía những người sống sót sau vụ thảm sát Nam Kinh. Ngoài ra còn có báo cáo từ phía những nhân chứng tận mắt chứng kiến khác như các nhà báo, cả phương Tây và Nhật Bản, cũng như nhật ký của một số thành viên quân đội. Một nhà truyền giáo Mỹ, John Magee đã ở lại và quay được một cuốn phim 16 mm và một số bức ảnh về vụ thảm sát Nam Kinh. Ngoài ra, dù rất ít cựu chiến binh Nhật thừa nhận từng tham gia vào những hành động tàn ác tại Nam Kinh, một số người mà nổi tiếng nhất là Shiro Azuma đã thừa nhận có thực hiện hành vi đó.
Ngay sau khi thành phố sụp đổ, một nhóm người nước ngoài dưới sự chỉ huy của John Rabe đã hình thành nên Ủy ban Quốc tế gồm 15 người ngày 22/11/1937 và lập ra An toàn khu Nam Kinh để bảo vệ mạng sống của các thường dân trong thành phố, với số lượng khoảng 200.000 tới 250.000 người. Có lẽ con số nạn nhân là dân thường sẽ cao hơn nhiều nếu vùng an toàn này không được lập ra. Rabe và nhà truyền giáo Mỹ Lewis S. C. Smythe, thư ký của Ủy ban Quốc tế, người cũng là một giáo sư tại Đại học Nam Kinh, đã ghi lại những hành động tàn ác của quân đội Nhật Bản và gửi nhiều báo cáo phàn nàn tới đại sứ quán Nhật.
Hãm hiếp
"Hôm nay, có lẽ không có tội ác nào xảy ra ở thành phố này. 30 em gái bị đưa khỏi trường ngôn ngữ (nơi tôi làm việc) đêm qua, và hôm nay tôi nghe thấy nhiều câu chuyện đau lòng của những em gái bị đưa ra khỏi nhà đêm qua - một trong những em đó mới 12 tuổi... tối nay một chiếc xe tải chạy qua chỗ chúng tôi và trong đó là tám hay mười cô gái khác, và khi nó chạy qua họ gào lên "Ging ming! Ging ming!" (cứu chúng tôi!)." (Nhật ký Minnie Vautrin ngày 16/12/1937).
"Đó là một câu chuyện quá khủng khiếp để tường thuật lại, tôi không biết nên bắt đầu và kết thúc ở đâu. Tôi chưa bao giờ nghe hay đọc về một sự tàn bạo đến như vậy. Hãm hiếp: Chúng tôi ước tính ít nhất 1.000 vụ mỗi đêm và rất nhiều vào ban ngày. Trong trường hợp phản kháng hay bất kỳ điều gì có vẻ là sự bất tuân đó sẽ là một nhát lê đâm hay một viên đạn." (James McCallum, thư gửi về gia đình ngày 19/12/1937)
Bên ngoài cổng Hồng Vũ, binh lính Nhật hãm hiếp một phụ nữ đang mang thai rồi cắt bụng nạn nhân, lấy thai nhi ra ngoài. Trong một vụ khác, binh lính Nhật muốn cưỡng hiếp một phụ nữ đang bụng mang dạ chửa, mẹ chồng cô tìm mọi cách ngăn lại. Lập tức, bà bị đá, còn người con dâu bị đâm. Lính Nhật còn dùng dao lấy bào thai ra ngoài.
Cuộc giết chóc bắt đầu
Nhiều người nước ngoài sống tại Nam Kinh vào thời điểm đó đã ghi lại những trải nghiệm của họ về điều đang diễn ra trong thành phố:
John Magee trong bức thư của ông gửi về gia đình: "Sự tàn sát thường dân đang diễn ra một cách kinh hoàng. Tôi có thể viết nhiều trang kể lại những vụ hãm hiếp và sự tàn bạo hầu như đã vượt quá sự tưởng tượng. Hai thân hình bị đâm bằng lưỡi lê là những người còn sống sót duy nhất trong số bảy công nhân vệ sinh thành phố, những người đang ở trong trụ sở làm việc của họ khi quân đội Nhật Bản tràn vào không có bất kỳ một sự cảnh báo nào hay một lý do nào họ giết năm người trong số đó và làm bị thương hai người đang tìm cách chạy trốn tới bệnh viện." trong bức thư gửi cho vợ: "Chúng không chỉ giết bất kỳ tù nhân nào tìm thấy mà còn giết hại rất nhiều thường dân ở mọi lứa tuổi... Chỉ ngày hôm kia thôi bọn anh đã thấy một người nghèo khổ bất hạnh bị giết ngay gần ngôi nhà anh đang sống."
"Chúng dùng lưỡi lê đâm một đứa trẻ, giết nó, và anh đã mất một giờ rưỡi sáng nay để cứu chữa thân thể một đứa trẻ mới lên tám khác với năm vết lê đâm và một phát xuyên tới tận dạ dày nó, nhiều phần ruột đã lòi ra ngoài bụng." (Robert Wilson trong một bức thư gửi về cho vợ)
Phóng viên Tillman Durdin của tờ New York Times đưa tin về thời kỳ đầu cuộc thảm sát viết: "Tôi 29 tuổi và đó là câu chuyện lớn đầu tiên của tôi cho tờ New York Times. Vì vậy, tôi lái xe xuống sát mặt nước. Tôi phải vượt qua những đống xác người chất ở đó. Ô tô phải đi qua những xác chết. Ở sát bờ sông Dương Tử, tôi thấy một đám sĩ quan Nhật hút thuốc, nói chuyện giám sát việc thảm sát một tiểu đoàn lính Trung Quốc vừa bị bắt. Lính Nhật đi thành nhóm khoảng 15 người, được trang bị súng máy. 200 người bị hành quyết trong vòng 10 phút trong sự cổ vũ, tán dương của các khán giả quân đội Nhật." Durdin kết luận vụ thảm sát Nam Kinh là "một trong những tội ác dã man nhất thời hiện đại".
Ngay sau khi thành phố sụp đổ, quân đội Nhật Bản đã tiến hành một chiến dịch tìm kiếm rộng khắp với những cựu chiến binh đối phương với hàng ngàn thanh niên bị bắt giữ. Nhiều tốp người tiếp tục được mang tới pháp trường bên bờ sông Dương Tử, bị hành quyết bằng súng máy để xác họ có thể trôi xuống Thượng Hải. Chặt đầu đã trở thành biện pháp giết người thông dụng nhất, tuy nhiên những hành động giết người tàn bạo khác như thiêu sống, đóng đinh lên cây, chôn sống, và treo lưỡi cũng được áp dụng. Một số người bị đánh tới chết. Người Nhật cũng có thể đơn giản hành quyết những người đi bộ trên đường phố thường bằng acid với lý do họ có thể là binh lính đang cải trang làm dân thường.
Hơn 300 hộ dân trong ngõ Vương Phủ bị quân Nhật nhiều lần tắm máu. Thấy người đi trên đường, lính Nhật bắt rồi chặt đầu, có nhiều gia đình tất cả mọi người đều bị giết. Trong có mấy ngày, hơn 500 người trong con ngõ này đã bị giết.
Hàng nghìn người bị giải đi và bị hành quyết tập thể tại một chiếc hố được gọi là "Hố mười nghìn xác", một cái rãnh dài khoảng 300 mét và rộng 5 mét. Người Trung Quốc được giải đến bên miệng hố rồi lần lượt bị giết cho xác họ rơi xuống tạo thành nấm mồ tập thể. Vì những bản ghi chép không được giữ lại, những con số ước tính về số nạn nhân bị chôn trong hố này trong khoảng từ 4.000 tới 20.000 người. Tuy nhiên, đa số học giả và sử gia coi con số này ở khoảng 12.000 nạn nhân.
Phụ nữ và trẻ em cũng không thoát khỏi sự tàn bạo của cuộc thảm sát. Những nhân chứng kể lại việc các binh sĩ Nhật tung trẻ em lên không và đỡ chúng bằng lưỡi lê. Phụ nữ có thai thường trở thành mục tiêu bị giết hại, họ thường bị đâm lê vào bụng, và thỉnh thoảng bị giết sau khi đã bị hãm hiếp. Nhiều phụ nữ bị hãm hiếp tàn bạo rồi mới bị giết.
John Rabe, thủ lĩnh đảng Quốc xã tại Nam Kinh, cũng phải hoảng sợ trước tội ác của lính Nhật. Ông phụ trách khu vực an toàn quốc tế và đã kể lại những gì đã chứng kiến, ghi lại trên phim. Tuy nhiên, tất cả những điều này bị Đức Quốc xã cấm khi ông trở về Đức.
Tờ "Đông Kinh nhật nhật tân văn" đã lấy tiêu đề "Kỷ lục giết hơn trăm người" nói chuyện một sĩ quan Nhật dùng kiếm giết người có kèm theo ảnh. Kẻ giết nhiều nhất là một lính Nhật đã giết 106 người Trung Quốc.
Quan điểm thận trọng nhất cho rằng diện tích địa lý của vụ thảm sát chỉ nên được giới hạn trong phạm vi vài kilomet vuông của thành phố được gọi là An toàn khu, nơi các thường dân tụ tập sau cuộc xâm chiếm. Nhiều sử gia Nhật Bản đã nắm lấy sự thực rằng trong thời kỳ xâm chiếm của Nhật Bản chỉ có khoảng 200.000-250.000 thường dân tại Nam Kinh như thông báo của John Rabe, để cho rằng con số 300.000 người chết do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đưa ra là sự thổi phồng quá mức.
Tuy nhiên, nhiều nhà sử học cho tầm mức vụ việc diễn ra trên một diện tích rộng bao quanh thành phố. Gồm cả quận Xiaguan (vùng phía bắc thành phố Nam Kinh, kích thước khoảng 31 km vuông) và nhiều khu vực khác bên ngoài thành phố, dân số của cả vùng Nam Kinh trong khoảng 53.500.000 tới 63.500.000 người ngay trước cuộc chiếm đóng của Nhật Bản. Một số nhà sử học cũng gộp sáu huyện khác quanh Nam Kinh vào trong vụ việc này, được gọi là Khu đô thị Đặc biệt Nam Kinh.
Thời gian của vụ việc cũng được định nghĩa theo khu vực địa lý của nó: người Nhật vào khu vực này càng sớm thì thời gian càng kéo dài. Cuộc chiến chấm dứt ngày 13 tháng 12, khi các sư đoàn của Quân đội Nhật Bản vượt qua bức tường bao lấy thành phố Nam Kinh. Tòa án Tội phạm Chiến tranh Tokyo đã định nghĩa giai đoạn cuộc thảm sát là sáu tuần kể từ sau sự kiện đó. Những ước tính khác thận trọng hơn nói cuộc thảm sát bắt đầu ngày 14/12 , khi quân đội xâm nhập An toàn khu, và rằng nó chấm dứt sau 6 tuần. Các nhà sử học định nghĩa vụ Thảm sát Nam Kinh bắt đầu từ khi quân đội Nhật tiến vào tỉnh Giang Tô coi vụ thảm sát bắt đầu vào khoảng giữa tháng 11 tới đầu tháng 12 (Tô Châu thất thủ ngày 19/11), và chấm dứt ở cuối tháng 3 năm 1938. Vì thế, số lượng nạn nhân do các nhà sử học này đưa ra cũng lớn hơn nhiều so với ước tính của những nguồn thận trọng hơn.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc năm 1945, tòa án quân sự quốc tế vùng Viễn Đông đã tuyên án tử hình với Đại tướng Matsui Iwane vì các cáo buộc tội ác chiến tranh loại BC. Ông bị treo cổ ngày 23 tháng 12 năm 1948 và ngày nay được thờ trong ngôi đền Yasukuni ở Tokyo.